Để phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả cao, đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hóa, khi các tội phạm xuyên quốc gia, các tội phạm có tính chất quốc tế ngày càng gia tăng cả về số lượng, mức độ nguy hiểm và sự tinh vi của người phạm tội, điều này đã đặt ra một yêu cầu cấp thiết là sự hợp tác của các quốc gia trên thế giới thông qua các Công ước quốc tế, các Hiệp định đa phương hoặc song phương. Đây là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng giúp các quốc gia thành viên hoặc các bên ký kết trong Hiệp định song phương thực hiện các yêu cầu và đưa ra các yêu cầu về tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm và chuyển giao người bị kết án tù.
Đặc biệt, vấn đề dẫn độ tội phạm luôn được quan tâm, chú trọng đặc biệt bởi nếu không có sự hợp tác quốc tế về dẫn độ tội phạm thì rất khó để đấu tranh với các tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tính chất quốc tế do vấn đề bất khả xâm phạm về chủ quyền quốc gia. Mặc dù hiện nay Việt Nam đã ký kết khá nhiều Hiệp định song phương với các nước về dẫn độ tội phạm như: Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Việt Nam và Trung Hoa, Việt Nam và Campuchia,… nhưng khi xem xét hệ thống pháp luật Việt Nam về dẫn độ tội phạm cho thấy vẫn còn nhiều điểm hạn chế, chưa tương đồng, gây khó khăn cho quá trình hợp tác quốc tế về dẫn độ.
Do đó, trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam có quy định về dẫn độ và chỉ ra những điểm còn hạn chế, chưa tương đồng, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.
1. Những nội dung cơ bản về dẫn độ tội phạm
1.1. Khái niệm dẫn độ tội phạm
Pháp luật Việt Nam từ trước đến nay đã có 02 văn bản quy định về khái niệm dẫn độ. Đầu tiên được quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật Quốc tịch năm 1998 tại phần giải thích từ ngữ.
Cụ thể, dẫn độ được quy định là “việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật đang có mặt trên lãnh thổ của nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với người đó.”
Như vậy, theo quy định tại Điều luật này thì dẫn độ được hiểu là việc “chuyển giao” cho nước ngoài người có hành vi phạm tội hoặc người đã bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp lực pháp luật hiện đang có mặt trên lãnh thổ nước mình. Khái niệm về dẫn độ nói trên cũng đặt ra hai mục đích của việc dẫn độ đó là để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với người đó. Có thể thấy rằng, khái niệm trên đã quy định khá đầy đủ đặc điểm của dẫn độ .
Tuy nhiên, ngoài việc quy định dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì khái niệm trên còn đề cập đến việc thi hành hình phạt đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Quy định “thi hành hình phạt” có lẽ chưa bao quát được hết nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự của người bị yêu cầu dẫn độ. Bởi lẽ khi bị kết án hình sự, ngoài việc phải chấp hành hình phạt thì người bị kết án còn phải thực hiện các nghĩa vụ khác như chấp hành các biện pháp tư pháp, bồi thường thiệt hại và án phí.
Do vậy, cần sửa đổi từ “thi hành hình phạt” thành “thi hành án” mới có thể bao quát được hết nội dung của việc chấp hành bản án. Đến Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, đây là Luật có nội dung bao gồm ba vấn đề lớn đó là tương trợ tư pháp, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Trong đó, tại khoản 1 Điều 32 của Luật này đã một lần nữa quy định về khái niệm dẫn độ. Cụ thể, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó [1].
Khái niệm này cũng khá tương đồng với khái niệm được nêu trong Luật Quốc tịch năm 1998, tuy nhiên đã sửa đổi từ việc dẫn độ để thi hành hình phạt sang dẫn độ để thi hành án đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Điều này đã khắc phục được hạn chế nói trên trong khái niệm dẫn độ được quy định trong Luật Quốc tịch năm 1998.
Mặc dù, cả Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đều có một số quy định về dẫn độ như xử lý trường hợp từ chối dẫn độ công dân Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn, trình tự thủ tục để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ,… nhưng không quy định về khái niệm dẫn độ.
Ngoài các quy định của pháp luật Việt Nam, trong một số văn bản pháp lý quốc tế cũng có ghi nhận khái niệm về dẫn độ như tại Hiệp định mẫu về dẫn độ của Liên Hợp Quốc năm 1990 cũng quy định: Mỗi bên đồng ý dẫn độ cho quốc gia thành viên khác theo quy định tại Hiệp ước, bất cứ cá nhân nào bị truy nã theo quy định của quốc gia yêu cầu về một tội bị dẫn độ, nhằm xét xử hoặc thi hành bản án đối với cá nhân đó [2].
Hay trong các Hiệp định song phương về dẫn độ của Việt Nam và nước ngoài cũng quy định về khái niệm dẫn độ dưới góc độ là nghĩa vụ dẫn độ của nước được yêu cầu. Ví dụ như tại Điều 1 Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha quy định: “Các Bên đồng ý dẫn độ cho nhau, phù hợp với các quy định trong Hiệp định này và theo yêu cầu của Bên kia, những người có mặt trên lãnh thổ của mình đang bị Bên kia truy nã để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành hình phạt hoặc các biện pháp bảo đảm do Tòa án áp dụng, vì một tội có thể dẫn độ.” [3].
Qua các khái niệm nói trên, có thể thấy rằng dẫn độ là việc chuyển giao một người có hành vi phạm tội hoặc đã bị kết án đang có mặt trên lãnh thổ của nước được yêu cầu với hai mục đích là để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành bản án đối với người đó. Tuy nhiên, cần đảm bảo việc dẫn độ phải tuân thủ theo các quy định trong các Điều ước quốc tế đa phương hoặc Hiệp định song phương và pháp luật của quốc gia. Ngoài ra, việc dẫn độ cũng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế như nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc có đi có lại, nguyên tắc định tội danh kép,… Do vậy, có thể đưa ra khái niệm dẫn độ như sau:
“Dẫn độ là việc một nước chuyển giao một người người có hành vi phạm tội hoặc người đã bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình cho nước khác để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó trên cơ sở các quy định của các Điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế.”
1.2. Các trường hợp dẫn độ
Các trường hợp bị dẫn độ được quy định tại Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Theo đó, khoản 1 Điều 33 quy định như sau:
“1. Người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật này là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng”.
Theo quy định trên, một người có thể bị dẫn độ khi thực hiện hành vi phạm tội mà cả Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước của nước yêu cầu đều được coi là tội phạm và quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là quy định phù hợp với nguyên tắc tội phạm kép (double criminality/Dual Criminality), một nguyên tắc đặc thù trong dẫn độ tội phạm. Theo nguyên tắc này thì một người chỉ có thể bị dẫn độ nếu hành vi phạm tội của họ được coi là tội phạm trong pháp luật của cả hai quốc gia yêu cầu và được yêu cầu. Nếu quốc gia được yêu cầu không coi đó là tội phạm thì phải từ chối dẫn độ đối với người bị yêu cầu dẫn độ và nước yêu cầu cũng không thể yêu cầu dẫn độ nếu hành vi đó theo pháp luật quốc gia không phải là tội phạm. Ngoài việc phải đáp ứng điều kiện về tội phạm kép thì mức hình phạt được quy định trong pháp luật của hai quốc gia cũng phải đảm bảo được mức tối thiểu là hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình (theo Luật Tương trợ tư pháp của Việt Nam) hoặc theo thỏa thuận của các quốc gia trong các Điều ước quốc tế. Ví dụ như Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha quy định việc dẫn độ chỉ được thực hiện khi thỏa mãn tội phạm đó phải hình phạt tù với thời hạn từ một năm trở lên theo quy định của pháp luật hai bên [4]. Một mục đích khác của dẫn độ là thi hành bản án của Tòa án đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Đối với việc dẫn độ để thi hành bản án thì cũng phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tội phạm kép nói trên thì phải đảm bảo thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 có đề cập đến nguyên tắc tội phạm kép. Tuy nhiên điều luật quy định hành vi phạm tội không nhất thiết phải thuộc một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu.
Theo quan điểm của tác giả, nếu quy định như trên thì chưa thể hiện được rõ nguyên tắc tội phạm kép cũng như dài dòng, chưa đúng trọng tâm. Do đó, tác giả xét thấy rằng chỉ cần quy định theo hướng hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ được coi là tội phạm theo quy định của cả hai nước yêu cầu và được yêu cầu. Bên cạnh đó, một điều kiện để phát sinh vấn đề dẫn độ đó là có hành vi phạm tội nhưng bỏ trốn và đang hiện diện trên lãnh thổ của nước được yêu cầu, có cơ sở pháp lý để yêu cầu. Ngoài ra, điều kiện để có dẫn độ là có yêu cầu từ một nước, đảm bảo cơ sở pháp lý và không trái với tập quán quốc tế cũng chưa được đề cập tại Điều 33 của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Tác giả kiến nghị nên bổ sung các điều kiện này vào Điều 33 của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
Khoản 3 Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 có quy định vấn đề dẫn độ người phạm tội trong trường hợp hành vi phạm tội xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu. Theo đó, nếu người bị yêu cầu dẫn độ thực hiện hành vi phạm tội ngoài lãnh thổ của nước được yêu cầu thì có thể được dẫn độ nếu theo Bộ luật Hình sự của Việt Nam đây là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, quy định như vậy là chưa đảm bảo được nguyên tắc tội phạm kép, cần bổ sung quy định phải là tội phạm trong pháp luật của nước yêu cầu.
1.3. Các trường hợp từ chối hoặc có thể từ chối dẫn độ cho nước ngoài
1.3.1. Các trường hợp từ chối dẫn độ cho nước ngoài
Các trường hợp từ chối dẫn độ được quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Cụ thể như sau:
“1. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam;
b) Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác;
c) Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam;
d) Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị;
đ) Trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này”.
Trường hợp đầu tiên là không dẫn độ công dân Việt Nam. Đây là nguyên tắc không dẫn độ công dân rất phổ biến trong pháp luật quốc tế. Quốc gia có thẩm quyền đối với công dân của mình mà không bị giới hạn về thời gian và không gian. Mặc dù công dân của họ có thể phạm tội trên lãnh thổ của nước khác và nước đó có yêu cầu dẫn độ thì quốc gia vẫn có quyền từ chối dẫn độ để thực hiện quyền bảo hộ công dân đối với công dân của mình. Tuy nhiên, sau khi từ chối dẫn độ thì quốc gia có công dân bị yêu cầu dẫn độ có thể thực hiện yêu cầu của nước có yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài đã kết án với công dân của họ.
Trường hợp thứ hai Việt Nam từ chối dẫn độ đó là theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác. Đây là một căn cứ thể hiện được nguyên tắc tội phạm kép, bởi mặc dù được quy định là tội phạm trong Bộ luật hình sự nhưng lại hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hết thời hiệu thi hành bản án thì họ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không phải thi hành bản án đó. Còn nếu bị dẫn độ về nước yêu cầu thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc buộc thi hành bản án, điều này sẽ không đảm bảo được nguyên tắc nhân đạo. Ngoài ra, một lý do khác có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đó là được miễn trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ rằng, nếu theo pháp luật Việt Nam, hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng khi bị dẫn độ về nước yêu cầu thì họ lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đó. Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Campuchia cũng có ghi nhận căn cứ này như là một căn cứ để bắt buộc từ chối dẫn độ.
Trường hợp thứ ba Việt Nam sẽ từ chối dẫn độ đó là người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Việc Tòa án của Việt Nam đã xét xử và có bản án kết tội hoặc đã có quyết định đình chỉ theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam có nghĩa rằng hành vi phạm tội được nếu trong yêu cầu dẫn độ đã được xử lý theo pháp luật của Việt Nam. Nếu chấp nhận dẫn độ cho nước yêu cầu thì họ lại bị truy tố và đưa ra xét xử một lần nữa. Điều này là không phù hợp với nguyên tắc không được xét xử hai lần về cùng một hành vi phạm tội, việc bị xét xử lại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người của người bị yêu cầu dẫn độ. Trường hợp khác Việt Nam cũng được từ chối dẫn độ đó là người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị. Căn cứ này có thể xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của pháp luật quốc tế. Nếu một người bị yêu cầu dẫn độ có thể bị truy bức về các lý do như phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính,.. thì Việt Nam sẽ từ chối yêu cầu dẫn độ để đảm bảo an toàn, đảm bảo quyền con người cho họ. Một trường hợp nữa sẽ bị Việt Nam từ chối dẫn độ đó là trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Đây là quy định dẫn chiếu đến các trường hợp bị dẫn độ theo Luật Tương trợ tư pháp, trong đó việc đảm bảo được nguyên tắc tội phạm kép là điều kiện tiên quyết để quyết định dẫn độ hay từ chối dẫn độ. Ngoài ra còn phải đáp ứng điều kiện về quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng. Nếu không thỏa mãn các quy định này thì Việt Nam sẽ từ chối dẫn độ.
Mặc dù khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định khá nhiều trường hợp từ chối dẫn độ, tuy nhiên xem xét các Hiệp định tương trợ tư pháp của Việt Nam và một số nước, tác giả nhận thấy có một số trường hợp mà nước được yêu cầu sẽ từ chối dẫn độ, đây là những trường hợp vừa đảm bảo được tính nhân đạo của pháp luật vừa đảm bảo được nguyên tắc tội phạm kép và các nguyên tắc khác về dẫn độ. Đó là trường hợp Khi người bị yêu cầu dẫn độ đã được xử vô tội hoặc đã bị kết án tại một nước thứ ba về tội danh đó và người đó đã thi hành hình phạt đầy đủ và trường hợp nếu pháp luật nước đó có quy định hình phạt tử hình hoặc tù chung thân không ân giảm mà theo pháp luật Việt Nam không quy định hình phạt tử hình đối với tội danh đó nếu như nước yêu cầu không cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc hình phạt tù chung thân không ân giảm. Do đó, tác giả kiến nghị nên bổ sung các trường hợp trên là trường hợp từ chối dẫn độ.
1.3.2. Các trường hợp có thể từ chối dẫn độ cho nước ngoài
Các trường hợp có thể từ chối dẫn độ là các trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền có thể xem xét để quyết định có từ chối dẫn độ hay không? Các trường hợp này được quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Cụ thể có hai trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền có thể từ chối dẫn độ, đó là hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam và trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.
Đối với trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở Việt Nam có thể từ chối dẫn độ, bởi lẽ trường hợp này người thực hiện hành vi phạm tội chưa bị xét xử và kết tội bằng bản án của Tòa án nên không thuộc trường hợp tại điểm c khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp. Do vậy, khi đang trong quá trình giải quyết vụ án thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể xem xét để quyết định từ chối dẫn độ cho nước ngoài để tiếp tục quá trình tố tụng ở Việt Nam để xét xử người bị yêu cầu về hành vi được nêu trong yêu cầu dẫn độ.
Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng có thể quyết định dẫn độ cho nước ngoài để thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự mà không vi phạm nguyên tắc không xét xử hai lần về một hành vi phạm tội.
Trường hợp thứ hai cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể từ chối dẫn độ là trường hợp hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ thực hiện không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Cũng tương tự như trường hợp thứ nhất, đây là trường hợp mà cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền có thể từ chối dẫn độ hoặc quyết định dẫn độ mà không bắt buộc phải từ chối dẫn độ. Tuy nhiên, theo trường hợp này, hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam, điều này đã vi phạm nguyên tắc tội phạm kép và cũng mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp. Khoản 1 Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp quy định người có thể bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình, có nghĩa rằng đây phải là hành vi được coi là tội phạm ở cả Việt Nam và nước có yêu cầu.
Hay tại khoản 2 Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp cũng quy định hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu, tuy nhiên điều này vẫn phải đảm bảo dù nhóm tội, tội danh hay cấu thành tội phạm không giống nhau giữa hai nước nhưng vẫn phải đảm bảo được việc hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ đều được coi là tội phạm theo pháp luật của hai nước.
Do vậy trường hợp có thể từ chối này phải được quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp là trường hợp từ chối dẫn độ mới đảm bảo được nguyên tắc tội phạm kép.
Ngoài ra, Tại Điều 40 Luật Tương trợ tư pháp cũng ghi nhận thẩm quyền xem xét để quyết định dẫn độ hay từ chối dẫn độ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Do vậy, cần sửa đổi cụm từ “Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền” thành cụm từ “Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp Quân khu” tại các khoản 1, 2, 3 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
1.4. Về quy trình, thủ tục giải quyết yêu cầu dẫn độ của nước ngoài đối với Việt Nam
Để giải quyết các yêu cầu dẫn độ của nước ngoài đối với Việt Nam, Luật Tương trợ tư pháp có quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tại các Điều 38, 39, 40, 42, 42 Luật Tương trợ tư pháp. Cụ thể như sau:
- Tiếp nhận yêu cầu dẫn độ: Sau khi nhận được yêu cầu dẫn độ của nước ngoài, Bộ Công an vào sổ hồ sơ dẫn độ và kiểm tra hồ sơ được gửi đến có đầy đủ theo quy định tại Điều 36, Điều 37 Luật Tương trợ tư pháp hay không trong thời hạn hai mươi ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu sau khi kiểm tra hồ sơ xét thấy chưa đầy đủ thì Bộ Công an yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ cũng cấp thông tin bổ sung. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu bổ sung mà không nhận được thông tin bổ sung thì Bộ Công an chuyển trả hồ sơ cho nước yêu cầu dẫn độ và nêu rõ lý do. Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì Bộ Công an chuyển ngay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền hai bộ hồ sơ để xem xét, quyết định [5].
- Xem xét trong trường hợp nhiều nước yêu cầu dẫn độ đối với một người: Trường hợp một người bị yêu cầu dẫn độ bởi nhiều quốc gia thì Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định đáp ứng yêu cầu dẫn độ cho một trong các nước yêu cầu và chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định dẫn độ. Khi xem xét yêu cầu dẫn độ trong trường hợp có yêu cầu dẫn độ từ nhiều nước thì ngoài các quy định của pháp luật còn phải xem xét đến các yếu tố sau: Quốc tịch hữu hiệu và nơi thường trú cuối cùng của người bị yêu cầu dẫn độ; Tính hợp pháp và mức độ phù hợp của yêu cầu dẫn độ; Thời gian và địa điểm thực hiện tội phạm; Lợi ích riêng của các nước yêu cầu; Mức độ nghiêm trọng của tội phạm; Quốc tịch của người bị hại; Khả năng dẫn độ tiếp theo giữa các nước yêu cầu dẫn độ; Ngày đưa ra yêu cầu dẫn độ; Các yếu tố khác có liên quan. Đây là các yếu tố sẽ được xem xét để quyết định sẽ đáp ứng yêu cầu dẫn độ của quốc gia nào [6].
- Xem xét yêu cầu dẫn độ: Bộ Công an chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh để xem xét. Đây là Tòa án cấp tỉnh nơi người bị yêu cầu dẫn độ đang cư trú, đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc chấp hành hình phạt tù. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải thụ lý và thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp. Trong thời gian chuẩn bị xem xét yêu cầu dẫn độ, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài làm rõ những điểm chưa rõ trong hồ sơ yêu cầu dẫn độ. Các văn này sẽ được gửi qua Bộ Công an. Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày thụ lý, Tòa án sẽ ra một trong các quyết định sau: Xem xét yêu cầu dẫn độ khi có đủ các điều kiện theo quy định của Luật này hoặc đình chỉ việc xem xét yêu cầu dẫn độ và trả hồ sơ cho Bộ Công an trong trường hợp không thuộc thẩm quyền hoặc bên nước ngoài rút yêu cầu dẫn độ hoặc người bị yêu cầu dẫn độ đã rời khỏi Việt Nam hoặc vì lý do khác mà việc xem xét không thể tiến hành được.
Trường hợp quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ khi đủ điều kiện thì Tòa án phải xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 30 ngày và chuyển 01 bộ hồ sơ cho Viện Kiểm sát. Việc xem xét yêu cầu dẫn độ được tiến hành tại phiên họp do Hội đồng gồm ba thẩm phán trong đó có một thẩm phán làm chủ tọa và có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Trình tự của phiên họp cũng được quy định tại khoản 4 Điều 40 Luật Tương trợ tư pháp như sau: Một thành viên của Hội đồng trình bày nội dung hồ sơ của nước yêu cầu dẫn độ và nêu ý kiến về cơ sở pháp lý của việc dẫn độ; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân về việc dẫn độ; Luật sư hoặc người đại diện hợp pháp của người bị yêu cầu dẫn độ trình bày ý kiến, nếu có; Người bị yêu cầu dẫn độ trình bày ý kiến; Căn cứ vào các quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số việc dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ. Sau khi ra quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải gửi cho người bị yêu cầu dẫn độ, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và Bộ Công an [7].
- Giải quyết kháng cáo, kháng nghị: Một trong những quyền quan trọng của người bị yêu cầu dẫn độ là quyền kháng cáo quyết định của Tòa án. Người bị yêu cầu dẫn độ có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị trong thời hạn mười lăm ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định. Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải gửi hồ sơ và kháng cáo, kháng nghị cho Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dẫn độ và kháng cáo, kháng nghị, Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; Hội đồng xem xét phúc thẩm quyết định về việc dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ. Quyết định dẫn độ sẽ có hiệu lực khi quyết định cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị hoặc quyết định của cấp phúc thẩm [8].
- Thi hành quyết định dẫn độ: Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sẽ ra quyết định thi hành quyết định dẫn độ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày quyết định dẫn độ có hiệu lực pháp luật. Quyết định này sẽ được gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, Bộ Công an, nước yêu cầu dẫn độ và người bị dẫn độ. Sau khi nhận được quyết định thi hành quyết định dẫn độ, cơ quan công an có thẩm quyền tiến hành bắt người bị dẫn độ. Việc bắt người bị dẫn độ được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thi hành việc dẫn độ và thông báo bằng văn bản cho nước yêu cầu dẫn độ [9].
Có thể thấy, đối với trường hợp giải quyết yêu cầu dẫn độ của nước ngoài đối với Việt Nam đã được quy định trình tự, thủ tục tương đối đầy đủ trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam xem xét các yêu cầu dẫn độ của nước ngoài, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, việc xem xét yêu cầu dẫn độ của nước ngoài cũng phải bảo đảm các quy định trong các điều ước quốc tế đa phương hoặc hiệp định song phương về dẫn độ. Mặc dù có quy định trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu dẫn độ của nước ngoài đối với Việt Nam nhưng Luật Tương trợ tư pháp lại chưa để cập đến trình tự, thủ tục khi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Việt Nam có bị can, bị cáo hoặc bị án đang bỏ trốn tại nước ngoài. Do đó, để đảm bảo thực hiện thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cần thiết phải bổ sung quy định về trình tự, thủ tục trong trường hợp Việt Nam là nước có yêu cầu dẫn độ (dẫn độ chủ động).
2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về dẫn độ tội phạm
Thứ nhất, bổ sung một số căn cứ để bắt buộc từ chối dẫn độ:
- “Nếu pháp luật nước đó có quy định hình phạt tử hình hoặc tù chung thân không ân giảm mà theo pháp luật Việt Nam không quy định hình phạt tử hình đối với tội danh đó nếu như nước yêu cầu không cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc hình phạt tù chung thân không ân giảm”. Đây là một quy định mang tính nhân đạo cao, bởi lẽ rằng nếu một người bị nước ngoài yêu cầu dẫn độ đang cư trú hoặc có mặt trên lãnh thổ Việt Nam bị dẫn độ về nước đó mà đối với hành vi phạm tội của họ có thể bị tử hình hoặc tù chung thân không ân giảm.
Trong khi nếu Việt Nam từ chối dẫn độ và thực hiện yêu cầu truy cứu trách nhiệm đối với họ theo pháp luật Việt Nam thì họ sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân không ân giảm bởi pháp luật Việt Nam không quy định hình phạt tử hình đối với tội danh đó, ngoài ra pháp luật Việt Nam không quy định hình phạt tù chung thân không ân giảm mà chỉ quy định tù chung thân nhưng sẽ được ân giảm nếu đáp ứng các điều kiện theo luật định. Hơn nữa trong Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha cũng có quy định căn cứ này là một trong những căn cứ bắt buộc từ chối dẫn độ. Do đó, cần thiết bổ sung căn cứ này vào khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp.
- “Khi người bị yêu cầu dẫn độ đã được xử vô tội hoặc đã bị kết án tại một nước thứ ba về tội danh đó và người đó đã thi hành hình phạt đầy đủ” [10]. Theo đó, hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ đã được xét xử bởi một nước thứ ba, có thể họ được tuyên vô tội hoặc bị kết án nhưng đã chấp hành xong bản án kết tội thì không nên bị dẫn độ về nước yêu cầu. Bởi lẽ nếu bị dẫn độ thì họ sẽ bị truy tố, xét xử một lần nữa về cùng một tội danh. Do đó sẽ không đảm bảo được nguyên tắc không bị xét xử hai lần về cùng một hành vi phạm tội. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung căn cứ trên vào khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp .
Thứ hai, bổ sung căn cứ có thể từ chối dẫn độ: Tham khảo Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha, Việt Nam và Algeria cho thấy, đối với căn cứ có thể từ chối dẫn độ, hai Hiệp định nói trên đều ghi nhận căn cứ: “Khi xem xét đến mức độ nghiêm trọng của tội phạm và lợi ích của bên yêu cầu, xét thấy việc dẫn độ không phù hợp với nguyên tắc nhân đạo trên cơ sở xem xét về hoàn cảnh cá nhân của người đó”. Theo đó, mặc dù trường hợp này không thuộc trường hợp bắt buộc phải từ chối dẫn độ nhưng khi xem xét đến nguyên tắc nhân đạo, dựa trên cơ sở xem xét về hoàn cảnh cá nhân của người bị yêu cầu dẫn độ như tuổi già, sức khỏe yếu,… thì vẫn là căn cứ để có thể từ chối dẫn độ cho nước yêu cầu. Hơn nữa, mức độ nghiêm trọng của tội phạm là ít nghiêm trọng hoặc không ảnh hưởng quá lớn đối với lợi ích của bên yêu cầu dẫn độ, xét thấy không cần thiết phải dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ hoặc buộc họ phải thi hành án.
Do vậy, nên bổ sung căn cứ này vào khoản 2 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp. Ngoài ra, như đã phân tích ở phần trên, trường hợp hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam được quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp là không hợp lý, bởi đây là trường hợp không đảm bảo được nguyên tắc tội phạm kép nên phải thuộc trường hợp từ chối dẫn độ. Do đó, trường hợp hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam phải được quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp mới đúng với nguyên tắc tội phạm kép trong dẫn độ.
Thứ ba, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 chỉ quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định dẫn độ trong trường hợp Việt Nam nhận được yêu cầu dẫn độ từ nước ngoài mà chưa quy định cụ thể về thủ tục, thẩm quyền dẫn độ khi Việt Nam là nước yêu cầu dẫn độ [11]. Có thể thấy trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 có quy định khá cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định dẫn độ. Từ khi tiếp nhận yêu cầu dẫn độ (Điều 38) đến xem xét yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người (Điều 39) đến Quyết định dẫn độ (Điều 40), trong đó có quy định rõ thẩm quyền xem xét yêu cầu dẫn độ thuộc cơ quan có thẩm quyền nào. Tuy nhiên, đối với việc yêu cầu nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam thì chỉ được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 Luật này.
Cụ thể Điều luật chỉ đưa ra quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam mà không có quy định rõ cơ quan nào là cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ . Trong khi Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở Việt Nam có thể là Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án. Vậy cơ quan nào có thẩm quyền yêu cầu nước ngoài dẫn độ? Theo quan điểm cá nhân của tác giả, ở giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án thì cơ quan có thẩm quyền tương ứng.
Tuy nhiên, đối với những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện (xác định thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát theo thẩm quyền của Tòa án) thì phải yêu cầu cơ quan tố tụng cấp tỉnh ra yêu cầu. Ngoài ra, cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục việc yêu cầu nước ngoài dẫn độ để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Thứ tư, sửa đổi cụm từ “Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tại các khoản 1, 2, 3 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 thành “Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp Quân khu”. Điều này là bởi lẽ theo Điều 40 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đã xác định sau khi nhận được hồ sơ từ Bộ Công an thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị yêu cầu dẫn độ đang cư trú, đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc chấp hành hình phạt tù phải thụ lý và xem xét.
Tức là đã xác định thẩm quyền xem xét, quyết định dẫn độ hay từ chối dẫn độ thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Do đó, cần thiết sửa đổi cụm từ ““Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền) tại các khoản 1, 2, 3 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 thành “Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp Quân khu” để đảm bảo tính rõ ràng, thống nhất của pháp luật.
Thứ năm, bổ sung trách nhiệm tiếp nhận và chuyển giao yêu cầu dẫn độ cho nước ngoài của Bộ Công an vào Điều 38 của Luật Tương trợ tư pháp. Xuất phát từ vấn đề chưa có trình tự, thủ tục cụ thể để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu dẫn độ đối với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, cần xem xét đến trách nhiệm của Bộ Công an trong việc tiếp nhận đề nghị yêu cầu dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, kiểm tra hồ sơ yêu cầu và chuyển giao cho cơ quan trung ương của nước ngoài để cơ quan trung ương của nước ngoài có thể thực hiện xem xét và chuyển giao yêu cầu dẫn độ của Việt Nam cho cơ quan có thẩm quyền của họ xem xét, quyết định.
Do đó, kiến nghị bổ sung như sau:
"Điều 38a. Tiếp nhận và chuyển giao yêu cầu dẫn độ
Bộ Công an sau khi tiếp nhận được yêu cầu dẫn độ cho nước ngoài và hồ sơ yêu cầu dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Việt Nam phải tiến hành vào sổ thụ lý, kiểm tra hồ sơ và văn bản yêu cầu dẫn độ. Nếu văn bản yêu cầu dẫn độ và hồ sơ yêu cầu dẫn độ đều hợp pháp thì trong thời hạn hai mươi ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Bộ Công an phải chuyển giao văn bản yêu cầu dẫn độ và hồ sơ yêu cầu dẫn độ cho Cơ quan Trung ương có thẩm quyền của nước ngoài. Nếu văn bản yêu cầu dẫn độ và hồ sơ yêu cầu dẫn độ có sai sót thì Bộ Công an yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu phải bổ sung, chỉnh sửa trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa. Sau đó Bộ Công an phải kiểm tra lại và chuyển giao cho nước ngoài theo quy định trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận đủ các văn bản yêu cầu dẫn độ và hồ sơ yêu cầu dẫn độ".
Theo đó, bổ sung Điều 65 Luật Tương trợ tư pháp về trách nhiệm của Bộ Công an theo hướng: “Tiếp nhận, kiểm tra và chuyển giao văn bản yêu cầu dẫn độ và hồ sơ kèm theo của Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Việt Nam cho Cơ quan Trung ương có thẩm quyền của nước được yêu cầu”.
Thứ sáu, sửa đổi Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 theo hướng:
“Điều 33. Trường hợp bị dẫn độ
1. Người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật này là người có hành vi phạm tội mà theo pháp luật của cả nước yêu cầu và Bộ luật Hình sự Việt Nam được coi là tội phạm, quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng, đang bỏ trốn và hiện diện trên lãnh thổ của Việt Nam, có cơ sở pháp lý và không trái tập quán quốc tế.
2. Trường hợp hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu hành vi đó là hành vi phạm tội”.
Thứ bảy, tách các quy định tại Phần thứ tám về hợp tác quốc tế trong Bộ luật tố tụng hình sự, cùng với việc tách riêng các quy định về tương trợ tư pháp, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù trong Luật Tương trợ tư pháp để xây dựng 03 Luật riêng lẻ đó là Luật Tương trợ tư pháp, Luật dẫn độ và Luật chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Điều này là bởi lẽ đây là những nội dung độc lập, không nên được quy định chung trong Bộ luật hình sự cũng như Luật Tương trợ tư pháp. Nhất là nếu quy định dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù trong Luật Tương trợ tư pháp sẽ dẫn đến việc hiểu nhầm dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù trong Luật Tương trợ tư pháp là một phần của hoạt động tương trợ tư pháp.
Kết luận
Kết quả nghiên cứu của bài viết là phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về dẫn độ tội phạm, cụ thể về khái niệm dẫn độ, các trường hợp dẫn độ, các trường hợp từ chối dẫn độ, trình tự thủ tục giải quyết yêu cầu dẫn độ của nước ngoài. Chỉ ra được một số điểm còn hạn chế trong các quy định của pháp luật về dẫn độ và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật. Bài viết cũng tham khảo quy định của một số Hiệp định song phương về dẫn độ tội phạm để từ đó rút kinh nghiệm cho pháp luật Việt Nam về vấn đề này. Những thành tựu của bài viết có thể là tài liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu tiếp theo về vấn đề dẫn độ.
[1] Khoản 1 Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
[2] Hiệp định mẫu về dẫn độ của Liên Hợp Quốc năm 1990, link truy cập: https://digitallibrary.un.org/record/105573/?v=pdf, ngày truy cập: 25/10/2024.
[3] Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha, link truy cập: https://luatvietnam.vn/ngoai-giao/hiep-dinh-ve-dan-do-giua-viet-nam-va-tay-ban-nha-183473-d1.html, ngày truy cập: 25/10/2024.
[4] Điểm a khoản 1 Điều 2 Hiệp định về dẫn độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha, tlđd, truy cập ngày 25/10/2024.
[5] Điều 38 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
[6] Điều 39 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
[7] Điều 40 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.[8] Khoản 5 Điều 40 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
[9] Điều 42 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
[10] Ngô Hữu Phước (2007), Góp ý Dự thảo Luật Tương trợ tư pháp – Phần dẫn độ tội phạm, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 02/2007, tr. 6.
[11] Ngô Hữu Phước (2010), “Thực trạng pháp luật Việt Nam về dẫn độ và những kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 5/2010, tr. 54.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
2. Luật Tương trợ tư pháp năm 2007;
3. Hiệp định mẫu về dẫn độ của Liên Hợp Quốc năm 1990, link truy cập: https://digitallibrary.un.org/record/105573/?v=pdf;
4. Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha, link truy cập: https://luatvietnam.vn/ngoai-giao/hiep-dinh-ve-dan-do-giua-viet-nam-va-tay-ban-nha-183473-d1.html;
5. Ngô Hữu Phước (2007), Góp ý Dự thảo Luật Tương trợ tư pháp – Phần dẫn độ tội phạm, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 02/2007;
6. Ngô Hữu Phước (2010), “Thực trạng pháp luật Việt Nam về dẫn độ và những kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 5/2010.