/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Hoàn thiện một số chính sách để phát triển làng nghề truyền thống tỉnh Nam Định

Hoàn thiện một số chính sách để phát triển làng nghề truyền thống tỉnh Nam Định

08/06/2023 05:49 |

(LSVN) - Nam Định là địa phương có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, trong đó có những làng nghề tồn tại và phát triển hàng trăm năm, sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, với việc phát triển tự phát, nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một trong nền kinh tế cạnh tranh hiện đại… Do vậy, cần phải có chính sách phù hợp để làng nghề tiếp tục phát triển bền vững nhằm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống.

Ảnh minh họa.

Vốn là mảnh đất có truyền thống văn hiến lâu đời, Nam Định có nhiều làng nghề đa dạng, phong phú; từ xưa đã sản xuất ra những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời phục vụ cho việc trao đổi hàng hóa giữa các vùng trong cả nước.

Quá trình hình thành và phát triển làng nghề nông thôn của các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng, nghề thủ công ra đời xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thân của mọi người. Khởi đầu, sản phẩm chỉ là những sản phẩm thô sơ, đơn giản; sau này bằng trí tuệ sáng tạo và bàn tay tài hoa của con người mới “làm đẹp” cho những vật dụng ấy bằng các hoa văn trang trí ngày càng tinh xảo, trở thành các tác phẩm nghệ thuật mang đậm tinh hoa văn hóa dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ thợ thủ công tâm huyết với nghề mà ngày nay, nhiều làng nghề phát triển, làm giàu bằng nghề truyền thống. Nghề truyền thống không chỉ góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, giải quyết việc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn, mà quan trọng hơn, cơ bản hơn, chính là các làng nghề đã lưu giữ và phát triển những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần làm rạng rỡ văn hóa Việt trong khu vực và trên thế giới.

Trước những khó khăn để bảo tồn và phát huy truyền thống của các làng nghề, Tỉnh ủy Nam Định đã xây dựng chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghệp và làng nghề. Trên cơ sở đó xác định việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề là một trong những mục tiêu trọng tâm phát triển kinh tế của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có 142 làng nghề, trong đó có 80 làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận. Làng nghề nông thôn của Nam Định được chia làm 05 nhóm làng nghề chính (1) Nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; (2) Nhóm làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, cơ khí, tái chế; (3) Nhóm làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; (4) Nhóm làng nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; (5) Nhóm làng nghề xây dựng và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn, được phân bổ ở tất cả các huyện và thành phố. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện Hải Hậu: 41 làng nghề (chiếm 28,9%); huyện Ý Yên: 25 làng nghề (chiếm 17,6%) và huyện Nam Trực: 21 làng nghề (chiếm 14,8%). Nhóm làng nghề truyền thống (xuất hiện trên 50 năm) của tỉnh có 29 làng nghề truyền thống, với các sản phẩm như: cây cảnh, đồ đồng, đồ gỗ, mây tre đan... Số đơn vị sản xuất CN-TTCN trong làng nghề là 143 doanh nghiệp, trên 18.100 hộ cá thể, thu hút trên 48.000 lao động nông thôn, tạo thu nhập ổn định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động ở từng địa phương.

Qua khảo sát thực tế ở một số địa phương trong tỉnh cho thấy, một số làng nghề mới như làng nghề trồng cây dược liệu tại huyện Hải Hậu, trồng hoa tại huyện Mỹ Lộc được phát triển mở rộng. Nhiều sản phẩm của làng nghề được xuất khẩu như: đồ mộc, đồ đồng, tre nứa ghép ở huyện Ý Yên; khảm trai, đồ gỗ ở huyện Hải Hậu... Một số sản phẩm của làng nghề đã có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như sản phẩm đồ gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, cây cảnh Điền Xá... Các làng nghề trồng cây cảnh, sản xuất hoa lụa, đồ mộc, đồ đồng thu hút trên 50% lao động của địa phương. Một số làng nghề truyền thống đang hoạt động ổn định và có khả năng phát triển bền vững trong lương lai, có thế mạnh cần duy trì bảo tồn như: các làng trồng hoa cây cảnh Vị Khê, Lã Điền, Trừng Uyên ở xã Điền Xá (Nam Trực); làng nghề đồ gỗ khảm trai Bình Minh, xã Hải Minh (Hải Hậu); làng nghề mộc mỹ nghệ Ninh Xá, Lũ Phong và La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên). Bình quân mỗi năm, giá trị sản xuất của các làng nghề ước đạt gần 6.000 tỉ đồng; trong đó, nhóm hàng chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản chiếm 1,94%; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 10,78%; nhóm hàng sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan... chiếm 48,04%; nhóm gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh 37,30%; nhóm xây dựng, vận tải và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn chiếm 1,92%. Có thể nói, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề ở nông thôn đã thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giảm tỉ lệ hộ nghèo... góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân từ các nhóm ngành nghề trong làng nghề nông thôn từ 2,5 - 6 triệu đồng/ người/tháng tùy theo từng nhóm ngành nghề, nhóm nghề. Thu nhập cao nhất là nhóm nghề sản xuất đồ gỗ, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng và thu nhập thấp nhất là nhóm nghề chiếu, cói, thêu ren.

Mặc dù vậy, quá trình phát triển làng nghề nông thôn ở Nam Định vẫn còn nhiều bất cập, phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, số lượng các hộ, cơ sở sản xuất tại làng nghề đang có xu hướng giảm mạnh qua từng năm. Năm 2013, toàn tỉnh có trên 23,4 nghìn hộ, cơ sở với 55,2 nghìn lao động tham gia sản xuất tại làng nghề thì đến nay chỉ còn 18,7 nghìn hộ, cơ sở tham gia với 44,7 nghìn lao động. Nhiều làng nghề chưa thực sự phát triển bền vững, đa số với quy mô sản xuất nhỏ; năng lực quản lý kinh doanh các chủ hộ, cơ sở sản xuất còn hạn chế. Người sản xuất ở làng nghề khó tiếp cận nguồn vốn và thụ hưởng những chính sách vay ưu đãi để phát triển sản xuất.

Thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Sản phẩm của các làng nghề có nhiều chủng loại nhưng chất lượng chưa cao, sản phẩm đạt mức tinh xảo còn ít, chưa mang tính chủ lực mũi nhọn của địa phương. Việc tiêu thụ sản phẩm tại các làng nghề còn bị động, các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu qua khâu trung gian. Vai trò của các công ty, doanh nghiệp trong đầu tư tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế. Mặt khác, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế nên trong thời gian qua các sản phẩm làng nghề nông thôn Nam Định đã và đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, môi trường ở nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng như: làng rèn Vân Chàng thị trấn Nam Giang, làng nghề làm miến, bánh đa thôn Phượng, xã Nam Dương, làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh, làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn, làng nghề sản xuất hoa nhựa Báo Đáp (Nam Trực); làng nghề ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); làng nghề làm bún Phong Lộc, phường Cửa Nam (thành phố Nam Định); làng nghề sơn mài, tre nứa ghép xã Yên Tiến (Ý Yên)… Thu nhập thấp và không ổn định nên nhiều hộ không còn thiết tha với nghề. Tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề đang có chiều hướng gia tăng dẫn đến nhiều làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Chưa có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho việc duy trì và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống do nguồn lực của địa phương còn yếu. Việc tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho sản xuất của các cơ sở làng nghề còn yếu; thiếu thông tin về thị trường. Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển làng nghề, cán bộ chuyên trách theo dõi lĩnh vực làng nghề, ngành nghề nông thôn còn thiếu và yếu; việc phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý Nhà nước về làng nghề chưa chặt chẽ, quyết liệt. Quá trình phát triển ngành nghề và làng nghề truyền thống thực chất cũng là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Do vậy, việc phát triển làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn có vị trí quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển. Mặt khác, việc phát triển làng nghề phụ thuộc rất nhiều vào vai trò quản lý và hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước phải có những định hướng, thể chế, chính sách hỗ trợ cụ thể thì mới tạo điều kiện để làng nghề truyền thống phát triển trong điều kiện hiện nay:

Một là, chính sách ưu đãi nghệ nhân, khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, đào tạo lớp thợ giỏi kế nghiệp. Nắm lực lượng nghệ nhân, những ông tổ nghề truyền thống, để tìm đến con cháu và dòng họ tổ nghề đã được truyền lại. Mở các hội thi mời các nghệ nhân, thợ thủ công giỏi trình diễn tay nghề, tôn vinh nghệ nhân, tôn vinh tổ nghề, có cơ chế công nhận phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật bằng những lợi ích vật chất, tinh thần xứng đáng... để thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển làng nghề.

Hai là, chính sách đào tạo lao động cho các làng nghề hiện đã được công nhận và đang triển khai hoạt động; xuất phát từ nhu cầu, đặc điểm của từng làng nghề, với những hình thức thích hợp. Quản lý và sử dụng có hiệu quả kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; kinh phí khuyến công trung ương, địa phương... hỗ trợ cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở khu vực nghề và làng nghề tập trung.

Ba là, chính sách vay vốn: Hàng năm tỉnh, huyện cần dành một phần vốn ngân sách, từ các quỹ hỗ trợ đầu tư, quỹ giải quyết việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, vỗn khuyến công… để hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống. Nghiên cứu để có thể sớm ban hành quy chế bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp ở nông thôn. Hỗ trợ vốn tới mức tối đa theo các quy định của Nhà nước để các địa phương triển khai xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề, phối hợp với các tổ chức tín dụng Trung ương và địa phương, các quỹ tín dụng, hình thành môi trường mềm hơn, giúp các tổ, hộ ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển.

Bốn là, chính sách thuế: Đối với các doanh nghiệp mới thành lập hoặc các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ mới, thu hút nhiều lao động khu vực làng nghề hoặc tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và giảm 50% cho 2 năm tiếp theo. Để khuyến khích và tạo cho làng nghề phát triển cần thực hiện việc miễn giảm thuế đối với cơ sở dạy nghề gắn với việc giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, các trung tâm dạy nghề truyền thống, các cơ sở dạy nghề tư nhân. Đồng thời phải kiên quyết xử lý nghiêm minh những cơ sở sản xuất trốn thuế, lậu thuế.

Năm là, khẩn trương hình thành các tổ chức hiệp hội, tư vấn, dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Các cơ quan ban ngành liên quan của tỉnh, huyện cần hướng dẫn thành lập hiệp hội ngành nghề như: cây cảnh, dệt, may, mây tre đan, gỗ... và nâng cao vai trò của các hiệp hội trong nền kinh tế thị trường, bảo vệ uy tín sản phẩm của làng nghề.

Sáu là, bảo vệ môi trường sinh thái cho làng nghề truyền thống. Áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, các đề tài khoa học về xử lý môi trường các làng nghề trọng điểm, sau đó tiến hành xử lý các làng nghề khác trong toàn tỉnh.

Khi quy hoạch làng nghề cần chú ý đến công tác bảo vệ môi trường, có phương án bố trí lại khu sản xuất thành cụm công nghiệp tập trung, áp dụng công nghệ ít ô nhiễm. Ở những nơi sản xuất có chất thải độc hại phải tách khu sản xuất ra khỏi khu nông thôn. Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái trong các làng nghề. Các cấp, các ngành ở địa phương và Trung ương cần có những bộ phận chuyên trách để theo dõi, giám sát thực thi về môi trường cho làng nghề. Giáo dục cho mọi người hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sinh thái. Phải thường xuyên bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về môi trường cho cán bộ trong làng nghề thông qua các trung tâm dạy nghề hoặc các trường đào tạo của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tài chính để các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề thực hiện đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ ít ô nhiễm. Đồng thời có kế hoạch thành lập hệ thống bảo lãnh và bảo hiểm tín dụng cho làng nghề vay vốn không cần tài sản thế chấp để đầu tư vào việc xử lý chất thải và khói bụi độc hại. Thực hiện chế độ khen thưởng kịp thời đối với những làng nghề làm tốt việc bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, chính quyền địa phương nên phát động phong trào bảo vệ môi trường trong các làng nghề cũng như phong trào làng văn hóa ở nông thôn. Tổ chức thí điểm ở một vài làng nghề, sau đó nhân rộng điển hình ra các làng nghề khác trong toàn tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý của nhà nước đối với làng nghề truyền thống. Tập trung vào việc hoạch định mục tiêu, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nói chung, nghề và làng nghề nói riêng. Trên cơ sở đó xây dựng các chương trình đồng bộ với mục tiêu giữ vững và phát triển các làng nghề, du nhập nghề mới, xóa xã trắng nghề. Chú ý khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống.

Để thực hiện sự giúp đỡ có hiệu quả của Nhà nước đối với làng nghề, cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ban ngành Trung ương trong việc định hướng quy hoạch, kế hoạch đầu tư các nguồn vốn hỗ trợ cho xử lý môi trường, nước sạch nông thôn, cải tạo lưới điện, đào tạo nhân lực, thị trường, thuế, vốn…

Tăng cường công tác quản lý làng nghề trong điều kiện hiện nay cần sự trực tiếp chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền xã, phường, thị trấn. Theo dõi và nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của các hộ, các cơ sở sản xuất để các cơ quan cấp trên có thể đưa ra các quyết định đúng đắn có tính khả thi cao. Kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng. Dù tiềm năng còn nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu, khả năng đổi mới công nghệ hạn chế, song các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn lại gánh trên vai sứ mệnh nặng nề, là thành phần chính trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. So với nhiều địa phương trong cả nước thì việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nông thôn tỉnh Nam Định chỉ đang ở mức nhân cấy và duy trì nghề. Vì vậy, không thể để mặc các doanh nghiệp tự xoay sở với muôn vàn khó khăn. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, hệ thống các phòng công thương, Trung tâm khuyến công cần đẩy mạnh việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về các nguồn vốn ưu đãi, các chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp. Việc phân định trách nhiệm quản lý nhà nước cần thống nhất lại và giao cho Sở Công thương làm đầu mối chính, tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển ngành nghề, vừa tập trung được giải pháp và huy động các nguồn lực từ Trung ương đến các địa phương để phát triển.

Như vậy, để phát triển các làng nghề truyền thống tỉnh Nam Định, cần tập trung rà soát, hoàn thiện các chính sách và tiếp tục xây dựng đề án, tích hợp quy hoạch các khu đủ điều kiện phát triển mô hình du lịch làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu để thu hút đầu tư. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về phát triển du lịch gắn với nông thôn mới; tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền với các doanh nghiệp du lịch để đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch cho người dân làng nghề truyền thống. Đổi mới công tác truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên mạng internet (công nghệ 4.0). Tạo sự liên kết phát triển du lịch chặt chẽ giữa các ngành chức năng với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh. Linh hoạt phát triển du lịch trên cơ sở đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường bằng các quy định, chế tài, quy định trách nhiệm đảm bảo môi trường cho các khu, điểm du lịch. Quản lý chặt chẽ điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội... sẽ đem lại lợi ích rất lớn, vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân. Đồng thời là một trong những giải pháp hữu hiệu để tỉnh thực hiện thành công mục tiêu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Thống kê tỉnh Nam Định, Thực trạng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2021 và vị thế trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng , Nxb Thống kê, 2021.
2. Đảng bộ tỉnh Nam Định, Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nxb Nam Định 2020.
3. Tổng kết 4 năm thực hiện chương trình công tác toàn khóa về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làng nghề tỉnh Nam Định, nhiệm kỳ (2015-2020), UBND năm 2021.

TS.VŨ NGỌC HOÀNG

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định

Quy định về đình công theo Bộ luật Lao động năm 2019

Nguyễn Hoàng Lâm