Ảnh minh họa.
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra
Về xác định thiệt hại
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại (TNBTTH) do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, việc thu thập các tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án của tòa án là rất khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ, tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, có thể trước đó đã hư hỏng một phần trong quá trình đương sự sử dụng, trước khi bị gây thiệt hại. Thậm chí tài sản trước khi bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng đã phải chịu sự tác động lâu dài, liên tục của các điều kiện tự nhiên khác nhau và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến quá trình tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng. Ví dụ: Bà A khởi kiện yêu cầu ba chị em bà T phải bồi thường cho bà A có nguyên nhân là bà T xây nhà mới nhưng không che chắn, không bảo đảm các quy tắc xây dựng làm cho nhà bà A bị lún nền, nứt mái. Mặt khác, cũng còn có nguyên nhân phụ là nhà bà A xây dựng đã lâu, đã xuống cấp và hư hỏng nặng trước khi bà T xây nhà. Trong trường hợp này, tòa án xác định mức độ thiệt hại cũng như mức độ lỗi và buộc bà T phải chịu trách nhiệm bồi thường là 3/4, bà A chịu 1/4. Tuy nhiên, quyết định này của tòa án lại không nhận được sự đồng tình của cả hai bên (1).
Khi xét xử, tòa án căn cứ vào giá trị tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng theo kết quả định giá của hội đồng định giá để làm căn cứ buộc bên kia phải bồi thường. Giá trị bồi thường về tài sản được tòa án căn cứ vào giá trị thị trường đối với tài sản đó tại thời điểm xét xử. Tuy nhiên, đối với tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng mà đã qua sử dụng trong thời gian dài, rất khó để có thể đánh giá được giá trị còn lại là bao nhiêu để tòa án căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại (BTTH) về tài sản. Trở lại ví dụ nêu trên, việc xác định chính xác mức BTTH trong vụ việc này rất quan trọng, tòa án phải yêu cầu cơ quan chuyên môn thẩm định xác định rõ: trước khi căn nhà của bà T thi công thì tình trạng căn nhà của bà A như thế nào? Có bị hư hỏng, nghiêng, lún, nứt… hay không để xác định mức BTTH.
Về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại, người phải chịu trách nhiệm BTTH có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng. Bộ luật Dân sự năm 2015 không xác định thứ tự chịu trách nhiệm của các chủ thể, điều đó dẫn đến khó khăn cho tòa án trong việc xác định chủ thể sẽ chịu trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác khi có thiệt hại xảy ra. Khi chủ sở hữu đã chuyển giao cho người khác quản lý, sử dụng rồi thì có phải bồi thường nếu có thiệt hại hay không? Trên thực tế, nếu chủ sở hữu là người đang thực hiện các quyền đối với tài sản hoặc đang được hưởng các lợi ích từ tài sản đó thì chủ sở hữu phải bồi thường, kể cả tại thời điểm đó nhà cửa, công trình xây dựng đang do người khác trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng nếu chủ sở hữu đã chuyển giao quyền khai thác công dụng hoặc hưởng các lợi ích từ nhà cửa, công trình xây dựng khác cho chủ thể khác (người thuê, người mượn…) thì khi nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại, người được chuyển giao sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Như vậy, chủ sở hữu là người có đầy đủ các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình. Chủ sở hữu có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, do đó, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Tuy nhiên, có phải trong mọi trường hợp tài sản là nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì chủ sở hữu đều phải chịu trách nhiệm bồi thường? Có quan điểm cho rằng, vì chủ sở hữu có các quyền năng nói trên nên khi tài sản gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu cũng phải chịu trách nhiệm. Như vậy, trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng của chủ sở hữu gây ra không phụ thuộc vào việc chủ sở hữu có lỗi hay không trong việc quản lý, sử dụng các tài sản đó. Trách nhiệm này xuất phát từ việc chủ sở hữu được hưởng lợi ích từ tài sản. Trong một số trường hợp, chủ sở hữu mặc dù không trực tiếp sử dụng, chiếm hữu tài sản nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm BTTH, đó là trong trường hợp chủ sở hữu giao tài sản cho người khác chiếm hữu, sử dụng vì lợi ích của mình. Đối với các chủ thể khác là người chiếm hữu, cũng có quan điểm tương tự trong việc xác định trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Theo đó, người chiếm hữu nhà cửa, công trình xây dựng là người được chủ sở hữu chuyển giao quyền thông qua một giao dịch dân sự, hoặc được trao cho thông qua quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Cũng như chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản phải chịu trách nhiệm BTTH kể cả trong trường hợp họ có lỗi hay không trong việc nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại cho người khác (2).
Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định theo hướng liệt kê các chủ thể chịu trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Khi xét xử các tranh chấp này, tòa án phải căn cứ vào quy định tại điều luật, thiệt hại thực tế xảy ra, đặc điểm pháp lý của từng chủ thể mới xác định được chủ thể nào phải chịu trách nhiệm BTTH. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, có những trường hợp thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra nhưng chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu được loại trừ trách nhiệm BTTH. Ví dụ: A cho B thuê nhà sử dụng. Ngôi nhà bị sập gây thiệt hại cho C. B là người đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng. Trường hợp nhà sập phát sinh thiệt hại thì A và B là chủ thể phải chịu trách nhiệm BTTH cho C. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp giữa A và B đã thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng ngôi nhà thuộc về người có quyền chiếm hữu, sử dụng là B và nếu có phát sinh thiệt hại do ngôi nhà này gây ra thì B là người hoàn toàn chịu trách nhiệm BTTH, còn A không phải liên đới chịu trách nhiệm. Pháp luật tôn trọng quyền tự nguyện, thỏa thuận của các bên khi xác lập, thực hiện, chấm dứt các quyền, nghĩa vụ dân sự với điều kiện các thỏa thuận này không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Với ví dụ trên, khi phát sinh thiệt hại cho C, cần căn cứ vào thỏa thuận của các bên để xác định trong trường hợp này trách nhiệm BTTH thuộc về B. Như vậy, Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có quy định loại trừ trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra theo sự thỏa thuận của các bên là chưa phù hợp thực tiễn.
Ngoài các chủ thể nêu trên, người phải chịu trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra có thể là người thi công. Trách nhiệm BTTH của người thi công là quy định hoàn toàn mới trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Có thể thấy, trước khi quy định này được bổ sung, việc xác định trách nhiệm BTTH trong nhiều trường hợp thuộc về người thi công hay chủ sở hữu cũng như các chủ thể có liên quan vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Trách nhiệm BTTH của người thi công là trách nhiệm liên đới. Nếu người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường cùng chủ sở hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác.
Thực tiễn xét xử cho thấy, việc buộc chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải chịu trách nhiệm liên đới với người thi công trong khi thiệt hại xảy ra do lỗi của người thi công là chưa phù hợp. Vấn đề đặt ra là tại sao các chủ thể này phải bồi thường trong khi thiệt hại xảy ra do lỗi của người thi công? Sở dĩ, khoản 1 Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định họ phải chịu trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra ngay cả khi họ chứng minh được là mình không có lỗi, bởi vì họ là người được hưởng lợi ích từ việc khai thác, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng, nên khi những tài sản này gây thiệt hại thì họ đương nhiên phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, Điều 605 Bộ luật Dân sư năm 2015 quy định thiệt hại xảy ra do lỗi của người thi công, trường hợp này bản thân chủ sở hữu không hề có lỗi, thậm chí họ cũng là người bị thiệt hại nhưng họ lại phải liên đới chịu trách nhiệm BTTH cùng người thi công là chưa thực sự chính xác.
Về các trường hợp loại trừ trách nhiệm
Các trường hợp loại trừ trách nhiệm không được quy định tại Điều 605 mà được quy định chung tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, chủ thể chịu trách nhiệm BTTH sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Sự kiện bất khả kháng nằm ngoài khả năng dự liệu của các bên và là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại xảy ra. Do đó, hậu quả pháp lý khi giải quyết trách nhiệm BTTH do sự kiện bất khả kháng không thể giống trường hợp bên gây thiệt hại cố ý.
Mặt khác, Điều 605 cũng bỏ xót trường hợp được loại trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi của người thứ ba. Người thứ ba ở đây có thể là cá nhân, tổ chức bất kỳ. Trên thực tế, có rất nhiều công trình xây dựng thuộc danh mục di tích lịch sử phải bảo tồn (nhà cổ, đền, chùa…), đối với những công trình này, việc sửa chữa phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy trong trường hợp vì cơ quan có thẩm quyền không cấp phép sửa chữa khiến công trình bị xuống cấp rồi sụp đổ thì ai phải chịu trách nhiệm BTTH? Nếu căn cứ vào khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đây không thuộc các trường hợp để được loại trừ trách nhiệm bồi thường (thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại). Do đó, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm BTTH. Điều này không phù hợp với lẽ công bằng (3).
Thực tế hiện nay cho thấy, nếu thiệt hại xảy ra, người thứ ba có lỗi mà buộc người thứ ba phải chịu trách nhiệm thì không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Ví dụ: Năm 2003, vợ chồng bà M xây dựng kè đá bao quanh thửa đất (thửa đất này của ông C, bố bà M cho vợ chồng bà). Rạng sáng ngày 29/5/2003, do trời mưa to cộng với đất đá đổ vào trong khu đất quá nhiều đã gây sụt lở đổ kè, làm hư hại nhà kho và nhà cấp 4 của gia đình ông L, phần tiếp giáp với đất của vợ chồng bà M. Bà M đã cho thợ xây lại nhà kho cho ông L, còn nhà cấp 4 thì giữa bà M và ông L chưa thỏa thuận được về việc bồi thường. Ông L yêu cầu ông C bồi thường thiệt hại đối với nhà cấp 4, nên ngày 02/8/2003, ông C đã đồng ý BTTH cho ông L 12 triệu đồng, nhưng sau đó ông C lại từ chối bồi thường, vì cho rằng trách nhiệm bồi thường thuộc về bà M. Ông L đã khởi kiện ông C tại tòa án nhân dân để yêu cầu BTTH. Mặc dù đã được tòa án giải thích về việc khởi kiện ông C là không đúng nhưng ông L vẫn không thay đổi. Vụ việc được giải quyết qua hai cấp tòa án sơ thẩm và phúc thẩm. Mặc dù bản án dân sự phúc thẩm xác định đúng người phải BTTH không phải là ông C mà là bà M, nhưng hội đồng xét xử đã căn cứ vào biên bản hòa giải giữa ông L và ông C để xác định mức mà bà M phải bồi thường là không đúng. Bởi vì, mức bồi thường 12 triệu đồng là sự thỏa thuận giữa ông C và ông L mà không phải giữa bà M và ông L, hơn nữa sau đó ông C lại không chấp nhận sự thỏa thuận này. Ngoài ra, cả hội đồng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm chỉ xác định trách nhiệm BTTH thuộc về bà M là không chính xác. Bởi vì, mặc dù theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 23/6/2003 (đến ngày này vợ chồng bà M mới là người sử dụng hợp pháp mảnh đất đó mà thời điểm xảy ra thiệt hại là ngày 29/5/2003), nhưng kè đá đã được xây dựng từ đầu năm 2003 và tiền xây dựng kè đá là của vợ chồng bà M, nên vợ chồng bà M là đồng chủ sở hữu bờ kè. Do đó, hội đồng xét xử phải xác định chủ thể chịu trách nhiệm BTTH là hai vợ chồng bà M mới đúng quy định pháp luật (4).
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các chủ thể khác
Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 mới chỉ buộc người thi công khi có lỗi phải chịu trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra mà chưa quy định trách nhiệm của các chủ thể khác như người khảo sát, người thiết kế... khi những chủ thể này có lỗi trong việc để xảy ra thiệt hại. Vậy, khái niệm người thi công có hàm chứa, chứa đựng những người này hay không? Nhà cửa, công trình xây dựng là sản phẩm của sức lao động và trí tuệ của nhiều người. Nó là sản phẩm của sự kết hợp giữa nhiều khâu, nhiều công đoạn mà mỗi một khâu, một công đoạn lại do một chủ thể khác nhau đảm nhận: từ khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát... Kết quả, chất lượng của công đoạn trước ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, chất lượng của công đoạn sau. Bản thân người thi công cũng chỉ là người làm theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc thi công trên cơ sở bản thiết kế; mà bản thiết kế lại được kiến trúc sư hoàn thành trên kết quả của bản khảo sát... Vì vậy, việc chỉ xem xét lỗi của người thi công mà không xem xét lỗi của người khảo sát, người thiết kế để yêu cầu BTTH là không công bằng với người thi công và cả chủ sở hữu (5).
Một số đề xuất hoàn thiện quy định tại Điều 605, Bộ luật Dân sự năm 2015
Thứ nhất, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn về việc xác định thiệt hại trong trường hợp tài sản bị hư hỏng do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, theo hướng quy định cụ thể về căn cứ xác định thiệt hại. Trong đó, căn cứ xác định thiệt hại, mức thiệt hại dựa trên mức bình quân tại địa phương nơi xảy ra thiệt hại bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí yêu cầu giám định... Các căn cứ xác định thiệt hại thực tế phải bảo đảm phù hợp theo quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Thứ hai, cần bổ sung các trường hợp được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại là thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng, hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hoặc hoàn toàn do lỗi của người thứ ba.
Thứ ba, cần bổ sung quy định về trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra dựa vào thỏa thuận của chủ sở hữu và người được chủ sở hữu giao quản lý. Nghĩa là, người được chủ sở hữu giao quản lý nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp giữa các bên có thỏa thuận khác không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì việc xác định chính xác chủ thể bồi thường thiệt hại cần dựa trên nguyên nhân gây ra thiệt hại, trách nhiệm thuộc về người có nghĩa vụ quản lý, trông coi nhà cửa, công trình xây dựng khác.
Thứ tư, cần quy định trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra của người thi công thành một điều luật riêng biệt với trách nhiệm BTTH của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng. Bởi lẽ, về bản chất, trách nhiệm của người thi công là trách nhiệm BTTH do hành vi trái pháp luật, có lỗi gây thiệt hại; về nội dung, người thi công có thể phải chịu trách nhiệm độc lập nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người thi công hoặc giữa bên thi công và chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác đã có thỏa thuận với nhau hoặc phải chịu trách nhiệm liên đới. Nội dung của trách nhiệm có thể là trách nhiệm độc lập của người thi công nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người thi công, hoặc có thể là trách nhiệm liên đới trong trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng hoặc người thứ ba cũng có lỗi khiến thiệt hại xảy ra.
Thứ năm, cần bổ sung thêm chủ thể như kỹ sư, kiến trúc sư, người giám sát... phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác do mình thiết kế, giám sát… gây thiệt hại để bảo đảm sự công bằng với người thi công và cả chủ sở hữu.
(1) Hoàng Yến, Bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng - Làm hư nhà hàng xóm phải bồi thường 61 triệu đồng, https://phapluatdansu.edu.vn/2009/10/09/13/50/3932/, ngày 22/9/2022. (2) Lê Huyền, Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, https://luathoanganh.vn/hoi-dap-luat-dan- su/boi-thuong-thiet-hai-do-nha-của-cong-trinh-xay-dung- khac-gay-ra-tha5784.html, ngày 22/9/2022. (3) Đoàn Thị Ngọc Hải, Pháp luật về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra và hướng hoàn thiện, https://tapchitoaan.vn/phap-luat-ve-boi-thuong-thiet-hai-do-nha-cua-cong-trinh-xay-dung-khac-gay-ra-va-huong-hoan-thien, ngày 22/9/2022. (4) Thực tiễn áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, https://luatminhkhue.vn/thuc-tien-ap-dung-phap-luat-ve-trach-nhiem-boi-thuong-do-nha-cua-cong-trinh-xay-dung-khac-gay-ra.aspx, ngày 22/9/2022. (5) Trần Thăng Long - Huỳnh Trương Uyển Vy, Một số vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, Tạp chí Tòa án nhân dân (2022), số 13, tr.4. |
Thạc sĩ BÙI ANH GIÔN
Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu