Ảnh minh họa.
Công ty đại chúng là công ty cổ phần có số lượng cổ đông lớn hoặc sẵn sàng có số lượng cổ đông lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc hoạt động của công ty đại chúng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích một số lượng lớn nhà đầu tư bao gồm lợi ích về cổ tức nhận được từ việc đầu tư vào doanh nghiệp, lợi ích từ sự tăng hay giảm giá cổ phiếu trên sàn và các quyền lợi khác như quyền mua cổ phiếu, cổ tức bằng cổ phiếu... Vì vậy, hành lang pháp lý để quản lý và vận hành công ty đại chúng trở nên hết sức quan trọng, nhằm mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư không tham gia trực tiếp vào việc quản trị và điều hành doanh nghiệp.
Cùng với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, số lượng và quy mô các công ty đại chúng nói chung và các công ty niêm yết nói riêng ngày càng tăng cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã niêm yết đạt gần 1.600 doanh nghiệp, với quy mô vốn hóa lên đến 5,6 triệu tỷ đồng đối với cổ phiếu. Các doanh nghiệp này được đại chúng hóa sở hữu bởi số đông là các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường nhưng lại được quản trị trực tiếp bởi đại diện của các cổ đông lớn. Trên thực tế, luôn tồn tại những mục tiêu lợi ích khác nhau giữa cổ đông nhỏ lẻ và cổ đông lớn. Chẳng hạn, cổ đông nhỏ lẻ thường mong muốn chia cổ tức cao trong khi các cổ đông lớn lại mong muốn tái đầu tư thay vì chia cổ tức. Ngoài ra, cổ đông lớn thường có những mục tiêu chiến lược liên quan đến các hoạt động kinh doanh khác của mình nên có thể có những quyết sách không mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp. Vì vậy, ngày càng cần có những công cụ quản lý nhằm minh bạch hóa thông tin, tiêu chuẩn hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp đại chúng để bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông không tham gia quản trị doanh nghiệp.
Với sự nỗ lực không ngừng của cơ quan quản lý trong việc thiết lập, sửa đổi, bổ sung hệ thống hành lang pháp luật liên quan đến công ty đại chúng, hệ thống các công ty đại chúng ở Việt Nam hiện nay đã trở nên đông đảo trong cộng đồng doanh nghiệp. Qua nghiên cứu về hệ thống pháp luật liên quan đến công ty đại chúng, có thể thấy, pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển các công ty đại chúng ở Việt Nam. Từ việc đưa khái niệm công ty đại chúng vào Luật Chứng khoán 2006, không chỉ nhà quản lý mà bản thân các doanh nghiệp mới nhận thức được sự cần thiết và cơ hội khi chuyển đổi sang công ty đại chúng. Tiếp theo đó, chính hệ thống pháp luật về công ty đại chúng cũng đem đến kiến thức cho các doanh nghiệp về khoa học quản trị công ty đã được đúc rút và phát triển hàng trăm năm trên thế giới. Nhờ đó, thành tựu chung là hiệu quả của các doanh nghiệp sau khi đại chúng hóa hầu hết được nâng cao, phần vì khả năng tự chủ trong việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán, phần vì tiếp thu và áp dụng được những kiến thức quản trị vào doanh nghiệp.
Luật Chứng khoán số 54/2019/ QH14 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và cộng đồng các công ty đại chúng nói riêng. Mặc dù đã có những sửa đổi vô cùng quan trọng, nhưng với kỳ vọng đột phá hơn nữa đối với hệ thống quy định pháp luật về công ty đại chúng, trên phương diện nghiên cứu, cần thiết có những định hướng cụ thể hơn để hệ thống pháp luật về công ty đại chúng có thể thực hiện được vai trò cốt yếu là bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán.
Với những mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán đặt ra cho giai đoạn hiện nay trong bối cảnh hội nhập, cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc thị trường chứng khoán và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút hơn nữa đầu tư trong và ngoài nước, việc hoàn thiện thể chế và phát triển thị trường chứng khoán nói riêng và hoàn thiện quy định về công ty đại chúng nói chung nên trọng tâm vào các vấn đề sau:
Một là, cần tiếp tục củng cố vai trò của công ty đại chúng trong nền kinh tế. Tiếp tục nâng cao nhận thức để dành nguồn lực nghiên cứu, phát triển hệ thống các công ty đại chúng trong tổng thể hệ thống doanh nghiệp Việt Nam như một giải pháp nâng cao chất lượng doanh nghiệp của Việt Nam bên cạnh các mục tiêu, giải pháp về tăng trưởng số lượng doanh nghiệp. Coi công ty đại chúng là một trong những cửa ngõ thu hút vốn đầu tư nước ngoài bên cạnh kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hai là, xây dựng hệ thống pháp luật về công ty đại chúng cần chú trọng bảo đảm sự phù hợp và thống nhất cao trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước… cần xem xét sự đồng bộ cũng như tạo hành lang cho Luật Chứng khoán phát triển. Hiện nay, mặc dù thị trường chứng khoán đã phát triển được hơn 20 năm, nhưng thói quen tư duy khi xây dựng pháp luật vẫn chưa thay đổi, vẫn chưa đặt vai trò và vị trí của công ty đại chúng là trọng yếu trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cần được chú trọng do hệ thống các công ty đại chúng trong tương lai sẽ là hệ thống có quy mô ngày càng lớn, có mức độ ảnh hưởng ngày càng cao đến công chúng và nền kinh tế.
Ba là, một trong những “đầu vào” cho thị trường chứng khoán, nói cách khác là kênh chuyển đổi thành công ty đại chúng có quy mô lớn và chất lượng là việc cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Đây chính là nguồn của thị trường chứng khoán rất lớn và rất quan trọng trong việc tăng không chỉ quy mô mà cả chất lượng thị trường chứng khoán, thông qua việc tăng quy mô và chất lượng công ty đại chúng chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước. Để quá trình này được hiệu quả, hệ thống hành lang về công ty đại chúng và hệ thống hành lang về cổ phần hóa thoái vốn Nhà nước phải thực sự tích hợp và đồng điệu. Một mặt tạo hiệu quả cao nhất cho Nhà nước trong việc thu hồi vốn đầu tư, mặt khác tạo hàng hóa có chất lượng cho thị trường chứng khoán, trở thành điểm nhấn thu hút đầu tư của thị trường.
Bốn là, hoàn thiện cơ sở pháp lý cần hướng tới các thông lệ quốc tế nhằm tạo hành lang thông thoáng thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cần đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… Cụ thể, khi xây dựng hành lang pháp lý cần hướng tới mục tiêu cụ thể để có thể nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên nhóm các thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng của tổ chức MSCI thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo hướng các chuẩn mực và thông lệ của OECD, tạo điều kiện cho công ty đại chúng nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện đăng ký mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài...
Năm là, xây dựng hành lang pháp lý trong giai đoạn này không chỉ nhằm mục tiêu quản lý mà còn hướng tới mục tiêu phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến công ty đại chúng và quản trị công ty đại chúng, bởi công ty đại chúng là khái niệm quen thuộc trên thế giới nhưng vẫn còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp nhận thức tốt về vai trò cũng như lợi ích của mình khi trở thành công ty đại chúng thì ngày càng nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện đăng ký đại chúng. Tỷ lệ các công ty đại chúng trên tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam càng cao thì môi trường đầu tư càng trở nên minh bạch và hiệu quả doanh nghiệp càng được nâng cao.
Sáu là, tập trung vào các quy định nhằm tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán, nâng cao năng lực quản trị công ty và quản trị rủi ro, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về công bố thông tin, quản trị công ty. Cụ thể: (i) Nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm tạo nguồn cung sản phẩm có chất lượng; (ii) Xây dựng lộ trình sớm áp dụng IFRS trong lập báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, đồng thời, nâng cao năng lực và thẩm quyền của sở giao dịch chứng khoán trong việc giám sát tình hình thực hiện các quy định về quản trị công ty của công ty niêm yết; có chế tài về vi phạm quản trị công ty. Theo thống kê, có khoảng 131 nước và vùng lãnh thổ cho phép hoặc bắt buộc áp dụng IFRS khi lập báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trong nước. Ở châu Âu, 31 nước thành viên và 5 vùng lãnh thổ đã áp dụng toàn bộ IFRS.
So với thị trường chứng khoán các nước đã phát triển, thị trường chứng khoán ở Việt Nam vẫn còn non trẻ. Vì vậy, hệ thống pháp luật trong quá trình áp dụng thực tiễn còn có những bất cập chưa lường trước, điều này hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn đầu xây dựng thị trường chứng khoán. Trên đây là một số định hướng cho hệ thống luật chứng khoán, một luật chuyên ngành áp dụng cho các công ty đại chúng và các hoạt động phát hành chứng khoán ra đại chúng. Hy vọng rằng, với những định hướng trên, hành lang pháp lý về công ty đại chúng sẽ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư đại chúng. Đây cũng là sứ mệnh của Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật liên quan.
Thạc sĩ HOÀNG HẢI ANH
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam
Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất