Hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường vàng Việt Nam từ kinh nghiệm của Trung Quốc

13/10/2024 06:33 | 8 giờ trước

(LSVN) - Bài viết phân tích thực trạng chính sách pháp luật trong việc quản lý thị trường vàng tại Việt Nam hiện nay, đồng thời phân tích làm rõ một số điểm cơ bản trong chính sách điều hành thị trường vàng của Trung Quốc, qua đó đề xuất một số gợi ý chính sách cho việc quản lý thị trường vàng tại Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh hoạ.

Thực trạng chính sách quản lý thị trường vàng hiện tại của Việt Nam

Thị trường vàng là một trong những bộ phận trọng tâm của thị trường tài chính không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi quốc tế. Thực tế cho thấy, khi thị trường chứng khoán trong nước và thế giới có những biến động phức tạp, vàng đã thể hiện tốt vai trò là một phương tiện dự trữ giá trị, với mức tăng kỷ lục đạt 2.483,6 USD/ounce vào ngày 18/7/2024 và giữ mức giá dao động quanh 2.300-2.400 USD trong thời gian gần đây. Với những vai trò quan trọng với thị trường tài chính như vậy, việc quản lý thị trường vàng là trọng tâm trong hệ thống pháp luật về tài chính hiện nay của Nhà nước Việt Nam. Thời gian qua, các chính sách đã có những sự điều chỉnh đáng kể nhằm phù hợp với thực tiễn thị trường.

Việc kinh doanh vàng tại Việt Nam sau một thời gian dài bị hạn chế đã được Nhà nước dần dần được nới lỏng kể từ năm 1986, trong đó các biện pháp can thiệp hành chính dần được bãi bỏ và thay thế bằng các chính sách điều chỉnh thị trường hoạt động thương mại vàng. Kết quả đã giúp Chính phủ kiểm soát tình hình lạm phát, ổn định giá vàng, ngoại tệ, duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Các chính sách này dần được củng cố trong giai đoạn đầu những năm 2000 với Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Tuy nhiên, do những biến động và sự bất ổn trong môi trường kinh tế vi mô, vĩ mô cùng với khủng hoảng kinh tế thế giới trong giai đoạn 2008-2012, Chính phủ đã đưa ra một số điều chỉnh hợp lý trong chính sách với sự ra đời của Nghị định số 24/2012/ NĐ-CP nhằm giúp ổn định sự tăng trưởng nóng của giá vàng và thị trường vàng, nổi bật là việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế độc quyền sản xuất vàng thông qua thương hiệu SJC. Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng cho các doanh nghiệp đủ điều kiện, đồng thời kết hợp với các bộ ngành, chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh vàng tại thị trường Việt Nam.

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định về các hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm việc kinh doanh mua bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động khác liên quan đến vàng. Trong Nghị định đã đưa ra các điểm chính về nguyên tắc quản lý như:

Thứ nhất, về việc độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng: Nhà nước là đơn vị độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Thứ hai, vàng được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Ngân hàng Nhà nước sẽ là cơ quan chính thức quản lý các hoạt động liên quan đến việc kinh doanh vàng, bao gồm việc cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng và giám sát các hoạt động liên quan.

Thứ ba, về quy định kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ: để có thể kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ tư, bảo đảm việc tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.

Những quy định của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã kịp thời giải quyết được vấn đề “vàng hóa, đô la hóa” nền kinh tế sau 12 năm. Qua đó cũng đồng thời ổn định được thị trường vàng, tăng cường quản lý đối với thị trường này, khắc phục được tình trạng hiện có lúc đó và bảo đảm được quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, thị trường vàng của Việt Nam vẫn còn tồn tại những vấn đề và bất cập trong quản lý, bao gồm từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, liên quan đến cơ chế, chính sách, tâm lý của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Một là, giá vàng trong nước biến động và có khoảng cách khá lớn so với giá vàng thế giới. Thực tế cho thấy giá vàng trong nước đang giữ mức chênh lệch 2,7 triệu đồng so với giá vàng thế giới, với khoảng giá mua - bán khoảng 1,2-1,7 triệu đồng trên 1 lượng. Nguyên nhân của sự chênh lệch này có thể được lý giải do chính sách độc quyền sản xuất vàng của Ngân hàng Nhà nước, trong khi nhu cầu đầu tư tích trữ vàng của người dân trong nước là rất lớn, nhu cầu vượt quá nguồn cung khiến giá vàng biến động rất khó lường. Theo thống kê, trong giai đoạn cao điểm, có những thời điểm mức giá vàng thay đổi đến 20 lần và khoảng cách giữa giá mua và giá bán lên đến 3-4 triệu đồng/lượng.

Hai là, tình trạng nhập lậu vàng hiện nay đang có những diễn biến khó lường. Do sự chênh lệch giá giữa giá vàng trong nước và thế giới đang khá cao, nên lỗ hổng này đã trở thành món lợi kinh tế cho những tổ chức, cá nhân buôn lậu vàng qua biên giới. Trong năm 2024, rất nhiều vụ án buôn lậu vàng đã bị triệt phá với số lượng tài sản thu giữ có giá trị rất lớn như: vụ án buôn lậu 3 tấn vàng ở cửa khẩu Lao Bảo, vụ án buôn lậu 4.830kg vàng thỏi, trị giá 6.644 tỷ đồng từ Campuchia về Việt Nam do Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Ngọc Giàu cầm đầu…

Với những hệ quả từ tăng trưởng nóng và bất ổn nêu trên, một lượng lớn vàng đang mắc kẹt trong người dân, khiến thị trường vàng trong nước không có sự liên kết giữa thị trường vàng thế giới. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về giải pháp quản lý thị trường vàng nhằm ổn định và phát triển thị trường một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Trong đó cần đưa ra các giải pháp giúp ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế để tránh ảnh hưởng đến thị trường trong nước và bảo đảm an toàn an ninh tài chính của Việt Nam. Từ đó, một vấn đề cấp thiết đặt ra là làm thế nào để tiếp tục phát huy những đóng góp tích cực của thị trường vàng theo hướng an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Cần tìm hiểu và xác định các điểm cốt yếu của thị trường vàng hiện nay, khi vàng được xem là một nguồn vốn lưu thông và kênh đầu tư quan trọng.

Thực trạng các chính sách quản lý thị trường vàng tại Trung Quốc

Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới về số lượng vàng tiêu dùng và là một trong những quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, so với một quốc gia tiêu dùng và ưa chuộng vàng như Ấn Độ thì thị trường Trung Quốc có phần lặng hơn do trước năm 1979 việc sở hữu vàng tư nhân bị coi là bất hợp pháp, nhưng công tác quản lý thị trường vàng lại luôn được quan tâm tại Trung Quốc.

Đạo luật quản lý vàng và chính sách độc quyền quản lý vàng

Trong giai đoạn từ năm 1949 đến 2000, các hoạt động kinh doanh liên quan đến vàng được thống nhất bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), theo Ðiều lệ quản lý vàng và Luật Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, PBOC phụ trách quản lý dự trữ vàng quốc gia, thực hiện phê chuẩn các hoạt động sản xuất, kinh doanh bao gồm gia công, tiêu thụ các sản phẩm vàng, các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng vàng, quản lý và kiểm tra thị trường vàng, giám sát thực thi Ðiều lệ quản lý vàng.

Chính sách mở cửa từng bước tự do hóa thị trường vàng

Trong giai đoạn sau năm 2000, với việc tự do hóa thị trường tài chính, Trung Quốc đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc tự do hóa từng bước thị trường vàng. Về cơ bản, Trung Quốc đã phân kế hoạch ra làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Xóa bỏ chế độ độc quyền kinh doanh vàng và cơ chế kiểm soát giá, đồng thời thành lập Sở giao dịch vàng Thượng Hải.

Giai đoạn 2: Từng bước xóa bỏ cơ chế cấp phép đối với hoạt động sản xuất, bán buôn và bán lẻ vàng, bước đầu là đối với hoạt động bán lẻ, sau đó cho phép cá nhân được tham gia giao dịch vàng miến.

Giai đoạn 3: Xóa bỏ từng bước chế độ quản lý xuất nhập khẩu vàng. Trên cơ sở các bước nêu trên, PBOC đã ban hành các quy định theo hướng nới lỏng quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Sở Giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) được thành lập như là một phần của nỗ lực tự do hóa, tạo ra một thị trường giao dịch vàng tập trung, nơi giá vàng được quyết định bởi cung cầu thị trường.

Chính sách mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài

Đến năm 2003, Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường vàng trong nước, đồng thời nới lỏng các quy định về nhập khẩu và kinh doanh vàng. Trong năm 2006, PBOC cho phép nhà đầu tư cá nhân giao dịch vàng miếng trên SGE và cung cấp dịch vụ kinh doanh vàng tài khoản qua các ngân hàng thương mại. Năm 2010, Chính phủ Trung Quốc nới lỏng các quy định về mua, bán và đầu tư vàng, cho phép nhiều ngân hàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng, cũng như mở cửa thị trường cho các tổ chức và cá nhân đầu tư.

Những ưu điểm so với chính sách của Việt Nam

Có thể thấy, hiện tại những chính sách quản lý vàng của Trung Quốc đang có những ưu điểm hơn so với Việt Nam như sau:

Về xuất nhập khẩu vàng, từ năm 2001 Trung Quốc đã cho nới lỏng về quy định xuất nhập khẩu vàng cho phép nhiều nhiều ngân hàng và doanh nghiệp tham gia. Chính sách này tạo điều kiện cho sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế. Trong khi đó, việc xuất nhập khẩu tại Việt Nam vẫn còn bị kiểm soát nghiêm ngặt bởi Nhà nước giới hạn về số lượng. Điều này khiến thị trường vàng trong nước bị chênh lệch với thị trường quốc tế.

Về thị trường giao dịch vàng, Sở Giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) là trung tâm giao dịch vàng lớn và hoạt động độc lập, với giá vàng được quyết định bởi cung cầu thị trường. Các nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đều có thể tham gia giao dịch. Việt Nam chưa có một sàn giao dịch vàng chính thức như SGE của Trung Quốc. Giao dịch vàng miếng chủ yếu thông qua các tổ chức được cấp phép và chịu sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Về tự do hóa thị trường, Trung Quốc đã tiến hành tự do hóa thị trường vàng thông qua các giai đoạn cụ thể, từ việc xóa bỏ độc quyền, thành lập Sở Giao dịch vàng Thượng Hải (SGE), cho phép doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào thị trường vàng. Tự do hóa này đã giúp Trung Quốc trở thành một trong những thị trường vàng lớn nhất thế giới. Trong khi đó, thị trường vàng nước ta vẫn còn bị kiểm soát khá chặt chẽ. Nhà nước duy trì việc kiểm soát giá vàng và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng, dẫn đến sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Một số gợi ý chính sách cho việc quản lý thị trường vàng tại Việt Nam từ kinh nghiệm của Trung Quốc

Để có thể phát triển thị trường vàng một cách an toàn và bền vững, bảo đảm được sự minh bạch cũng như có được hiệu quả, một số giải pháp khuyến nghị được đưa ra như:

Đầu tiên, đó là thị trường nên được quản lý theo quy luật cung-cầu trên cơ sở liên thông, gắn liền với thị trường quốc tế. Do vàng là tài sản quốc gia và mang tính tiền tệ đặc biệt nên Nhà nước cần có một cơ chế quản lý để có thể huy động tối đa nguồn lực này cho mục tiêu phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô và điều tiết được thị trường khi cần thiết. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét việc loại bỏ thương hiệu SJC, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn cho phép các công ty tư nhân nhập khẩu vàng như: điều kiện kinh doanh, hạn mức nhập khẩu, các tiêu chuẩn về chất lượng, quản lý giám sát quá trình nhập khẩu, hệ thống báo cáo với Ngân hàng Nhà nước. Việc đa dạng hóa nguồn cung sẽ giúp ổn định giá vàng trong nước, bám sát với những diễn biến và giá vàng thế giới, hạn chế các đợt tăng trưởng nóng trong thị trường và giảm bớt áp lực về công tác quản lý cho Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, đó là tự do hóa thị trường vàng, điều này giúp thị trường vàng từng bước phát triển cùng với tiến độ chung của thị trường tài chính. Dựa theo kinh nghiệm từ Trung Quốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể xây dựng một sàn giao dịch vàng với cơ chế hoạt động tương tự như các sàn giao dịch chứng khoán, có sự kiểm soát nhằm luân chuyển vàng từ những khu vực dư thừa sang khu vực thiếu, ổn định thị trường trên toàn lãnh thổ.

Cuối cùng, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng trên toàn quốc. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh của các đại lý kinh doanh trên địa bàn, tập trung xác minh sớm các hành vi đầu cơ tích trữ nhằm thao túng giá vàng trong những thời điểm nóng, tổ chức tập huấn phổ cập kiến thức pháp luật cho người dân về hoạt động đầu tư và kinh doanh vàng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có các chế tài xử phạt nặng hơn đối với hành vi buôn lậu vàng, tăng cường công tác giám sát tại những địa bàn trọng điểm, không ngừng bồi dưỡng kiến thức, bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp đối với các cán bộ phụ trách công tác phòng chống buôn lậu nhằm bảo đảm an ninh, ổn định, phát triển bền vững cho thị trường vàng hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1.      Huỳnh Thế Du, Nguyễn Xuân Thành, Chính sách quản lý và điều tiết thị trường vàng ở Việt Nam theo thời gian, https://thesaigontimes.vn/chinh-sach-quan-ly-va-dieu-tiet-thi-truong-vang-o-viet-nam-theo-thoi- gian, ngày 06/8/2024.

2.      Lục Giang, Cần sửa gấp Nghị định 24 để quản lý, vận hành thị trường vàng, https://laodong.vn/kinh- doanh/can-sua-gap-nghi-dinh-24-de-quan-ly-van-hanh-thi-truong-vang-1353032.ldo, ngày 07/8/2024.

3.      Kỳ Phong, Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giảm trên 32% so với ngày hôm qua, https://vneconomy. vn/chenh-lech-gia-vang-trong-nuoc-va-the-gioi-giam-tren-32-so-voi-ngay-hom-qua.htm, ngày 09/8/2024.

4.      Đan Thuần, Vụ buôn lậu 6 tấn vàng: kiến nghị truy bắt bằng được chủ tiệm vàng Phúc Hằng trốn truy nã, https://tuoitre.vn/vu-buon-lau-6-tan-vang-kien-nghi-truy-bat-bang-duoc-chu-tiem-vang-phuc-hang-tron- truy-na-20240719091439654.htm?gidzl=uD2Q3E_O5shWpvuFwSKHPUBAdW_tm1KygipCNFF0GJYfpCrJ efCNCFtFpLUbbqKrfvwP1J8xERXIwDaNRm, ngày 09/8/2024.

5.      TS. Tô Ánh Dương, Bài học quản lý thị trường vàng Trung quốc và Ấn độ, https://tapchitaichinh.vn/bai- hoc-quan-ly-thi-truong-vang-trung-quoc-va-an-do.html, ngày 09/8/2024.

6.      Tạp chí Công thương, Tìm giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững, https://tapchicongthuong.vn/tim-giai-phap-hoan-thien-chinh-sach-va-phap-luat- ve-quan-ly--phat-trien-thi-truong-vang-an-toan-va-ben-vung-121002.htm, ngày 10/8/2024.

ĐỒNG KHÁNH TOÀN

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN