(LSVN) - Đánh giá công chức nói chung và công chức là trưởng phòng cấp huyện (trưởng phòng) là khâu quan trọng trong công tác quản lý nhân sự hành chính nhà nước, là căn cứ để tuyển chọn, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức. Điều đó còn giúp tăng cường kiểm soát đối với kết quả thực hiện công việc, tăng khả năng dự báo về các nguy cơ trong thực thi nhiệm vụ, bảo đảm tính công bằng trong công tác cán bộ.
Vì vậy, đánh giá chính xác, khách quan đối với trưởng phòng sẽ làm cho toàn bộ quy trình quản lý công chức chính xác, hiệu quả trong tất cả các khâu tuyển chọn, sắp xếp công việc hợp lý, phát huy tốt sở trường; khích lệ, thu hút người tài, người tốt, sa thải những công chức yếu về năng lực, thiếu trách nhiệm và đạo đức. Ngược lại, nếu đánh giá không đúng sẽ dẫn đến sử dụng sai, bổ nhiệm sai khiến cho hiệu quả hoạt động của tổ chức thấp; bản thân trưởng phòng được đánh giá không thực chất, có thể sinh ra chủ quan, tự cao, tự mãn hoặc trái lại sinh ra nản chí, bất mãn, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ; và nguy hiểm hơn cả là làm xói mòn lòng tin của công chức đối với Đảng, với Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Đảng ta đã khẳng định: “Công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, việc thực hiện một số nội dung còn hình thức. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”, “Chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, tạo động lực, bảo vệ cán bộ và thu hút, trọng dụng nhân tài”. “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị”[1].
Để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, bảo đảm sự công bằng, chính xác, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích công chức nói chung, công chức trưởng phòng cấp huyện nói riêng tận tụy cống hiến cho nền công vụ, Nhà nước cần ban hành, hoàn thiện quy định pháp luật về các tiêu chí làm căn cứ cho hoạt động đánh giá công chức. Trong thời gian vừa qua, pháp luật về tiêu chí đánh giá công chức ở nước ta đã dần được hoàn thiện nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện.
Những ưu điểm của pháp luật về tiêu chí đánh giá trưởng phòng cấp huyện
Quy định tiêu chí đánh giá cụ thể, chi tiết và phù hợp với tính chất của vị trí lãnh đạo, quản lý
Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 90/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 56/2015/NĐ-CP) đã quy định các tiêu chí đánh giá công chức với sự phân biệt giữa công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Trưởng phòng cấp huyện được đánh giá dựa trên nội dung đánh giá công chức nói chung bao gồm: (1) chính trị tư tưởng; (2) đạo đức, lối sống; (3) tác phong, lề lối làm việc; (4) ý thức tổ chức kỷ luật; (5) kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Riêng tiêu chí thứ 5, pháp luật hiện hành có quy định riêng đối với công chức lãnh đạo, quản lý.
Có thể thấy, so với Nghị định số 56/2015/NĐ-CP, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đã cụ thể hóa hơn các tiêu chí đánh giá, nhiều tiêu chí dễ nhận diện, dễ thực hiện hơn. Những tiêu chí này đã thể hiện rõ tính chất của vị trí lãnh đạo, quản lý với trách nhiệm quán triệt, thể chế hóa và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; không để xảy ra các vụ, việc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý, tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài; phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; chỉ đạo, thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách, trong đó xác định rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể[2]. Đặc biệt, vì trưởng phòng là đại diện theo pháp luật của một tổ chức, chịu trách nhiệm về hoạt động của tổ chức nên pháp luật đã quy định theo hướng gắn trách nhiệm, kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người lãnh đạo, quản lý với kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị do mình lãnh đạo, quản lý, phụ trách[3].
Mặt khác, pháp luật ngày càng quan tâm và cụ thể hóa các tiêu chí về phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền hoặc không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi là phù hợp với yêu cầu về kiểm soát quyền lực nhằm hạn chế lạm quyền, lộng quyền, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, nhất là đối với vị trí đứng đầu cơ quan, tổ chức. Việc đánh giá dựa trên các tiêu chí cụ thể, phù hợp với vị trí việc làm tương ứng sẽ giúp cho kết quả đánh giá chính xác hơn.
Quy định tiêu chí đánh giá công chức trưởng phòng cấp huyện theo hướng coi trọng kết quả thực thi nhiệm vụ
Những đặc điểm quan trọng của nền hành chính nhà nước hiện đại mà Việt Nam đang hướng tới là coi trọng kết quả đầu ra, coi trọng hiệu quả công việc. Phù hợp với đặc điểm đó, pháp luật về đánh giá công chức hiện hành đã quy định nguyên tắc đánh giá công chức là phải “căn cứ chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể”[4]. Kết quả công việc của công chức được đánh giá trên cơ sở nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao.
Có thể thấy, tiêu chí đánh giá công chức quản lý trong những năm gần đây đã được xây dựng theo hướng lấy mức độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao làm thước đo cơ bản, không chỉ đánh giá theo tiêu chí hoàn thành kế hoạch về số lượng và tiến độ mà coi trọng hơn chất lượng, hiệu quả công việc. Việc thay đổi tên gọi của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP so với Nghị định số 56/2015/NĐ-CP (từ đánh giá và phân loại sang đánh giá và xếp loại chất lượng), đồng thời quy định tiêu chí chất lượng, hiệu quả cao thấp làm căn cứ xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với công chức là một minh chứng. Đánh giá theo kết quả công việc giúp công chức tự ý thức được yêu cầu của công việc và giúp họ xác định được những yếu kém của bản thân về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, qua đó nhận diện được giá trị và đóng góp của mình trong tổng thể hoạt động của tổ chức.
Hạn chế của pháp luật về tiêu chí đánh giá công chức trưởng phòng cấp huyện
Một số quy định về tiêu chí đánh giá còn chung chung, thiếu tính định lượng, khó áp dụng
Tiêu chí thể hiện chất lượng, hiệu quả công việc còn chung chung. Pháp luật quy định công chức lãnh đạo quản lý được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao hay hoàn thành tốt nhiệm vụ khi kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Việc đánh giá như thế nào là bảo đảm chất lượng, hiệu quả hay chất lượng, hiệu quả ở mức cao trong một số tiêu chí sẽ rất khó. Chẳng hạn, với tiêu chí “duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; không để xảy ra các vụ, việc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý, tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài; phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị”[5] được quy định trong phần chung sẽ được phân định mức độ về chất lượng hiệu quả cao thấp thế nào? Chưa kể, tiêu chí “không để xảy ra các vụ, việc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý” nên được hiểu việc xử lý ở đây là xử lý ở mức độ và loại trách nhiệm gì? Nếu coi đây là tiêu chí tối thiểu để hoàn thành nhiệm vụ thì vô hình trung sẽ tạo ra tình trạng thủ trưởng đơn vị không dám xử lý bất kỳ hiện tượng vi phạm kỷ luật nào trong đơn vị, cho dù thực tế có xảy ra…
Tiêu chí đánh giá được quy định chung cho mọi vị trí công chức lãnh đạo, quản lý, chưa có tiêu chí riêng cho vị trí trưởng phòng chuyên môn cấp huyện
Hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp huyện khác với cơ quan chuyên môn thuộc các cấp khác như trung ương, tỉnh. Cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của ủy ban nhân dân cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh[6]. Như vậy, cùng là công chức lãnh đạo, quản lý nhưng vị trí trưởng phòng cấp huyện có những đặc điểm khác chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, khác với vị trí giám đốc sở chuyên ngành thuộc ủy ban nhân dân tỉnh... Việc áp dụng các tiêu chí quy định khá chung chung cho các công chức lãnh đạo, quản lý vào đánh giá công chức trưởng phòng cấp huyện sẽ dẫn đến thiếu chính xác, chưa kể mỗi trưởng phòng cấp huyện là một vị trí có đặc điểm riêng biệt do tính chất, đặc điểm của lĩnh vực chuyên môn mà họ phụ trách quy định. Những quy định về tiêu chí đánh giá chung chung áp dụng cho mọi vị trí công chức lãnh đạo, quản lý chưa thực sự phù hợp với tính song trùng trực thuộc của vị trí trưởng phòng chuyên môn cấp huyện.
Pháp luật về đánh giá trưởng phòng cấp huyện chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của nền hành chính phục vụ
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ, phải lấy mức độ hài lòng của người dân để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước được tích hợp bởi hiệu quả hoạt động của các công chức mà đặc biệt là người đứng đầu - đại diện cho tổ chức, chịu trách nhiệm về hoạt động của tổ chức. Do đó, các công chức trong đó có công chức trưởng phòng cấp huyện phải được đánh giá dựa trên kết quả thực thi nhiệm vụ vì mục tiêu chung của tổ chức là phục vụ nhân dân với các tiêu chí cụ thể về sự hài lòng của nhân dân. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá “thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp”[7]. Điều đó chưa phản ánh đầy đủ yêu cầu đối với hoạt động quản lý nhà nước theo thước đo về tính phục vụ nhân dân
Các quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá công chức chưa thể hiện vai trò đánh giá của người dân với tư cách là đối tượng sử dụng dịch vụ công, là chủ thể ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực thi quyền lực của mình. Pháp luật hiện hành chủ yếu trao quyền đánh giá công chức cho bản thân công chức, cấp ủy đơn vị, đồng nghiệp và quyền quyết định thuộc người đứng đầu đơn vị sử dụng, quản lý công chức. Do đó, kết quả đánh giá mới chỉ thể hiện việc tự đánh giá của cơ quan nhà nước, chưa toàn diện và khách quan.
Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tiêu chí đánh giá công chức trưởng phòng cấp huyện
Một, ban hành bộ tiêu chí đánh giá công chức trưởng phòng cấp huyện
Trước hết, để tạo sự thống nhất, công bằng trong quản lý nhân sự hành chính nhà nước, Chính phủ nên xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá áp dụng chung cho tất cả các vị trí trưởng phòng cấp huyện trên phạm vi cả nước. Bộ tiêu chí này cần được ban hành theo hướng phù hợp với đặc điểm hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp huyện. Đối với vị trí trưởng phòng, bên cạnh những tiêu chí về “quán triệt, thể chế hóa và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách” thì những tiêu chí thể hiện tính sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và vì lợi ích chung của xã hội cần được đề cao. Nhà quản lý không chỉ là người thực thi nhiệm vụ do cấp trên giao mà còn phải là một nhà nghiên cứu thực thụ, có thể kiến giải các chính sách đi trước, đón đầu, mang lại hiệu quả cao trong công việc, có nhiều lợi ích cho xã hội. Vì vậy, cần bổ sung tiêu chí cụ thể về năng lực đề xuất chính sách của công chức lãnh đạo, quản lý nói chung, của trưởng phòng cấp huyện nói riêng.
Mặt khác, xã hội vận động và phát triển không ngừng, thực tiễn đặt ra nhiều tình huống bất ngờ, đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải xử lý (dịch covid-19 là một ví dụ). Vì vậy, cần tách việc thực hiện các nhiệm vụ đột xuất thành một tiêu chí riêng bên cạnh tiêu chí về thực hiện nhiệm vụ có tính kế hoạch. Cũng cần cụ thể hóa tiêu chí “không để xảy ra các vụ, việc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý” phù hợp với vị trí trưởng phòng cấp huyện về mức độ, hình thức trách nhiệm. Những tiêu chí này không chỉ có ý nghĩa ghi nhận mà còn có ý nghĩa định hướng và khích lệ công chức không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng để sẵn sàng tiếp nhận và xử lý các tình huống phát sinh, dám nghĩ, dám làm, từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả trong quản lý và cung ứng dịch vụ công cho xã hội.
Trên cơ sở bộ tiêu chí chung, các bộ chuyên ngành cần xây dựng tiêu chí đánh giá cho từng vị trí trưởng phòng trong từng lĩnh vực chuyên môn vì theo quy định của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì cơ quan chuyên môn cấp huyện bao gồm 10 phòng chuyên môn được tổ chức thống nhất ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ở cấp huyện còn tổ chức một số cơ quan chuyên môn để phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính cấp huyện như phòng kinh tế, phòng quản lý đô thị ở các quận, thị xã, thành phố; phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế và hạ tầng, phòng dân tộc ở các huyện (chưa kể đến tính linh hoạt, đặc thù ở các huyện đảo).
Hai, cần quy định rõ tỷ lệ phần trăm điểm đánh giá từ tiêu chí khảo sát mức độ hài lòng của người dân trong cơ cấu điểm đánh giá trưởng phòng cấp huyện
Nhà nước Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Các công chức nhà nước thực thi nhiệm vụ nhân danh quyền lực được nhân dân ủy quyền và phục vụ cho lợi ích, nguyện vọng của nhân dân. Do đó, việc thực hiện các nhiệm vụ chương trình, kế hoạch hay nhiệm vụ đột xuất đều phải hướng tới mục đích làm hài lòng chủ thể quyền lực. Mọi chương trình, kế hoạch được xây dựng và thực thi đầy đủ nhưng không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, không bảo đảm lợi ích của nhân dân đều không có ý nghĩa.
Vì vậy, mức độ hài lòng của nhân dân phải được coi là một tiêu chí quan trọng để đánh giá trưởng phòng theo đúng định hướng trong Nghị quyết XII của Đảng. Cần bổ sung quy định người dân có quyền đánh giá hoạt động của trưởng phòng thông qua hình thức phản ánh, kiến nghị, trả lời phiếu điều tra.Người dân phải là chủ thể có quyền đánh giá công chức trưởng phòng với tư cách là người thụ hưởng kết quả hoạt động quản lý và cung ứng dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực mà công chức đó phụ trách. Do đó, bên cạnh điểm đánh giá của cơ quan nhà nước, cần quy định tỷ lệ phần trăm điểm đánh giá trưởng phòng cấp huyện của người dân.
Ba, cần quy định ý kiến đánh giá của giám đốc sở chuyên ngành là căn cứ đánh giá công chức trưởng phòng cấp huyện để phù hợp với tính chất “song trùng trực thuộc” của phòng chuyên môn cấp huyện
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, việc đánh giá, xếp loại chất lượng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện. Phòng là cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của trưởng phòng là chủ tịch ủy ban nhân dân huyện sẽ có quyền đánh giá công chức trưởng phòng cấp huyện.
Bên cạnh việc chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trưởng phòng cấp huyện là người đứng đầu phòng chuyên môn, triển khai thực hiện các nhiệm vụ do ủy ban nhân dân cấp huyện giao cho, đồng thời thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo hướng dẫn của sở chuyên ngành. Trưởng phòng có trách nhiệm báo cáo với ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện và sở quản lý ngành, lĩnh vực về tổ chức, hoạt động của cơ quan mình[8]. Như vậy, các sở chuyên ngành mà người đứng đầu là giám đốc sở là chủ thể giao nhiệm vụ, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các trưởng phòng cấp huyện. Do đó, giám đốc sở phải có quyền đánh giá hoạt động của trưởng phòng cấp huyện. Các quy định của pháp luật hiện hành không có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức đánh giá công chức trưởng phòng cấp huyện của giám đốc sở - một chủ thể mà trưởng phòng chịu sự chỉ đạo về chuyên môn và có trách nhiệm báo cáo kết quả công tác. Điều này dẫn đến tính thiếu toàn diện trong đánh giá công chức trưởng phòng, có thể làm giảm hiệu lực quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra của các sở chuyên ngành đối với các phòng và trưởng phòng cấp huyện.
Vì vậy, cần quy định giám đốc sở chuyên ngành có quyền đánh giá trưởng phòng cấp huyện bằng văn bản, gửi chủ tịch ủy ban nhân dân vào ngày cuối cùng của tháng 11 trong năm. Văn bản đánh giá trưởng phòng của giám đốc sở là một căn cứ để chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đánh giá phân loại trưởng phòng. Có thể quy định mức điểm nhất định cho tiêu chí này.
[1] Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII (2018), Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. [2] Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức [3] Điều 2,8,9,10,11 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức [4] Điều 2 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. [5] Điều 2 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/8/2020 về việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. [6] Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. [7] Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/8/2020 về việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. [8] Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. |
Tiến sĩ VŨ NGỌC HÀ Khoa Nhà nước và pháp luật Học viện Chính trị khu vực I |