/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Hoàn thiện quy định pháp luật về di chúc có điều kiện

Hoàn thiện quy định pháp luật về di chúc có điều kiện

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Có thể hiểu, di chúc có điều kiện là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc nhằm mang lại lợi ích cho người thụ hưởng trên cơ sở hành động của người này thực hiện điều kiện mà người để lại di chúc đưa ra. Trên thực tế, người để lại di chúc thường giao nghĩa vụ cho người được hưởng di sản theo di chúc và người lập di chúc có quyền xác lập nguyện vọng của mình trong di chúc với điều kiện dành cho bên thụ hưởng. Chính vì vậy, việc quy định cụ thể về di chúc có điều kiện là cần thiết.

Tuy nhiên, bên cạnh việc trao quyền thì cũng cần quy định hạn chế quyền của người lập di chúc đưa ra điều kiện, chẳng hạn như không chấp nhận điều kiện mà vi phạm điều cấm của luật hay trái đạo đức xã hội hay không thể thực hiện được... Với bài viết này, tác giả nêu lên thực tiễn xét xử một số bản án liên quan tới di chúc có điều kiện để cho thấy sự cần thiết bổ sung quy định pháp luật về di chúc có điều kiện, đồng thời đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về nội dung này.

Ảnh minh họa.

1. Thực tiễn xét xử các bản án liên quan tới di chúc có điều kiện

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về di chúc có điều kiện, nhưng theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người lập di chúc có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế (khoản 4 Điều 626) và quy định “di chúc có thể có các nội dung khác” (khoản 2 Điều 631). Như vậy, chúng ta có thể suy luận các nhà lập pháp “ngầm” chấp nhận di chúc có điều kiện. Do pháp luật chưa quy định cụ thể về di chúc có điều kiện nên hiện nay, về phương diện pháp lý và thực tế, điều kiện di chúc chỉ được chấp nhận và bắt buộc người hưởng di sản thực hiện khi và chỉ khi điều kiện đó không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Do đó, theo tác giả, việc quy định cụ thể về di chúc có điều kiện là thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Với tính chất “đặc thù” của di chúc nên chúng ta nghiên cứu thông qua một số bản án như sau:

Bản án thứ nhất: Trước khi chết, cụ B, cụ U đã phân chia đất cho các con. Trong đó, con trai 05 công, con gái 03 công, các con đã nhận sử dụng không tranh chấp, phần còn lại có làm di chúc và làm giấy bán ruộng để lại cho ông H với diện tích 7.197 m2 là thật. Ông G không nhận cha mẹ có làm di chúc, giấy viết tay bán ruộng cho ông H là không trung thực. Trên thực tế, sau khi nhận phần đất ông G đang ở, di chúc có điều kiện là ông G phải cúng giỗ cho cụ U sau này, nhưng ông không thực hiện nghĩa vụ. Sau khi cụ U bị bệnh, ông H đã rước về nuôi dưỡng đến khi cụ U chết, làm đám tang và cúng giỗ đến nay (về cụ B, ông H thờ và cúng giỗ, theo di chúc đã thực hiện).

Như vậy, có đủ căn cứ xác định ông H được cụ B, cụ U để lại di chúc phần đất 7.197 m2, ông H mua 1.300 m2, tổng cộng là 8.497 m2. Nhưng ông H chỉ được cấp giấy chứng nhận 6.540 m2, hiện đo thực tế phần đất ông H đang sử dụng là 10.036,6 m2, chênh lệch giữa di chúc và diện tích đã mua so với đo đạc thực tế là 1.539,6 m2, so với giấy được cấp là 3.496,6 m2. Theo ý chí của cụ B, cụ U xác định thì chỉ còn 7.197 m2 đã lập di chúc và bán cho ông H.

Tòa án đã xác định tồn tại di chúc có điều kiện trong bản án là ông G phải cúng giỗ cho cụ U sau này, nhưng ông không thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, Tòa án lại không đưa ra được căn cứ nào xác định rõ bản án liên quan tới di chúc có điều kiện. Mặt khác, điều kiện xác lập trong di chúc có điều kiện là liên quan tới nghĩa vụ cấp dưỡng. Vậy có phải điều kiện được xác lập trong di chúc có điều kiện có thể là bất cứ một nghĩa vụ nào mà bên hưởng di sản phải thực hiện thì mới được nhận di sản?

Thông qua lời khai của những người có liên quan và người làm chứng thì người được hưởng di sản đã thực hiện đúng điều kiện được xác lập trong di chúc có điều kiện. Tuy nhiên, Tòa án không đưa ra được căn cứ xác định việc hoàn thành điều kiện. Do đó, nếu không có lời khai của những người có liên quan và người làm chứng, thì cơ sở xác định việc người được hưởng di sản hoàn thành điều kiện sẽ dựa vào đâu? Tổ chức, cá nhân nào có quyền xác nhận cho vấn đề này bởi người lập di chúc đã chết?

Như vậy, mặc dù việc nhận định của cơ quan xét xử về di chúc có điều kiện mới chỉ là nhận định chủ quan, nhưng di chúc có điều kiện đã được xác lập trên thực tế, có tranh chấp dù pháp luật chưa quy định cụ thể.

Bản án thứ hai: Bà T và ông N là hai chị em ruột. Cha của hai ông, bà mất sớm nên bà T và ông N được ông nội là cụ V nuôi dưỡng, chăm sóc. Ông nội chết có để lại 287 m2 đất thổ cư thuộc thửa 44, tờ bản đồ 8-3-1 và phần đất ruộng khoảng 4.000 m2 trong đó có thửa 225, tờ bản đồ 8-1 tọa lạc thị trấn Đ. Do bà T hay bị bệnh nên trước khi ông nội chết đã để lại di chúc lập ngày 05/6/1985 có chứng thực của Ủy ban nhân dân thị trấn Đ với nội dung: Giao tài sản cho ông N quản lý với điều kiện ông N phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc bà T và cho bà T ở trên phần đất cùng căn nhà do ông nội để lại cho ông N. Nhưng hiện nay, ông N không thực hiện theo di chúc của ông nội mà la mắng, xua đuổi bà T. Trên phần đất này có 01 căn nhà cấp 4 hiện nay do bà T và con gái của bà đang sinh sống. Ngoài các tài sản trên, cụ V không để lại tài sản nào khác. Nay bà T làm đơn khởi kiện buộc ông N phải chia cho bà 100 m2 đất thổ cư và 500 m2 đất ruộng thuộc một phần thửa 225, tờ bản đồ 8-1 tại thị trấn Đ để bà có nơi sinh sống và có đất canh tác tạo thu nhập.

Giống như bản án thứ nhất, Tòa án cũng không đưa ra được căn cứ phù hợp nào để xác định điều kiện được xác lập trong di chúc có hợp pháp không và sự tồn tại di chúc có điều kiện trên cơ sở nào?

Trong bản án này, ông N cần thực hiện đúng điều kiện được xác lập trong di chúc, nhưng cơ sở để xác định ông N đã hoàn thành điều kiện trong di chúc thì không có quy định. Tòa án căn cứ vào tình hình thực tế và những người làm chứng để xác nhận ông N đã thực hiện đúng điều kiện trong di chúc. Do đó, với việc xác nhận hoàn thành hay không hoàn thành điều kiện trong di chúc cũng là một nội dung cần được quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của bên thực hiện điều kiện. Điều kiện được xác lập trong di chúc do ý chí của người lập di chúc đưa ra. Di chúc có điều kiện chỉ phát sinh hiệu lực sau khi người lập di chúc chết và điều kiện được hoàn thành. Nhưng khi di chúc có điều kiện phát sinh hiệu lực và người lập di chúc chết thì không có cơ quan hay chủ thể nào có thể xác nhận cho người thực hiện là đã hoàn thành điều kiện. Vì vậy, đây là một trong những nội dung cần quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bên thực hiện điều kiện trong di chúc có điều kiện.

Trên thực tế, người để lại di chúc thường giao nghĩa vụ cho người được hưởng di sản theo di chúc. Người lập di chúc có quyền xác lập nguyện vọng của mình trong di chúc với điều kiện dành cho bên thụ hưởng. Tuy nhiên, có cần thiết phải giới hạn quyền của người lập di chúc thông qua quy định về nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội? Theo tác giả, quy định này là cần thiết nhưng chưa đủ giới hạn quyền hạn của bên lập di chúc đưa ra điều kiện. Bởi với di chúc có điều kiện thì việc được hưởng lợi ích từ di chúc căn cứ vào hành động của người hưởng di sản. Do đó, ở một chừng mực nhất định cũng cần đưa ra những điều kiện nhất định cho phép người lập di chúc được quyền đưa ra điều kiện.

2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về di chúc có điều kiện

Thông qua việc phân tích các bản án trên, theo tác giả, di chúc có điều kiện là một trong những nội dung cần bổ sung, quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự:

Một là, về khái niệm di chúc có điều kiện

Việc không quy định di chúc có điều kiện là một thiếu xót của Bộ luật Dân sự năm 2015. Có thể thấy rằng, tính khác biệt của di chúc có điều kiện đã được thể hiện rõ thông qua các bản án được xét xử tại Tòa án. Do đó, quy định của pháp luật cũng cần kịp thời quy định để bảo đảm quyền của các bên được cân bằng trong giao dịch đặc biệt này. Theo tác giả, trên cơ sở quy định về giao dịch dân sự có điều kiện thì di chúc có điều kiện có thể quy định như sau: “Di chúc có điều kiện được hiểu là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc nhằm mang lại lợi ích cho người thụ hưởng trên cơ sở hành động của người này thực hiện điều kiện mà người để lại di chúc đưa ra”.

Hai là, về điều kiện được xác lập trong di chúc

Bản chất của tặng cho có điều kiện và di chúc có điều kiện thể hiện quyền tự định đoạt của người có tài sản. Tuy nhiên, quy định về tặng cho có điều kiện được quy định rõ ràng về điều kiện tặng cho là không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Vì vậy, theo tác giả, điều kiện được xác định trong di chúc có điều kiện cần cụ thể hóa và có thể quy định như sau: “Điều kiện thực hiện phụ thuộc vào một sự kiện chưa chắc chắn. Trong mọi trường hợp, những quy định về điều kiện không thể thực hiện được hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội được coi là không có”.

Ba là, về hiệu lực của di chúc có điều kiện

Như đã đề cập ở trên, Tòa án khi xử lý các việc dân sự liên quan tới di chúc có điều kiện thường xem xét xác nhận điều kiện không phù hợp với pháp luật, tuyên vô hiệu di chúc có điều kiện và chia di sản thừa kế theo pháp luật. Vậy, cơ quan tài phán thừa nhận gián tiếp hiệu lực của di chúc có điều kiện có sự liên quan tới điều kiện được xác lập trong di chúc có điều kiện đó. Do đó, hiệu lực phát sinh di chúc có điều kiện được xác định khác thời điểm so với di chúc thông thường bởi cần lưu ý tới lợi ích của bên thụ hưởng theo di chúc.

Nếu đối chiếu vào các điều khoản được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, với di chúc có điều kiện thì thời điểm phát sinh hiệu lực không xác định được vào thời điểm mở thừa kế bởi có liên quan tới điều kiện được xác lập trong di chúc đó. Do vậy, khi di chúc có điều kiện quy định người hưởng di sản phải thực hiện điều kiện trước hoặc sau thời điểm mở thừa kế thì khi người hưởng di sản thực hiện điều kiện đó thì mới xem như di chúc có điều kiện có hiệu lực dù trên thực tế có thể đã chuyển quyền sở hữu di sản từ người chết cho người thừa kế.

Quy định này được Bộ luật Dân sự Nhật Bản năm 1896 quy định tại Điều 985: “Trong trường hợp khi di chúc bị phụ thuộc vào một điều kiện treo và nếu điều kiện này được thực hiện sau khi người lập di chúc chết thì di chúc trở nên có hiệu lực từ khi điều kiện thực hiện”. Bộ luật Dân sự Nhật Bản năm 1896 xác định rõ thời điểm di chúc có điều kiện phát sinh hiệu lực sẽ phụ thuộc vào điều kiện được xác lập trong di chúc có điều kiện đó. Do vậy, theo tác giả, đối với hiệu lực của di chúc có điều kiện cần được cụ thể hóa: “Di chúc có điều kiện có hiệu lực khi điều kiện được thực hiện”.

Bốn là, về hậu quả pháp lý của việc thực hiện điều kiện trong di chúc

(i) Liên quan tới việc xác định điều kiện đã hoàn thành. Tác giả cho rằng, cần thiết bổ sung quy định này. Theo như cách giải quyết của một số Tòa án trong thực tiễn thì căn cứ vào người làm chứng đưa ra lời khai xác định bên thụ hưởng di sản đã hoàn thành điều kiện được xác lập trong di chúc. Tuy nhiên, nếu trường hợp không có lời khai của người làm chứng thì căn cứ cơ sở nào? Theo tác giả, có thể xác định vấn đề này như Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan năm 1925. Điều 1675 Bộ luật này quy định: “Khi một di sản bị đặt phụ thuộc vào một điều kiện lệ thuộc trước, thì người thụ hưởng theo việc sắp đặt bằng di chúc đó có thể đề nghị Tòa án chỉ định một người quản lý tài sản để lại, cho đến khi điều kiện đó sẽ được hoàn thành hoặc khi việc hoàn thành đó sẽ trở nên không thể thực hiện được”.

Như vậy, Bộ luật Dân sự của Việt Nam có thể bổ sung quy định như sau: “Bên hưởng di sản có thể đề nghị Tòa án xem xét chỉ định người giữ di sản và xác nhận điều kiện đã được hoàn thành theo như di chúc có điều kiện”.

(ii) Người thụ hưởng di sản đã hoàn thành điều kiện được giao. Trường hợp này, việc xác định hoàn thành điều kiện của bên thụ hưởng di sản căn cứ vào kết quả của hành động. Do đó, trên cơ sở kết quả của hành động thì người thụ hưởng di sản sẽ được phép hưởng di sản. Trong chế định tặng cho tài sản có điều kiện được Bộ luật Dân sự năm 2015 dự liệu rất rõ các tình huống xảy ra liên quan đến điều kiện. Cụ thể khoản 2, khoản 3 Điều 462 Bộ luật này quy định:

“2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Theo tác giả, đối với di chúc có điều kiện cũng cần cụ thể hóa nội dung đó trong Bộ luật Dân sự. Theo đó, trường hợp người thụ hưởng đã hoàn thành điều kiện thì được nhận phần di sản; trường hợp người thụ hưởng đã thực hiện nhưng sau đó không tiếp tục thực hiện thì theo tác giả, trường hợp này được xác định là điều kiện chưa hoàn thành và người thụ hưởng không được nhận di sản. Bởi lẽ, căn cứ vào quy định liên quan tới hiệu lực của di chúc có điều kiện thì hiệu lực chỉ phát sinh khi điều kiện được thực hiện và hoàn thành.

Vì vậy, đối với di chúc có điều kiện thì có thể được quy định như sau: “Điều kiện được xác lập trong di chúc có điều kiện được hoàn thành thì bên hưởng di sản được nhận phần di sản được chuyển giao theo di chúc có điều kiện. Trường hợp người hưởng di sản không thực hiện điều kiện hoặc không hoàn thành điều kiện thì sẽ không được hưởng di sản mà di sản sẽ được chia theo pháp luật”.

(iii) Người thụ hưởng di sản bị hạn chế quyền trong việc hưởng di sản, cụ thể như điều kiện trong di chúc được phép sử dụng di sản mà không được chuyển nhượng di sản đó. Thường thì người lập di chúc sẽ đưa ra những điều kiện nhằm ràng buộc “lâu dài” người được hưởng di sản thông qua điều kiện này. Vậy, điều đó có được coi là hạn chế quyền tự do định đoạt của bên thụ hưởng di sản thừa kế? Bởi lẽ, trong mối quan hệ giữa bên để lại di chúc và bên thụ hưởng thì có phần nghiêng theo hướng người thụ hưởng đương nhiên được hưởng lợi ích mà người lập di chúc để lại mà không xem xét ở điều kiện “gây nặng gánh” cho bên thụ hưởng.

Ví dụ, Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 quy định tại Điều 900-1: “Những điều khoản quy định không cho phép chuyển nhượng di tặng chỉ có giá trị nếu chỉ là tạm thời và được chứng minh bằng một lợi ích chính đáng. Ngay trong trường hợp này, người được di tặng có thể được Tòa án cho phép định đoạt tài sản nếu việc cấm chuyển nhượng không cần thiết nữa hoặc mới phát sinh một lợi ích lớn hơn...”. Quy định của Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 đã hạn chế quyền chuyển nhượng đối với người được di tặng chỉ mang tính chất tạm thời và Tòa án có quyền xem xét và quyết định thời điểm định đoạt tài sản của bên được di tặng.

(iv) Do hoàn cảnh thay đổi, điều kiện được xác lập trong di chúc gây cản trở, khó khăn cho người hưởng di sản. Từ thời điểm lập di chúc đến khi di chúc có hiệu lực thường là một khoảng thời gian khá dài, do đó, trong giai đoạn chờ đợi này vẫn có thể xảy ra những điều kiện làm thay đổi điều kiện ban đầu được xác lập trong di chúc. Quy định liên quan tới tác động của hoàn cảnh thay đổi chỉ được quy định cho hợp đồng theo Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo tác giả, trong trường hợp điều kiện được ghi nhận trong di chúc gây khó khăn hoặc không thể thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại điều kiện và trách nhiệm kèm theo di sản đó nhằm đảm bảo quyền lợi của người hưởng di sản, bởi đây là yếu tố khách quan không do người hưởng di sản tác động.

Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 quy định tại Điều 900-2: “Người được tặng cho hoặc di tặng có thể đề nghị Tòa án xem xét lại những điều kiện và trách nhiệm kèm theo các tài sản tặng cho hoặc di tặng mà họ đã nhận nếu do hoàn cảnh thay đổi, việc thực hiện trở nên đặc biệt khó khăn hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ”. Do đó, theo tác giả, quy định này có thể bổ sung như sau: “Do hoàn cảnh thay đổi, việc thực hiện điều kiện trong di chúc có điều kiện trở nên đặc biệt khó khăn hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho bên hưởng di sản thì người này có thể đề nghị Tòa án xem xét lại những điều kiện và trách nhiệm kèm theo di chúc có điều kiện đó”.

ThS. PHÙNG BÍCH NGỌC
Đại học Thương mại Hà Nội
(Tạp chí Dân chủ & Pháp luật)
/oan-sai-trong-to-tung-hinh-su-nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien.html