Ảnh minh họa.
Định giá tài sản trong tố tụng hình sự đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tính chất, mức độ của từng tội danh cụ thể, qua đó xác định chính xác khung hình phạt, mức hình phạt được áp dụng. Chính vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã quy định cụ thể về định giá tài sản tại các Điều 69, 101, Điều 215 đến Điều 222, bao gồm: Yêu cầu định giá tài sản; thời hạn định giá tài sản; tiến hành định giá, định giá lại tài sản; định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn; định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt; kết luận định giá tài sản; quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản. Để hướng dẫn thi hành BLTTHS năm 2015 về định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự. Sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 (gọi tắt là Nghị định số 30 và Nghị định số 97).
BLTTHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung so với BLTTHS năm 2003, quy định hẳn một chương về giám định và định giá tài sản, đồng thời đã có các văn bản pháp luật khác quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, khi nghiên cứu và áp dụng, cho thấy những quy định xoay quanh vấn đề định giá tài sản trong tố tụng hình sự vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục hoàn thiện để góp phần áp dụng các quy định này hơn nữa.
Về nguyên tắc định giá tài sản
Cần bổ sung nguyên tắc “định giá tài sản đối với những vật, tài sản có tính năng đặc biệt cần phải xem xét yếu tố đặc thù của những vật, tài sản đó”. Bởi, khoản 1 Điều 217 BLTTHS năm 2015 quy định về tiến hành định giá tài sản như sau: Việc định giá tài sản do hội đồng định giá tài sản tiến hành. Phiên họp định giá tài sản có thể thực hiện tại nơi có tài sản được định giá hoặc nơi khác theo quyết định của hội đồng định giá tài sản.
Để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại, Nghị định số 30 đã quy định việc định giá phải phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá. Một trong các căn cứ định giá tài sản là giá thị trường của tài sản, có thể được xác định theo giá bán buôn, giá bán lẻ của tài sản cùng loại hoặc tài sản tương tự.
Quy định chung là như vậy, tuy nhiên đối với một số tài sản là gia súc, gia cầm hay thú nuôi, đồ cổ… thì việc định giá chưa được thực hiện đúng theo quy định trên mà phần lớn dựa vào nhận thức chủ quan của các cơ quan, người tiến hành tố tụng để vận dụng trong thực tiễn. Do đó, đề xuất cần bổ sung nguyên tắc “định giá tài sản đối với những vật, tài sản có tính năng đặc biệt cần phải xem xét yếu tố đặc thù của những vật, tài sản đó”; đồng thời cần có hướng dẫn việc định giá tài sản là gia súc, gia cầm, thú nuôi đúng với giá trị thực tế của tài sản bị xâm hại; kịp thời khắc phục thiếu sót nêu trên.
Về trách nhiệm của các cá nhân
Cần bổ sung và làm rõ quy định về việc người bị thiệt hại về tài sản không đề nghị định giá tài sản thì buộc họ phải cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản được định giá để làm căn cứ giải quyết vụ án, để giải quyết tình trạng bất cập này trong thực tế. Nghị định số 30 đã quy định về trách nhiệm cá nhân, nhưng lại chưa quy định rõ về nội dung này.
Về quyền của những người tham gia tố tụng đối với kết luận định giá tài sản
Theo khoản 3 và khoản 4 của Điều 222 BLTTHS năm 2015, bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá tài sản; được đề nghị định giá lại tài sản. Trường hợp cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tuy nhiên, quy định trên chỉ mang tính đánh giá chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng, chưa có cơ sở pháp lý. Hiện luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định. Nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết đề nghị của đương sự theo cảm tính chủ quan, dễ dẫn đến tùy tiện, không thống nhất. Cần bổ sung quy định các trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng từ chối đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại và người tham gia tố tụng khác về định giá lại tài sản.
Về quy trình định giá tài sản
Các nghị định hướng dẫn cần bổ sung quy trình định giá tài sản đối với tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường; quyền sở hữu trí tuệ; tác phẩm nghệ thuật; di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử; quy định việc định giá phải dựa trên kết quả giám định đồng thời phải có thành phần là đại diện các cơ quan chuyên môn, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực của tài sản được định giá.
Về thành phần của hội đồng định giá tài sản
Nghị định số 30 quy định: Trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng định giá quyết định thành lập tổ giúp việc hội đồng. Quy định này còn chung chung vì không rõ trường hợp nào là “”trường hợp cần thiết”; “tổ giúp việc” gồm bao nhiêu người, tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên tổ giúp việc…? Hơn nữa, chủ tịch hội đồng định giá không phải lúc nào cũng đồng nhất là thủ trưởng của cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng định giá, trong khi việc thành lập “tổ giúp việc” là để giúp việc cho hội đồng định giá, vì vậy, nên quy định chủ tịch hội đồng định giá quyết định thành lập “tổ giúp việc” sẽ phù hợp hơn.
Về định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt
Khoản 1, Điều 22, Nghị định số 30; khoản 6, Điều 1, Nghị định số 97 quy định “Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần hai của hội đồng định giá. Kết luận định giá lại trong trường hợp này là kết luận định giá tài sản cuối cùng để giải quyết vụ án”. Tuy nhiên, các văn bản nói trên không có quy định trường hợp nào là “đặc biệt” hay quy định hướng dẫn trường hợp đặc biệt nào thành lập hội đồng định giá tài sản cho riêng vụ đó, cũng như thẩm quyền thành lập hội đồng định giá tài sản trong trường hợp đặc biệt.
Tại Điều 220, BLTTHS năm 2015 có quy định “Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại tài sản lần hai của hội đồng định giá tài sản. Việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt phải do hội đồng mới thực hiện”. Nhưng đây là định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt, còn nội dung khoản 6 Nghị định số 97 khiến khi áp dụng có thể hiểu trong một số trường hợp đặc biệt, cơ quan tiến hành tố tụng có thể thành lập hội đồng định giá để định giá tài sản cho riêng vụ việc đó mà không cần thông qua hội đồng định giá thông thường do chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp thành lập.
Về phiên họp định giá tài sản
Theo khoản 5, Điều 16, Nghị định số 30, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có thể tham dự phiên họp định giá tài sản nhưng phải báo trước cho hội đồng định giá biết; khi được sự đồng ý của chủ tịch hội đồng thì có quyền đưa ra ý kiến về việc định giá, nhưng không được quyền biểu quyết về giá của tài sản. Tuy nhiên, Nghị định số 30 lại không có quy định về thủ tục, trách nhiệm của hội đồng định giá tài sản về việc thông báo thời gian, địa điểm tiến hành định giá tài sản cho cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu định giá cũng như các bên đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản cần định giá để họ tham dự phiên họp định giá, cũng như hậu quả việc thông báo nhưng họ không có mặt nếu đã được thông báo hợp lệ..., dẫn đến nhiều vụ án sau khi có kết luận định giá tài sản, các bên đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản định giá có khiếu nại về việc không được tham dự phiên họp định giá, đồng thời yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung do “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
TS. NGUYỄN THỊ NGỌC LINH
Học viện Hành chính Quốc gia