/ Kết nối
/ Hoàn tiền vé máy bay, vé tàu, tiền đặt tour khi bị cách ly, hoãn dịch

Hoàn tiền vé máy bay, vé tàu, tiền đặt tour khi bị cách ly, hoãn dịch

03/02/2021 09:11 |

(LSVN)

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân lo lắng đã hủy lịch trình về quê ăn tết. Do đó, rất đông người dân đã đến nhà ga, bến xe, liên hệ với các đại lý bán vé máy bay để trả lại vé ngay trước những ngày tết cận kề.
Các đơn vị ngành vận tải từ đường sắt đến hàng không đều thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ hành khách đổi, trả vé do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngày 02/02, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đối với hành khách đã mua vé trong thời gian từ ngày 02/02 đến hết ngày 28/02 (tức từ 21 tháng Chạp năm Canh Tý đến 17 tháng Giêng năm Tân Sửu), có nhu cầu đổi, trả vé, ngành đường sắt sẽ hỗ trợ tối đa.
Theo đó, hành khách có thể lựa chọn hai phương án trả vé như sau:
Thứ nhất, bảo lưu vé trong thời gian một năm kể từ ngày khởi hành in trên vé. Trong trường hợp, hành khách có nhu cầu thay đổi thời gian và hành trình đi tàu, hành khách sẽ được miễn phí chuyển đổi hành trình, chỉ trả chênh lệch giá vé (nếu có).
Nếu hành khách không sử dụng vé đi tàu trong năm 2021, ngành đường sắt sẽ thực hiện hoàn 100% tiền vé từ 01/01/2022.
Thứ hai, đối với hành khách có nhu cầu trả vé, ngành đường sắt sẽ thực hiện theo quy định hiện hành. Việc hoàn tiền cho hành khách sẽ được thực hiện sau 90 ngày (tính cả ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và lễ, tết) kể từ ngày trả vé.
Hành khách thực hiện việc bảo lưu, trả vé tại các nhà ga hoặc trả vé online qua website dsvn.vn (nếu hành khách mua vé và thanh toán online) ít nhất trước 24 giờ so với giờ khởi hành. Việc hỗ trợ chỉ áp dụng một lần đối với một vé.
Hành khách cũng có thể truy cập hoặc gọi tới tổng đài bán vé Sài Gòn: 19001520, Hà Nội: 19000109… để được giải đáp thắc mắc và hướng dẫn khi cần.
BOX: Theo quy định trả đổi trả vé tàu những ngày thường, đối với đổi vé phải trước 24h tàu chạy và mất phí 20.000 đồng. Với trả vé, hành khách phải trả trước ít nhất 4h tàu chạy, mức phí trả vé theo khung: trả trước từ 4 đến 24h phí 20%, trả trước 24 giờ mức phí 10%.
Còn với vé tàu Tết Tân Sửu 2021, mức phí đổi trả vé sẽ bằng 30% mức giá in trên vé. Mức phí này áp dụng cho các tàu xuất phát từ ga Sài Gòn từ ngày 5 đến 13/02; tàu xuất phát từ ga Hà Nội từ ngày 14 đến 27/02... Thời gian đổi trả vé trước giờ tàu chạy ít nhất 24 giờ.
Để giải tỏa tâm lý cho hành khách, Cục Hàng không Việt Nam cũng (HKVN) vừa có văn bản hỏa tốc gửi các hãng hàng không về việc giải quyết đối với những hành khách không thể thực hiện được chuyến bay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cục HKVN yêu cầu các hãng hàng không khẩn trương thực hiện đổi, hoàn vé (tiền mặt hoặc voucher nếu có sự đồng ý của hành khách). Việc đổi, hoàn vé, kể cả đối với vé có các điều kiện hạn chế (không được đổi ngày/giờ bay, không đổi hành trình, không hoàn vé) và cả đối với khách mua vé nhưng không thực hiện chuyến bay do ở khu vực bị phong tỏa, cách ly trên các đường bay hãng vẫn khai thác bình thường.
Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng hàng không khẩn trương triển khai cụ thể về quy trình, thủ tục đổi vé, hoàn vé nêu trên và kịp thời thông tin rộng rãi cho hành khách qua hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng, trang thông tin điện tử, văn phòng, đại lý bán vé của hãng.

Theo Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm cho biết, việc bán vé, mua vé giữa hãng hàng không và khách hàng là việc giao kết hợp đồng vận chuyển. Theo đó, "vé hành khách là chứng từ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không và là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng, các điều kiện của hợp đồng” (khoản 1 Điều 44 Luật Hàng không dân dụng).
Bản chất đây là một quan hệ dân sự, do đó hành khách và hãng bay hoàn toàn có thể thỏa thuận về cách thức giải quyết như hoàn lại tiền vé, đổi sang chuyến bay khác hoặc bảo lưu tiền vé trong thời hạn nhất định. 
Mặt khác, dưới góc độ về pháp luật hàng không dân dụng thì “chuyến bay bị hủy là chuyến bay không được thực hiện trên cơ sở lịch hủy của hãng hàng không” (khoản 6 Điều 2 Thông tư 27/2017/TT-BGTVT).
Như vậy, việc huỷ chuyển là theo lịch của hãng, nên khi chuyến bay bị huỷ hãng hàng không phải có nghĩa vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 145 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi bổ sung năm 2014. Trong trường hợp do lỗi của người vận chuyển, hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển hoặc chuyến bay bị huỷ hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài mà không được người vận chuyển thông báo trước thì người vận chuyển có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này và phải trả một khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách.
Trong trường hợp phải bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm dân sự của người vận chuyển thì khoản tiền này được trừ vào khoản tiền bồi thường trách nhiệm theo khoản 3, khoản 4 Điều 145 được nêu ở đây chính là việc hãng hàng không phải xin lỗi, bố trí hành trình phù hợp cho hành khách theo điều lệ vận chuyển hoặc hoàn trả phần vé chưa sử dụng.
Như vậy, Luật Hàng không dân dụng đã có những quy định rất rõ ràng trong việc huỷ chuyến, hãng hàng không phải đảm bảo hành trình phù hợp hoặc hoàn trả tiền vé, thậm chí là phải bồi thường thiệt hại cho hành khách. Việc bồi thường thiệt hại có thể được miễn trừ trong một số trường hợp nhất định khi việc huỷ chuyến  không phải do lỗi của hãng hàng không, ví dụ như việc huỷ chuyến do quyết định của cơ quan nhà nước trong thời gian dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn phải đảm bảo việc hoàn tiền vé theo yêu cầu của khách hàng nếu họ không có nhu cầu tiếp tục được vận chuyển.
 

 

Vấn đề pháp lý về việc hoàn tiền vé khi bị hủy chuyến bay

Admin