/ Thư viện pháp luật
/ Đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch trong dịp Tết có thể bị xử phạt đến 80 triệu đồng

Đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch trong dịp Tết có thể bị xử phạt đến 80 triệu đồng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Mặc dù nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương in tiền mới mệnh giá nhỏ nhưng mỗi dịp Tết về, nhu cầu của người dân về đổi tiền vẫn “nóng”. Nắm bắt được nhu cầu này, một số trang mạng cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới lại “nở rộ”, nhận ship (vận chuyển) tới tận nơi dù pháp luật Việt Nam nghiêm cấm. Vậy theo quy định của pháp luật hiên hành, hành vi đổi tiền lẻ hướng chênh lệch lớn trái quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt như thế nào?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Trong đó, tại Mục 9c Chỉ thị 44/CT-TTg quy định rõ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Điểm a Khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ. Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: “Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật”.

Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối với hành vi đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch kiếm lời dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với cá nhân; từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với tổ chức.

Giới Luật sư cũng đưa ra rất nhiều cảnh báo về tiền giả, lừa đảo… mà người dân có thể gặp khi đổi tiền trên mạng. "Đổi tiền online cũng như trực tiếp sẽ gặp nhiều rủi ro như bị đổi thiếu tiền; tiền bất hợp pháp, tiền giả do không có tổ chức, trụ sở rõ ràng. Khi bị nhận tiền giả, người đổi còn gặp rủi ro khi phải chứng minh nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có? Tôi nghĩ là không nên đổi tiền, mất phí", Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết.

Trước đó, tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Tết Tân Sửu 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết chặt việc đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết.

THANH THANH

Thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành

Lê Minh Hoàng