Phiên họp có sự tham gia của các thành viên Hội đồng Tư vấn Án lệ dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Phó Chủ tịch Hội đồng.
Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thành viên Hội đồng tham gia và phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.
Sau khi công bố Quyết định số 129/QĐ-TANDTC ngày 11/4/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc thành lập Hội đồng Tư vấn Án lệ, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân Tối cao đã tổng hợp các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn (trong đó có Luật sư, Tiến sĩ Lưu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đối với các dự thảo tại Hội thảo được tổ chức tại Khánh Hòa ngày 19/4/2023. Theo đó, phần lớn các ý kiến đồng thuận với đề xuất các dự thảo án lệ được đề xuất, nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị cân nhắc lại một số dự thảo án lệ chưa đảm bảo các tiêu chí án lệ theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.
Các thành viên Hội đồng và đại biểu tham dự phiên họp.
Các thành viên Hội đồng: Tiến sĩ Bùi Ngọc Hòa; Tiến sĩ Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa; Thiếu tướng Trần Văn Toàn, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01); bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; đại diện Vụ pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Bình, Trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Đại học Luật Hà Nội); Đại tá Phạm Đức Tài, Phó Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân, Hội Luật gia Việt Nam,… đã phát biểu nhiều ý kiến đồng thuận, không đồng thuận, rất sôi nổi và có nhiều ý kiến trái chiều liên quan các dự thảo án lệ được đề xuất.
Về phần mình, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài phát biểu ý kiến tại phiên họp, nhất trí với các dự thảo án lệ số 02, 06 (về hình sự), số 07, 09, 10 và 11 (về dân sự), số 12 (về kinh doanh thương mại) có thể phát triển thành án lệ. Tuy nhiên, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài đề nghị cân nhắc các dự thảo án lệ sau đây chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí án lệ. Trong đó có một số dự thảo án lệ:
- Dự thảo án lệ số 01 đề cập đến tình huống và giải pháp pháp lý khi đánh giá về việc các bị cáo dùng phương thức, thủ đoạn gian dối khi đánh bạc nhằm chiếm đoạt tài sản nên phải bị xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử vụ án Trương Văn Cam và đồng phạm vào tháng 10/2003, mặc dù một số bị cáo bị kết tội “tổ chức đánh bạc”, “đánh bạc” có dùng phương thức, thủ đoạn gian dối nhưng Tòa án nhân dân Tối cao tại TP. HCM đã xét xử phúc thẩm về các tội danh này chứ không phải tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (án có hiệu lực pháp luật) nên cần cân nhắc lại.
- Dự thảo án lệ số 05: Lý do không đồng ý với dự thảo án lệ này vì xét thấy Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 24/QĐ-VC1-HS ngày 08/6/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội là có căn cứ (mặc dù đã bị Quyết định giám đốc thẩm bác). Lý do là Vũ Văn T, Vũ Lệnh T1, Vũ Quốc T2 cùng nhau bàn bạc, thống nhất góp tiền để mua ma túy để cùng nhau sử dụng; Vũ Văn N tiếp nhận ý chí của các đối tượng trên, cung cấp công cụ, phương tiện để cả nhóm sử dụng ma túy. Sau đó, các đối tượng trên tự đưa ma túy vào cơ thể mình nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng ma túy của mỗi cá nhân, không có hành vi chuẩn bị ma túy hoặc phương tiện sử dụng ma túy nhằm cung cấp hoặc đưa ma túy vào cơ thể người khác ngoài các đối tượng trên (không có người thụ hưởng). Do đó hành vi của T, T1, T2, N không cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự.
- Dự thảo án lệ số 07: Về cơ bản nhất trí với dự thảo án lệ, chỉ băn khoăn về giải pháp pháp lý” nêu: “Trường hợp này, Tòa án phải quyết định giao nhà đất cho người cao tuổi và người cao tuổi phải thanh toán giá trị cho người còn lại”. Nên chăng giải pháp pháp lý cần ghi rõ hơn như nội dung án lệ: “Trường hợp này, Tòa án phải quyết định giao nhà đất cho người cao tuổi là người sinh sống trên đất lâu dài, hiện vẫn quản lý, sử dụng, thờ cúng, có công sức trong quá trình hình thành khối tài sản chung và người cao tuổi phải thanh toán giá trị cho người còn lại”.
- Dự thảo án lệ số 08:Đây là vụ án dân sự rất phức tạp, có liên quan trực tiếp đến một đương sự nguyên là lãnh đạo Báo Pháp luật TP. HCM, bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng liên quan tài sản chung chưa chia là di sản thừa kế, kéo dài gần 14 năm qua. Quyết định giám đốc thẩm kết luận: “Tại thời điểm xét xử phúc thẩm Luật Nhà ở năm 2014 đã có hiệu lực. Theo khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 thì bà H1 đủ điều kiện nhận thừa kế nhà ở tại Việt Nam. Do pháp luật thay đổi nên Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm và giao toàn bộ hiện vật đối với phần thừa kế cho bà H1 mới đúng” là có căn cứ, áp dụng đúng pháp luật. Hồ sơ vụ án hay quan điểm các bên không có chỗ nào phân tích hay phản bác việc áp dụng Luật đất đai 2013 và Luật Nhà ở năm 2014, nên không cần thiết phát triển thành án lệ.
Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Án lệ tham gia phiên họp.
- Dự thảo án lệ số 13:Không nhất trí đưa dự thảo này phát triển thành án lệ, vì việc xem xét bản chất vụ tranh chấp và căn cứ áp dụng pháp luật là thỏa đáng, có căn cứ pháp luật, không có cách hiểu khác nhau. Dự thảo án lệ này không thỏa mãn các tiêu chí theo Khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP, trong đó: “Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau,phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể”.
- Dự thảo án lệ số 14: Dự thảo này chưa thỏa mãn các tiêu chí của án lệ. Đặc biệt nội dung về tình huống án lệ và giải pháp pháp lý chưa mang tính điển hình, cũng không gây tranh cãi: “Toà án phải xác định quyết định thứ hai không thay thế, hủy bỏ quyết định đầu tiên mà chỉ điều chỉnh lý do chấm dứt hợp đồng lao động và phải xem xét, giải quyết cả hai quyết định đó”.
Kết luận phiên họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Án lệ đánh giá các ý kiến phát biểu của các thành viên và chuyên gia, nhà khoa học rất sâu, cụ thể, tính chuyên môn rất cao, giúp Hội đồng Thẩm phán có cách nhìn đa chiều trước khi quyết định thông qua án lệ. Ông cũng đề nghị Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học tiếp thu và nêu rõ căn cứ của các ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý đối với các dự thảo để trình Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xem xét, quyết định.
HOÀNG MINH
Đề nghị tránh tình trạng đối xử với Luật sư không công bằng, không đúng pháp luật