Hỏi mua xe, lái đi mất luôn
Liên quan đến vụ việc Công an huyện Đông Anh, Hà Nội đang làm rõ đơn tố giác của anh Nguyễn Văn Vinh (ngụ thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) về việc bị mất xe ôtô.
Theo thông tin, trước đó, do gia đình không có nhu cầu sử dụng nên anh Vinh đã lên mạng xã hội rao bán chiếc xe ô tô Ford EcoSport màu đỏ với giá 400 triệu đồng. Sau đó, một người đàn ông đã liên hệ với anh Vinh ngỏ ý muốn mua lại chiếc xe này và hẹn gặp để xem xe.
Chiều 02/12, người đàn ông muốn mua xe (mặc quần áo đen) ngồi trên xe ô tô do một tài xế chở đến nhà anh Vinh để xem xe. Ở lần lái thử xe đầu tiên, anh Vinh ngồi cùng người đàn ông lạ mặt và không thấy điều gì bất thường. Khi xe dừng đỗ trước cửa nhà, anh Vinh xuống xe rồi ra ngoài nói chuyện với tài xế, riêng người đàn ông lạ mặt vẫn lần mò bên trong xe ô tô rồi phóng xe ô tô đi không thấy quay trở lại.
Ngay sau vụ việc xảy ra, anh Vinh đã lên mạng xã hội treo mức thưởng 100 triệu đồng để tìm ra thủ phạm cướp xe ô tô, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm được thủ phạm.
Ảnh minh họa.
Trộm cắp hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, đây là chuyện hi hữu xảy ra, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dịch bệnh kéo dài thế này thì những hành vi chiếm đoạt tài sản trong xã hội sẽ diễn biến phức tạp, muôn hình vạn trạng và những chuyện như thế này hoàn toàn có thể xảy ra nếu như chủ sở hữu tài sản sơ hở.
Các giao dịch mua bán xe ô tô cũ diễn ra tương đối phổ biến trong đời sống xã hội. Người mua xe cũ có thể là với mục đích để sử dụng, cũng có thể với mục đích mua đi, bán lại để kiếm lời. Trong quá trình thỏa thuận về giá cả thì bên mua xe cũng sẽ xem xét tình trạng hoạt động của xe, sẽ lái thử để kiểm tra chất lượng của xe.Việc chủ xe giao xe cho người hỏi mua lái thử là chuyện hết sức bình thường.
Trong trường hợp, Cơ quan điều tra tìm thấy người điều khiển phương tiện này thì sẽ làm rõ lý do, mục đích của hành vi đó. Nếu có căn cứ cho thấy người này chủ động cắt đứt liên hệ với chủ xe nhằm mục đích chiếm đoạt chiếc xe này thì có thể xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự hoặc “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 tuỳ thuộc vào mục đích chiếm đoạt tài sản có trước hay sau khi nhận xe.
Nếu kết quả xác minh của Cơ quan điều tra cho thấy người đàn ông này có mục đích chiếm đoạt chiếc xe từ trước nên đã gian dối về việc mua xe để cho chủ xe giao xe cho mình sau đó đi và chiếm đoạt thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Cụ thể khung hình phạt được bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau:
"3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng".
Còn trường hợp kết quả xác minh của Cơ quan điều tra cho thấy người đàn ông này không có ý định chiếm đoạt chiếc xe từ trước, cũng không đưa ra thông tin gian dối để nhận chiếc xe đó. Tuy nhiên trong quá trình hỏi mua xe thì chủ xe đã tin tưởng giao xe cho người này để kiểm tra, lái thử, lợi dụng lúc sơ hở của chủ xe, người này đã lái đi để chiếm đoạt (không có ý định trả lại) thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Với giá trị chiếc xe khoảng 400.000.000 đồng thì người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 05 năm đến 12 năm theo khoản 3, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015:
"3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm".
“Theo thông tin ban đầu từ phía người bị hại thì người bị hại đã giao chiếc xe này cho người hỏi mua để họ kiểm tra, lái thử xe nên không thể xử lý về tội “Trộm cắp tài sản” mà phải xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Lạm dụng chiếm tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (nếu chứng minh được yếu tố chiếm đoạt) bởi việc giao xe trong tình huống này là tự nguyện và có thoả thuận.
Trường hợp đối tượng đã lén lút tự ý lấy chiếc xe mà không có sự cho phép, sự đồng ý của chủ xe thì mới là hành vi trộm cắp tài sản”, Luật sư Cường phân tích.
Hiện nay đang là thời điểm cuối năm, nên tình hình tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản sẽ diễn biến rất phức tạp. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân nên thận trọng trong các giao dịch dân sự, kinh tế và cần phải có những kinh nghiệm kỹ năng để bảo vệ tài sản của mình. Cơ quan điều tra cũng cần sớm xác minh làm rõ sự việc, nếu có hành vi chiếm đoạt tài sản thì cần phải xử lý nghiêm minh đối với đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt theo các quy định pháp luật nêu trên.
DUY ANH
Trường hợp nào được tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh?