/ Nghề Luật sư
/ Hội nghị thường niên năm 2023 LAWASIA: 'Mọi thứ, mọi nơi, tất cả chung một nhịp đập'

Hội nghị thường niên năm 2023 LAWASIA: 'Mọi thứ, mọi nơi, tất cả chung một nhịp đập'

28/11/2023 14:43 |

(LSVN) - Từ ngày 24/11/2023 đến 27/11/2023 vừa qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã cử Đoàn công tác tham dự Hội nghị thường niên năm 2023 LAWASIA tổ chức tại thành phố Bangalore, Ấn Độ. Trong đó, ngày thứ hai của Hội nghị được bắt đầu bằng Phiên họp toàn thể vào buổi sáng và các phiên chuyên đề diễn ra trong cả ngày.

Các thành viên Đoàn công tác tham dự ngày thứ hai của Hội nghị.

Mở đầu phiên họp toàn thể là tiết mục múa truyền thống Bharatanatyam đầy cảm xúc của vũ công Rukimini Vijayakumar, Giám đốc nghệ thuật của Công ty vũ đạo Raadha Kalpa và đồng thời cũng là Giám đốc của Lshva, không gian sáng tạo nghệ thuật dành cho các nghệ sĩ ở trung tâm thủ đô Bengaluru.


Sau phần biểu diễn là bài phát biểu khai mạc của Thẩm phán Prasanna B.Varale, Chánh án Tòa án Tối cao bang Karnataka, Ấn Độ. Thẩm phán Varale cho rằng chủ đề của Hội nghị LAWASIA năm nay vô cùng ý nghĩa bởi tính phù hợp với những thay đổi nhanh chóng mà công nghệ hiện đại và trí tuệ nhân tạo đã đem lại cho nghề luật sư.

Ông nhấn mạnh rằng những ảnh hưởng của sự phát triển đó sẽ không làm lu mờ những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ trong ngành tư pháp và xã hội ngày nay.


Tiến sĩ D.Y.Chandrachud, Chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ phát biểu tại Phiên toàn thể sáng ngày 25/11.

Tiến sĩ D.Y. Chandrachud, Chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ tham dự Phiên toàn thể qua hình thức trực tuyến. Ông nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của công dân, khẳng định các chính sách và các điều được quy định theo hiến pháp ở Ấn Độ sẽ bảo đảm tốt nhất quyền công dân. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra mối liên hệ của điều này với khái niệm Bản sắc.

Thông điệp của Hội nghị “Mọi thứ, mọi nơi, tất cả chung một nhịp đập” có nghĩa rằng chúng ta không phải là những cá thể đơn lẻ, chúng ta không ở đâu cả trong cùng một thời điểm, cũng như không thuộc về cùng một nơi. Ông cho rằng đây chính là thông điệp chân thực của Hội nghị LAWASIA.

Phiên họp toàn thể kết thúc bằng bài phát biểu của ông Amarjit Singh Chandhiok, Chủ tịch tân cử của Hiệp hội Luật sư Ấn Độ. Ông Amarjit Singh cho rằng thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng cũng đặt ra những thách thức cho thế giới. Những thách thức chỉ có thể được giải quyết khi tất cả mọi người cùng góp sức vì một cộng đồng phát triển, văn minh, bình đẳng.

Trong buổi sáng ngày thứ hai của Hội nghị, Đoàn công tác tham dự phiên hội thảo chuyên đề “Mở rộng thị trường dịch vụ pháp lý cho các Luật sư và hãng luật nước ngoài”. Trong phiên này, các Luật sư nổi tiếng trên khắp thế giới đã thảo luận về những ưu và nhược điểm của việc mở cửa thị trường pháp lý của một quốc gia cho các công ty luật nước ngoài, trong đó chỉ ra những mối quan tâm về chính sách và hệ thống tư pháp trong nước cũng như những thách thức trong việc bảo đảm duy trì sự giao lưu, kết nối giữa các nước đang mở cửa thị trường.

Tham dự Hội thảo bao gồm các diễn giả: Ông Karan Singh, Thành viên sáng lập Hãng luật Trilegal (Ấn Độ); Tiến sĩ Ulrich Wessels, Chủ tịch Đoàn Luật sư Liên bang Đức; ông Luke Murphy, Chủ tịch Hội đồng Luật Úc; ông Ly Chantola, Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Vương quốc Campuchia; bà Chisako Takaya, Thành viên Hãng luật Nhật Bản; ông Xavier Ruiz, Thành viên sáng lập Hãng luật RC Law (Hoa Kỳ) và ông Mickaël Laurans, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Hiệp hội Luật Anh quốc và xứ Wales.


Đoàn công tác tham dự Phiên hội thảo chuyên đề trong buổi sáng ngày thứ hai của Hội nghị.

Một hoạt động quan trọng trong mỗi dịp Hội nghị thường niên của LAWASIA là cuộc thi diễn án. Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam năm thứ hai liên tiếp là thành viên Hội đồng Giám khảo tại cuộc thi. Đây là sân chơi dành cho các sinh viên luật tới từ các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương để tìm ra đội thi có kỹ năng tranh biện xuất sắc nhất. Năm nay, Việt Nam có một đội thi là các sinh viên tới từ Học viện Ngoại giao.



Chiều ngày 25/11/2023, bên lề Hội nghị, Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có buổi tiếp Đoàn công tác của Đoàn Luật sư Tokyo do Luật sư Junichi Matsuda, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, Chủ tịch Đoàn Luật sư Tokyo làm Trưởng đoàn. Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư Tokyo đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác vào năm 2014.

Luật sư Junichi Matsuda, Chủ tịch Đoàn Luật sư Tokyo bày tỏ sự vui mừng khi Đoàn công tác của Đoàn Luật sư Tokyo gặp gỡ Đoàn công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhân dịp diễn ra Hội nghị thường niên LAWASIA. Ông Matsuda trao đổi với Đoàn công tác một số điểm nhấn nổi bật trong quan hệ giữa đội ngũ Luật sư Việt Nam và Nhật Bản trong hơn 10 năm qua.

Chủ tịch Đoàn Luật sư Tokyo khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Luật sư hai nước cần tiếp tục được phát huy với mong muốn sẽ đưa giới Luật sư Nhật Bản và Việt Nam cùng học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp lẫn nhau để từ đó, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong việc hỗ trợ và cung cấp dịch vụ pháp lý cho người Việt Nam đang lao động, học tập tại Nhật Bản, cho doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đầu tư, kinh doanh vào Việt Nam và phối hợp với Luật sư Việt Nam để tư vấn, hỗ trợ cho các nhà đầu tư của Việt Nam sang Nhật Bản.

Tại buổi tiếp, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chia sẻ về việc đội ngũ Luật sư Việt Nam đã tiếp thu, học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu từ Liên đoàn Luật sư Nhật Bản và các Đoàn Luật sư địa phương của Nhật Bản về cách thức tổ chức, hoạt động thông qua các chuyến học tập, công tác của Luật sư Việt Nam tại Nhật Bản. Trong khuôn khổ Dự án JICA, nhiều hoạt động phối hợp giữa hai bên như các Đoàn đi nghiên cứu, học tập, các hội thảo, khóa tập huấn, tọa đàm trao đổi về kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề của Luật sư đã giúp đội ngũ Luật sư Việt Nam trau dồi về kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề. Hai hiệp hội có trách nhiệm cùng nhau duy trì và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp này. Hai bên cần tăng cường trao đổi, giao lưu và tạo kênh học tập và chia sẻ kinh nghiệm cho Luật sư của hai bên, từ đó có cơ hội hiểu biết hơn về nhau, tăng cơ hội hợp tác trong hoạt động nghề luật, sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn pháp luật cho công dân của mỗi bên có nhu cầu đầu tư, kinh doanh ở cả Nhật Bản và Việt Nam.

Sau buổi tiếp đón và trao đổi, đại diện của 02 Đoàn công tác đã cùng tặng nhau các món quà kỷ niệm, qua đó mong muốn truyền tải thông điệp về văn hóa của người dân Việt Nam và Nhật Bản.


Chủ tịch Đoàn Luật sư Tokyo trao quà lưu niệm cho Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Quỳnh Anh.

Sau hơn 15 phiên hội thảo diễn ra trong cả ngày về các lĩnh vực: Đầu tư thương mại; hôn nhân và gia đình, ngày thứ hai của Hội nghị kết thúc bằng chương trình âm nhạc mang phong cách sôi động với các tiết mục của Tiến sĩ Prakash Sontakke, nghệ sĩ hai lần đoạt giải Grammy và là người nhận được nhiều giải thưởng âm nhạc lớn, trong đó có giải thưởng Âm nhạc Tự do (Independent World Music Award). Buổi biểu diễn của Nghệ sĩ Sontakke và ban nhạc của ông đã đem đến cho Hội nghị một không khí đầy sôi động, náo nhiệt với những ấn tượng khó quên mang đậm dấu ấn văn hóa âm nhạc của Ấn Độ.


Chương trình âm nhạc vào tối ngày 25/11/2023.

PV

Hội nghị thường niên năm 2023 LAWASIA: Phát huy vai trò bảo đảm quyền lợi và cung cấp dịch vụ pháp lý hiệu quả cho cộng đồng

Bùi Thị Thanh Loan