Văn bản của Hội Nhà báo Việt Nam.
Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam vừa ban hành Công văn số 25CV/HNB-BKT ngày 23/9/2021 về việc đề nghị xử lý vụ việc cản trở nhà báo, phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam tác nghiệp tại Đắk Lắk gửi Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk.
Công văn nêu rõ, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam nhận được Công văn số 102/CV- TCLSVN ngày 22/9/2021 của Tạp chí Luật sư Việt Nam. Nội dung công văn phản ánh việc nhà báo - hội viên, phóng viên Nguyễn Sỹ Hạnh và Trần Thị Hương (thường trú tại tỉnh Đắk Lắk) khi đang tác nghiệp tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột đã bị đoàn cưỡng chế của UBND thành phố Buôn Ma Thuột có hành vi cản trở, nạt nộ, thách thức kèm theo hành vi sử dụng vũ lực đối với phóng viên của Tạp chí Luật sư Việt Nam.
Để bảo vệ quyền hành nghề và lợi ích hợp pháp của nhà báo - hội viên, phóng viên, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ và có biện pháp xử lý, bảo vệ quyền hoạt động báo chí của phóng viên.
Liên quan đến vụ việc, trước đó, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã ban hành Công văn về việc làm rõ hành vi cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk; Công an tỉnh Đắk Lắk; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, Tạp chí đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk, Công an tỉnh Đắk Lắk, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk khẩn trương làm rõ và có biện pháp hữu hiệu, bảo vệ quyền hoạt động báo chí của Phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam là Nguyễn Sỹ Hạnh và Trần Thị Hương trên địa bàn; đồng thời thông báo kết quả xử lý vụ việc trên cho Tạp chí Luật sư Việt Nam được biết.
Ngày 20/9/2021, Tạp chí Luật sư Việt Nam có nhận được đơn trình báo của ông Nguyễn Sỹ Hạnh – phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam thường trú tại tỉnh Đắk Lắk về việc đoàn cưỡng chế của UBND thành phố Buôn Ma Thuột có hành vi cản trở, nạt nộ, thách thức kèm theo hành vi sử dụng vũ lực đối với phóng viên của Tạp chí Luật sư Việt Nam. Cụ thể, sáng ngày 20/9/2021, Phóng viên Nguyễn Sỹ Hạnh nhận tin báo của người dân phản ánh về việc UBND thành phố Buôn Ma Thuột thành lập đoàn cưỡng chế tại thôn 1, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Theo video người dân cung cấp có đến gần 100 người tham gia hoạt động cưỡng chế, phóng viên nhận thấy có dấu hiệu vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19. Để xác minh, làm rõ thông tin trên, hai phóng viên Nguyễn Sỹ Hạnh và Trần Thị Hương - đều là phóng viên của Tạp chí Luật sư Việt Nam đã trực tiếp xuống hiện trường để ghi nhận sự việc. Tuy nhiên, khi xuống hiện trường phóng viên chưa tác nghiệp, đang liên hệ với trưởng đoàn để đăng ký tác nghiệp theo quy định, nhưng khi phóng viên mới tiếp cận hiện trường thì bị chiến sỹ Công an là Đại úy Nguyễn Tiến Nguyên đang công tác tại Công an thành phố Buôn Ma Thuột liên tục có hành vi, lời nói thô bạo, thái độ hung hãn, liên tục bóp tay, rồi nhấn đầu khóa tay phóng viên, kèm theo những lời nói không chuẩn mực một chiến sỹ Công an nhân dân. Mặc dù phóng viên muốn nói chuyện nhẹ nhàng để giải thích việc phóng viên tác nghiệp hoàn toàn đúng quy định nhưng người này vẫn nạt nộ, thách thức, “đòi ‘bắt’ phóng viên đưa về. Sự việc này diễn ra quá nhanh ngoài dự tính của phóng viên, đoàn cưỡng chế của UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã có hành vi cản trở, kèm theo hành vi sử dụng vũ lực với phóng viên dù phóng viên hoạt động theo đúng đề tài đã đăng ký, đã được Tạp chí Luật sư Việt Nam cấp Giấy giới thiệu số 365/GGT-TCLSVN ngày 08/9/2021 để tuyên truyền công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bản tỉnh Đắk Lắk, phóng viên chưa có bất cứ hành vi nào để tác nghiệp hay cản trở đoàn cưỡng chế. |
PV
Tạp chí Luật sư Việt Nam đề nghị làm rõ hành vi cản trở Phóng viên tác nghiệp tại Đắk Lắk