(LSO) - Được bảo đảm bởi các nguyên tắc bình đẳng, độc lập xét xử, quyết định theo đa số, chiếm tỷ lệ lớn hơn so với thẩm phán trong hội đồng xét xử, hội thẩm nhân dân giữ vai trò hết sức quan trọng đối với các phán quyết của tòa án. Bên cạnh đó, hội thẩm nhân dân cũng là người thường xuyên gắn bó với cộng đồng dân cư, nơi mình công tác, làm việc, tham gia giám sát hoạt động tư pháp, góp phần tuyên truyền pháp luật và là cầu nối giữa tòa án và người dân. Bài viết giới thiệu những nét cơ bản về khái niệm và những vấn đề liên quan đến thủ tục bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm nhân dân theo quy định của pháp luật để thấy rõ hơn về vai trò, vị trí của chức danh tư pháp này ở nước ta hiện nay.
Khái niệm hội thẩm nhân dân
Trong lịch sử ngành tư pháp Việt Nam từ 1945 đến nay, thuật ngữ chính thức thường được dùng để chỉ người (những người) đại diện cho quần chúng nhân dân tham gia xét xử hoặc tham gia tố tụng là “phụ thẩm”, “hội thẩm”[1] .
Thực chất, “phụ thẩm”, “hội thẩm” là các từ có nguồn gốc Hán (Trung Quốc), thậm chí là cụm từ ghép, đến nay đã được Việt hóa. Do đó, ngay trong cuốn Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh cũng không đưa ra định nghĩa “hội thẩm” cụ thể là gì, tuy nhiên có giải thích nghĩa riêng rẽ của hai từ “hội” và “thẩm”. Theo đó, từ “hội” có nghĩa là: “họp nhau - cơ quan có nhiều người họp để làm việc - gặp - ý tứ và sự lý hợp nhau - bản lĩnh và sự tình hợp nhau”; từ “thẩm” được hiểu là “biết rõ tình hình - khảo xét kỹ càng - xử đoán”. Căn cứ vào nghĩa của từng từ riêng rẽ, có thể hiểu “hội thẩm” là người thấu suốt tình lý tham gia vào việc xử án.
Trong khi đó, Từ điển pháp lý (dictionnaire juridique) của Pháp định nghĩa: Trong ngôn ngữ pháp lý tố tụng, thuật ngữ “hội thẩm” (assesseur) được sử dụng để chỉ những người có thẩm quyền, thành lập và hoạt động theo thể thức tập thể, hỗ trợ thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Thuật ngữ này còn được dùng để chỉ tất cả những người nào tham gia vào việc đưa ra các quyết định (phán quyết), bao gồm cả những thành viên không chuyên nghề xét xử trong một số thiết chế tư pháp như tòa án thương mại, tòa án về những vụ việc liên quan đến an sinh xã hội hay tòa án về những vấn đề nông thôn.
Từ điển Larousse giải thích nguồn gốc từ “hội thẩm” (assesseur) trong tiếng Pháp bắt nguồn từ thuật ngữ “assessor” của tiếng La tinh, có nghĩa là “giúp đỡ hoặc đưa ra lời khuyên”. Các tác giả Từ điển Larousse cho rằng từ “hội thẩm” (assesseur) trong tiếng Pháp có 4 nghĩa: 1) là thẩm phán giúp đỡ, hỗ trợ chủ tọa phiên tòa và nghị án cùng với ông ta; 2) là danh từ dùng để chỉ thành viên của một số thiết chế tư pháp đặc biệt (như tòa án về những vấn đề nông thôn hay tòa thương mại liên quan đến các giao thương trên biển) hoặc thành viên của các văn phòng bầu cử quốc gia; 3) dưới thời đế chế La mã thống trị, hội thẩm (assesseur) là những luật gia cố vấn có nhiệm vụ hỗ trợ về mặt pháp lý cho các thẩm phán ra phán quyết; 4) trong chế độ cũ (trước cách mạng 1789 ở Pháp), hội thẩm là những người giúp đỡ cho người đứng đầu các tổ chức tư pháp hoặc là những nhân viên tư pháp tham dự hoạt động xét xử với các thẩm phán trong các phiên tòa hình sự. Theo Từ điển phổ thông wikipedia.org trên mạng internet thì “hội thẩm” (assesseur) là người ngồi bên cạnh một người khác để giúp đỡ người này thực hiện chức năng, nhiệm vụ của họ và bổ sung, hỗ trợ họ khi thấy cần thiết [2].
Theo Từ điển tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên) thì “hội thẩm nhân dân” được định nghĩa “Người do hội đồng nhân dân bầu ra trong một thời gian nhất định cùng với thẩm phán làm nhiệm vụ xét xử các vụ án xảy ra ở địa phương”[3] . Với cách hiểu này, hội thẩm nhân dân là người được hội đồng nhân dân bầu theo nhiệm kỳ để cùng với thẩm phán làm nhiệm vụ xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án ở địa phương. Trong khi đó, Từ điển Luật học ghi nhận: “Hội thẩm nhân dân, một chế định quan trọng thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động xét xử của các tòa án Việt Nam. Chế định này được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được khẳng định trong các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự và trong Pháp lệnh ngày 14/5/1993 về thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Hội thẩm tham gia vào hoạt động xét xử của tòa án là biểu hiện của việc nhân dân thực hiện quyền lực của mình, tham gia trực tiếp vào quản lý công việc của nhà nước và của xã hội….”[4] .
Còn với khoa học pháp lý, cụm từ “hội thẩm nhân dân” được thể hiện từ thuật ngữ “hội thẩm” tại khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh số 16-L/CTN ngày 14/5/1993 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thẩm phán và hội thẩm tòa án nhân dân. Theo đó, “hội thẩm là người được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của toà án”. Thuật ngữ này tiếp tục được quy định tại Pháp lệnh số 02/2002/PL-UBTVQH 11 ngày 04/10/2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thẩm phán và hội thẩm tòa án nhân dân. Cụ thể, khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh này ghi: “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, có tinh thần kiên quyết bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, có sức khỏe để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bầu hoặc cử làm hội thẩm”.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh về thẩm phán và hội thẩm của tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 14/2011/UBTVQH12, ngày 19/02/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) quy định: “Hội thẩm tòa án nhân dân ở nước CHXHCN Việt Nam gồm có: a) hội thẩm nhân dân tòa án nhân dân cấp tỉnh, hội thẩm nhân dân tòa án nhân dân cấp huyện (gọi chung là hội thẩm nhân dân); b) hội thẩm quân nhân tòa án quân sự quân khu và tương đương, hội thẩm quân nhân tòa án quân sự khu vực (gọi chung là hội thẩm quân nhân)”. So với Pháp lệnh số 16-L/CTN, Pháp lệnh số 02/2002/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 14/2011/UBTVQH12, ngày 19/02/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “hội thẩm” đã được nêu cụ thể, rõ ràng, đầy đủ hơn, đó là “hội thẩm nhân dân tòa án nhân dân” và “hội thẩm quân nhân tòa án quân sự”. Đặc biệt, so với trước đây, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp lý mới đây, bên cạnh việc quy định cụ thể, rõ hơn về vai trò, vị trí của tòa án nhân dân, còn xác định hội thẩm là người tham gia tiến hành hoạt động tố tụng, thay vì chỉ tham gia xét xử như trước đây.
Từ đó, có thể định nghĩa như sau: Hội thẩm nhân dân là công dân Việt Nam có sức khỏe, uy tín, có kiến thức về pháp luật và hiểu biết xã hội, được bầu ra để tham gia tiến hành hoạt động tố tụng những vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án theo quy định của pháp luật.
Điều kiện, thủ tục bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm nhân dân
Người được lựa chọn để bầu làm hội thẩm nhân dân hiện nay được quy định tại Pháp lệnh về thẩm phán và hội thẩm tòa án nhân dân năm 2002 và Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014. Cụ thể: “1. Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực; 2. Có kiến thức pháp luật; 3. Có hiểu biết xã hội; 4. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Điều 86 Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 cũng quy định: tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương đề xuất nhu cầu về số lượng, cơ cấu thành phần hội thẩm đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp lựa chọn và giới thiệu người đủ tiêu chuẩn theo quy định để hội đồng nhân dân có thẩm quyền theo luật định bầu hội thẩm nhân dân. Nhiệm kỳ của hội thẩm nhân dân theo nhiệm kỳ của hội đồng nhân dân cùng cấp (5 năm) và khi hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, hội thẩm nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ đến khi hội đồng nhân dân khóa mới bầu được hội thẩm nhân dân mới. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT/TANDTC-UBTWMTTQVN ngày 01/3/2004 của Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc chuẩn bị nhân sự và giới thiệu bầu hội thẩm tòa án nhân dân, người được chọn để bầu làm hội thẩm còn phải là người chưa bao giờ bị kết án; người đang công tác tại các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, thi hành án, luật sư (kể cả những người đang làm việc tại các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp lý). Cùng với có sức khỏe để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, người được lựa chọn giới thiệu làm hội thẩm còn phải là người không có dị tật, dị hình ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ hội thẩm; tuổi của hội thẩm nam không quá 70, hội thẩm nữ không quá 65; chú ý lựa chọn người thuộc các tổ chức xã hội, đoàn thể,…
Ngoài ra, khoản 2 Điều 4 Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn hội thẩm quy định: “Tại tòa án nhân dân cấp tỉnh, cứ 02 thẩm phán thì có 03 hội thẩm, nhưng tổng số hội thẩm tại một tòa án nhân dân cấp tỉnh không dưới 20 người và tối đa không quá 100 người; tại tòa án nhân dân cấp huyện, cứ 01 thẩm phán thì có 02 hội thẩm, nhưng tổng số hội thẩm tại một tòa án nhân dân cấp huyện không dưới 15 người và tối đa không quá 50 người, trừ trường hợp đặc biệt có thể có dưới 15 người”.
Như vậy, những người được bầu làm hội thẩm nhân dân không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, sức khỏe, các điều kiện về kiến thức xã hội, hiểu biết xã hội, mà còn phải thỏa mãn về độ tuổi, ngoại hình, thành phần cơ cấu, phù hợp với số lượng thẩm phán và tình hình thực tế của mỗi cấp tòa án địa phương. Thủ tục bầu hội thẩm nhân dân phải trải qua một trình tự chặt chẽ, đó là trên cơ sở nhu cầu thực tế, chánh án tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh đề nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ lựa chọn và giới thiệu để hội đồng nhân dân có thẩm quyền bầu ra các hội thẩm theo quy luật.
Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với hội thẩm nhân dân được quy định tại Điều 86 Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014. Cụ thể, chánh án tòa án nhân dân sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đề nghị hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm nhân dân. Cùng với đó, Điều 90 của Luật này quy định: hội thẩm có thể được miễn nhiệm vì lý do sức khỏe hoặc lý do chính đáng khác; hội thẩm bị bãi nhiệm khi có vi phạm về phẩm chất đạo đức hoặc có hành vi vi phạm pháp luật không còn xứng đáng làm hội thẩm.
Ngoài ra, việc giới thiệu bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm hội thẩm còn được Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Thông tư số 03/2009/TT-TANDTC ngày 05/3/2009 hướng dẫn việc giới thiệu bầu và đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm tòa án nhân dân huyện, quận nơi không tổ chức hội đồng nhân dân. Theo đó, đối với những nơi không tổ chức hội đồng nhân dân cấp huyện, việc bầu, đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm nhân dân cấp huyện vẫn dựa trên cơ sở đề nghị của chánh án tòa án nhân dân cấp huyện và sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp sẽ báo cáo chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh. Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ trao đổi với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hội đồng nhân dân cấp tỉnh tiến hành thủ tục bầu hoặc bãi nhiệm, miễn nhiệm.
Theo đó, hội thẩm nhân dân sẽ được miễn nhiệm khi không bảo đảm về sức khỏe hay vì lý do chính đáng khác mà không có thể đảm nhiệm được vai trò hội thẩm. Việc bãi nhiệm hội thẩm diễn ra khi hội thẩm có vi phạm về đạo đức hoặc vi phạm pháp luật đến mức không còn xứng đáng làm hội thẩm. Mặc dù đến nay, việc xác định “vi phạm phẩm chất đạo đức”, “lý do chính đáng” hay “vi phạm pháp luật không còn xứng đáng” vẫn chưa được làm rõ, nhưng có thể nhận thấy việc miễn nhiệm chủ yếu là do đề nghị của chính hội thẩm, còn việc bãi nhiệm hội thẩm được xem là biện pháp chế tài do các cơ quan quản lý tiến hành, nhưng thủ tục miễn nhiệm hay bãi nhiệm đều phải được tiến hành sau khi chánh án tòa án nhân dân thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và phải được hội đồng nhân dân cấp quan hệ tương đương (cấp huyện hoặc cấp tỉnh) quyết định.
[1] Phụ thẩm”, “hội thẩm” còn có những cách gọi cụ thể khác tùy theo hoàn cảnh, cách thức tổ chức, hoạt động và do các văn bản nêu ra,… như: “phụ thẩm nhân dân”, “hội thẩm nhân dân”, “hội thẩm tòa án nhân dân”, “hội thẩm nhân dân tòa án nhân dân”, “hội thẩm quân nhân”,… Trong phạm vi nội dung bài viết này chỉ đề cập chủ yếu đến đối tượng là hội thẩm nhân dân tham gia xét xử hoặc tham gia tố tung hình sự (không bao gồm hội thẩm quân nhân). Trong đó, “phụ thẩm” và “hội thẩm” được xem như có ý nghĩa và nội dung quy định tương đối giống nhau và “phụ thẩm” tồn tại từ năm 1945 đến năm 1950, còn lại đều được gọi là “hội thẩm”. [2] Trần Thị Kim Cúc (2015), Địa vị pháp lý của hội thẩm trong tố tụng hình sự, Khoa Luật trường Đại học quốc gia Hà Nội, Luận văn thạc sĩ. [3] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển, Hà Nội 2011, tr 593. [4] Từ điển luật học, NXB Từ điển bách khoa, tr, 229-230. |
THẠC SĨ. LUẬT SƯ LIÊU CHÍ TRUNG