Đây là tài liệu quan trọng nhằm cụ thể hóa các chuẩn mực hành xử trong nghề luật sư, hướng đến xây dựng một đội ngũ luật sư hành nghề chuyên nghiệp, chuẩn mực và hội nhập quốc tế.
Hội thảo có sự tham dự của Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ông Tsukahara Masanori, Chuyên gia Dự án JICA; các luật sư trong Ban Thường vụ, Ủy ban chuyên môn Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đại diện Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Long An… cùng đông đảo các luật sư tham dự.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, việc ban hành cuốn sách này là bước đi quan trọng nhằm tạo ra sự thống nhất về mặt nhận thức và thực hành đối với Bộ Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư.
"Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi lẽ chúng ta đang bàn tới một lĩnh vực vừa mang tính nguyên tắc, vừa rất đặc thù và gắn bó mật thiết với thực tiễn hành nghề của từng luật sư", Luật sư Thịnh nhấn mạnh.
Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, hiện nay Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam gồm 32 quy tắc. Về mặt văn bản, các điều khoản đều được trình bày rõ ràng, dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy một nghịch lý đáng lưu tâm đó là qua các kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư gần đây, tỉ lệ thí sinh không đạt phần nội dung về Bộ Quy tắc chiếm từ 20 đến 30%. Thậm chí, trong quá trình xử lý khiếu nại, tố cáo, không ít luật sư có nhiều năm hành nghề vẫn vấp phải những sai phạm liên quan đến Bộ Quy tắc này.
Điều đó phản ánh một thực trạng đáng suy nghĩ là: Nhận thức về Bộ Quy tắc trong giới luật sư còn thiếu đồng bộ. Một phần là do chủ quan, chưa thực sự nghiên cứu sâu; phần khác là do chưa có tài liệu hướng dẫn, phân tích thống nhất để cùng tham chiếu. Trong khi đó, đạo đức nghề nghiệp không thể được hiểu một cách tùy tiện. Luật sư dù là người mới bước vào nghề hay đã hành nghề nhiều năm đều phải ứng xử dựa trên cùng một chuẩn mực.
Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất của cuốn “Giải thích Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam” là làm rõ từng quy tắc, nêu bật các tình huống áp dụng cụ thể, qua đó giúp luật sư ở mọi cấp độ kinh nghiệm đều có thể hiểu đúng, hiểu đủ và áp dụng một cách nhất quán.
Đây sẽ là một công trình mang dấu ấn tập thể, kết tinh trí tuệ, kinh nghiệm và sự đóng góp của cộng đồng luật sư. Tổ soạn thảo sẽ báo cáo Ban Thường vụ Liên đoàn để thành lập Hội đồng thẩm định, với sự tham gia của đại diện Liên đoàn, các cơ quan tố tụng và các tổ chức liên quan. Mục tiêu là để cuốn sách không chỉ chuẩn xác về nội dung mà còn thực sự khả dụng trong thực tiễn hành nghề. Và kỳ vọng cuốn “Giải thích Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam” sẽ được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 – 10/10/2025), như một món quà tri ân và cũng là lời cam kết cho sự chuẩn mực, phát triển bền vững của nghề luật sư nước nhà.

Quang cảnh buổi Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày và thảo luận sâu về từng nhóm quy tắc đạo đức. Theo đó, Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phân tích các nội dung giải thích về quan hệ luật sư, khách hàng, nhấn mạnh đến các giá trị cốt lõi như: Bảo mật thông tin, trung thực trong tư vấn, và trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng trong mọi tình huống.
Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Đạo đức, Khen thưởng và Kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trình bày tập chung vào các quy tắc điều chỉnh quan hệ giữa các Luật sư với nhau. Theo Luật sư Nguyễn Thế Phong “Một nghề nghiệp bền vững cần được xây dựng trên nền tảng đồng nghiệp tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau, tránh cạnh tranh không lành mạnh và giữ vững tinh thần đoàn kết nghề nghiệp.”
Góp thêm góc nhìn quốc tế, ông Tsukahara Masanori, Chuyên gia cao cấp của Dự án JICA, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cuốn “Giải thích về Quy định cơ bản về công việc của luật sư Nhật Bản”. Theo ông, sự rõ ràng trong giải thích quy tắc đạo đức không chỉ giúp luật sư hành nghề vững vàng hơn, mà còn nâng cao niềm tin công chúng với nghề luật.
Ở một nội dung khác, Luật sư Nguyễn Minh Tâm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam trình bày các phần giải thích liên quan đến quan hệ giữa luật sư và cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như với các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân khác. Luật sư Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh: Việc giải thích rõ các giới hạn ứng xử phù hợp giữa luật sư và các chủ thể trong tố tụng sẽ góp phần bảo đảm tính công minh và hiệu quả của quá trình thực thi pháp luật.
Đóng góp ý kiến cho "Chương II. Quan hệ với khách hàng", Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chánh văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, hiện nay, một vấn đề đang gây nhiều tranh luận trong giới luật sư và cả trong thực tiễn hành nghề, đó là: “Tiền hứa thưởng” có được xem là thù lao hay chi phí hợp pháp mà luật sư được nhận hay không? Và nếu được nhận, thì được nhận vào thời điểm nào?
Luật sư Lê Hồng Nguyên cho rằng: Chúng ta cần phân biệt rõ “hứa thưởng” không phải là thù lao theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, cũng không phải là một khoản chi phí bắt buộc. Đây là một cam kết mang tính tự nguyện, phát sinh sau khi vụ việc thành công hoặc đạt được kết quả nhất định mà bên sử dụng dịch vụ mong muốn. Về bản chất, hứa thưởng giống như một phần thưởng hậu kết quả, tức chỉ phát sinh nghĩa vụ chi trả khi có kết quả thực tế như đã cam kết.

Ban điều hành chủ trì buổi Hội thảo.
Trong thực tiễn, đã có trường hợp luật sư và thân chủ ký hợp đồng với điều khoản "hứa thưởng" lên đến hàng tỉ đồng. Vấn đề đặt ra là: Luật sư yêu cầu được nhận khoản tiền này trước, với cam kết nếu sau này không đạt kết quả sẽ hoàn trả. Tuy nhiên, việc nhận “tiền hứa thưởng” trước thời điểm hoàn thành công việc hoặc trước khi có kết quả là không phù hợp với bản chất pháp lý của “hứa thưởng”. Điều này có thể dẫn đến rủi ro về mặt pháp lý, thậm chí bị hiểu lầm là luật sư đang trục lợi hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thực tiễn hành nghề luật sư, đặc biệt là trong quá trình tham gia các phiên tòa, ứng xử của luật sư không chỉ thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp mà còn phản ánh đạo đức, chuẩn mực của giới luật sư nói chung. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp luật sư có những hành vi, lời nói không phù hợp, thậm chí vi phạm các nguyên tắc cơ bản về ứng xử tại tòa án.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất cần bổ sung vào Quy tắc 27 trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam nội dung sau: “Luật sư không được thực hiện bất kỳ hành vi nào trái với quy định của pháp luật trong quá trình tham gia tố tụng. Luật sư phải luôn giữ thái độ bình tĩnh, ứng xử phù hợp, có văn hóa trong suốt quá trình hành nghề; tuyệt đối không được sử dụng ngôn ngữ hoặc hành động có tính chất xúc phạm, miệt thị, quy chụp cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến vụ việc”.
Góp ý cho cuốn "Giải thích Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam", Luật sư Đặng Văn Chung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Trà Vinh cho rằng tên cuốn sách là "Giải thích Bộ Quy tắc", việc dùng “giải thích” đã hợp lý hay chưa vì nếu chỉ giải thích thì không bắt buộc tuân theo. Vậy có nên sửa tên gọi mang tính chất buộc áp dụng như chỉ dẫn hay hướng dẫn hay không?
Phát biểu tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Ủy viên Ban Chủ nhiệm, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhận định rằng, mặc dù cuốn sách giải thích chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng nếu được ban hành sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, thống nhất cách hiểu và áp dụng Bộ Quy tắc một cách nhất quán trong thực tiễn hành nghề.
Góp ý về hình thức trình bày, Luật sư Nguyễn Bảo Trâm cho rằng phần "Lời nói đầu" hiện còn hơi dài, cần được cô đọng lại để đảm bảo tính súc tích. Về nội dung, Luật sư Nguyễn Bảo Trâm lưu ý rằng theo Luật Luật sư, việc tiết lộ thông tin liên quan đến vụ việc hoặc khách hàng mà luật sư biết được trong quá trình hành nghề chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng, hoặc trong trường hợp pháp luật có quy định khác.

Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chánh văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam góp ý tại Hội thảo.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Bảo Trâm cũng đặt vấn đề thực tiễn rằng: Đã từng có trường hợp luật sư “kêu oan” khi bị xem xét xử lý vì bị cho là đã tiết lộ thông tin khách hàng, trong khi thực chất họ chỉ cung cấp các tin nhắn, hình ảnh từ Facebook hoặc Zalo thể hiện nội dung trao đổi với khách hàng, kèm theo phản hồi như biểu tượng "like", "thả tim"... Từ đó, bà đặt câu hỏi: “Việc luật sư nhắn tin và khách hàng phản hồi bằng cách ‘like’, ‘thả tim’… thì có thể được xem là văn bản đồng ý theo quy định pháp luật hay không?”
Phát biểu tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam thay mặt Liên đoàn và Tổ soạn thảo cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc và giàu tính thực tiễn của các Luật sư tại Hội thảo. Những trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm của các luật sư chính là nguồn lực quan trọng giúp Liên đoàn tiếp tục hoàn thiện cuốn giải thích bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam phù hợp hơn với thực tế hành nghề và yêu cầu của xã hội.
Luật sư Nguyễn Hải Nam cho biết, đây sẽ là cuốn giải thích chính thức của Liên đoàn ban hành. Tổ soạn thảo đã làm việc nghiêm túc, dựa trên hệ thống các quy định pháp luật hiện hành, Bộ Quy tắc đã ban hành và thực tiễn hành nghề đa dạng của giới luật sư, đồng thời trải qua quy trình thẩm định chặt chẽ. Tuy nhiên, cuốn giải thích này mang tính chất định hướng áp dụng, nghĩa là nó không mang tính bắt buộc về mặt pháp lý, không kèm theo chế tài xử lý, mà nhằm cung cấp một cách hiểu thống nhất, có tính tham khảo chuyên sâu, để luật sư vận dụng phù hợp trong từng tình huống nghề nghiệp cụ thể.
Về vấn đề “hứa thưởng”, Luật sư Nguyễn Hải Nam cho rằng cần phân biệt rõ giữa “hứa thưởng” vốn là một hình thức khuyến khích trong giới hạn cho phép, và “cam kết kết quả” điều mà Bộ Quy tắc nghiêm cấm. Mặt khác, Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam không cấm hứa thưởng, chỉ cấm cam kết kết quả với khách hàng.
Đối với hình thức trao đổi qua các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo, một thực tế ngày càng phổ biến hiện nay, Luật sư Nguyễn Hải Nam cho rằng, nếu khách hàng trả lời bằng tin nhắn thể hiện rõ sự đồng ý thì hoàn toàn có thể coi đó là văn bản giao kết. Tuy nhiên, nếu luật sư chỉ gửi nội dung và phía khách hàng chỉ “thả tim”, “like” mà không có phản hồi rõ ràng thì cần phải đánh giá trong từng bối cảnh cụ thể, tránh suy đoán chủ quan.
Hội thảo là bước chuẩn bị quan trọng trước khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam chính thức ban hành cuốn “Giải thích Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam”. Sự đóng góp của các luật sư giàu kinh nghiệm và chuyên gia quốc tế cho thấy quyết tâm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế hành nghề luật sư, nâng cao uy tín và chuẩn mực của giới luật sư trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và kỷ nguyên vươn mình của đất nước.