/ Tin nổi bật
/ Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới

Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới

06/03/2025 21:42 |1 tháng trước

(LSVN) - Vào ngày 06/3/2025, tại Trung tâm hội nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội), Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Tham dự và chỉ đạo Hội thảo, có ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cùng các nhà khoa học pháp lý, đại diện Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia về tài chính và công nghệ thông tin, các cơ quan thông tấn báo chí…

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề Hội thảo, với nhiệm vụ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thi hành pháp luật với tinh thần tự tin, tự chủ, tự cường bước vào kỷ nguyên mới. Quá trình gần 40 năm đổi mới của đất nước, từ chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương, việc xây dựng và thi hành pháp luật đạt nhiều thành tựu, hệ thống pháp luật về cơ bản đã bao quát được các mặt của đời sống xã hội, phản ánh thực tiễn sinh động của đời sống. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật còn những bất cập, hạn chế, tư duy xây dựng pháp luật còn theo kiểu cũ, một số chủ trương của Đảng chậm được thể chế hóa, chất lượng xây dựng một số đạo luật chưa cao, còn chồng chéo, cản trở, chưa khơi thông, giải phóng nguồn lực xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Bước vào kỷ nguyên mới, công tác xây dựng và pháp luật đòi hỏi những mục tiêu và yêu cầu rất mới, chưa có tiền lệ, không theo truyền thống lâu nay. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang đặt ra yêu cầu mới trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đồng thời thực tiễn đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dẫn đến nhiều biến đổi sâu sắc mọi mặt đời sống của xã hội. Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến, làm rõ các yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và thi hành pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp điều hành phiên thảo luận.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp điều hành phiên thảo luận.

Với quy mô của Hội thảo khoa học cấp quốc gia, tài liệu kỷ yếu của Hội thảo dày tới 657 trang, dưới sự điều hành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hội thảo đã nghe các chuyên gia, các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn trình bày trực tiếp các tham luận:

- PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận: “Các chủ trương, định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật”.

- GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp trình bày tham luận: “Cải cách thể chế, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

- PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận: “Định hướng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đáp ứng yêu cầu thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy”.

- Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam trình bày tham luận: “Một số giải pháp cải cách pháp luật để thúc đẩy hoạt động, sản xuất kinh doanh”.

- Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày tham luận: “Nhận thức và áp dụng pháp luật nhìn từ thực tiễn xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua- Một số ý kiến và giải pháp”.

- Ông Hồ Sỹ Hùng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày tham luận: “Giải pháp tăng nguồn lực tài chính cho công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo.

 Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Ngoài ra, Hội thảo lắng nghe ý kiến phát biểu thảo luận của các nhà khoa học (GS.TS Trần Ngọc Đường, GS Nguyễn Đăng Dung, ông Nguyễn Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT) và nhiều ý kiến khác.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã đánh giá cao các tham luận và phát biểu tại Hội thảo, là cơ sở để đóng góp, hoàn thiện các văn kiện của Đảng, trong đó có văn kiện về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Kết luận Hội thảo, ông Phan Đình Trạc đã nêu bật 08 nội dung tổng hợp từ các tham luận và ý kiến phát biểu, đạt được sự đồng thuận cao:

- Khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, hướng đến sự văn minh, hạnh phúc cho cuộc sống người dân, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, coi đây là khâu “đột phá của đột phá”.

- Nhiệm vụ xây dựng pháp luật phải đáp ứng yêu cầu phát triển, dám nghĩ, dám làm, gần dân, công bằng, đảm bảo trật tự chung bền vững, giá trị và thành quả của gần 40 năm đổi mới, đổi mới tư duy pháp luật, xây dựng và thi hành pháp luật và đầu tư nguồn lực cho công tác này.

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo.

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo.

- Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đưa cuộc sống vào pháp luật và pháp luật phải phù hợp với thực tiễn đời sống, kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

- Trên cơ sở đổi mới cơ bản tư duy xây dựng pháp luật nhằm khơi thông nguồn lực đất nước, hạnh phúc của nhân dân, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” trong xây dựng pháp luật, huy động các nguồn lực kinh tế, tạo của cải vật chất cho xã hội, phát huy đúng mức quy tắc đạo đức xã hội.

- Đổi mới tư duy theo hướng phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển, gắn kết giữa xây dựng và thi hành pháp luật, tổng kết thực tiễn chất lượng pháp luật sau khi ban hành, sửa đổi các quy định bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, chú trọng thị trường dịch vụ pháp lý, trọng tài, hòa giải, làm sao để doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận, tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời những khó khăn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng và thi hành pháp luật.

- Đổi mới mạnh mẽ, đầu tư nguồn lực cho xây dựng pháp luật, coi đây là đầu tư cho phát triển. Nhà nước đảm bảo ưu tiên nguồn lực, cơ sở vật chất, công tác cán bộ, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ hiệu quả cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

- Thời gian tới, cần triển khai thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa được Quốc hội thông qua, chú trọng năng cao chất lượng chính sách để chuyển hóa chính sách thành văn bản quy phạm pháp luật; khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, coi đây là khâu đột phá.

- Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương hoặc Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

PV

Các tin khác