/ Hoạt động Luật sư
/ Hội thảo ‘Lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Luật sư’

Hội thảo ‘Lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Luật sư’

05/08/2022 09:33 |

(LSVN) - Sáng ngày 05/8/2022, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Luật sư”, để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Luật sư là căn cứ đề xuất xây dựng Luật Luật sư mới thay thế Luật Luật sư năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU Jule).

Tham dự Hội thảo có đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam của cơ quan một số bộ, ngành trung ương, đại diện một số Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các tổ chức hành nghề Luật sư và các đơn vị liên quan và các đơn có liên quan đến công tác xây dựng, rà soát, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp. Bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp và bà Đỗ Thúy Vân, đại diện UNDP tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Luật Luật sư năm 2006 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 22/6/2006 tại kỳ họp thứ 9, là mốc son pháp lý quan trọng hoàn thiện thể chế về Luật sư và nghề Luật sư ở nước ta, tạo nên một bước phát triển nhanh chóng về số lượng Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư, từng bước nâng cao về chất lượng hành nghề Luật sư. Hệ thống tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư được củng cố từ trung ương đến địa phương.

Cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng đội ngũ Luật sư đã từng bước được nâng lên, tạo lập niềm tin với cộng đồng xã hội, đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp về việc xây dựng một nền tư pháp công khai, minh bạch, dân chủ và văn minh. Tính chuyên nghiệp và chuyên môn hóa của Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư đã được khẳng định khi cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng và cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Luật Luật sư cho thấy một số bất cập, hạn chế như:

(i) Còn một số chủ trương, chính sách phát triển nghề Luật sư chưa được thể chế hóa hay triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương; một số quy định chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam, đặc biệt về tiêu chuẩn, điều kiện trở thành Luật sư, vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư. Trong hoạt động hành nghề, Luật sư vẫn còn gặp một số khó khăn khi tham gia tố tụng.

(ii) Phẩm chất đạo đức, ý thức tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp chưa thực sự trở thành kim chỉ nam cho mọi hành vi ứng xử của Luật sư. Do đó, còn tình trạng một số Luật sư có hành vi tiêu cực trong hành nghề cũng như các hoạt động chính trị, xã hội khác hoặc lợi dụng quyền hành nghề Luật sư thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tác động, lôi kéo người dân thực hiện khiếu nại, khiếu kiện, tụ tập đông người trái pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

(iii) Đa số các tổ chức hành nghề Luật sư có quy mô nhỏ, quản trị, điều hành còn yếu kém, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa thực sự tạo được niềm tin đối với khách hàng, cơ quan, tổ chức.

(iv) Cơ quan quản lý nhà nước một số địa phương chưa thực sự sát sao, quan tâm, tạo điều kiện phát triển nghề Luật sư. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại nhiều tỉnh, thành phố chưa được chú trọng, thực hiện thường xuyên, còn hình thức; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chưa quyết liệt, dứt điểm.

(v) Vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư có điểm còn chưa tương xứng với yêu cầu. Một số nhiệm vụ pháp luật giao cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư thực hiện đã được triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả (như công tác giám sát tập sự hành nghề Luật sư, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của Luật sư, nội bộ một số Đoàn Luật sư trong một thời gian còn có biểu hiện mất đoàn kết hoặc chưa thực hiện hết trách nhiệm tự quản).

Tại Hội Thảo, các đại biểu đã nghe một số báo cáo, tham luận tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: (i) Tổ chức và hoạt động của Luật sư; (ii) Những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức, hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư trong quá trình thực hiện Luật Luật sư; (iii) Thực trạng tổ chức và hoạt động của Luật sư; (iv) Những thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư tại địa phương trong quá trình thực hiện Luật Luật sư và đóng góp ý kiến cho dự thảo Báo cáo; (v) Những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức, hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư trong quá trình thực hiện Luật Luật sư.

Từ đó, có những ý kiến đóng góp cho dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Luật sư.

Một số kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo là:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư ở Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật liên quan đến Luật sư và hành nghề Luật sư; tạo điều kiện cho Luật sư thực hiện quyền hành nghề của mình, thông qua đó, Luật sư góp phần bảo vệ công lý, hạn chế các sai sót của cơ quan tiến hành tố tụng, qua đó hoạt động bổ trợ tư pháp cũng có vai trò phối hợp và giám sát “ngược” đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Thứ hai, phát triển nghề Luật sư chất lượng và bền vững với đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu về tập quán pháp luật quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, chú trọng phát triển đa dạng các lĩnh vực hành nghề chuyên sâu trong các lĩnh vực (bên cạnh một số lĩnh vực truyền thống như tranh tụng, tư vấn pháp luật) để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của Luật sư, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động Luật sư thông qua việc sửa đổi, bổ sung quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Luật sư, phạm vi hành nghề của Luật sư, các trường hợp được miễn đào tạo nghề, miễn giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư; xã hội hóa công tác đào tạo nghề Luật sư đảm bảo lộ trình phù hợp, tính khả thi về nguồn lực xã hội và các điều kiện cần thiết; rà soát, điều chỉnh các quy định đối với Luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tương thích với các quy định đối với Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư trong nước.

Thứ tư, tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của cá nhân Luật sư trong hành nghề, đặc biệt là việc tuân thủ pháp luật, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật hành nghề, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Luật sư trong xã hội.

Thứ năm, nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư nhất là trong việc giám sát Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với Luật sư; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư thực hiện tự quản theo quy định của pháp luật, dưới sự quản lý của nhà nước.

Thứ sáu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số quy định làm rõ hơn nội hàm và mối quan hệ giữa quản lý nhà nước với tự quản; bảo đảm sự thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động Luật sư; quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư; nâng kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư thành kỳ thi quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư; tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với tổ chức, hoạt động của Luật sư bảo đảm hoạt động của Luật sư được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

HẢI VIỆT/Tạp chí Dân chủ & pháp luật

Thế nào là tội 'Lừa dối khách hàng'?

Lê Minh Hoàng