Đây là con số được đưa ra trong báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về xâm hại trẻ em được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng nay, 27/4.
Trung bình mỗi ngày 7 trẻ bị xâm hại
Báo cáo của Đoàn giám sát do bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trình tại phiên họp cho hay, từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em, với 8.709 trẻ bị xâm hại (1.672 trẻ em nam, 7.037 trẻ em nữ).
Trong đó, số trẻ em bị xâm hại tình dục là 6.432 em; bạo lực 857 em; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt 106 em; các hình thức xâm hại khác là 1.314 em.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình, cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước.
Hình thức xâm hại phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề và gây bức xúc nhất, nổi lên trong giai đoạn này là xâm hại tình dục, với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận.
Trong đó, 2.191 trẻ bị hiếp dâm, 31 trẻ bị cưỡng dâm, 1.096 bị dâm ô, 3.114 trẻ bị giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số trẻ em bị xâm hại, như Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre và Đồng Nai.
Qua giám sát cũng cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em.
Điều này dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.
Theo báo cáo của Chính phủ, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em rất đa dạng về độ tuổi, nghề nghiệp, song 95% là nam giới.
Bên cạnh đó, qua giám sát cho thấy, tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm phần lớn và có xu hướng gia tăng, như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 97,3%; tỉnh Phú Thọ 97%; tỉnh Cà Mau 96,5%; Thành phố Hà Nội 88,8%…
Đáng lưu ý, ở nhiều địa phương có vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con.
Bên cạnh đó, báo cáo cho biết, xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mà thời gian gần đây còn xảy ra nhiều ở các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển. TP.HCM và thành phố Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước.
Xâm hại trẻ em cũng không chỉ xảy ra ở những nơi vắng người qua lại, hẻo lánh, biệt lập, mà còn xảy ra tại gia đình và các khu vực công cộng, như: tại cơ sở giáo dục, trung tâm bảo trợ xã hội, nơi vui chơi của trẻ em, cầu thang máy chung cư…
Báo cáo cũng nhận định, phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Nếu trước đây, đối tượng xâm hại thường lợi dụng sự sơ hở, chủ quan của gia đình, sự non nớt của trẻ em để lừa gạt hoặc dùng vũ lực đe dọa, uy hiếp và xâm hại trẻ em, thì nay các đối tượng xâm hại còn tiếp cận, dụ dỗ, mua chuộc trẻ em; đáng lưu ý là việc lợi dụng mạng internet, mạng xã hội để tiếp cận, lừa gạt và thực hiện các hành vi xâm hại…
Theo báo cáo, các vụ xâm hại trong thời gian qua đã khiến 337 trẻ tử vong, 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ bị thương tật, 180 trẻ phải bỏ học.
Đoàn giám sát cũng đánh giá tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
LÊ HIỆP/TNO