/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Hồn ma báo oán (Kỳ 2): Ngựa quen đường cũ...

Hồn ma báo oán (Kỳ 2): Ngựa quen đường cũ...

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Tưởng rằng sự khoan hồng của luật pháp có thể thức tỉnh được Nguyễn Bạch Nhạn, nhưng sự kiện ngày 19/3/1992 vừa xảy ra đã cho thấy y đã bị ám khí của âm binh làm mờ mắt...

Cách đây gần 4 năm, Công an xã Bình Chánh và Tam Thôn Hiệp thuộc huyện Duyên Hải lập báo cáo gửi lên Công an huyện về việc quần chúng báo tin có 140 mồ mả, hài cốt bị đào phá. Phối kiểm lại các nguồn tin từ nhiều nơi, đặc biệt là từ Sở Ngoại vụ TP cho biết, thời gian gần đây, có nhiều người đến để xin nộp hài cốt gọi là của lính Mỹ chết trận, nhưng khi giám định thì toàn là hài cốt giả, từ đó vụ án “xâm phạm mồ mả hài cốt” đã được Công an khởi tố. Qua kết quả điều tra, ngày 20/10/1989, Công an đã phát hiện và thu giữ tại nhà Nguyễn Bạch Nhạn 446 bộ hài cốt được cất giấu trong nhà và dưới ao...

Nguyễn Bạch Nhạn sinh năm 1930 tại Đồng Tháp, ngụ tại 57/5 khu phố 2 thị trấn Nhà Bè, thường được mọi người gọi là “Ông mười đầu bạc” nguyên là lính bảo an chế độ cũ... Vào năm 1985. Nguyễn Bạch Nhạn nghe tin Chính Phủ Việt Nam thông báo tìm tông tích và hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, y đã rủ Lê Văn Thừa, ngụ tại huyện An Biên tỉnh Kiên Giang dùng ghe, giá xúc đất và cây sắt 10 ly đến khu rừng chồi thuộc địa phận các xã Hiệp Phước - Nhà Bè, xã Tân Hiệp, Phước Vĩnh Tây và Phước Lại thuộc huyện Cần Giuộc - Long An đóng vai những người đi đào cua để đào tìm hài cốt Mỹ. Trong năm này, Nguyễn Bạch Nhạn và Nguyễn Văn Sang, sinh năm 1928 tại Long An, trú quán tại Phước Lại, Cần Giuộc đi đào tìm hài cốt ở các khu vực trên nhằm mục đích giao cho các cơ quan có thẩm quyền để được xét đi định cư ở nước ngoài.

Ảnh minh hoạ (nguồn Internet).

Từ năm 1985 đến tháng 02/1986, Nhạn cùng Thừa và Sang đã đào tìm được 300 bộ hài cốt, đem về nhà Nhạn cất giữ. Vì tuổi cao sức yếu, phần do tiếp xúc nhiều với âm khí, Lê Văn Thừa bị bệnh chết vào năm 1986, nên Nhạn tạm ngưng việc đào bới, chỉ ở nhà tìm nơi đăng ký số hài cốt đào được cho cơ quan Nhà nước. Riêng Nguyễn Văn Sang vẫn tiếp tục đào tìm hài cốt, đem về bán lại cho Nhạn với giá từng thời điểm từ 5.000 - 10.000 đến 50.000 đồng/bộ, tổng cộng từ năm 1986-1988 bán được 110 bộ với số tiền 1,4 triệu đồng. Để phụ giúp Nhạn và Sang trong việc trên, Nhạn đã bảo Nguyễn Bạch Phong (con ruột) cùng 3 con rể là Nguyễn Văn Nhì, Đào Văn Bạc, Trần Tấn Hùng thay nhau lấy ghe đưa Nhạn đi đào và đưa hài cốt về nhà, mỗi người từ 2-4 lần.

Vào tháng 5/1989, Lê Kim Toàn cư ngụ ở đường Bùi Thị Xuân phường 5 quận Tân Bình là người quen của Nhạn biết được tin Nhạn có “hài cốt Mỹ” đang cất giữ tại nhà nên đến gặp và hứa sẽ giúp Nhạn tìm nơi đăng ký với cơ quan Nhà nước, nếu có quyền lợi thì cho Toàn cùng hưởng. Nhạn đồng ý, nhưng Toàn chưa thực hiện được thì Nhạn đã bị bắt. Khi Công an huyện Nhà Bè đang làm nhiệm vụ thu hồi số hài cốt tại nhà Nhạn ngày 20/10/1989, giao cho các cơ quan giám định phân loại để xác định về dân tộc, Toàn đã có mặt tại nhà Nhạn, nói với Công an huyện Nhà Bè là không đồng ý để Công an thu hồi số hài cốt, ngăn cản việc thu hồi tang vật điều tra vụ án.

Theo xác minh của địa phương thì số mồ chúng đào có loại là mộ xưa, lâu năm, có loại là mộ của dân, cũng có trường hợp nghi là xương của người Châu Âu. Tại Biên bản nhận dạng hài cốt từ ngày 23/10/1989 đến 03/11/1989 tại TP. Hồ Chí Minh của hai đội nhận dạng Việt Nam - Hoa Kỳ thì chỉ có 5 gói trên 200 gói hài cốt đã được giám định có thể là hài cốt của người Châu Âu lẫn người Châu Á, nhưng còn phải về Mỹ nhận dạng lại. Số còn lại chỉ là xương người Châu Á, gồm nhiều lứa tuổi từ 4 đến 70 tuổi, cả nam lẫn nữ...

Khi phát hiện vụ án và đưa ra xét xử, dư luận hết sức căm phẫn về hành vi xâm phạm mồ mả hài cốt của Nguyễn Bạch Nhạn và đồng bọn, nhưng xét thấy khả năng nhận thức thấp kém, tuổi đã già, hoàn cảnh đông con, nghèo khổ nên TAND TP. Hồ Chí Minh trong phiên xử ngày 23/6/1990 đã cho Nguyễn Bạch Nhạn và Nguyễn Văn Sang được hưởng án treo.

Tưởng rằng sự khoan hồng của luật pháp có thể thức tỉnh được Nguyễn Bạch Nhạn, nhưng sự kiện ngày 19/3/1992 vừa xảy ra đã cho thấy Nguyễn Bạch Nhạn đã bị ám khí của âm binh làm mờ mắt...

***

Ngay đêm 19/3/1992, khi nhận được tin báo của con trai là Nguyễn Bạch Hoàng, Nguyễn Bạch Nhạn đã khăn gói bỏ trốn về quê ở huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, trú tại nhà ông Chín Sầm. Con trai Nhạn là Nguyễn Bạch Hoàng cũng theo gương cha bỏ trốn luôn. Lệnh truy nã 2 cha con Nguyễn Bạch Nhạn được công bố ngày 08/4/1992...

Riêng Nguyễn Văn Nhì (con rể Nhạn) cùng Dương Đoàn Phong, Trần Thị Kim Loan đã được “mời về tạm nghỉ” tại trại giam Chí Hòa... Mẹ con bà Nguyễn Thị Thu Đông, không thể quên cái ngày được ông “Mười đầu bạc” đến đặt vấn đề...

Vào một buổi chiều thượng tuần tháng 3/1992, bà Lê Thị Thu Đông được đón tiếp một người khách cũ - đó là ông Mười đầu bạc.

- Chào ông Mười. Bữa nay ông Mười có gì lạ mà quá bộ thăm nhà tôi?

Nguyễn Bạch Nhạn tỏ vẻ bí mật, kéo ghế ngồi đối diện rồi chậm rãi nói:

- Tôi có chuyện muốn bàn với bà, nhưng bà phải hứa là không nói cho ai biết. Chuyện quan trọng, nếu tốt đẹp thì biết đâu gia đình bà sẽ vượt Đại Tây Dương sang sống ở Hoa Kỳ?...

- Thì ông cứ nói thẳng đi! Bà Đông sốt ruột...

Bà cứ bình tĩnh. Cách đây 3 năm, tôi có nhiều hài cốt lính Mỹ chết trận nhưng Nhà nước phát hiện bắt và tịch thu... Đầu tháng 3/1992 này, tôi sửa nhà, phải lấp cái ao bên cạnh để lấy thêm diện tích. Cách đây mấy ngày, thằng Nhì, con rể tôi đứng dưới ao để đổ và bang cát, tôi đứng trên bờ đổ cát xuống. Thằng Nhì dùng cây để bang cát, nào ngờ đụng phải mấy cái túi hài cốt còn sót lại do Công an chưa thu giữ hết. Tất cả còn 7 bộ hài cốt, bà hiểu không? Âu cũng là số tôi Trời còn thương nên “để lại” cho tôi “hài cốt Mỹ”. Chuyến này, tôi phải tính kỹ, biết đâu gia đình tôi được hưởng quyền lợi từ số hài cốt này...

Nói đến đây “ông Mười đầu bạc” có vẻ thở gấp, mắt lim dim như mường tượng về điều kỳ lạ sắp xảy ra.

- Này, nghe ông nói tôi cũng thấy ham. Mà ông nói chuyện này với tôi làm gì?

- Ý tôi nói là hiện nay tôi đang sửa nhà, không có chổ để. Bà cho tôi gởi nhờ ít bữa, nếu sau này Nhà nước xét cho hưởng quyền lợi, hoặc cho đi xuất cảnh thì gia đình tôi và gia đình bà kể như được đổi đời vậy!

Nhìn nét mặt Nguyễn Bạch Nhạn, bà Đông thắc mắc:

- Vậy ông lấy đâu ra số hài cốt này?

- Chuyện dài dòng lắm - ông ta thở dài - Phải ròng rã mất bao nhiêu năm trời lặn lội ngoài bưng - nơi chiến sự trước đây xảy ra, mới có được...

Bà Đông ôm đầu:

- Nghe mấy chuyện hài cốt của ông, tôi muốn nổi da gà. Ông chưa biết tính tôi, chứ tôi là chúa sợ ma! Để ba thứ đó trong nhà, chắc đêm nào tôi cũng thấy hồn ma hiện về quá...

- Bà yên tâm đi, ba cái hài cốt này lâu lắm rồi, hồn ma ở đâu mà sợ... Có bao giờ tôi bị hồn ma hiện về đâu!

Nói đến đây, ông ta như cứng lưỡi. Cũng vì mấy chuyện “hài cốt Mỹ” này mà gia đình ông ta phải vào tù cuối năm 1989, anh ruột ông chết bệnh sau khi đi đào hài cốt về. Từ dạo đi đào mồ đến nay, không đêm nào ông ta ngủ yên, tóc vì thế mà bạc trắng hết cả!

Nghĩ là chuyện cũng chẳng có gì phải sợ, bà Đông đồng ý cho Nguyễn Bạch Nhạn gửi nhờ 7 bộ hài cốt này. Bà nói lại chuyện này với con trai là Dương Đoàn Phong, dặn khi nào có con ông Nhạn đến kêu thì đến nhà ông Nhạn chuyển hài cốt về... Nào ngờ, khi con trai bà đi, cô vợ của hắn tưởng chồng đi chơi với Nguyễn Văn Nhì nên nằng nặc đòi đi theo “cho vui”. Vui chẳng thấy đâu, vì không biết trước sự việc khi thấy Đội quản lý thị trường Nhà Bè phát hiện bắt giữ số hài cốt, cô ta đã ngất xỉu, khi tỉnh táo thì đã được mời vào trại giam... Bảy bộ hài cốt đã được giám định, không có bộ nào là “hài cốt Mỹ” cả.

Riêng Nguyễn Bạch Nhạn, sau thời gian chạy trốn, đã bị bắt lại vào ngày 13/7/1992. Giờ này, ở trong trại giam chờ tòa xử lần tái phạm thứ hai trong thời gian thử thách của án treo lần trước, không đêm nào ông ta không thấy mộng mị. Tỉnh dậy, hóa ra là đang nằm giữa 4 bức tường lạnh lẽo của trại giam...

(Mời quý độc giả đón đọc tập truyện hấp dẫn tiếp theo: “Vệ sĩ cho Trung tướng Hoa Kỳ 'dỏm' (Kỳ 1): Bị bắt trước bình minh…” sẽ được đăng tải vào ngày 06/7/2020).

PHONG LINH

/hon-ma-bao-oan-ky-1-cuoc-kiem-tra-bat-ngo-trong-dem.html