Nguồn gốc ra đời
Khái niệm HĐTM bắt nguồn từ một bài viết của nhà khoa học máy tính và mã hóa có tên Nick Szabo vào năm 1996 có tên “Smart Contracts: Building Blocks for Digital Markets” (HĐTM: Xây dựng các nền tảng cho thị trường số) [1]. Trong bài viết này tác giả cho rằng cuộc cách mạng kỹ thuật số đang làm thay đổi hoàn toàn các mối quan hệ mà con người xây dựng nhiều ngàn năm, bao gồm cả quan hệ hợp đồng. Máy tính đã “giúp có thể chạy các thuật toán vốn trước đây rất tốn kém còn hệ thống mạng giúp truyền tải nhanh hơn các thông điệp lớn và phức tạp hơn.”
Tác giả Szabo giải thích rõ hơn cách ông hiểu về HĐTM như sau: “Ý tưởng cơ bản của HĐTM là nhiều loại điều khoản hợp đồng (như cầm giữ, bảo lãnh, phân định quyền sở hữu...) có thể được nhúng vào phần cứng và phần mềm mà chúng ta sử dụng theo cách làm cho việc vi phạm hợp đồng trở nên tốn kém (và nếu muốn thậm chí còn là cấm) đối với bên vi phạm. Một ví dụ điển hình trong đời sống thực tế mà chúng ta có thể coi là tổ tiên sơ khai của HĐTM là máy bán hàng tự động đơn sơ. Trong phạm vi của tổn thất tiềm tàng (tức là số tiền trữ trong máy bán hàng nhỏ hơn phí tổn phá hoại máy), máy sẽ nhận tiền rồi thông qua cơ chế đơn giản bậc vỡ lòng được thiết kế cho nó, cái máy một cách công bằng sẽ trả lại tiền thừa và nhả ra sản phẩm. HĐTM vượt xa máy bán hàng tự động thông qua cách nhúng [quan hệ] hợp đồng vào toàn bộ các loại tài sản có giá trị được kiểm soát bằng các phương tiện kỹ thuật số. HĐTM nhìn nhận các tài sản đó ở dạng động, có thể chủ động được thực thi. Nó cũng cung cấp khả năng giám sát và xác thực tốt hơn khi các biện pháp [phòng ngừa] chủ động [của máy bán hàng tự động] tỏ ra không đủ. Bên cạnh đó, trong khi máy bán hàng tự động, giống như thư điện tử, thực hiện giao thức không đồng bộ giữa công ty bán hàng và khách hàng thì một số HĐTM đòi hỏi nhiều bước đồng bộ giữa hai hoặc nhiều bên” [2].
Cuối cùng, Szabo định nghĩa HĐTM là “một tập hợp các lời hứa, được xác định dưới dạng kỹ thuật số, bao gồm cả các giao thức để các bên thực hiện những lời hứa của mình” [3]. Thông minh ở đây bởi vì “có tính năng vượt trội hơn nhiều so với hợp đồng tổ tiên dựa trên giấy tờ vô tri” [4].
Các tài liệu quảng bá liệt kê các ứng dụng của HĐTM. Ví dụ như “siêu thị ký hợp đồng mua 100kg ngô từ một trang trại. Tiền sẽ bị khóa trong HĐTM và được giải phóng tự động khi trang trại giao hàng đúng hạn. Nếu trang trại không giao hàng đúng hạn, hợp đồng sẽ tự động hủy bỏ và trả lại tiền cho siêu thị” [5]. Ở đây, các bên không cần vai trò của bên trung gian là ngân hàng trong vai trò bên nhận bảo đảm (nhận ký quỹ khoản tiền thanh toán và thực hiện việc thanh toán). Ngoài ra, HĐTM sẽ được áp dụng đa dạng, từ chuỗi cung ứng, tài chính, bảo hiểm đến bất động sản... Thậm chí, HĐTM có khả năng thay thế các quy định của pháp luật và cơ chế giải quyết tranh chấp mà không cần tới tòa án [6].

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
So sánh hai loại hợp đồng
Sự khác biệt giữa HĐTM và hợp đồng truyền thống có thể liệt kê theo các khía cạnh cơ bản sau:

Các bước triển khai HĐTM
Lấy ví dụ một hãng hàng không thỏa thuận với hành khách rằng: “Hành khách sẽ được bồi thường 2.000.000 đồng cho mỗi giờ chậm chuyến thông qua HĐTM.” Để triển khai giao dịch này các bước thực hiện cơ bản là như sau:
(a) Đội ngũ kỹ sư lập trình của hãng hàng không phải thể hiện nội dung giao dịch trên dưới dạng các đoạn mã rồi gửi đến chuỗi khối cùng địa chỉ của người khởi tạo và đóng một khoản phí (còn gọi là “gas” trên chuỗi khối Ethereum) [7]. Giao dịch sau đó được gửi (broadcast) vào mạng và các nút (các máy tính trong mạng hay tiếng Anh là “node”) sẽ tự động thu thập thông tin giao dịch;
(b) Các nút trong mạng xác thực giao dịch để đảm bảo giao dịch hợp lệ (ví dụ đã được thiết lập hợp lệ, nộp đủ tiền phí “gas” ...). Sau khi được xác thực, giao dịch sẽ được nhóm với các giao dịch khác tạo thành một khối. Khối này được thêm vào blockchain thông qua cơ chế đồng thuận của mạng (proof-of-work hay proof-of-stake);
(c) Sau khi giao dịch được xác nhận và khối được bổ sung vào chuỗi khối, lúc này HĐTM sẽ được gán cho địa chỉ định danh duy nhất, ví dụ: 0x7a250d5630B4cF539739dF2C5dAcb4c659F2345A. Địa chỉ này sẽ được các bên hợp đồng sử dụng để thực hiện hành vi của mình;
(d) Hãng hàng không nộp đủ số tiền dưới dạng tiền điện tử có thể phải bồi thường cho các hành khách, ví dụ 100 ETH (tiền điện tử của blockchain Ethereum). Hành khách có thể kiểm tra liệu số tiền trên đã được nộp đủ và khóa lại hay chưa thông qua một số các công cụ kiểm chứng trên chuỗi khối như Etherscan hay thông qua một ứng dụng (dApp) mà hãng hàng không cung cấp để khách hàng dễ thao tác;
(e) Khi máy bay đến muộn, ví dụ 02 giờ, hãng hàng không sẽ ghi nhận sự chậm trễ và việc bồi thường (ví dụ lập hàm “recordDelay”) trong đó ghi nhận các thông tin về địa chỉ khách hàng, số giờ chậm trễ và số tiền bồi thường. Các bên cũng có thể sử dụng dịch vụ của bên thứ ba (gọi là “oracle”) để bên thứ ba này ghi nhận một cách khách quan việc chậm chuyến; và
(f) Một khách hàng, ví dụ bà Mai, sẽ thực hiện việc yêu cầu bồi thường (qua hàm, ví dụ “claimCompensation”, hay qua ứng dụng). HĐTM sẽ thực hiện việc kiểm tra yêu cầu bồi thường (địa chỉ định danh bà Mai ...). Nếu thấy hợp lệ, HĐTM sẽ tự động chuyển số ETH tương đương 4.000.000 đồng đến ví điện tử của bà Mai.
Như vậy trong giao dịch trên, các bên sẽ trực tiếp giao dịch với nhau, hợp đồng tự thực thi dựa trên các điều kiện xảy ra. HĐTM không cần lập thành văn bản với chữ ký của các bên. Nó cũng không cần vai trò của bên trung gian như ngân hàng trong việc chuyển tiền và thanh toán ...
Khả năng phức tạp hóa HĐTM
Trên đây là ví dụ về một HĐTM đơn sơ. Vậy liệu các bên có thể làm cho HĐTM của mình trở nên phức tạp hơn để có thể lường hết các tình huống trong thực tiễn, giống như các bên có thể thỏa thuận tại một hợp đồng truyền thống?
Về lý thuyết, các bên có thể thỏa thuận bổ sung một số điều khoản khác (sẽ được triển khai thành các đoạn mã trong giao dịch), ví dụ lý do chậm chuyến là do bất khả kháng thì hãng hàng không được giải trừ trách nhiệm bồi thường. Sự kiện bất khả kháng được các bên thỏa thuận gồm các sự kiện như thiên tai (acts of God), đình công.
Nhưng nếu thực tế xảy ra sự kiện hay đóng cửa biên giới quốc gia do dịch bệnh, ngoài thỏa thuận ban đầu và chưa được thể hiện thành đoạn mã tại HĐTM thì hãng hàng không có thể viện dẫn đây là sự kiện bất khả kháng và mình không có trách nhiệm bồi thường hay không?
Với câu hỏi trên, hiện tại HĐTM chưa giải quyết được. Nó chỉ giải quyết được các giao dịch đơn giản và rõ ràng như ví dụ bồi thường 2.000.000 đồng nếu máy bay đến chậm 01 giờ nói trên. Các vấn đề mang tính chủ quan hay trừu tượng như “bất khả kháng”, “pháp luật áp dụng”, “cơ quan có thẩm quyền”, “nỗ lực hợp lý”, “thiện chí”, “bảo mật”, “bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân”, “tính toàn diện của hợp đồng” (entire agreement), tính riêng rẽ của các điều khoản (severability) ... nhìn chung là không thể triển khai thành các đoạn mã tại HĐTM để đưa vào nội dung giao dịch trên blockchain. Những điều khoản hay thỏa thuận này chỉ có thể được diễn giải và giải quyết bởi hợp đồng truyền thống trong đời thực.
Cuối cùng và cũng rất quan trọng là khi xảy ra tranh chấp, việc các bên liên quan (như luật sư hay cơ quan giải quyết tranh chấp) dịch ngược lại các đoạn mã trở thành ngôn ngữ tự nhiên (của hợp đồng truyền thống) để áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp cũng là một vấn đề lớn, bởi vì các đoạn mã chỉ ghi các logic kỹ thuật (nếu sự kiện gì xảy ra thì sẽ hành động như thế nào, if… then…). Ngôn ngữ máy tính và ngôn ngữ tự nhiên giống như hai loài/sự vật với hai ngôn ngữ khác biệt nhưng đều đề cập đến chung một vấn đề. Việc diễn dịch ngôn ngữ máy tính trở thành ngôn ngữ tự nhiên mang sắc thái pháp lý là điều khó khăn.
HĐTM của Walmart
Walmart (Hoa Kỳ) là tập đoàn tiên phong ứng dụng công nghệ blockchain trong việc mua các sản phẩm từ trang trại (ví dụ xoài từ Mexico hay thịt lợn từ Trung Quốc) đến tay người tiêu dùng cuối cùng tại các cửa hàng của Walmart. Cụ thể, Walmart đã hợp tác với IBM để sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên nền tảng blockchain có tên Hyperledger Fabric.
Điều này bắt nguồn từ nhu cầu an toàn thực phẩm và phòng tránh rủi ro, lãnh đạo về an toàn thực phẩm của Walmart mua một gói xoài cắt lát tại một siêu thị Walmart và yêu cầu nhân viên của mình xác minh xem gói xoài này từ trang trại nào? Đội ngũ nhân viên gọi điện, email cho các nhà cung cấp và sau 7 ngày thì họ có được câu trả lời. Đối với thông lệ ngành, khoảng thời gian này là chấp nhận được. Tuy nhiên, Walmart nghĩ rằng công nghệ chuỗi khối có thể giúp khoảng thời gian này giảm đi [8]. Vì vậy, họ đã hợp tác với IBM để tạo ra một sổ cái kỹ thuật số (digital ledger) trên nền tảng blockchain để ghi lại mọi quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm, tức là từ nông trại đến các cửa hàng Walmart. Các bên tham gia vào chuỗi cung ứng (trang trại, bên chế biến, phân phối, cửa hàng Walmart) đều phải cập nhật thông tin liên quan lên sổ cái. Ví dụ như trang trại phải tải lên các thông tin về địa chỉ, ngày thu hoạch, địa điểm thu hoạch, số lô hàng ...). Các đơn vị chế biến và phân phối sau đó tải lên các thông tin về chi tiết xử lý/chế biến, hồ sơ vận chuyển ... Thông tin được các bên tải lên theo thời gian thực, không thể chỉnh sửa và các bên tham gia đều có thể được cập nhật và xem các thông tin này. Khi cần truy xuất, Walmart chỉ cần truy xuất mã định danh cho lô hàng và xác định toàn bộ lịch sử của lô hàng, từ trang trại cho đến cửa hàng. Tất cả chỉ 2,2 giây [9].
Tuy nhiên, để Walmart có thể triển khai hệ thống trên của mình, Walmat đã phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Cụ thể là để triển khai blockchain nói trên, Walmart phải đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng công nghệ, chuẩn hóa các định dạng dữ liệu, hỗ trợ và đào tạo các bên liên quan... [10]
Tuy nhiên, cần nói rõ hơn là trong khi công nghệ blockchain có thể giúp Walmart thực hiện các công việc nêu trên, có những phần việc mà công nghệ này không thể giải quyết (ít nhất đến thời điểm hiện tại). Thứ nhất, đó là là việc đánh giá bởi con người. Công nghệ blockchain chưa thể giúp xác định một lô hàng có đạt các tiêu chuẩn để nhập khẩu (ví dụ, vào Hoa Kỳ) và các tiêu chuẩn khác của Walmart (nếu có). Việc này phải được thực hiện bởi nhân viên của Walmart hay bên thứ ba. Thứ hai, về khía cạnh pháp lý, HĐTM và công nghệ blockchain của nó không giải quyết được những vấn đề pháp lý nhất định như đã đề cập trên đây. Vì vậy, song song với việc thiết lập blockchain cho giao dịch, Walmart và các bên liên quan vẫn phải ký các hợp đồng truyền thống quy định rõ quyền và nghĩa vụ các bên, hậu quả khi xảy ra vi phạm, luật điều chỉnh và cơ quan giải quyết tranh chấp ...
HĐTM trong bối cảnh pháp luật hợp đồng Việt Nam
Câu hỏi với Việt Nam là, với những đặc điểm được giải thích ở trên, vậy HĐTM có hiệu lực và có thể thi hành từ góc độ pháp luật hợp đồng của Việt Nam?
Nhìn chung, ngoại trừ các loại hợp đồng chuyện biệt cần phải được công chứng, chứng thực và/hoặc đăng ký,[11] pháp luật Việt Nam cho phép các bên giao kết và thực thi hợp đồng dưới dạng điện tử, kể cả khi con người không có tương tác trực tiếp mà việc thực thi hợp đồng được thực hiện bởi hệ thống [công nghệ].[12]
Tuy nhiên, cụ thể hơn, để một hợp đồng (kể cả HĐTM) được coi là đã được thành lập, có hiệu lực và có thể thi hành tại Việt Nam, nó cần thỏa mãn các điều kiện sau:[13]
(a) Có đề nghị và chấp thuận đề nghị giao kết hợp đồng hợp lệ;
(b) Chủ thể giao kết có năng lực pháp luật/hành vi tương thích;
(c) Việc giao kết trên cơ sở tự nguyện;
(d) Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; Tuân thủ về hình thức nếu luật có quy định; và
(e) Đối tượng hợp đồng là có thể thực hiện.
Như vậy, khi xem xét một HĐTM đã được thành lập, có hiệu lực và có thể thi hành/thực hiện được hay không, các bên liên quan phải xét đến các yêu cầu của pháp luật được nêu tại các điểm (a) – (e) trên. Tuy nhiên, khác với hợp đồng truyền thống vốn tồn tại các bằng chứng có thể kiểm chứng được bằng các giác quan, việc kiểm chứng đối với HĐTM là khó khăn hơn nhiều. Có thể lấy một số ví dụ sau:
(a) Làm thế nào để xác định được chủ thể giao kết hợp đồng có năng lực pháp luật hay hành vi dân sự khi mà giao dịch trên môi trường mạng có thể là ẩn danh, các sản phẩm được chào bán/giao dịch trên nền tảng blockchain (ví dụ như tiền mã hóa) có hợp pháp hay không ...?
(b) Làm thế nào để diễn dịch ngược các đoạn mã tại HĐTM thành ngôn ngữ tự nhiên để xác định quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên?
Thực tế, thường các bên sử dụng HĐTM chỉ tập trung vào các tác vụ (nếu sự kiện gì xảy ra thì hành động nào sẽ được thực hiện). Các bên không tập trung vào các khía cạnh pháp lý cần thiết (như cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên, luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp) hay các khía cạnh tinh tế khác (như các khái niệm trừu tượng). Vì vậy, nếu không có một hợp đồng truyền thống được giao/ký kết song song, sự tồn tại của riêng chỉ HĐTM sẽ rất khó để các bên thứ ba như luật sư hay cơ quan giải quyết tranh chấp hiểu và áp dụng HĐTM khi có tranh chấp.
Kết luận
HĐTM dù tên gọi có tính hấp dẫn và thách thức, hiện nó mới chỉ ở mức sơ khai, thực hiện các tác vụ cụ thể là nếu có sự kiện nào xảy ra (ví dụ: giao hàng) thì hành động gì sẽ được tự động thực hiện (ví dụ: thanh toán).
Những người cổ súy cho công nghệ blockchain nói rằng HĐTM sẽ giúp loại bỏ các bên trung gian như ngân hàng, luật sư, cơ quan giải quyết tranh chấp nhưng thực tế không hoàn toàn đúng như vậy. Các bên có thể không cần sử dụng ngân hàng nhưng lại phải lệ thuộc vào nền tảng blockchain, trả phí (gas) cho các bên duy trì nền tảng (các nút). Ngoài ra, các vấn đề pháp lý trọng yếu như: (i) liệu hợp đồng đã được giao kết, có hiệu lực và có thể thi hành; (ii) các cam kết và bảo đảm của mỗi bên; (iii) các khái niệm chủ quan hoặc trừu tượng; và (iv) luật điều chỉnh và cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp thì HĐTM hay blockchain chưa giải quyết được.
Trong tương lai có thể có công nghệ hoặc sáng kiến mới giúp giải quyết các vấn đề nói trên nhưng cho đến hiện tại, HĐTM chưa thể tự đứng độc lập như một hợp đồng truyền thống được. Trên thực tế, để vận hành một giao dịch phức tạp, các bên sẽ cần phải có sự hỗ trợ của hợp đồng truyền thống bên cạnh HĐTM như trường hợp của Walmart.
[1] Có sẵn tại: https://www.fon.hum.uva.nl/rob/Courses/InformationInSpeech/CDROM/Literature/LOTwinterschool2006/szabo.best.vwh.net/smart_contracts_2.html (truy cập lần cuối ngày 02/3/2025).
[2] Nguyên văn: “The basic idea of smart contracts is that many kinds of contractual clauses (such as liens, bonding, delineation of property rights, etc.) can be embedded in the hardware and software we deal with, in such a way as to make breach of contract expensive (if desired, sometimes prohibitively so) for the breacher. A canonical real-life example, which we might consider to be the primitive ancestor of smart contracts, is the humble vending machine. Within a limited amount of potential loss (the amount in the till should be less than the cost of breaching the mechanism), the machine takes in coins, and via a simple mechanism, which makes a beginner's level problem in design with finite automata, dispense change and product fairly. Smart contracts go beyond the vending machine in proposing to embed contracts in all sorts of property that is valuable and controlled by digital means. Smart contracts reference that property in a dynamic, proactively enforced form, and provide much better observation and verification where proactive measures must fall short. And where the vending machine, like electronic mail, implements an asynchronous protocol between the vending company and the customer, some smart contracts entail multiple synchronous steps between two or more parties.”
[3] Szabo, tldd. Nguyên văn: “A smart contract is a set of promises, specified in digital form, including protocols within which the parties perform on these promises”.
[4] Szabo, tldd. Nguyên văn: “I call these new contracts ‘smart’, because they are far more functional than their inanimate paper-based ancestors.”
[5] Tại bài viết tại cước chú 1 trên.
[6] Nt.
[7] Phí “gas” là khoản tiền (điện tử) mà bên khởi tạo HĐTM và/hoặc bên sử dụng HĐTM (ví dụ A chuyển tiền cho B) hoặc phải thanh toán cho mạng lưới để các bên trong blockchain (các “thợ đào” (miner) hay “bên xác thực” (validator)) giúp xác thực giao dịch.
[8] Điều này là cần thiết bởi nó giúp Walmart có thể xử lý khủng hoảng khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm. Ví dụ khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, Walmart có thể truy xuất thông tin từ blockchain và xác định được ngay nguồn gốc của lô hàng bị sự cố, thời điểm thu hoạch, xử lý, phân phối cho những siêu thị nào...
[9] Xem “How Walmart brought unprecedented transparency to the food supply chain with Hyperledger Fabric” (Làm Thế Nào Để Walmart Có Được Sự Minh Bạch Chưa Có Tiền Lệ Đối Với Chuỗi Cung Ứng Thực Phẩm Với [Nền Tảng] Hyperledger Fabric) (có sẵn tại: https://www.lfdecentralizedtrust.org/case-studies/walmart-case-study, truy cập lần cuối ngày 22/3/2024); Xem thêm “Blockchain in the food supply chain - What does the future look like?” (Blockchain Trong Chuỗi Cung Ứng Thực Phẩm – Tương Lai Sẽ Như Thế Nào?) (có sẵn tại: https://tech.walmart.com/content/walmart-global-tech/en_us/blog/post/blockchain-in-the-food-supply-chain.html, truy cập lần cuối ngày 22/3/2024).
[10] Walmart không công bố chi phí cho việc sử dụng công nghệ chuỗi khối để xác minh nguồn gốc thực phẩm của mình.
[11] Thường là liên quan đến các giao dịch bất động sản.
[12] Xem khoản 1 Điều 119 Bộ Luật dân sự 2015 (“BLDS”); Khoản 1 Điều 34 Luật Giao dịch điện tử 2023 (sửa đổi năm 2024).
[13] Trên cơ sở các quy định của các Điều 117, 386 – 397, 400 và 408 của BLDS.
TS. LS. NGUYỄN QUỐC VINH
Công ty luật Scientia (Tri Thức)