LSVNO - Khi giao dịch vô hiệu thì quyền và nghĩa vụ của các bên không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Nếu hợp đồng chỉ mới xác lập mà chưa thực hiện thì các bên không được phép thực hiện, còn trường hợp đang thực hiện thì không tiếp tục thực hiện nữa, nếu hợp đồng đã thực hiện thì các bên xử lý tài sản.
Hợp đồng được định nghĩa là sự thỏa thuận giữa các chủ thể nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong những quan hệ xã hội cụ thể.
Theo nguyên tắc tự do của hợp đồng, các bên có quyền tự do thỏa thuận việc lựa chọn hình thức xác lập hợp đồng. Tuy nhiên, để hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp và bảo đảm nhu cầu quản lý nhà nước thì pháp luật đã đưa ra các quy định hạn chế quyền này trong một số trường hợp được cho là cần thiết. Trên tinh thần này, pháp luật hiện hành yêu cầu một số hợp đồng quan trọng phải được thể hiện dưới các hình thức rõ ràng, minh bạch nhằm phòng ngừa tình trạng các bên phải đối diện với nguy cơ tranh chấp đáng ra có thể ngăn chặn được.
Hợp đồng dân sự sẽ được thể hiện bằng các hình thức sau: hợp đồng bằng hình thức miệng, hợp đồng bằng hình thức viết, hợp đồng bằng hình thức chứng thực xác nhận, hợp đồng bằng các hình thức khác…
Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hình thức giao dịch dân sự, “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Theo quy định này, hình thức công chứng, chứng thực, đăng ký là hình thức bắt buộc trong trường hợp luật có quy định. Ngoài ra, hình thức văn bản, văn bản phải bảo đảm có các nội dung bắt buộc cũng là hình thức mà các bên giao kết phải tuân thủ dựa theo các quy định tồn tại trong các văn bản luật khác.
Ngoài ra, Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 177 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp luật này có quy định khác. Điều 177 liệt kê các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như: năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự của chủ thể phải phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể phải hoàn toàn tự nguyện tham gia; mục đích và nội dung giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật định. Như vậy, hợp đồng không bảo đảm các điều kiện trên thì vô hiệu, trừ các trường hợp cá biệt pháp luật quy định rằng trong những trường hợp đó thì dù không bảo đảm các điều kiện có hiệu lực nhưng hợp đồng vẫn được công nhận hiệu lực.
Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức:
“Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.
Điều kiện hợp đồng phải lập thành văn bản
Giao dịch dân sự đã được xác lập giữa các bên, trướchết, phải được thể hiện bằng văn bản và trường hợp giao dịch dân sự thông qua phươngtiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật vềgiao dịch điện tử cũng được coi là giao dịch bằng văn bản (khoản 1 Điều 119 Bộluật Dân sự năm 2015). Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng hànhvi cụ thể thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật này.
Một số quy định khác của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hình thức văn bản của hợp đồng như: khoản 2 Điều 453 “hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản”, “hợp đồng về quyền sử dụng đất (Điều 502), “hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản (khoản 2, Điều 504)”. Ngoài ra, Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định nhiều loại hợp đồng khác phải lập thành văn bản như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Điều 27), hợp đồng dịch vụ khuyến mại (Điều 90), hợp đồng dịch vụ quảng cáo (Điều 110)…
Có thể thấy Bộ luật Dân sự năm 2015 không đề cập hình thức văn bản tại quy định về hình thức bắt buộc của giao dịch dân sự nói chung, nhưng tại các quy định về các loại giao dịch dân sự cụ thể luật vẫn thể hiện.
Hình thức văn bản được quy định nhằm mục đích giúp các bên thể hiện rõ ràng, cụ thể ý chí giao kết của mình, tránh trường hợp xảy ra tranh chấp và trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì hợp đồng thể hiện dưới hình thức văn bản sẽ là bằng chứng hữu hiệu để chứng minh nội dung giao kết của các bên. So với các hình thức bắt buộc khác như công chứng, chứng thực, đăng ký thì hình thức văn bản là hình thức bắt buộc đơn giản nhất. Hình thức này không có sự can thiệp của cơ quan tổ chức có thẩm quyền trong quá trình xác lập hợp đồng, các bên chỉ phải thể hiện sự nhất trí về nội dung thỏa thuận dưới hình thức văn bản.
Điều kiện hợp đồng phải công chứng, chứng thực
Theo khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015: Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Theo đó, những giao dịch pháp luật bắt buộc phải có công chứng, chứng thực như: hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013); hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014)…
Mục đích của việc công chứng, chứng thức nhằm bảo đảm tính hợp pháp, xác thực của một số vấn đề trong hợp đồng như chủ thể ký kết (về năng lực hành vi dân sự, về quyền sử dụng đối với đối tượng chuyển nhượng, ý chí tự nguyện), nội dung hợp đồng (có vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch có phù hợp với quy định của pháp luật), đối tượng giao kết, sự tự do ý chí của các bên… Điều này nhằm hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra về các vấn đề nêu trên.
Điều kiện để văn bản không tuân thủ hình thức được tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực là một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch.
Nghĩa vụ được quy định của thể trong Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền). Theo đó, đối tượng của nghĩa vụ là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không thực hiện, và đối tượng phải xác định được” (Điều 274).
Như vậy, khi các bên trong hợp đồng đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch được hiểu là:
- Một bên hoặc các bên trong hợp đồngđã chuyển giao ít nhất hai phần ba vật, nếu là vật cùng loại thì bên có nghĩa vụphải thực hiện ít nhất hai phần ba số lượng so với số lượng như ban đầu các bênđã thỏa thuận trong hợp đồng.
- Một bên hoặc các bên trong hợp đồngđã trả ít nhất hai phần ba tiền hoặc giấy tờ có giá so với tổng tiền, tổng giấytờ được quy định trong hợp đồng.
- Một bên hoặc các bên trong hợp đồngđã chuyển giao ít nhất hai phần ba quyền trong hợp đồng.
- Một bên hoặc các bên trong hợp đồngđã thực hiện hoặc không thực hiện ít nhất hai phần ba công việc đã thỏa thuận.
Tuy nhiên, không phải việc một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì giao dịch đó đương nhiên có hiệu lực, mà cần có thêm điều kiện là phải thông qua con đường tòa án. Cụ thể là, theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, sau khi xem xét đầy đủ các điều kiện của giao dịch như đã nêu trên thì tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
Hậu quả pháp lý củagiao dịch dân sự vô hiệu
Khi giao dịch vô hiệu thì quyền và nghĩa vụ của các bên không được phápluật thừa nhận và bảo vệ. Nếu hợp đồng chỉ mới xác lập mà chưa thực hiện thìcác bên không được phép thực hiện, còn trường hợp đang thực hiện thì không tiếptục thực hiện nữa, nếu hợp đồng đã thực hiện thì các bên xử lý tài sản. Nhưvậy, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền,nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao kết.
- Các bênhoàn trả cho nhau những gì đã nhận, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Nếu khônghoàn trả được bằng hiện vật thì hoàn trả bằng tiền. Về quy định tính thành tiềnđể hoàn trả trong trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật, quy địnhnhư vậy nhưng không nêu cụ thể khi nào thì “không hoàn trả được bằng hiện vật”và “hoàn trả bằng tiền”.
- Bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra: Khi giao dịch bị vô hiệu, bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Như vậy, để buộc một bên bồi thường thì chúng ta phải xác định đủ 2 yếu tố: một là yếu tố có lỗi, hai là thực tế phải tồn tại thiệt hại.
LS Ngô Việt Bắc