/ Thư viện pháp luật
/ Hướng dẫn xét công nhận sáng kiến khi xét thi đua khen thưởng

Hướng dẫn xét công nhận sáng kiến khi xét thi đua khen thưởng

22/11/2023 16:03 |

(LSVN) - Mới đây, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) đã ban hành Công văn 3385/BTĐKT- P.II hướng dẫn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng.

Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 05/9/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 5007/BNV-TĐKT, về việc nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Sau khi ban hành, một số bộ, ngành, tỉnh đề nghị hướng dẫn về nghiệp vụ có trong nội dung văn bản trên. Trong đó, liên quan đến quy định tại điểm c mục III.5 Công văn số 5007/BNV-TĐKT: “Một sáng kiến chỉ được sử dụng một lần khi làm tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng, sáng kiến đã sử dụng khi xét danh hiệu thi đua thì không được dùng trong xét hình thức khen thưởng và ngược lại. Không dùng một sáng kiến để xét nhiều hình thức khen thưởng”. 

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hướng dẫn như sau: Theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến và Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/8/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ Sáng kiến thì sáng kiến đã được công nhận ở cơ sở, thì cơ sở đó không công nhận lại sáng kiến này nữa.

Ví dụ: A có sáng kiến được công nhận năm 2017 tại cơ sở X, thì từ năm 2018 trở đi, cơ sở X không công nhận lại sáng kiến cho A hoặc người khác ở cơ sở mà A đã được công nhận sáng kiến.

Theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, sáng kiến phải được áp dụng thực tiễn đạt hiệu quả cao và được Hội đồng sáng kiến xét, người đứng đầu công nhận phạm vi ảnh hưởng trong từng cấp (cấp cơ sở do Hội đồng Sáng kiến cơ sở xét, người đứng đầu công nhận; cấp bộ, ngành, tỉnh do Hội đồng Sáng kiến cấp bộ, ngành, tỉnh xét, người đứng đầu công nhận; cấp toàn quốc do Hội đồng sáng kiến cấp bộ, ngành, tỉnh xét, người đứng đầu công nhận).

Như vậy, sáng kiến chỉ được công nhận 01 lần ở 01 phạm vi ảnh hưởng trong từng cấp. Mặt khác sáng kiến chính là thành tích, khi được cấp có thẩm quyền công nhận mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xét khen thưởng.

Sáng kiến làm tiêu chuẩn có trong danh hiệu thi đua gồm: Chiến sỹ thi đua cơ sở, chiến sỹ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, chiến sỹ thi đua toàn quốc, cả 03 danh hiệu thi đua này đều lấy nền tảng cơ sở là chiến sỹ thi đua cơ sở.

Theo quy định pháp luật về thi đua khen thưởng hiện hành, một trong các tiêu chuẩn chiến sỹ thi đua cơ sở là “hoàn thành tốt nhiệm vụ” và “có sáng kiến được công nhận và phải được áp dụng thực tiễn đạt hiệu quả cao và có phạm vi ảnh hưởng trong cấp cơ sở hoặc tương đương (đối với lực lượng vũ trang)”.

Sáng kiến làm tiêu chuẩn trong hình thức khen thưởng gồm: Bằng khen, Huân chương đều lấy tiêu chuẩn là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và “có sáng kiến được công nhận…”. Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh là nền tảng cơ sở để khen thưởng cao hơn.

Một trong tiêu chuẩn tặng “Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh để tặng cho cá nhân là “có 02 năm trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở”. 

“Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” cho cá nhân là “đã được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 05 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở”. 

Như vậy những sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở nằm trong giai đoạn đề nghị khen thưởng mới bảo đảm đúng điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh hoặc Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ví dụ: Năm 2017 xét tặng “Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh” thì những sáng kiến cấp cơ sở công nhận 02 năm trở lên tính từ năm 2017 trở về trước mới bảo đảm tiêu chuẩn để xét bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh. 

Trường hợp xét tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” nếu năm 2017 được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh trong giai đoạn 2016-2017 thì những sáng kiến cấp cơ sở công nhận từ năm 2018 trở đi mới bảo đảm tiêu chuẩn xét, còn những sáng kiến cấp cơ sở công nhận trước năm 2018 không bảo đảm điều kiện tiêu chuẩn để xét Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với tiêu chuẩn xét Huân chương là đã được hình thức khen thưởng liền kề và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có số lượng sáng kiến theo phạm vi trong cấp công nhận. Những cá nhân “hoàn thành tốt nhiệm vụ” không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn xét các hình thức khen thưởng từ bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh trở lên. Mặt khác, sáng kiến là thành tích được công nhận nên phải đảm bảo nguyên tắc khen thưởng “Không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được” quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

Tóm lại, một trong các tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho cá nhân là mức độ hoàn thành nhiệm vụ và có sáng kiến được công nhận phạm vi ảnh hưởng trong từng cấp, nằm trong thời gian xét thành tích khen thưởng mới được tính làm tiêu chuẩn khen thưởng. 

Theo quy định của pháp luật hiện hành trong một năm một cá nhân chỉ được xếp 01 mức độ là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” hoặc “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Do vậy, nếu công nhận danh hiệu thi đua thì khi xét tặng hình thức khen thưởng từ bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh trở lên không bảo đảm đúng tiêu chuẩn và ngược lại.

MAI HUỆ

Bùi Thị Thanh Loan