/ Luật sư - Bạn đọc
/ Ban hành văn bản trái quy định: Liệu có xử lý được trách nhiệm của người ký?

Ban hành văn bản trái quy định: Liệu có xử lý được trách nhiệm của người ký?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Với những cán bộ thuộc diện “con ông cháu cha”, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc cũng như công tác quản lý, năng lực trình độ và các điều kiện tiêu chuẩn chưa đảm bảo mà đã bổ nhiệm, đề bạt vào các cương vị lãnh đạo quan trọng khiến dư luận bức xúc thì việc xem xét xử lý cán bộ có sai phạm về công tác nhân sự, thu hồi các quyết định bổ nhiệm là cần thiết.

 Ảnh minh họa.

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cụ thể, tại kỳ thứ 2 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XIII dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xem xét báo cáo kết quả kiểm tra về công tác cán bộ tại tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua.

Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhận thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, quy định về trách nhiệm nêu gương và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc bổ nhiệm một số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Trong quá trình kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiêm túc, tự giác nhận trách nhiệm và chủ động khắc phục các khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

Vậy, việc xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ khi ban hành văn bản trái quy định đã được làm như thế nào?, hay chỉ đơn giản là thu hồi và hủy bỏ?. Ở đây câu chuyện trách nhiệm pháp lý được đặt ra đối với mỗi cán bộ công chức, lãnh đạo các địa phương.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết theo quy định của pháp luật thì việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo đối với công tác cán bộ phải theo quy trình, quy định phải đảm bảo yếu tố dân chủ, khách quan, lựa chọn đúng người tài, có năng lực thực hiện nhiệm vụ, có thể giúp ích cho nhà nước, cho nhân dân. 

Với những cán bộ thuộc diện “con ông cháu cha”, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc cũng như công tác quản lý, năng lực trình độ và các điều kiện tiêu chuẩn chưa đảm bảo mà đã bổ nhiệm, đề bạt vào các cương vị lãnh đạo quan trọng khiến dư luận bức xúc thì việc xem xét xử lý cán bộ có sai phạm về công tác nhân sự, thu hồi các quyết định bổ nhiệm là cần thiết.

Luật sư Cường đánh giá đây không phải là trường hợp đầu tiên việc bổ nhiệm cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo là con cháu của một số vị lãnh đạo nhưng chưa xứng đáng, không phù hợp khiến dư luận phản đối. Trước đó, tại Bắc Ninh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... cũng đã có những trường hợp tương tự khiến dư luận bức xúc. 

Việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ là một chủ trương đúng đắn của đảng, là một việc làm cần thiết để có những đội ngũ cán bộ kế cận. Tuy nhiên, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và sử dụng như thế nào thì phải đúng quy định, quy trình để đảm bảo dân chủ, công bằng, lựa chọn được người tài phục vụ đất nước. Việc bổ nhiệm cán bộ, đề bạt các chức vụ lãnh đạo là con em cán bộ nhưng chưa đúng quy trình, quy định, có sự nể nang, nâng đỡ sẽ gây ra những sự bất công bằng, bất bình đẳng trong xã hội. Sự việc này một lần nữa cho thấy công tác cán bộ ở một số địa phương còn có những thiếu sót, thậm chí vi phạm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với chính quyền cũng như đối với đảng, với nhà nước. Bởi vậy, căn cứ vào Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định về những việc đảng viên không được làm, quy định của điều lệ đảng để xem xét xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật cán bộ đối với những sai phạm có liên quan là cần thiết để đảm bảo công bằng, thể hiện tính chất răn đe, làm trong sạch đội ngũ cán bộ và giữ gìn uy tín, niềm tin của nhân dân đối với đảng, với nhà nước.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Việc kỷ luật đảng viên sẽ được thực hiện theo Quy định số 102-QĐ/TƯ ngày 15/11/ 2017 của Ban chấp hành trung ương. Theo đó, Điều 2, quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng viên như sau:

- Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.

- Việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm phải thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

- Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Trong xử lý kỷ luật, phải kết hợp xem xét kết quả tự phê bình và phê bình với kết quả thẩm tra, xác minh của tổ chức đảng để bảo đảm kết luận dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, chính xác. Cần làm rõ nguyên nhân, phân biệt sai lầm, khuyết điểm của đảng viên do trình độ, năng lực hoặc động cơ vì lợi ích chung hay vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà cố ý làm trái; vi phạm nhất thời hay có hệ thống; đã được giáo dục, nhắc nhở, ngăn chặn nhưng vẫn làm trái; ý thức tự phê bình và phê bình kém, không tự giác nhận lỗi, không bồi hoàn vật chất đầy đủ, kịp thời; có hành vi đối phó, gây khó khăn, trở ngại cho việc kiểm tra; phân biệt đảng viên khởi xướng, tổ chức, quyết định với đảng viên bị xúi giục, lôi kéo, đồng tình làm sai.

- Hình thức kỷ luật: Đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xóa tên trong danh sách đảng viên.

- Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.

- Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.

Khi các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Chậm nhất là 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng.

- Một nội dung vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong thời điểm kiểm tra, xem xét xử lý vụ việc, nếu đảng viên có từ hai nội dung vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng nội dung vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật; không tách riêng từng nội dung vi phạm của đảng viên để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.

- Trong cùng một vụ việc có nhiều đảng viên vi phạm thì mỗi đảng viên đều phải bị xử lý kỷ luật về nội dung vi phạm của mình.

- Tổ chức đảng có thẩm quyền khi thi hành kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải chủ động thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó; nếu tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật đối với đảng viên mà tổ chức đảng đó có vi phạm trong việc xem xét, xử lý kỷ luật đến mức phải kỷ luật thì cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy cấp trên xem xét, quyết định.

- Sau một năm, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ), nếu đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên hết hiệu lực.

- Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.

Điều 8. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ

1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

b) Bị kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép tham gia các hoạt động gây mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ.

c) Bị xúi giục, lôi kéo vào những việc làm trái nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; vi phạm quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, các quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

d) Đe dọa trả thù, trù dập người chất vấn, góp ý, phê bình, tố cáo mình dưới mọi hình thức.

đ) Không chấp hành chế độ báo cáo, chế độ thông tin và trả lời chất vấn theo quy định của Đảng và Nhà nước.

2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phủ quyết ý kiến của đa số thành viên khi thông qua nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận thuộc thẩm quyền của tập thể.

b) Tham gia hoặc xúi giục, cưỡng ép người khác tham gia các hoạt động chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ.

c) Lừa dối cấp trên, báo cáo sai, xuyên tạc sự thật; che giấu khuyết điểm, vi phạm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; tạo thành tích giả; cơ hội, kèn cựa, địa vị, độc đoán, chuyên quyền.

d) Cục bộ, bè phái, độc đoán, chuyên quyền trong chỉ đạo, điều hành dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

đ) Ban hành văn bản hoặc có việc làm trái với nghị quyết, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của cấp ủy, tổ chức đảng.

e) Lợi dụng tập trung dân chủ để vận động cá nhân, chi phối tập thể, quyết định theo ý chí chủ quan làm lợi cho cá nhân, người thân, phe nhóm, dòng họ.

g) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trấn áp cấp dưới, trù dập người có ý kiến thuộc về thiểu số hoặc trái với ý kiến của mình.

h) Không chấp hành các quyết định lãnh đạo, chỉ đạo, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của tổ chức đảng cấp trên và cấp mình.

i) Cố ý nói và làm trái nghị quyết, quyết định, kết luận đã được tập thể thống nhất thông qua.

3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Vô tổ chức, vô kỷ luật, bỏ vị trí công tác nhiều lần không có lý do chính đáng; có hành vi chống lại các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

b) Lợi dụng quyền dân chủ để bè phái, lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ gây mất đoàn kết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh hoạt.

c) Trả thù người góp ý, đấu tranh, phê bình, tố cáo hoặc người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vi phạm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân mình.

Như vậy căn cứ vào các quy định nêu trên thì ủy ban kiểm tra trung ương và tỉnh ủy Vĩnh Phúc sẽ tiến hành xem xét kỷ luật và tổ chức kỷ luật đối với các cán bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của điều lệ đảng và Quy định 102 nêu trên.

Ngoài việc xem xét kỷ luật đảng với cán bộ đảng viên có vi phạm thì còn có thể xem xét kỷ luật về mặt chính quyền đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi có những hành vi vi phạm quy định về cán bộ, công chức, viên chức. Việc kỷ luật cán bộ công chức sẽ được thực hiện theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP Về việc xử lý cán bộ công chức viên chức.

Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

1. Khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật.

2. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu cán bộ, công chức, viên chức có từ 02 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, buộc thôi việc; không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.

3. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:

a) Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;

b) Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.

4. Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

5. Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.

6. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính.

7. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần, danh dự, nhân phẩm trong quá trình xử lý kỷ luật.

8. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa, cũng cho rằng việc sai phạm, thiếu sót về công tác cán bộ, ra định bổ nhiệm cán bộ không đúng theo quy định chính là một trong những nguyên nhân làm mất đi tính dân chủ của bộ máy quản lý, mất lòng tin ở nhân dân. Nếu đúng là Ban Thường vụ Tỉnh ủy sai thì  phải nghiêm túc, tự giác nhận trách nhiệm, chịu kỷ luật theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và chủ động khắc phục các khuyết điểm, vi phạm của mình. Bên cạnh đó cần làm rõ trách nghiệm đối với cá nhân có liên quan.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa.

Về mặt hình thức, quy định của pháp luật có liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Tổ chức chính phủ; Luật Cán bộ, công chức; Luật tổ chức chính quyền địa phương;.... Ngoài ra, đối với các quyết định sai phạm cần phải thu hồi, hủy bỏ các Nghị quyết, Quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

HỒNG HẠNH - TRẦN MINH

Các trường hợp được miễn phí khi làm căn cước công dân gắn chip

Lê Minh Hoàng