/ Kết nối
/ Huyện Hưng Nguyên (Nghệ An): Cần áp dụng lẽ công bằng đối với vụ việc ông Lê Văn Láng

Huyện Hưng Nguyên (Nghệ An): Cần áp dụng lẽ công bằng đối với vụ việc ông Lê Văn Láng

19/04/2024 11:13 |

(LSVN) - Áp dụng lẽ công bằng là quy định mới được thừa nhận trong Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015. Việc áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có quy định pháp luật áp dụng là giải pháp linh hoạt, mềm dẻo không những giúp tòa án mà còn giúp các cơ quan nhà nước thực thi tốt pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Theo đó, thông qua vụ việc một công tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đứng ra vận động xây trường học, gần 30 năm qua “miệt mài” đi đòi tiền công nhưng chưa được các cấp chính quyền giải quyết dứt điểm.

Ông Lê Văn Láng trước ngôi trường 02 tầng kiên cố được xây dựng gần 30 năm, nhưng vẫn chưa được các cấp chính quyền huyện Hưng Nguyên quan tâm, giải quyết quyền lợi.

Nội dung vụ việc được ông Lê Văn Láng (xóm 4 Thanh Phong, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) trình bày như sau: Vào những năm 1994 – 1995, ông Láng là xóm trưởng xóm 4 Thanh Phong, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Thời điểm đó, kinh tế khó khăn nên địa phương chưa có trường học đảm bảo. Vì thế, con em trên địa bàn bỏ học rất nhiều.

“Trước tình hình đó, với mong muốn xóa nạn mù chữ cho con, tôi đau đáu và đã mạnh dạn đi gặp ông ông Thanh – Phó Chủ tịch huyện Hưng Nguyên lúc bấy giờ để trình bày nguyện vọng. Sau khi trao đổi, hiểu rõ khó khăn của nhân dân nên được đại diện chính quyền ủng hộ, đồng ý cho việc người dân tự xây dựng trường. Do vậy, chính quyền đã cho một mảnh đất màu đã bị hoang hóa. Ông Thanh có nhờ tôi tự bỏ tiền túi và kêu gọi vay mượn xây dựng trường cho con em”, ông Lê Văn Láng chia sẻ.

Sau khi có sự chấp thuận của chính quyền địa phương nên ông Lê Văn Láng đã vận động người dân và tự bỏ tiền túi để xây dựng ngôi trường 02 tầng kiên cố, với gần 30 phòng học.

“Tổng số tiền xây dựng lúc đó là: 816.800.000 đồng. Trong đó, số tiền người dân đóng góp bằng thóc, bằng công, bằng cọc tre là 11.600.000 đồng. Riêng tôi vay mượn anh em, bạn bè, gia đình bố mẹ được 805.200.000 đồng. Như vậy, việc xây dựng trường học của tôi thời điểm đó nhằm mục đích để con em xóm 4 Thanh Phong có nơi đi học. Người dân xóm 4 hoàn toàn ủng hộ, toàn bộ người dân có con em đang độ tuổi đi học đều xác định rằng khi cho con mình vào học thì họ có trách nhiệm chi trả cho tôi kinh phí xây dựng mà tôi đã bỏ ra. Hiểu một cách đơn giản thì ngôi trường mà tôi xây dựng nên do người dân tự mình thành lập, tôi chỉ là người tạm chi số tiền xây dựng còn trách nhiệm thanh toán thuộc về gia đình học sinh lẫn chính quyền địa phương”, ông Láng thông tin thêm.

Đơn thư gửi UBND tỉnh Nghệ An và đang được chỉ đạo giải quyết.

Đến năm 1998, sau bao nhiêu vất vả về công sức và tiền của thì Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ đã hoàn thành với diện tích 590m2 (hai nhà hai tầng), khu bếp nội trú 50m2, có đầy đủ sân chơi, giếng nước, bờ rào, cổng trường, bàn ghế, công trình vệ sinh. Thời điểm đó, Chủ tịch UBND xã Hưng Trung là ông Nguyễn Đăng Ánh và thầy Phan Hữu Thành (hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ) đến tìm gặp ông Láng mong muốn mượn trường cho con em trên địa bàn học.

“Như vậy, ngôi trường mà tôi xây dựng trở thành phân hiệu của Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ. Thời điểm đó, ông Nguyễn Đăng Ánh cam đoan sẽ thanh toán lại cho tôi kinh phí xây dựng trường. Cho rằng chính quyền sẽ chi trả kinh phí xây dựng thay cho tôi và  người dân nên tôi tin tưởng, đồng ý. Do thời điểm đó sự am hiểu về pháp luật chưa có, nên chủ yếu là tin tưởng và thỏa thuận với nhau. Tôi không nghĩ đến giờ chính quyền không những không thanh toán mà còn bắt bẻ lại tôi. Tôi rất buồn vì điều đó”, ông Láng buồn bã cho biết.

Gần 30 năm qua ông Lê Văn Láng “cõng đơn” đi khắp nơi để đòi lại kinh phí xây dựng trường học, thế nhưng nhận được chỉ là sự thờ ơ của các cấp chính quyền địa phương.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Tố Oanh, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho biết: "Trường hợp như trình bày của ông Lê Văn Láng, thì các cấp chính quyền địa phương nên giải quyết thấu đáo. Thứ nhất, về mặt tình cảm và nhân đạo ông Lê Văn Láng đáng được biểu dương. Thứ 2, nếu nói về hợp đồng và thỏa thuận của các bên thì pháp luật dân sự vẫn ghi nhận. Thứ 3, pháp luật dân sự tôn trọng sự thật khách quan, và rõ ràng ông Lê Văn Láng đã bỏ tiền túi cũng như vận động được một khoản tiền lớn thời điểm bấy giờ để xây dựng trường”.

Bảng kê thời điểm xây dựng năm 1998 và công văn mời giải quyết đơn kiến nghị của UBND xã Hưng trung (Hưng Nguyên, Nghệ An).

Theo các chuyên gia pháp lý, áp dụng lẽ công bằng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự là quy định mới được ghi nhận trong BLDS 2015 và BLTTDS 2015. Theo đó, khoản 2, Điều 6, BLDS 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.  Như vậy, trường hợp ông Lê Văn Láng, lẽ công bằng ở đây được xác định trên cơ sở lẽ phải được người dân xã Hưng Trung thừa nhận việc ông Láng xây trường là có thật. Điều này, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo đối với hoàn cảnh khó khăn của ông Láng, phù hợp với việc chính quyền địa phương không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự.

NGUYỄN LÝ

Vụ hủy hoại rừng ở Krông Pa: Vì sao tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm?

Nguyễn Hoàng Lâm