Trong một tuyên bố, ông Khatibzadeh nêu rõ: "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tôn trọng luật pháp. Điều đó không có nghĩa là kết thúc mọi cuộc thanh tra của cơ quan giám sát hạt nhân Liên hợp quốc (LHQ)".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran đề cập đến một đạo luật của nước này bắt buộc chính phủ phải kiên quyết với lập trường hạt nhân của mình.
Vào ngày 21/02 tới, luật trên sẽ buộc Chính phủ Iran phải chấm dứt quyền kiểm tra toàn diện đã được cấp cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của LHQ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cũng như hạn chế thanh tra đối với các địa điểm hạt nhân đã tuyên bố.
Trước đó, Iran đã cảnh báo sắp hết thời gian để chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cứu vãn JCPOA. Cách đây một tháng, nước Cộng hòa Hồi giáo đã thông báo đẩy nhanh tiến trình làm giàu urani lên mức 20%, cao hơn nhiều mức 3,67% được phép trong thỏa thuận, song vẫn còn xa mới tới mức để sản xuất bom nguyên tử.
Khi lên nắm quyền, tân Tổng thống Biden đang tìm cách khôi phục JCPOA sau khi chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi văn kiện năm 2018 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Tuy nhiên, hai bên dường như đang tranh cãi việc bên nào phải hành động trước.
Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei nêu rõ: "Nếu họ muốn Iran trở lại các cam kết... Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn các trừng phạt trên thực tế chứ không phải trên giấy tờ". Tuy nhiên, về việc này, ông Biden đã khẳng định là không.
Giới chức Iran gần đây đã nhiều lần kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong bối cảnh nước này đang trong cuộc chiến chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
MINH CHÂU/TTXVN
Tổng thống Philippines cảnh báo Mỹ phải “trả tiền” để duy trì thỏa thuận quân sự