/ Nhìn ra thế giới
/ Italy đạt thỏa thuận trước hạn với EC về mục tiêu giảm trốn thuế

Italy đạt thỏa thuận trước hạn với EC về mục tiêu giảm trốn thuế

04/01/2024 09:47 |

(LSVN) - Italy đã cam kết với EC sẽ giảm chỉ số chính đo lường xu hướng trốn thuế từ mức 18,6% vào năm 2019 xuống 15,8% vào năm 2024, song chỉ số này đã giảm xuống còn 15,2% ngay từ năm 2021.

Italy đã nhận được khoảng 102 tỉ euro theo Kế hoạch phục hồi và chống đỡ quốc gia (RRF) từ Quỹ Phục hồi châu Âu. (Ảnh: Getty).

Italy đã đạt được mục tiêu giảm trốn thuế, đã thỏa thuận với các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU), trước thời hạn.

Theo một tài liệu của Bộ Tài chính, được công bố ngày 3/1, mặc dù có liên quan đến việc điều chỉnh số liệu thống kê kinh tế của nước này, nhưng ước tính cải thiện về sự tuân thủ thuế sẽ giúp Rome đảm bảo có thêm nguồn tài chính của EU.

Trong kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19 do EU tài trợ, năm 2021, Italy đã cam kết với Ủy ban châu Âu (EC) sẽ giảm chỉ số chính, đo lường xu hướng trốn thuế xuống 15,8% vào năm 2024, từ mức 18,6% vào năm 2019.

Tài liệu của Bộ Tài chính Italy cho thấy chỉ số này đã giảm xuống còn 15,2% ngay từ năm 2021.

Giải thích về xu hướng này, Bộ Tài chính Italy nhấn mạnh các số liệu đã tính đến "sự điều chỉnh mạnh" được Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) đưa ra vào tháng 9/2023, dẫn đến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 tăng khoảng 43,60 tỉ USD (40 tỉ euro).

Cho đến nay, Italy đã nhận được khoảng 102 tỉ euro theo Kế hoạch phục hồi và chống đỡ quốc gia (RRF), thành phần chính của Quỹ Phục hồi châu Âu, trong tổng phân bổ quốc gia khoảng 194,4 tỉ euro cho đến năm 2026.

Dữ liệu Bộ Tài chính do chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni công bố cho thấy số tiền thuế và các khoản đóng góp xã hội bị thiếu ước tính đã giảm xuống gần 83,6 tỉ euro trong năm 2021 từ mức 107,8 tỉ euro của năm 2016.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2022, Thủ tướng Meloni đã nhiều lần kêu gọi cách tiếp cận hợp tác với người nộp thuế để hạn chế tình trạng trốn thuế kinh niên, ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro, vì bà cho rằng các chính sách mạnh mẽ hơn mà các chính quyền trước đây áp dụng đã thất bại.

Tuy nhiên, tỉ lệ trốn thuế thấp hơn tại Italy chủ yếu là nhờ việc tăng thu thuế bán hàng giá trị gia tăng (VAT), "có lẽ được thúc đẩy nhờ các biện pháp khác nhau được thực hiện để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc của các giao dịch".

Vào tháng 12/2022, Thủ tướng Meloni buộc phải rút lại đề xuất giảm các biện pháp trừng phạt đối với các chủ cửa hàng từ chối chấp nhận các khoản thanh toán kỹ thuật số minh bạch hơn, sau những ý kiến của EC.

PV/TTXVN

Bùi Thị Thanh Loan