/ Góc nhìn
/ 'Kết hôn nhanh - ly hôn sớm' - Cần một giải pháp kịp thời

'Kết hôn nhanh - ly hôn sớm' - Cần một giải pháp kịp thời

05/01/2021 18:10 |

(LSO) - Tình trạng “kết hôn nhanh - ly hôn sớm” hiện nay không còn quá xa lạ và có dấu hiệu gia tăng, năm sau cao hơn năm trước, trong số đó vụ ly hôn đang ngày càng trẻ hóa. Vậy, đâu là nguyên nhân và phải làm gì để hạn chế tình trạng này?

Ảnh minh họa.

Có thể thấy, cuộc sống hiện đại, sự đầy đủ hơn về vật chất khiến cho cuộc sống của con người ngày càng văn minh, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, những mặt trái của nó cũng là không ít. Một trong số đó là tình trạng “kết hôn nhanh – ly hôn sớm” trong giới trẻ đang ở mức đáng lo ngại.

Đánh giá về vấn đề này, Luật sư Bùi Loan, Giám đốc Cty luật TNHH Bùi Loan, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, gia đình là tế bào của xã hội, là một thiết chế xã hội đặc thù có vị trí và vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ và chuyển giao các giá trị văn hóa của cả dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, theo đánh giá của cá nhân tôi thì việc này đang là tình trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay.

Con cái sẽ trở thành "nạn nhân"

Theo Luật sư Loan, ly hôn sớm ở các cặp vợ chồng trẻ không còn là vấn đề mới mẻ hiện nay. Lý do dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều phía, không chỉ riêng từ nội bộ gia đình mà còn từ nhiều tác động ngoài xã hội là do tuổi trẻ bồng bột, công việc không ổn định, vi phạm chế độ một vợ một chồng, trình độ văn hóa thấp, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, sinh con một bề, vợ chồng không có sự cảm thông chia sẻ với nhau, thiếu sự bình đẳng giữa vợ và chồng, không có thời gian quan tâm đến nhau…

Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do lối sống và ngoại tình. Quan điểm và lối sống giữa hai người không hợp nhau nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và không được giải quyết dứt điểm, càng để lâu sự bùng nổ càng lớn đó cũng là nguyên nhân khiến yếu tố bạo lực gia đình gia tăng, nhiều gia đình sớm tan vỡ.

Cho dù ly hôn là sự giải thoát cho những người trong cuộc khỏi sự bế tắc trong đời sống hôn nhân nhưng hệ quả để lại vẫn luôn rất nặng nề, đặc biệt là những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn. Chia sẻ thêm về vấn đề này, Luật sư Loan cho rằng khi đời sống hôn nhân rạn vỡ, việc cư xử giữa bố mẹ với nhau sẽ tác động rất lớn đến con cái. Dù đứa trẻ sống cùng ai thì vẫn có những xáo trộn khiến đứa trẻ đó gặp phải chấn thương tâm lý. Sự tổn thương này có thể được thể hiện bằng những giọt nước mắt, sự thay đổi trong tính cách, đứa trẻ có thể nổi loạn, bất cần, suy nghĩ tiêu cực hoặc nghiêm trọng hơn là bị trầm cảm tâm lý. Có rất nhiều đứa trẻ thường ngụy trang điều này bằng việc cố tỏ ra bình thường trước mặt mọi người. Tuy nhiên, khi ở một mình, đứa trẻ đó sẽ quay về với phần tối trong tâm hồn, bỗng dưng trở thành một con người khác trên mạng xã hội….

Có thể thấy rằng, dù muốn hay không thì việc cha mẹ ly hôn ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách của đứa trẻ. Từ một đứa bé vui vẻ, hoạt bát, chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn… có thể dần dà trở thành một kẻ khó tính, ít nói, lười biếng. hỗn láo và ngày càng suy sụp, luôn chống lại những giá trị sống.

Điều chúng ta nhận thấy tâm lý thường gặp ở những đứa trẻ có bố mẹ lý hôn là chúng rất dễ tổn thương. Khi thiếu đi sự quan tâm, tình cảm của bố hoặc mẹ chúng sẽ gặp sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Từ một đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn … có thể dần dần trở thành một đưa trẻ khó tính, ít nói, lười biếng, hỗn láo và ngày càng suy sụp tinh thần. Do vậy, là bố là mẹ khi đã không tạo cho con cái một gia đình sum vầy đúng nghĩa thì hãy lưu tâm đến việc cư xử với nhau như thế nào để tránh cho con cái những khổ đau thêm nữa.

Đâu là giải pháp?

Tình trạng ly hôn hiện nay của nước ta đang trong tình trạng đáng báo động, những năm gần đây tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng. Nhiều cặp vợ chồng quyết định ly hôn vì những lý do hết sức đơn giản, thiếu suy nghĩ. Có những cặp vợ chồng ly hôn chỉ vì chồng không nghe lời vợ, ly hôn chỉ vì chồng thất nghiệp,… Phải chăng ý thức trách nhiệm một số người về cuộc sống hôn nhân đang ngày càng sa sút và dần mất đi những giá trị tốt đẹp truyền thống trước đây.

Luật sư Loan nhận định, ngày xưa việc ly hôn phải nói là rất hiếm, vô cùng ít, gia đình nào ly hôn thì có khi cả làng, cả nước biết, bàn tán xôn xao, chứ không như bây giờ. Vấn đề ly hôn không chỉ thuộc về trách nhiệm của những người trong cuộc mà nó còn là vấn đề của cả xã hội. Chúng ta phải cùng chung tay để hạn chế tình trạng này càng sớm càng tốt.

Đối với xã hội, chúng ta nên có những chương trình giáo dục về hôn nhân gia đình, để tất cả mọi người đều có thể nhận thức và hiểu rõ về hôn nhân gia đình, từ đó ý thức được trách nhiệm của mình với cuộc sống hôn nhân. Chúng ta cũng nên tuyên truyền mọi người về hậu quả của việc ly hôn sẽ ảnh hưởng xấu như thế nào đến bản thân mỗi người, ảnh hưởng đến con cái, ảnh hưởng đến cộng đồng ra sao, từ đó giúp mọi người nâng cao ý thức, trách nhiệm với hôn nhân của mình hơn. Tích cực làm truyền thông, phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa, chú trọng vào vấn đề giáo dục đời sống gia đình thông qua những lễ nghi, phong tục tập quán… giúp mọi người ý thức hơn về vai trò của mình đối với gia đình, có kinh nghiệm hơn trong cuộc sống. Một gia đình có sự giáo dục căn bản, sống nền nếp thì chắc chắn nguy vơ tan vỡ ít hơn rất nhiều so với các gia đình khác.

Nữ Luật sư cũng cho rằng, khi gặp phải những trường hợp muốn ly hôn, chúng ta nên có những biện pháp hòa giải, cố gắng thuyết phục và khuyên răn họ suy nghĩ lại, mục đích giúp họ hàn gắn tình cảm. Tuyệt đối không nên có suy nghĩ cổ súy, ủng hộ cho việc ly hôn, nếu mâu thuẫn của họ vẫn chưa đến mức độ phải ly hôn, thì chúng ta nên kiên nhẫn, nên cố gắng hòa giải, giúp họ suy nghĩ chín chắn, bình tĩnh lại để có quyết định tốt nhất. Cần tăng cường những biện pháp hòa giải để giúp các cặp vợ chồng có cơ hội hàn gắn, làm lại từ đầu, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đối với người trong cuộc, ý thức trách nhiệm với cuộc hôn nhân của chính mình cũng như vai trò của mình trong cuộc sống hôn nhân. Cần phải hiểu được khi bản thân gật đầu đồng ý lập gia đình, cũng có nghĩa ngay từ giây phút đó phải tự mình chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình; không được xem nhẹ hôn nhân, tuyệt đối không coi hôn nhân như một trò đùa.

Luật sư Bùi Loan, Giám đốc Công ty luật TNHH Bùi Loan, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Để có một cuộc hôn nhân viên mãn, theo Luật sư các bạn trẻ trước khi kết hôn nên tìm hiểu hoặc theo học một lớp tâm lý trước hôn nhân, bởi sau khi kết hôn sẽ có rất nhiều thứ thay đổi trong cuộc sống. Đơn giản như sẽ phải sống ở một môi trường hoàn toàn mới, ứng xử sao cho đúng mực, học cách sống hòa hợp với thói quen sinh hoạt của mọi người trong gia đình mới.

Đối với gia đình, những bậc làm cha mẹ nên quan tâm đến chuyện kết hôn của con cái mình, chúng ta cần để tâm xem con mình lựa chọn đối tượng như thế nào, đối tượng đó có thực sự hợp với con mình hay không? Và quan trọng bố mẹ cần nắm được ý thức của con mình đối với hôn nhân như thế nào. "Rất nhiều gia đình cứ thấy con nói muốn kết hôn là đồng ý, chẳng cần biết con mình lấy người ra sao? Con mình đã đủ chín chắn để xây dựng gia đình hay chưa? Có những đứa trẻ còn chưa trưởng thành, chưa có công ăn việc làm về xin cưới, bố mẹ cũng đồng ý. Khi nhận thấy con cái chúng ta phạm sai lầm, khi thấy chúng có những quyết định không đúng thì bố mẹ cần phân tích, cắt đặt cho con cái hiểu", Luật sư Loan nhìn nhận.

TRIỆU SƠN - NGUYỄN SƠN
/nu-tai-xe-gay-tai-nan-giao-thong-roi-bo-chay-co-nong-do-con-cao-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao.html