/ Nghề Luật sư
/ Khải giảng lớp đào tạo nghề Luật sư khóa 25 năm 2023 tại tỉnh Đồng Nai

Khải giảng lớp đào tạo nghề Luật sư khóa 25 năm 2023 tại tỉnh Đồng Nai

30/09/2023 19:19 |

(LSVN) - Ngày 30/9/2023, tại Trung tâm GDTX tỉnh Đồng Nai (đường D10, Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng Học viện Tư pháp tổ chức Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề Luật sư khóa 25 năm 2023.

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phát biểu tại Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề Luật sư khóa 25 năm 2023.

Nhằm triển khai kế hoạch đào tạo năm 2023 đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt, đồng thời trang bị cho học viên đạo đức nghề nghiệp Luật sư, những kiến thức, kỹ năng cơ bản và chuyên sâu của Luật sư trong lĩnh vực tư vấn, tranh tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác nhằm góp phần phát triển đội ngũ Luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, bên cạnh đó tiến tới nâng cao số lượng, chất lượng nguồn lực về Luật sư cho tỉnh Đồng Nai. Học viện Tư pháp đã phối hợp cùng Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tiến hành mở lớp Đào tạo nghề Luật sư khóa 25 năm 2023 tại tỉnh Đồng Nai. 

Tham dự buổi Lễ khai giảng có sự góp mặt của Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai; ông Nguyễn Trường Thiệp, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp kiêm Trưởng Cơ sở Học viện Tư pháp TP. Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các phòng, khoa của Học viện Tư pháp và các học viên tham dự khoá học.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 60 học viên làm thủ tục đăng ký nhập học. Theo quy định các học viên phải có trình độ cử nhân luật trở lên, được đào tạo từ các cơ sở đào tạo luật trong và ngoài nước, với các loại hình đào tạo khác nhau và đây là điều kiện bắt buộc để được tham gia khóa học. Khóa học được chia thành 01 lớp, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1960, người ít tuổi nhất sinh năm 2001 và được áp dụng phương pháp quản lý và đánh giá học viên theo Quy chế tuyển sinh, tổ chức đào tạo và công tác học viên được ban hành theo Quyết định số 3113/QĐ- HVTP ngày 27/12/2019 của Giám đốc Học viện Tư pháp và một số nội quy, quy định liên quan khác. 

Học viện Tư pháp đã phối hợp cùng Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tiến hành mở lớp Đào tạo nghề Luật sư khóa 25 năm 2023 tại tỉnh Đồng Nai. 

Về công tác tổ chức đào tạo, chương trình đào tạo nghề Luật sư được áp dụng theo hình thức tín chỉ, toàn bộ chương trình khung đã được Bộ Tư pháp phê duyệt năm 2022 và Học viện Tư pháp đã ban hành chương trình đào tạo chi tiết năm 2023.

Với thời gian đào tạo theo chương trình là 12 tháng, học viên được trang bị khối kiến thức chung về Luật sư và nghề Luật sư; khối kiến thức kỹ năng hành nghề Luật sư và khối kiến thức thực hành nghề Luật sư. Tổng số tín chỉ phải tích lũy của chương trình là 36 tín chỉ mà trong đó, khối kiến thức bắt buộc là 30 tín chỉ; khối kiến thức tự chọn là 06 tín chỉ.

Đối với khối kiến thức bắt buộc 30 tín chỉ, gồm có:

- Khối kiến thức chung về Luật sư và đạo đức nghề Luật sư: 03 tín chỉ (bao gồm kiến thức về các quy định pháp luật về nghề Luật sư, các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư);

- Khối kiến thức về kỹ năng cơ bản của Luật sư: 23 tín chỉ, bao gồm:

Kỹ năng chung (3 tín chỉ): Gồm các kỹ năng cần thiết trong hành nghề Luật sư;

Kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng đại diện ngoài tố tụng, tham gia giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án và cung cấp dịch vụ pháp lý khác (8 tín chỉ): Gồm có kỹ năng tư vấn pháp luật (4 tín chỉ); Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng, tham gia giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án và cung cấp dịch vụ pháp lý khác (4 tín chỉ);

Kỹ năng tranh tụng (12 tín chỉ): Gồm có kỹ năng tranh tụng trong vụ án hình sự (4 tín chỉ); Kỹ năng tranh tụng trong vụ, việc dân sự (4 tín chỉ); Kỹ năng tranh tụng trong vụ án hành chính (4 tín chỉ).

- Khối kiến thức về thực hành (thực tập): 4 tín chỉ, bao gồm: 

Thực tập tại chỗ thông qua các hoạt động đóng vai, tham gia thực hành chỉ các tình huống; Thực tập tại Trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề Luật sư, các cơ quan tổ chức khác.

Đối với khối kiến thức tự chọn: 6 tín chỉ, gồm có các kỹ năng hành nghề của Luật sư trong các loại việc, loại án cụ thể. Học viên được lựa chọn 2 trong số 21 học phần tự chọn thuộc các lĩnh vực, loại việc cụ thể để hoàn thành 2 học phần tự chọn.

Với chương trình đào tạo áp dụng theo tín chỉ, mỗi tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết hoặc 30 tiết học thực hành, thảo luận, diễn án hoặc 45 giờ thực tập, làm tiểu luận, viết báo cáo thực tập.

Nội dung chương trình đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi học viên phải tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu và thực hành kỹ năng nghề nghiệp nhiều hơn. Đối với chương trình đào tạo theo tín chỉ, học viên không phải thi tốt nghiệp. Học viên tích lũy đủ 36 tín chỉ sẽ được xét công nhận tốt nghiệp. Vì thế, mỗi học phần thi giống như là thi tốt nghiệp.

Chương trình đào tạo, Quy chế đào tạo, lịch học sau khi được Lãnh đạo Học viện Tư pháp phê duyệt sẽ được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Học viện Tư pháp. Học viên căn cứ vào lịch học này, các học viên chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch học tập phù hợp để tích lũy kiến thức, kỹ năng và thu hoạch kết quả học tập tốt nhất. 

Về giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập thì ngoài các bài giảng của giảng viên, học viên sử dụng bộ giáo trình gồm 09 quyển: Giáo trình Luật sư và nghề Luật sư; Giáo trình kỹ năng mềm trong nghề luật; Giáo trình kỹ năng tham gia giải quyết vụ án hành chính; Giáo trình kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự (phần đào tạo bắt buộc); Giáo trình kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự (phần đào tạo tự chọn); Giáo trình kỹ năng cơ bản của Luật sư tham gia giải quyết các vụ việc dân sự; Giáo trình kỹ năng chuyên sâu của Luật sư trong việc giải quyết các vụ án dân sự; Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án của Luật sư; Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp (phần chuyên sâu).

Đặc biệt, Học viện sử dụng bộ hồ sơ tình huống hơn 100 hồ sơ của từng học phần, được Học viện Tư pháp sưu tầm, biên tập và cập nhật phù hợp với chương trình đào tạo của Luật sư.

Ngoài ra, Học viện Tư pháp cũng sẽ cấp giáo trình cho học viên, hồ sơ tình huống học viên được cung cấp File mềm (*PDF) hoặc được mượn từ thư viện của Học viện Tư pháp (nếu có). Các văn bản pháp luật và các tài liệu tham khảo khác học viện tự trang bị, chỉ những giáo trình in của Học viện Tư pháp mới được phép sử dụng trong các kỳ thi học phần.

Về công tác quản lý lớp học thì ngay sau khi khai giảng, Học viện Tư pháp - Cơ sở TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức phổ biến Quy chế đào tạo và một số quy định về nề nếp học tập, sinh hoạt cho học viên, cử một cán bộ quản lý lớp phối hợp với cán bộ của Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai thực hiện công tác quản lý, Học viện Tư pháp, Cơ sở TP. Hồ Chí Minh cử giảng viên chủ nhiệm lớp.

Ngay khi lớp bắt đầu học, cán bộ quản lý lớp sẽ làm việc với lớp để bầu ra Ban cán sự lớp lâm thời, sau một thời gian học tập, cán bộ quản lý lớp sẽ tổ chức họp lớp để bầu ra Ban cán sự chính thức. Cán bộ quản lý lớp và giảng viên chủ nhiệm lớp là những người cùng đồng hành với các học viên trong quá trình tổ chức lớp học. Do đó, khi có vấn đề phát sinh, các học viên chủ động phối hợp, liên hệ trao đổi, báo cáo với cán bộ quản lý lớp, giảng viên chủ nhiệm lớp để kịp thời giải quyết. 

 Học viện Tư pháp cũng thực hiện cơ chế phối hợp giữa cán bộ quản lý lớp với các giảng viên trực tiếp giảng dạy trong quá trình tổ chức điểm danh, theo dõi ý thức tổ chức kỷ luật của học viên, tính điểm chuyên cần.

Về đội ngũ giảng viên tham gia khóa đào tạo: Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy cho khóa học bao gồm các giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp và đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các Luật sư có uy tín, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn, trong đó có nhiều Luật sư là Trưởng các Văn phòng Luật sư, Giám đốc Công ty Luật lâu năm tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương.

Bên cạnh đó, còn có một số giảng viên thỉnh giảng đang là Thẩm phán và một số chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên sâu về hình sự, dân sự, tư vấn cũng sẽ tham gia giảng dạy cho khóa học này.

Toàn thể buổi Lễ.

Về phương pháp giảng dạy, để nâng cao chất lượng giảng dạy, Học viện Tư pháp áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, tăng cường tính tương tác giữa người học với người học và giữa người học với giảng viên. Trong đó, chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu hồ sơ, thực hành giải quyết tình huống, phương pháp đóng vai, trao đổi và đối thoại. Các học viên cũng được thực hành diễn án, tham gia các phiên họp để rèn luyện các kỹ năng hành nghề như trên thực tế.

Về địa điểm học tập và cơ sở vật chất, lớp học được tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Nai, lớp học được tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Nai (Đường D10, Võ Thị Sáu, Khu phố 7, phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Học viện Tư pháp sẽ phối hợp cùng Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất như hội trường, âm thanh, ánh sáng và các phương tiện cần thiết khác nhằm phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của học viên một cách tốt nhất. 

PV

Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tổ chức tư vấn pháp lý miễn phí, trao quà Trung thu cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh

Nguyễn Hoàng Lâm