/ Hoạt động Luật sư
/ Khai giảng lớp đào tạo nghề luật sư khóa 27 năm 2025 tại Đồng Nai

Khai giảng lớp đào tạo nghề luật sư khóa 27 năm 2025 tại Đồng Nai

30/03/2025 11:40 |3 ngày trước

(LSVN) - Ngày 29/3, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đồng Nai (Đường D10, KP7, phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng Học viện Tư pháp tổ chức Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề luật sư khóa 27 năm 2025.

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phát biểu tại Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề Luật sư khóa 27 năm 2025.

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phát biểu tại Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề Luật sư khóa 27 năm 2025.

Nhằm triển khai kế hoạch đào tạo năm 2025 đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt, Học viện Tư pháp đã phối hợp cùng Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tổ Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề luật sư khóa 27 tại tỉnh Đồng Nai.

Tham dự buổi Lễ khai giảng có Luật sư Lê Quang Y, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai; cùng các thành viên trong Ban Chủ nhiệm.

Về phía Học viện Tư pháp có ông Nguyễn Trường Thiệp, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp kiêm Trưởng Cơ sở Học viện Tư pháp TP. Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các phòng, khoa của Học viện Tư pháp.

Ngoài ra, có sự tham dự của Thạc sĩ Phạm Thanh Tân, đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai; Thạc sĩ Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đồng Nai và gần 60 học viên tham dự khoá học.

Tính đến thời điểm hiện tại, các học viên đã hoàn tất thủ tục đăng ký nhập học. Theo quy định, tất cả học viên phải có trình độ cử nhân luật trở lên, đây là điều kiện bắt buộc để tham gia khóa học. Lớp học quy tụ học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó người lớn tuổi nhất sinh năm 1972 và người trẻ nhất sinh năm 2002.

Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và kỷ luật học tập nghiêm túc việc quản lý và đánh giá học viên được thực hiện theo Quy chế tuyển sinh, tổ chức đào tạo và công tác học viên, ban hành theo Quyết định số 2024/QĐ-HVTP ngày 27/9/2024 của Giám đốc Học viện Tư pháp.

Quang cảnh buổi Lễ khai giảng.

Quang cảnh buổi Lễ khai giảng.

Về nội dung chương trình đào tạo, chương trình đào tạo áp dụng theo hình thức tín chỉ, ban hành kèm theo Quyết định số 79/QĐ-HVTP ngày 27/01/2023. Với tổng thời gian học tập kéo dài 12 tháng, học viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng hành nghề luật sư thông qua 10 học phần, tương ứng với 36 tín chỉ. Trong đó:

Đối với khối kiến thức bắt buộc 30 tín chỉ, gồm có:

- Khối kiến thức chung về luật sư và đạo đức nghề luật sư: 03 tín chỉ; Bao gồm kiến thức về các quy định pháp luật về nghề luật sư, các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.

- Khối kiến thức về kỹ năng cơ bản của luật sư: 23 tín chỉ, gồm có:

+ Kỹ năng chung (03 tín chỉ): Bao gồm các kỹ năng cần thiết trong hành nghề luật sư.

+ Kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng đại diện ngoài tố tụng, tham gia giải quyết tranh chấp ngoài tòa án và cung cấp dịch vụ pháp lý khác (08 tín chỉ): Bao gồm kỹ năng tư vấn pháp luật (04 tín chỉ); kỹ năng đại diện ngoài tố tụng, tham gia giải quyết tranh chấp ngoài tòa án và cung cấp dịch vụ pháp lý khác (04 tín chỉ).

+ Kỹ năng tranh tụng (12 tín chỉ): Bao gồm kỹ năng tranh tụng trong vụ án hình sự (04 tín chỉ); kỹ năng tranh tụng trong vụ, việc dân sự (04 tín chỉ); kỹ năng tranh tụng trong vụ án hành chính (04 tín chỉ).

- Khối kiến thức về thực hành (thực tập): 04 tín chỉ; Bao gồm: Thực tập tại chỗ thông qua các hoạt động đóng vai, tham gia thực hành các tình huống; thực tập tại Trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, các cơ quan tổ chức khác.

Khối kiến thức tự chọn (6 tín chỉ) giúp học viên trau dồi chuyên môn theo từng lĩnh vực cụ thể, với 21 học phần để lựa chọn, bao gồm các kỹ năng hành nghề của luật sư trong các loại việc, loại án cụ thể. Học viên được lựa chọn 02 trong số 21 học phần tự chọn thuộc các lĩnh vực, loại việc cụ thể để hoàn thành 02 học phần tự chọn.

Là khóa thứ 15 tại Đồng Nai, với bình quân mỗi lớp 60 học viên tốt nghiệp, gần 1.000 học viên đã được đào tạo tại Đồng Nai, góp phần phát triển đội ngũ Luật sư tại Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận.

Là khóa thứ 15 tại Đồng Nai, với bình quân mỗi lớp 60 học viên tốt nghiệp, gần 1.000 học viên đã được đào tạo tại Đồng Nai, góp phần phát triển đội ngũ Luật sư tại Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận.

Mỗi tín chỉ bao gồm 15 tiết học lý thuyết hoặc 30 tiết thực hành, thảo luận, diễn án hoặc 45 giờ thực tập, viết báo cáo thực tập. Với nội dung chương trình đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi học viên phải tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu và thực hành kỹ năng nghề nghiệp nhiều hơn. Học viên không phải thi tốt nghiệp. thay vào đó, việc hoàn thành đầy đủ số tín chỉ theo chương trình sẽ là căn cứ xét công nhận tốt nghiệp. Vì thế, mỗi học phần thi giống như là thi tốt nghiệp.

Tài liệu học tập và phương pháp giảng dạy, ngoài các bài giảng của giảng viên, Học viện Tư pháp đã biên soạn bộ giáo trình gồm 10 quyển, cho các học phần thuộc phần kỹ năng chung về luật sư và đạo đức nghề luật sư, kỹ năng cơ bản và phần kỹ năng chuyên sâu ở tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân gia đình và tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài tòa án của luật sư. Bộ giáo trình đã được biên soạn kỹ lưỡng, cập nhật các quy định pháp luật mới, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập đối với toàn bộ các môn học trong chương trình.

Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng Học viện Tư pháp tổ chức lớp đào tạo nghề luật sư khóa 27 năm 2025.

Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng Học viện Tư pháp tổ chức lớp đào tạo nghề luật sư khóa 27 năm 2025.

Đặc biệt, học viên sẽ được tiếp cận với hơn 100 hồ sơ tình huống thực tế, giúp nâng cao khả năng phân tích và giải quyết vụ việc. Học viện cũng triển khai nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại như nghiên cứu hồ sơ, đóng vai, trao đổi, diễn án thực hành nhằm rèn luyện kỹ năng thực tiễn.

Về công tác quản lý lớp học, ngay sau khi khai giảng, Học viện Tư pháp - Cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức phổ biến Quy chế đào tạo và một số quy định về nề nếp học tập, sinh hoạt cho học viên, cử một cán bộ quản lý lớp phối hợp với cán bộ của Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai để thực hiện công tác quản lý, Cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh cử giảng viên chủ nhiệm lớp.

Ngay khi lớp bắt đầu học, cán bộ quản lý lớp sẽ làm việc với lớp để cử ra Ban cán sự lớp lâm thời. Sau một thời gian học tập, Cán bộ quản lý lớp sẽ tổ chức họp lớp để bầu ra Ban cán sự chính thức. Cán bộ quản lý lớp và giảng viên chủ nhiệm lớp là những người cùng đồng hành với các học viên trong quá trình tổ chức lớp học. Do đó, khi có vấn đề phát sinh, các học viên chủ động phối hợp, liên hệ trao đổi, báo cáo với cán bộ quản lý lớp, giảng viên chủ nhiệm lớp để kịp thời giải quyết.

Ông Nguyễn Trường Thiệp thay mặt Học viện Tư pháp nhận quà lưu niệm từ Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai.

Ông Nguyễn Trường Thiệp thay mặt Học viện Tư pháp nhận quà lưu niệm từ Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai.

Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy cho khóa học bao gồm các giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp và đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các luật sư có uy tín, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn, trong đó có nhiều luật sư là trưởng các văn phòng luật sư, giám đốc công ty luật hoạt động lâu năm tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương. Bên cạnh đó, còn có một số giảng viên thỉnh giảng đang là thẩm phán và một số chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên sâu về hình sự, dân sự, tư vấn cũng sẽ tham gia giảng dạy cho khóa học này.

Về phương pháp giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, Học viện Tư pháp không ngừng áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, tăng cường tính tương tác giữa người học với người học và giữa người học với giảng viên. Trong đó chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu hồ sơ, thực hành giải quyết tình huống, phương pháp đóng vai, trao đổi và đối thoại. Bên cạnh đó, học viên cũng được tham gia thực hành diễn án, tham gia các phiên họp để rèn luyện các kỹ năng hành nghề như trên thực tế.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể học viên lớp đào tạo nghề luật sư khóa 27.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể học viên lớp đào tạo nghề luật sư khóa 27.

Địa điểm đào tạo, Khóa học được tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đồng Nai (Đường D10, KP7, phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ngoài ra, Học viện Tư pháp sẽ phối hợp cùng Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất như hội trường, âm thanh, ánh sáng và các phương tiện cần thiết khác nhằm phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của học viên một cách tốt nhất.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chương trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, Học viện Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai hy vọng rằng sẽ triển khai thành công khóa đào tạo nghề luật sư khóa 27, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư trong tương lai.

QUANG NGUYỄN

Các tin khác