(LSO) – Thường thì cây cỏ sợ gió lớn, nhưng một khi cây to mà sợ gió lớn lại là câu chuyện đáng bàn?.
Những ngày qua, những cây to trong khuôn viên trường họcliên tiếp bật gốc, đổ gục gây mất an toàn, và hậu quả đã có học sinh tử vong. Cácbậc cha mẹ lại có phen lo lắng cho sự an toàn của con trẻ khi đến trường. Mọiánh mắt hoài nghi, ngờ vực đổ dồn về phía những cây to.
Nhưng, hãy quan sát thật kỹ những gốc cây to bị đổ kia, bộ rễ - giống như não bộ con người đều bị mục ruỗng, thối rữa.
Lý do tại sao những cây to trông có vẻ khỏe khoắn như vậy, lại được trồng, chăm sóc trong một môi trường rất lý tưởng bị thối gốc, hỏng rễ?
Câu chuyện có lẽ được bắt đầu từ những thói quen “ăn xổi” củacon người. Để mau chóng có được những bóng mát hay những con số “để báo cáo” màhọ cho trồng những cây to đã được chặt “gọn” bộ rễ còn trơ lại cùi gốc. Nhữngcây này được trồng gọn ghẽ, nhìn rất bắt mắt; được chăm bẵm đầy đủ phân tro, nướctưới. Theo thời gian, những tán lá xanh tốt bắt đầu xuất hiện, tỏa bóng mát.Nhưng ít ai biết, bộ rễ - đầu não của cây xanh đang bị thối rữa hoặc không pháttriển được.
Cùng với sự “ăn xổi”, con người còn tạo ra cho những cây xanh kia một môi trường sống hết sức ngặt nghèo, o bế. Mặt đất vốn là nơi cây xay hút khí trời, trao đổi chất thì nay lại được lát gạch, láng xi nhẵn thín đến cây cỏ cũng không mọc nổi. Và đương nhiên, những cây to kia cũng không thể vươn sức mình bám sâu vào lòng đất, nó chỉ biết “ăn bám” vào chất dinh dưỡng mà con người “bố thí cho”; hay chỉ biết vươn vài ba cái rễ “còi” ra xung quanh theo thói “gà què ăn quẩn cối xay”.
Với sự phát triển “tật nguyền” đó, tất yếu những cây to kia sẽ không chống nổi với gió trời, chỉ một vài ba cơn gió nhẹ là đủ đánh bật bộ rễ mục ruỗng lên khỏi mặt đất. Và lúc này mọi người mới có dịp “ồ” lên bởi một cây to lớn, xanh tốt nhưng lại có một bộ rễ thối.
Với cách trồng, nuôi dưỡng, chăm sóc như vậy sớm muộn cây to mấy cũng sẽ bị đổ.
Nhiều câu chuyện hài hước đến cười ra nước mắt khi ông trờiđã “bóc mẽ” con người vì đã đem trồng những cây bóng mát cao đến vài ba mét còncó nguyên cả bọc nilon ở gốc. Nếu như cái cây, hòn đất kia mà biết “nói năng”thì con người cũng không “có lỗ” mà chui.
Câu chuyện trồng cây lấy bóng mát tưởng chừng đơn giản nhưng đến thời điểm này nó lại trở thành mối quan tâm của rất nhiều ban ngành. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng không nằm ngoài cuộc.
Sau sự cố cây phượng bị đổ khiến một học sinh tử vong tại TP. HCM, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu tất cả các trường rà soát lại cây xanh trong trường học. Thiết nghĩ, việc làm này của Bộ GD&ĐT có vẻ “hơi thừa”, “chưa đúng chức năng”?.
Vẫn biết là việc tạo một môi trường an toàn cho học sinh là điều rất quan trọng, tuy nhiên sự quan tâm cần phải đươc đặt đúng chỗ. Bộ GD&ĐT không phải là “cái mõ làng” đụng đâu kêu đấy. Có lẽ, việc này thuộc trách nhiệm của nhà trường, chính quyền địa phương hơn là chỉ đạo từ Bộ.
Trước mắt, Bộ GD&ĐT còn có nhiều cái đáng phải quan tâm (đúng chức năng nhiệm vụ) hơn là chỉ đạo từ xa việc trồng cây. Đó là việc sắp xếp, tổ chức, đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên khi chuẩn bị kết thúc một năm học mang tính lịch sử.
Tuần qua, học sinh Hà Nội thi thử tốt nghiệp THPT trên máy tính (online) bị nghẽn mạng, lỗi font chữ thì chẳng thấy Bộ GD&ĐT lên tiếng hay có chỉ đạo nào để khắc phục tình trạng trên? Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa thể nói trước được điều gì, liệu Bộ này đã có phương án cho học sinh, sinh viên hay chưa khi sắp bước vào đợt thi cao điểm, hay lại tiếp tục bị động như trước đây…?.
Hoặc câu chuyện “muôn năm cũ” học sinh đánh nhau, giáo viên đánh học sinh… vừa xảy ra thì Bộ GD&ĐT vẫn chưa có động thái nào?
Ở đây, câu chuyện “trồng cây” và “trách nhiệm” cần phải được quan tâm đúng lúc, đúng chỗ. Chung quy lại nó cũng chỉ phục vụ cho mục đích “trồng người”.
THANH THỦY
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả