/ Góc nhìn
/ Khi giá xăng 'phi mã'

Khi giá xăng 'phi mã'

16/02/2022 03:33 |

(LSVN) - Ngay sau những ngày nghỉ Tết âm lịch, những sự cố không mong muốn liên tục xảy ra trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh xăng dầu, lộ ra những "khủng hoảng cục bộ" cần có ngay những phương án điều chỉnh kịp thời.

Ảnh minh họa. 

Sự cố đầu tiên là tình trạng khan hiếm xăng dầu khiến nhiều cây xăng phải đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt. Tình trạng này gây bức xúc bởi nó xảy ra vào thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, hoạt động kinh doanh, sản xuất trở lại với chủ trương phục hồi kinh tế. 

Cơ quan có trách nhiệm trong lĩnh vực đảm bảo an ninh năng lương thì cho rằng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do các chủ cây xăng hoặc đại lý phân phối “găm hàng” đợi giá tăng. Luận điểm này là có cơ sở bởi vào thời điểm Tết không thực hiện được việc điều chỉnh giá xăng tăng, gây thua lỗ cho nhà kinh doanh xăng dầu và trước tình trạng thiếu xăng dầu do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động 60% công suất, giá dầu thế giới tăng, những xung đột địa chính trị đang xảy ra làm nguồn cung bị hạn chế... tất yếu sẽ dẫn đến giá xăng tăng trong thị trường nội địa. 

Thế nhưng, qua kiểm tra thì chỉ phát hiện 1 cây xăng dự trữ 7000 lít mà thôi. Điều này chứng tỏ không có chuyện “găm hàng” phổ biến, chính quyền ở một số địa phương cũng khẳng định không có chuyện này. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì khẳng định: “Có hàng đâu mà găm!”. Có thể, việc “găm hàng” đầu cơ xảy ra ở cấp phân phối cao hơn chăng? Như vậy, việc khan hiếm xăng dầu, cung không đủ cầu là có thật và trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý lĩnh vực đảm bảo an ninh năng lượng và vì thế cần tìm ra nguyên nhân chính và phải có ngay những biện pháp khắc phục.

Tình trạng khan hiếm xăng dầu để lộ ra “góc khuất” của việc điều hành sản xuất mặt hàng chiến lược này. Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn trong 3 năm thua lỗ đến 61.000 tỉ đồng và đe dọa giảm công suất buộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với số vốn góp chỉ hơn 20% so với các nhà đầu tư nước ngoài phải “bơm tiền” vào để tiếp tục vận hành hết công suất. Trong khi đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động đến 105% công suất, liên tục có lãi và doanh thu cao. Tại sao lại có sự khác biệt đến như vậy, câu hỏi này chỉ ở cấp điều hành vĩ mô mới trả lời được xác đáng.

Giá xăng đã đạt mức kỷ lục lịch sử và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như mọi người dân. Có những chỉ dấu cho thấy việc bất hợp lý góp phần vào giá xăng cao khi thuế phí mà mỗi lít xăng khi bán ra thị trường “phải cõng” lên tới hơn 40%, trong đó thuế bảo vệ môi trường đã chiếm tới 15%. Thuế xăng dầu mang lại một nguồn thu lớn cho ngân sách, tuy nhiên, giá xăng tăng ảnh hưởng đến việc sản xuất và lưu thông các mặt hàng khác khiến Nhà nước thất thu thuế thì cũng không phải là cách điều hành hiệu quả, thậm chí còn có tác dụng ngược. Ví dụ như việc giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% tỏ ra không có tác động tích cực lớn khi giá xăng dầu vẫn giữ ở mức kỷ lục. Giá xăng của nước ta cao hơn với các nước trong khu vực, chính vì thế nạn buôn lậu xăng dầu mới xảy ra với khối lượng cực kỳ lớn.

Đảm bảo nguồn cung, tìm mọi cách để giảm nhiệt sự "phi mã" của giá xăng dầu, quản lý và điều hành chặt chẽ, linh hoạt trong lĩnh vực cung ứng và tiêu thụ xăng dầu thì tình trạng tương tự như những gì đã và đang xảy ra không còn xảy ra nữa.

NHỊ NGỌC

Những điều người lao động nên biết để tự bảo vệ mình

Lê Minh Hoàng