Công an khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt.
Thoạt vi thủy, nghe thông tin về Công ty Luật Pháp Việt (TP. Hồ Chí Minh) đòi nợ thuê bằng hình thức khủng bố, đe dọa thì ai cũng cảm thấy sốc, bởi tại sao một Công ty Luật lại hành xử theo kiểu giang hồ, vi phạm pháp luật trắng trợn như vậy. Hơn nữa, cách đây không lâu, một Công ty Luật tại thành phố này, có 3 Luật sư đăng ký hành nghề tại đây, tổ chức đòi nợ thuê đã bị Công an phát hiện và xử lý hình sự, bài học còn nhãn tiền như vậy mà vẫn có kẻ liều lĩnh bất chấp hậu quả đến thế sao?
Song, thực tế không phải như vậy. Chính xác, đây là một tổ chức tội phạm núp bóng dưới danh nghĩa Công ty Luật mà thôi. Họ thuê người đủ tiêu chuẩn thành lập Công ty Luật làm Giám đốc, còn toàn bộ hoạt động được điều khiển bằng một nhóm người không có bằng cấp luật, tuyển nhân viên, kết hợp với ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện việc đòi nợ thuê. Hình thức và biện pháp thực hiện các vụ đòi nợ này là khủng bố, đe dọa những người thân của con nợ, thậm chí doa giết vợ, con họ. Mỗi vụ đòi được nợ, “Công ty Luật” này được trả từ 25 đến 30% số nợ đòi được. Lợi nhuận lớn nên những người điều hành đường dây này không ngừng mở rộng “chi nhánh” ở nhiều địa phương khác nhau và số nạn nhân lên tới hàng nghìn người.
Vụ việc này cho thấy đã có một lỗ hổng lớn trong việc quản lý và giám sát hoạt động đòi nợ thuê dẫn tới những bất ổn trong đời sống an ninh, trật tự xã hội. Việc cấp phép thành lập một Công ty Luật xem ra khá dễ dàng, chỉ một người đủ tiêu chuẩn hành nghề luật đã có thể lập một công ty, còn điều hành, hoạt động ra sao thì vô can. Cần xử lý những người được thuê làm Giám đốc này để không còn ai dám làm thuê cho các tổ chức tội phạm nữa.
Hoạt động đòi nợ thuê của “Công ty Luật” này diễn ra trong một thời gian dài trên một địa bàn rộng lớn mà không bị ngăn trở gì. Không thể làm ngơ trước những kêu cứu, tố cáo của các nạn nhân. Trong vụ việc này, Công an Tiền Giang đã vào cuộc, triệt phá một ổ nhóm tội phạm, mang lại sự bình yên cho cuộc sống hàng ngày, việc làm của họ xứng đáng được tưởng thưởng.
Mặt khác, cũng cần có chế tài với những con nợ không trả. Con đường kiện ra Tòa án xem ra không mấy hiệu quả cho nên chủ nợ đành nhờ đến thế lực xã hội đen. Những kẻ có ý định “quỵt nợ”, chây ỳ thì không thể nói chuyện đạo lý được nữa. Thấy rõ rằng khi bị đe dọa tính mạng thì họ vẫn kiếm ra tiền để trả nợ. Ở đây, loại trừ những trường hợp con nợ thực sự khó khăn, không thể xoay sở vào đâu được nữa hoặc là nạn nhân của những vụ lừa đảo tín dụng đen cho vay với lãi suất cắt cổ.
Vay và trả không chỉ là những giao dịch dân sự bình thường mà còn thể hiện đạo lý, lương tâm, trách nhiệm và nghĩa vụ. Để xảy ra tình trạng đòi nợ thuê tràn lan, dùng những biện pháp và thủ đoạn trái pháp luật, có trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan chức năng và cả ở hai phía người cho vay và người vay.
NHỊ NGỌC