/ Góc nhìn
/ Khi Nhà trường không còn là 'Pháo đài bất khả xâm phạm'

Khi Nhà trường không còn là 'Pháo đài bất khả xâm phạm'

25/02/2021 09:11 |

(LSVN) - Hiện nay, xã hội liên tiếp xuất hiện những trường hợp như thầy giáo “tát” học sinh như kẻ thù, phụ huynh đến trường “tát” giáo viên, và thậm chí cả học sinh “tát” giáo viên... Những hành vi này đều là những hành vi xã hội trái ngược với đạo đức đã được giáo dục từ lâu. Mặc dù đã được xử lý kỷ luật nghiêm khắc, thế nhưng nhiều phụ huynh cũng như Nhà giáo đã phải đặt ra câu hỏi tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Và liệu việc giáo dục tầng lớp non trẻ hiện nay có thật sự luôn được đặt lên hàng đầu?

Hiện nay, xã hội liên tiếp xuất hiện những vụ việc trái ngược với hành vi và đạo đức đã được giáo dục từ lâu.

Cụ thể, đã từng xảy ra các trường hợp như giáo viên “tát” học sinh hay ngược lại, gần đây nhất là vụ việc học sinh “tát” giáo viên đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Đến mức, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc và xác minh. Kết quả xác minh cho thấy sự việc này đã xảy ra từ lâu và học sinh trên có biểu hiện về tâm lý trầm cảm, hay mất ngủ, tinh thần căng thẳng, dễ bị kích động và rất sợ mất đồ của mình...

Mặc dù những vụ việc trên đều đã được xử lý kỷ luật nghiêm khắc là thế. Nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại, tình trạng này vẫn liên tục tái diễn và nhiều đến bất ngờ.

Câu hỏi được nhiều phụ huynh cũng như những Nhà giáo đặt ra là tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Liệu việc giáo dục tầng lớp non trẻ hiện nay có thật sự luôn được đặt lên hàng đầu trong khi biết bao vụ việc đã xảy ra như sai sách, sai đề thi cho đến những hiện tượng cực đoan như vụ việc học sinh “tát” giáo viên ở trên đang rầm rộ gần đây.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Theo tôi, tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội không thể nói ngành giáo dục vô can”,  

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, từ những biện pháp giáo dục đạo đức hiệu quả nhưng lại bị gắn mác là áp đặt, sáo rỗng. Thế rồi, các biện pháp này nhanh chóng trở thành hình thức. Bên cạnh đó, các gia đình Việt từ chỗ nổi tiếng nghiêm khắc giáo dục trẻ, dần dần thay đổi quan niệm, trở nên chiều chuộng, bao bọc bênh vực trẻ quá mức.

Dường như, với các gia đình Việt, quyền trẻ em đã được hiểu như; không được động tới trẻ dù bất kể lý do gì, trẻ em phải được chiều chuộng chăm bẵm. Với quan niệm, trẻ em là của để dành của cha mẹ, hễ thày cô giáo phạt hay kỉ luật, cha mẹ lập tức lên án dưới mọi hình thức.

 “Nhà trường đã không còn là pháo đài bất khả xâm phạm của các thầy cô giáo nữa, mà thậm chí, nơi đó cũng chẳng bảo vệ Nhà giáo, bảo vệ các giá trị đạo đức”, Chuyên gia giáo dục cho hay.

Khi mọi thứ đã không còn giá trị, người ta xử nhau bằng luật rừng. Thầy giáo “tát” học sinh như kẻ thù, phụ huynh đến trường “tát” giáo viên, và thậm chí cả học sinh “tát” giáo viên. Đạo đức nhà trường đã hoàn toàn bị hủy hoại.

LÂM HOÀNG

Xử lý thế nào với các trường hợp khai man về từ vùng dịch để được xét nghiệm?

Admin