Có những vụ việc trộm đột nhập vào nhà, khi bị phát hiện thì đã sát hại nhiều người như vụ Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương,... Có những tình huống thì trộm nhí vào nhà nhưng chủ nhà đã dùng kiếm chém vào đầu khiến tên trộm nhí liệt nửa người, chủ nhà bị xử lý về tội “Giết người” như vụ việc xảy ra ở Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. Một số tình huống thấy động, nghi ngờ có người trong bóng tối đã dùng dao kiếm, gạch đá ném vào dẫn đến thương tích cho người khác mà người đó chưa chắc đã phải là trộm, có thể là người trong gia đình... Bởi vậy, điều đầu tiên là chúng ta phải cần xác định tiếng động đó, bóng người đó có phải là kẻ gian hay không thì mới có cách xử lý, đối phó cho phù hợp.
Khi phát hiện có người lạ đột nhập vào nhà, chúng ta chưa thể khẳng định ngay đó là trộm mà cần phải kiểm tra xác minh xem người ta có vào nhầm nhà hay không, có phải là khách hay không, cũng có thể tiếng động, bóng đen đó chính là người trong gia đình mình. Cần phải làm rõ đó là ai, có nhiều thông tin thì mới có thể kết luận đó là người ngay hay kẻ gian. Để kết luận được việc đó thì tùy thuộc vào không gian, thời gian, địa điểm và đặc điểm của người lạ. Có những khi ta không nhìn thấy người mà chỉ thấy bóng, thấy tiếng động, những tình huống đó cần hết sức thận trọng kẻo tấn công nhầm phải người ngay.
Một đặc điểm của kẻ gian là rất sợ bị phát hiện, khi bị phát hiện thì phản xạ đầu tiên là bỏ chạy. Nếu không bỏ chạy được thì sẽ chống trả, các đối tượng đột nhập hiện nay thường mang theo hung khí nguy hiểm. Nếu bị bắt giữ thì có thể tấn công trở lại. Nên xử lý tình huống với kẻ gian đột nhập phải hết sức thận trọng, trên nguyên tắc là phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình và người khác, thu thập càng nhiều dấu vết, thông tin của đối tượng để bắt giữ hoặc để cơ quan chức năng truy xét. Việc bắt giữ đối tượng khi tương quan lực lượng không có lợi, khi chủ nhà không đủ sức, không ở lợi thế thì rất có thể sẽ gặp nguy hiểm. Bởi vậy, kỹ năng xử lý tình huống trộm đột nhập là yếu tố sống còn để quyết định việc bắt trộm có an toàn hay không.
Trong trường hợp phát hiện người lạ đột nhập thì đơn giản nhất là chúng ta có thể hô hoán và giữ khoảng cách để xác định xem người đó là ai. Trong trường hợp người lạ là kẻ gian thì sẽ bỏ chạy hoặc có thể tấn công lại chúng ta. Trong hai tình huống này thì chúng ta sẽ có những xử trí khác nhau tùy thuộc vào khả năng và tương quan lực lượng giữa hai bên.Trường hợp nếu chúng ta có thể nấp ở một chỗ an toàn, phát hiện ra người lạ nghĩ là trộm thì có thể hô hoán để kẻ trộm bỏ chạy. Nếu chúng ta có sức khỏe, có lực lượng, có vũ khí có thể bắt giữ được đối tượng thì sẽ tìm cách bắt giữ, nhưng vấn đề an toàn là vấn đề đầu tiên phải đặt ra... Trường hợp trộm đột nhập vào phòng ngủ, trên tay có hung khí, khoảng cách giữa tên trộm và chủ nhà quá gần mà chủ nhà không đủ khả năng để bắt giữ thì có thể chọn giải pháp là “giả chết”. Tình huống này, nếu tên trộm yêu cầu đưa chìa khóa, mở két sắt thì cũng có thể phải chấp nhận tình huống theo yêu cầu của chúng để đảm bảo an toàn tính mạng. Khi có thời cơ thì bỏ chạy hoặc chạy trốn vào một phòng nào đó đóng kín để bảo toàn tính mạng của bản thân và người khác... Còn trường hợp có đủ khả năng chống trả hoặc có đủ thời gian điều kiện để nhốt trên trộm trong một căn phòng nào đó thì chúng ta cần thực hiện, như vậy vừa đảm bảo an toàn bản thân, giữ được tài sản mà lại bắt được tên trộm một cách an toàn.
Một số người không hiểu pháp luật nên sợ khi bắt trộm lại vướng vào pháp luật, không may tên trộm bị thương tích hoặc thiệt mạng thì bản thân lại dính vào vòng lao lý. Tuy nhiên, pháp luật quy định rất rõ ràng các trường hợp được phòng vệ, tự vệ, bắt người phạm tội quả tang. Bộ luật Hình sự quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong đó có trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại khi bắt giữ tội phạm. Chúng ta cần tìm hiểu các quy định của pháp luật để biết giới hạn mà pháp luật cho phép công dân được sử dụng vũ lực để chống trả lại các hành vi vi phạm pháp luật hoặc bắt giữ các đối tượng phạm tội quả tang.
Dưới góc độ pháp lý thì pháp luật cho phép người dân được quyền bắt người phạm tội quả tang. Tuy nhiên phải biết rõ đó là người đang thực hiện hành vi phạm tội, có thể là đang trộm cắp tài sản hoặc trên thân thể có mang dấu vết của tội phạm như có vật chứng, có hung khí, người dính máu,... Khi đó người dân có quyền khống chế, bắt giữ, thậm chí có thể gây thương tích nếu không còn cách nào khác để bắt giữ đối tượng nguy hiểm.
Trong những trường hợp sử dụng vũ lực như thế này một cách cần thiết thì pháp luật cho phép và đây là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:
Điều 22. Phòng vệ chính đáng 1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. 2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này. |
Như vậy, việc phòng vệ có thể được xác định là chính đáng hoặc không chính đáng. Phòng vệ chính đáng được loại trừ trách nhiệm hình sự phải là hành vi chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người khác. Hành vi xâm phạm đó phải đang diễn ra và việc sử dụng vũ lực để chống trả một cách cần thiết phải là ở mức độ tương xứng. Khi đối tượng không còn nguy hiểm nữa hoặc tình huống nguy hiểm không còn thì không được phép sử dụng vũ lực.
Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà gây thương tích hoặc gây thiệt mạng đến tính mạng của đối tượng thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có thể là tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hoặc “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp.
Thời gian qua, một số địa phương xảy ra tình trạng người dân bắt trộm (chủ yếu là trộm chó), sau đó trói lại, đánh đập, đốt xe dẫn đến tên trộm thương tích nghiêm trọng hoặc thiệt hại đến tính mạng, tài sản. Rất nhiều vụ việc người dân bắt trộm từ đúng thành sai. Ngoài việc xử lý đối tượng phạm tội về hành vi trộm cấp tài sản thì cơ quan chức năng đã khởi tố, xử lý đối với người đánh trộm về tội “Giết người”, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng.
Nếu trường hợp họ bắt giữ được đối tượng phạm tội rồi giao nộp ngay cho cơ quan chức năng thì hành vi của họ là hợp pháp và pháp luật ghi nhận. Trường hợp sử dụng vũ lực trong tình huống đối tượng phạm tội quả tang không còn chống trả nữa là pháp luật không cho phép, kể cả việc đập phá tài sản của đối tượng phạm tội cũng là hạnh vi phạm pháp luật. Về nguyên tắc thì người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì bất cứ ai cũng có quyền bắt giữ, pháp luật còn khuyến khích công dân bắt giữ tội phạm quả tang, bắt người đang bị truy nã nhưng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và cho đối tượng phạm tội.
Pháp luật không cho phép công dân sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật. Việc xử lý tội phạm, áp dụng các chế tài hành chính hoặc hình sự là trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan chức năng. Nghiêm cấm hành vi người dân “tự xử”, tự mình kết luận sự việc và gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác dù người đó là người vi phạm pháp luật. Hành vi trộm cắp tài sản, thậm chí cướp tài sản là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng không vì thế mà người dân (nạn nhân) có quyền gây thương tích hoặc sát hại đối tượng gây án một cách trái pháp luật. Nói cách khác, pháp luật không cho phép người dân được tự xử, việc xử lý đối tượng vi phạm pháp luật phải do cơ quan có thẩm quyền và theo trình tự thủ tục luật định. Việc phòng vệ được coi là chính đáng nếu như tình huống đó đối tượng đang gây nguy hiểm cho người khác vào việc chống trả ở mức độ cần thiết.
Thực tế những năm gần đây nhiều trường hợp bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang đã gây thương tích, gây thiệt hại cho đối tượng phạm tội, nhiều người cũng đã bị xử lý trước pháp luật, có những tình huống gây tranh cãi. Do đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong đó có trường hợp gây thiệt hại khi bắt giữ phạm tội.
Với quy định mới của Bộ luật Hình sự hiện nay thì trong quá trình bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang thì người bắt giữ cũng có thể gây ra thương tích, thiệt hại cho đối tượng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên việc gây ra thương tích, gây thiệt hại này phải là tình huống không còn cách nào khác. Cụ thể Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định như sau:
Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội 1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm. 2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự. |
Đây là một trong những tình huống được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Xử lý tình huống khi trộm đột nhập không ai giống ai, không tình huống nào giống tình huống nào. Nhưng nguyên tắc cơ bản là phải đảm bảo an toàn cho bản thân, cho những người khác và được phép tấn công để bắt giữ, triệt tiêu vũ lực của đối tượng. Khi đối tượng không còn nguy hiểm nữa thì không được phép gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của đối tượng đó. Việc bắt giữ phải đảm bảo an toàn, nhanh chóng và giao nộp cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp
Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về khởi kiện vụ án dân sự