/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về khởi kiện vụ án dân sự

Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về khởi kiện vụ án dân sự

09/06/2021 23:58 |

(LSVN) - Quyền khởi kiện vụ án dân sự được thừa nhận tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013  và được cụ thể hóa tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Hiện nay đang tồn tại 02 quan điểm khác nhau về khái niệm khởi kiện vụ án dân sự: (i) “Khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước”; (ii) “Quyền khởi kiện vụ án dân sự là một quyền tố tụng được ghi nhận trong pháp luật, theo đó cá nhân, tổ chức và các chủ thể khác trong phạm vi quyền hạn của mình có quyền tự quyết định việc yêu cầu tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, lợi ích của người khác hay lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp đó bị xâm phạm”.

Ảnh minh họa.

Khái niệm khởi kiện vụ án dân sự

Quyền khởi kiện vụ án dân sự được thừa nhận tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013  và được cụ thể hóa tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 .

Hiện nay đang tồn tại 02 quan điểm khác nhau về khái niệm khởi kiện vụ án dân sự:

(i) “Khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước”;

(ii) “Quyền khởi kiện vụ án dân sự là một quyền tố tụng được ghi nhận trong pháp luật, theo đó cá nhân, tổ chức và các chủ thể khác trong phạm vi quyền hạn của mình có quyền tự quyết định việc yêu cầu tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, lợi ích của người khác hay lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp đó bị xâm phạm”.

Trên cơ sở hai khái niệm trên, cho thấy việc khởi kiện vụ án dân sự có các đặc điểm chung như sau:

Thứ nhất, có hai chủ thể có thể có quyền nộp đơn khởi kiện: (i) Chủ thể khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình; (ii) Chủ thể khởi kiện để bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước.

Thứ hai, nội dung vụ việc khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân. Thẩm quyền của tòa án nhân dân gồm thẩm quyền theo loại việc, thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền theo cấp hành chính (cấp huyện hoặc cấp tỉnh). Trong đó cần lưu ý chính về thầm quyền của tòa án theo loại việc, theo quy định của BLTTDS 2015 có bốn mảng chính là dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động. Một trong các quy định tiến bộ nữa của pháp luật tố tụng dân sự là tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người khởi kiện khi yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Nhóm tác giả cho rằng hai khái niệm này chưa đủ chi tiết và đưa ra khái niệm về khởi kiện vụ án dân sự như sau: Khởi kiện vụ án dân sự là việc các chủ thể có quyền khởi kiện nộp đơn khởi kiện, các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình đến tòa án nhân dân và sau khi xem xét thấy đủ điều kiện giải quyết thì tòa án nhân dân ra thông báo thụ lý vụ việc. Với khái niệm này thì ngoài hai đặc điểm nêu trên thì khởi kiện vụ án dân sự còn có thêm một đặc điểm thứ ba về các điều kiện để tòa án nhân dân thụ lý giải quyết vụ việc. Có thể kể đến một số điều kiện chung như điều kiện về chủ thể, hình thức và nôi dung đơn khởi kiện, điều kiện về tài liệu chứng cứ, hay là sự việc chưa được tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật…

Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự tại TAND

Điều 169 BLTTDS 2015 quy định về điều kiện khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án nhân dân như sau:

Điều kiện về chủ thể khởi kiện

Trong quan hệ pháp luật dân sự thì các chủ thể có quyền tự định đoạt, quyết định các vấn đề của mình theo pháp luật cho phép, do đó điều kiện của chủ thể khởi kiện là chủ thể đó phải có quyền khởi kiện và có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Chủ thể khởi kiện phải là cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp trừ một số trường hợp ngoại lệ do pháp luật quy định. Quyền lợi bị xâm phạm sẽ được phân định bởi hội đồng xét xử, còn việc khởi kiện là quyền của các chủ thể, nhưng không phải các chủ thể nào cũng nhận định được đủ và chính xác các quyền lợi của mình bị xâm phạm mà chỉ khi ra tòa xét xử, các bên cung cấp tài liệu chứng cứ thì mới có thể làm rõ được các vấn đề.

Ngoài điều kiện về quyền khởi kiện thì người khởi kiện còn phải có năng lực hành vi dân sự, tố tụng dân sự. Khoản 2 Điều 69 BLTTDS 2015 quy định năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự. Như vậy, nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải là con người cụ thể và đủ 18 tuổi trở lên thì có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ. Đối với các trường hợp chưa đủ tuổi, không có năng lực hành vi tố tụng dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi tố tụng dân sự thì sẽ do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Đối với trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Đối với pháp nhân thì người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng.

Điều kiện khởi kiện trong trường hợp pháp luật có quy định

Điều kiện khởi kiện trong trường hợp pháp luật có quy định là vụ việc tranh chấp được pháp luật quy định phải thực hiện một số thủ tục như hòa giải trước nộp đơn khởi kiện ra tòa án. Ví dụ, đối với tranh chấp ai có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại UBND xã phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì được coi là chưa đủ điều kiện khởi kiện . Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện bắt buộc để khởi kiện vụ án. Trong giải quyết tranh chấp về lao động thì tranh chấp lao động tập thể giữa người lao động với người sử dụng lao động thì phải được chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà chủ tịch UBND cấp huyện không giải quyết thì các chủ thể mới được quyền khởi kiện vụ án tranh chấp tập thể lao động ra tòa án nhân dân.

Vụ tranh chấp chưa được tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật

Khi giải quyết quyết các vụ việc, tòa án phải xem xét nội dung vụ việc đã được giải quyết bởi tòa án hoặc cơ quan nhà nước nào khác chưa, nếu các vụ việc đã được giải quyết thì tòa án sẽ từ chối giải quyết. Trong thực tế xét xử, tại Án lệ số 38/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là ví dụ cụ thể về việc không thụ lý yêu cầu đòi tài sản đã được phân chia bằng bản án. Trong trường hợp này, tòa án đã không thụ lý vụ án mới. Người có yêu cầu khởi kiện đối với nội dung vụ việc đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ như trường hợp vụ án mà tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật thì các chủ thể được quyền khởi kiện lại.

Nội dung khởi kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án

Điều này có thể hiểu đơn giản là nội dung vụ việc tranh chấp thuộc thẩm quyền của cơ quan khác. Ví dụ như các khiếu nại hành chính, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhà nước khác, hoặc các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại mà giữa các bên có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực pháp luật thì theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại, việc giải quyết tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại mà không phải tòa án. Do đó, khi các chủ thể khởi kiện cần xác định rõ vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án không để tránh trường hợp tòa trả lại đơn khởi kiện, vừa mất thời gian, công sức của các bên mà việc giải quyết tranh chấp lại kéo dài thêm nữa.

Một số lưu ý khi tiến hành khởi kiện vụ án dân sự tại TAND

Dựa trên các quy định của pháp luật về điều kiện khởi kiện vụ án dân sự, cùng với thực tiễn hành nghề của nhóm tác giả, có một số lưu ý cho các chủ thể khi tiến hành khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án nhân dân như sau:

Thứ nhất, hình thức và nội dung đơn khởi kiện

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì người khởi kiện bắt buộc phải làm đơn khởi kiện bằng văn bản gửi đến tòa án. BLTTDS 2015 đã quy định cụ thể cách thức làm đơn khởi kiện, nội dung đơn khởi kiện, phương thức gửi tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền yêu cầu khởi kiện vụ án dân sự của mình. Nội dung này đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành hướng dẫn một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự.

Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của người đó phải ký tên điểm chỉ; trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện. Nếu là cơ quan, tổ chức khởi kiện, thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 BLTTDS.

Người khởi kiện phải nộp kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm để tòa án có căn cứ xem xét, thụ lý vụ án. Các tài liệu, chứng cứ được liệt kê trong danh sách kèm trong đơn khởi kiện. Thông thường gồm ba nhóm tài liệu: nhóm thứ nhất chứng minh tư cách chủ thể khởi kiện như căn cước công dân, sổ hộ khẩu, đối với tổ chức thì có thể là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; nhóm thứ hai là các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phậm, tùy thuộc vào từng quan hệ tranh chấp mà có những tài liệu khác nhau, ví dụ như tranh chấp về hợp đồng vay tài sản thì phải có hợp đồng, tranh chấp về mua bán đất đai thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp về quan hệ hôn nhân gia đình thì phải có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn…; nhóm thứ ba là các tài liệu chứng minh nhân thân, nơi cư trú, làm việc của ngưởi bị kiện như căn cước công dân, địa chỉ công ty, giấy xác nhận nơi cư trú…

Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Đây là quy định rất tiến bộ, góp phần bảo đảm quyền lợi cho các chủ thể, theo như quy định này cho thấy người khởi kiện chỉ cần nộp tài liệu, chứng cứ đủ để tòa án thụ lý vụ án, chứ không phải chứng cứ, tài liệu để tòa án giải quyết vụ việc. Trong thực tế đã giảm tải rất nhiều khó khăn cho người khởi kiện khi được tòa án thụ lý giải quyết vụ án và tránh được việc trả lại đơn khởi kiện một cách tùy tiện của tòa án.

Lưu ý là các tài liệu để được tòa án xem xét thì phải là tài liệu bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Văn bản, tài liệu tiếng nước ngoài đều phải được dịch sang tiếng Việt Nam do cơ quan, tổ chức có chức năng dịch thuật, kèm theo bản gốc.

Thứ hai, gửi đơn khởi kiện đến TAND

Hiện nay có ba phương thức gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân là nộp trực tiếp tại tòa án, gửi qua đường dịch vụ bưu chính và gửi trực tuyến bằng hình thức thư điện tử qua cổng thông tin điện tử . Theo đó, người khởi kiện có thể đến trực tiếp bộ phận tiếp nhận đơn khởi kiện của tòa án nhân dân để nộp đơn khởi kiện. Tuy nhiên, một số tòa án có quy định nội bộ về việc ngày trong tuần nhận đơn nên phương thức gửi đơn thì thường mất thời gian đi lại của người khởi kiện, trong trường hợp không phải ngày tòa án nhận đơn thì lại mất công đi lại lần nữa. Ưu điểm của phương án này là bộ phận nhận đơn sẽ cấp giấy xác nhận đơn cho người khởi kiện, người khởi kiện có căn cứ, cơ sở pháp lý để đôn đốc tòa án xem xét, giải quyết đơn khởi kiện.

Hiện nay phương thức gửi đơn khởi kiện qua đường bưu chính được sử dụng nhiều hơn cả, đặc biệt là do các công ty luật, văn phòng luật sư nhận được đơn mời luật sư của khách hàng, thì sẽ soạn thảo đơn khởi kiện để khách hàng ký tên và giúp khách hàng gửi qua đường bưu điện. Phương thức này có ưu điểm là tiện lợi, tiết kiệm thời gian đi lại, tuy nhiên có nhược điểm là mặc dù quy định trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện nhưng cũng ít tòa thực hiện đúng điều này. Chủ yếu sau khi gửi đơn qua đường bưu điện, người khởi kiện vẫn phải gọi điện thoại hoặc đến trực tiếp tòa án để hỏi về giải quyết đơn khởi kiện.

Phương án thứ ba là gửi bằng hình thức điện tử khá hiện đại. Việc gửi nhận qua cổng thông tin điện tử giúp xác định chính xác thời gian nhận đơn, xử lý đơn, tránh hiện tượng “ngâm đơn” của tòa án. Tuy nhiên phương thức này đòi hỏi hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật nên chưa triển khai rộng khắp cả nước, nhưng trong tương lai sẽ là phương thức tiện lợi và bảo đảm quyền lợi cho người khởi kiện nhất.

Đây là phương thức khá mới, người gửi đơn khởi kiện bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của tòa án cần truy cập vào địa chỉ https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/vb-huong-dan?dDocName=TAND055163 để được hướng dẫn cụ thể.

Kiến nghị

Quyền khởi kiện vụ án dân sự là phương tiện pháp lý hiệu quả nhất để các cá nhân, tổ chức đề nghị tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Việc quy định quyền khởi kiện trong văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 2013 cũng như được cụ thể hóa tại BLTTDS 2015, các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, các thông tư và các văn bản hướng dẫn, giải đáp của ngành tòa án đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các chủ thể khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Việc quy định quyền khởi kiện cũng mang nhiều ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, góp phần xây dựng một nền tư pháp dân chủ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng cho thấy một số quy định còn bất cập, hạn chế, cần có những quy định bổ sung, các hướng dẫn cụ thể hơn để các chủ thể có thể thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án của mình tốt hơn. Qua nghiên cứu quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện tư vấn pháp luật cho khách hàng về việc khởi kiện vụ án dân sự, tác giả có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, BLTTDS 2015 đã quy định chi tiết về quyền khởi kiện, điều kiện khởi kiện, hình thức nội dung đơn khởi và phương thức khởi kiện, thời gian xem xét đơn khởi kiện, thời hạn thụ lý vụ án, nhưng thực tế tại một số tòa án việc xử lý đơn khởi kiện còn chậm, vi phạm về thời hạn xử lý đơn khởi kiện. Việc không bảo đảm thời hạn xem xét, thụ lý đơn khởi kiện của người khởi kiện ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi hợp pháp của họ, nhiều trường hợp phải đi lại nhiều lần mất công, mất sức, mất thời gian. Do đó để bảo đảm việc tuân thủ về thời hạn xem xét, thụ lý vụ án thì cần có những quy định chế tài để xử phạt nặng hơn cho những trường hợp vi phạm, đồng thời viện kiểm sát trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cần chủ động, tăng cường công tác kiểm sát, kịp thời kiến nghị các trường hợp vi phạm đến người có thẩm quyền giải quyết.

Thứ hai, về quy định ký đơn khởi kiện, hiện tại BLTTDS 2015 quy định người khởi kiện phải trực tiếp ký tên vào đơn khởi kiện, tuy nhiên đã hạn chế quyền của người khởi kiện, khi người khởi kiện đã thể hiện ý chí khởi kiện và thiết lập quan hệ ủy quyền với cá nhân, tổ chức khác. Các tổ chức hành nghề luật sư là các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện các dịch vụ pháp lý, bao gồm tham gia tố tụng và hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Do đó, đề nghị bổ sung thêm quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền ký đơn khởi kiện thay cho người khởi kiện.

Thứ ba, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin tài liệu. Thực tế khi khởi kiện vụ án dân sự, một số tòa án thường yêu cầu cung cấp thông tin như chứng minh nhân dân bản sao của người khởi kiện, giấy tờ pháp lý của pháp nhân bị kiện… mà những thông tin này thuộc về nhân thân của người bị kiện, khi tranh chấp xảy ra thì rất ít trường hợp họ cung cấp thông tin cho người khởi kiện. Mặc dù Điều 106 BLTTDS 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự trong thời hạn 15 ngày... Theo quy định này thì “đương sự” mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin, trong khi đương sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì những người này sau khi có thông báo thụ lý vụ án của tòa án thì mới có văn bản để xác định tư cách đương sự. Trên thực tế, khi luật sư đại diện cho các đương sự gửi văn bản kiến nghị cung cấp thông tin thường bị các cơ quan, tổ chức làm “ngơ”, gây khó khăn cho việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án để giải quyết vụ việc. Do đó, đề nghị TAND tối cao nên có nghị quyết cụ thể, hướng dẫn về việc giao, nộp “tài liệu chứng cứ hiện có” của người khởi kiện để tòa án xem xét, thụ lý vụ án và các tài liệu, chứng cứ khác sau khi thụ lý đương sự có thể đề nghị tòa án thu thập từ các cơ quan, tổ chức đang nắm giữ.

Thạc sĩ TRẦN SƠN HẢI

Công ty luật TNHH Thiên Mã

Thạc sĩ NGUYỄN MAI LINH

Trường Đại học Luật Hà Nội

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19

Lê Minh Hoàng