1. Khái quát về DOA
Phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài dựa trên tài liệu trình nộp (Documents-Only Arbitration/ DOA) là phương thức giải quyết tranh chấp mà ở đó hội đồng trọng tài chỉ sử dụng các tài liệu và bằng chứng được các bên tranh chấp cung cấp dưới dạng văn bản để giải quyết tranh chấp[1]. Nói cách khác, hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết vụ tranh chấp chỉ dựa tài liệu trình nộp chứ không tổ chức phiên xử có sự tham gia trực tiếp của các bên[2].
DOA xuất phát từ một trong các trụ cột của trọng tài thương mại, đó là quyền tự quyết của các bên (Party Autonomy). Theo đó, DOA chỉ được áp dụng khi có sự đồng ý của các bên và trong trường hợp: (1) Quy tắc trọng tài trong thỏa thuận trọng tài cho phép Hội đồng trọng tài ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp bằng DOA mà không cần tổ chức phiên xét xử, và không bên nào yêu cầu hội đồng trọng tài tổ chức phiên xử trực tiếp; (2) các bên có thỏa thuận trước về việc áp dụng DOA khi xác lập thỏa thuận trọng tài; hoặc (3) sau khi xảy ra tranh chấp, các bên đồng ý áp dụng DOA[3].

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
DOA có thể được áp dụng với các tranh chấp không quá phức tạp, có giá trị tranh chấp không lớn, trong những trường hợp không cần đến các tuyên bố chứng cứ chi tiết và việc thẩm vấn nhân chứng[4]. Những tranh chấp này bao gồm tranh chấp về hàng hóa, tên miền và sở hữu trí tuệ, tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng... Còn đối với những vụ việc phức tạp, yêu cầu hội đồng trọng tài phải giải quyết nhiều vấn đề thì các vấn đề riêng biệt cũng có thể được tách ra để xử lý bằng DOA nếu có sự đồng thuận của các bên[5].
Như vậy, để xác định một tranh chấp có phù hợp để áp dụng DOA hay không, ngoài việc các bên cần phải cung cấp đầy đủ tài liệu và chứng cứ, cần phải xem xét các yếu tố khác bao gồm:[6]
(i) Tính chất của tranh chấp;
(ii) Mức độ phức tạp của tranh chấp;
(iii) Số tiền tranh chấp;
(iv) Tính chất của các chứng cứ và lập luận sẽ được trình bày;
(v) Thời gian và chi phí dự kiến để giải quyết tranh chấp;
(vi) Xác định xem liệu DOA có phải là phương án hiệu quả và hợp lý để giải quyết toàn bộ hoặc một phần các vấn đề tranh chấp hay không.
Đây là một phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tiết kiệm thời gian và chi phí vì quá trình tố tụng không có phiên điều trần trực tiếp giúp giảm thiểu các chi phí như chi phí đi lại, chi phí nhân chứng,... Tuy nhiên, để xác định xem một vụ tranh chấp có thể được giải quyết bằng DOA hay không, thì điều kiện tiên quyết đầu tiên mà hội đồng trọng tài cần xem xét là các bên tranh chấp có thoả thuận về việc việc giải quyết tranh chấp bằng DOA hay không trước khi xem xét tới các yếu tố khác như đã được đề cập ở phần trên[7].
2. Thông lệ quốc tế
2.1. Luật Mẫu UNCITRAL Về Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế (Luật Mẫu UNCITRAL)
Điều 24 khoản 1 của Luật Mẫu UNCITRAL quy định: “Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, hội đồng trọng tài sẽ quyết định liệu có tổ chức các phiên xét xử để trình bày chứng cứ hoặc tranh luận trực tiếp hay không, hoặc liệu các thủ tục có được tiến hành chỉ dựa trên tài liệu hay không. Tuy nhiên, khi các bên đã thỏa thuận không tổ chức phiên xét xử trực tiếp, hội đồng trọng tài vẫn sẽ tổ chức phiên xét xử nếu trong quá trình tố tụng có một bên yêu cầu”[8].
Với quy định mở nêu trên, hội đồng trọng tài có thể quyết định về việc giải quyết tranh chấp bằng DOA, ngoại trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Tuy nhiên, ngay cả khi các bên đã có thoả thuận trước đó về việc không tiến hành phiên xử trực tiếp, nhưng trong quá trình giải quyết tranh chấp, một bên có yêu cầu hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trực tiếp, thì hội đồng trọng tài cần tôn trọng ý kiến của bên có yêu cầu đó, và tiến hành phiên xử trực tiếp.
2.2. Quy tắc Trọng tài UNCITRAL
Quy tắc Trọng tài UNCITRAL được xây dựng để áp dụng cho các trọng tài vụ việc, tạo ra một khung pháp lý linh hoạt cho các bên trong việc tổ chức và tiến hành tố tụng trọng tài mà không cần đến một cơ quan trọng tài thường trực. Tương tự như Luật Mẫu UNCITRAL, Quy tắc Trọng tài UNCITRAL cũng có quy định minh thị về DOA.
Cụ thể, Điều 17(3) của Quy tắc Trọng tài UNCITRAL quy định rằng: “Nếu một bên có yêu cầu tại một thời điểm thích hợp trong quá trình tố tụng trọng tài, hội đồng trọng tài phải tổ chức phiên xử trực tiếp để nhân chứng, bao gồm cả nhân chứng chuyên gia, trình nộp chứng cứ hoặc tranh luận trực tiếp. Trong trường hợp không có yêu cầu của một trong các bên, hội đồng trọng tài phải xem xét, quyết định việc tổ chức phiên xử trực tiếp hay không, hay chỉ giải quyết tranh chấp dựa trên tài liệu trình nộp”.
Điều 17(3) nêu trên của Quy tắc Trọng tài UNCITRAL tiếp tục khẳng định quyền tự quyết của các bên trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp. Trong thủ tục trọng tài rút gọn, trường hợp các bên không có yêu cầu, hội đồng trọng tài có thể quyết định là không tổ chức phiên xét xử trực tiếp[9]. Phiên xét xử trực tiếp là cần thiết khi hội đồng trọng tài cần thẩm định nhân chứng và tham vấn ý kiến chuyên gia trong quá trình xét xử. Bên cạnh đó, trong phiên xử trực tiếp, việc trao đổi trực tiếp giữa các bên và hội đồng trọng tài có thể giúp hội đồng trọng tài hiểu rõ hơn về vụ việc, qua đó thực hiện quy trình tố tụng nhanh chóng và hiệu quả hơn.
2.3. Viện Trọng tài Quốc tế (CIArb)
Viện Trọng tài Quốc tế (CIArb) cũng ban hành Tài liệu hướng dẫn về DOA. Theo đó, Tài liệu hướng dẫn này nêu ra thông lệ tốt nhất về DOA trong trọng tài thương mại quốc tế, hướng dẫn về các yếu tố mà trọng tài viên cần xem xét và quyết định xem tố tụng trọng tài hoặc một số vấn đề nhất định trong tố tụng trọng tài có phù hợp để áp dụng DOA hay không; và cách thức thực hiện DOA.
Điều 1 của Tài liệu hướng dẫn này quy định nếu thỏa thuận trọng tài có điều khoản áp dụng DOA thì các bên cần tuân thủ[10]. Trong trường hợp không có điều khoản quy định cụ thể về DOA, nhưng các bên liên quan đều đồng thuận về việc áp dụng DOA, thì hội đồng trọng tài cần áp dụng DOA theo thỏa thuận của các bên, trên cơ sở tuân thủ các quy tắc tố tụng trọng tài áp dụng và/ hoặc tuân thủ luật của địa điểm trọng tài (lex arbitri)[11].
Trong quá trình áp dụng DOA, hội đồng trọng tài cần có chỉ dẫn cụ thể về từng giai đoạn cho các bên, để đảm bảo rằng các bên đều có cơ hội trình bày quan điểm, lập luận của mình. Đồng thời, hội đồng trọng tài cần đưa ra một khoảng thời gian hợp lý để các bên thu thập tài liệu, chứng cứ. Sau khi nhận tài liệu và chứng cứ từ các bên, hội đồng trọng tài phải đánh giá tính đầy đủ và yêu cầu các bên bổ sung nếu cần thiết. Khi đã có đủ tài liệu hoặc hết thời hạn nộp, hội đồng trọng tài cần thông báo kết thúc phiên xét xử cũng như thời điểm công bố phán quyết cho các bên[12].
2.4. Quy định pháp luật về DOA của một số quốc gia trên thế giới
2.4.1. Tại Singapore
Đạo Luật Trọng tài 2001 sửa đổi, bổ sung 2022 của Singapore (“Đạo Luật Trọng tài Trong nước”) áp dụng cho các vụ tranh chấp trọng tài rơi vào một trong hai điều kiện sau: (i) địa điểm trọng tài tại Singapore và (ii) Phần 2 của Đạo Luật Trọng tài Quốc tế 1994 của Singapore (“Đạo Luật Trọng tài Quốc tế”) không được áp dụng[13].
Khoản 1 Điều 25 của Đạo Luật Trọng tài Trong nước quy định: “Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, hội đồng trọng tài phải xác định thủ tục tố tụng sẽ được tiến hành trực tiếp để các bên trình bày bằng chứng hoặc lập luận hay chỉ xét xử dựa trên tài liệu và các tư liệu trình nộp khác”.[14] Với quy định này, có thể thấy là hội đồng trọng tài có quyền quyết định phương thức giải quyết tranh chấp, có thể tổ chức phiên xét xử trực tiếp hoặc tiến hành xét xử chỉ dựa trên tài liệu và các bằng chứng khác, trừ trường hợp các bên có thoả thuận minh thị về cách thức tiến hành tố tụng.
Là một đạo luật quy định về các quy trình tố tụng trọng tài thương mại quốc tế, trên cơ sở vận dụng Luật Mẫu UNCITRAL và Công ước New York về Công nhận và Thi hành Phán quyết Trọng tài Nước ngoài, nên Đạo Luật Trọng tài Quốc tế cũng có điều khoản minh thị về việc áp dụng DOA. Cụ thể, Khoản 1, Điều 24, Phụ đính 1 của Đạo Luật Trọng tài Quốc tế (cũng đồng thời là Luật Mẫu UNCITRAL) quy định: “Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, hội đồng trọng tài sẽ quyết định liệu có tổ chức các phiên xét xử để trình bày chứng cứ hoặc tranh luận trực tiếp hay không, hoặc liệu các thủ tục có được tiến hành chỉ dựa trên tài liệu hay không. Tuy nhiên, khi các bên đã thỏa thuận không tổ chức phiên xét xử trực tiếp, hội đồng trọng tài vẫn sẽ tổ chức phiên xét xử nếu trong quá trình tố tụng có một bên yêu cầu”.
Như vậy, có thể thấy cả Đạo Luật Trọng tài Trong nước và Đạo Luật Trọng tài Quốc tế của Singapore đều có quy định rõ ràng về DOA. Điều này không chỉ bảo đảm quyền tự quyết của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp, mà còn giúp quá trình trọng tài diễn ra hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Sự linh hoạt trong việc lựa chọn phương thức giải quyết giúp các bên đạt được kết quả tối ưu, phù hợp với điều kiện và nhu cầu riêng.
2.4.2. Tại Pháp
DOA không được quy định minh thị trong hệ thống pháp luật trọng tài của Pháp. Tuy nhiên, pháp luật trọng tài của Pháp vẫn có những quy định ngầm định cho việc áp dụng DOA, thông qua nguyên tắc “quyền tự quyết” của các bên và tính linh hoạt trong tố tụng trọng tài.
Cụ thể, Điều 1496 Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp có quy định rằng: “Trọng tài giải quyết tranh chấp theo các quy định của pháp luật mà các bên đã lựa chọn; trọng tài sẽ áp dụng các quy định phù hợp nếu trong trường hợp các bên không có sự lựa chọn” [15].
Bên cạnh đó, theo Điều 1509 Bộ luật Tố tụng dân sự của Pháp: “Trong trường hợp thoả thuận trọng tài không ghi nhận sự thoả thuận của các bên về trình tự tố tụng trọng tài, thì hội đồng trọng tài phải quy định về trình tự tố tụng một cách trực tiếp hoặc thông qua việc tham chiếu tới các quy định về tố tụng hoặc quy tắc tố tụng trọng tài”.
Với các quy định trên, có thể thấy nguyên tắc về quyền tự quyết của các bên trong việc lựa chọn cách thức tiến hành phiên xử, đó có thể là phiên xử trực tiếp nhưng cũng có thể là xét xử chỉ dựa trên tài liệu, miễn là tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về tố tụng một cách công bằng và chính xác. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về hình thức hoặc cách thức tiến hành phiên xử, hội đồng trọng tài sẽ có thẩm quyền xem xét và áp dụng hình thức xét xử phù hợp, bao gồm cả DOA.
2.4.3. Tại Anh Quốc
Tại Anh Quốc, DOA được quy định trong Đạo luật Trọng tài 1996 (Arbitration Act 1996), thông qua các điều khoản quan trọng nhằm trao quyền chủ động cho hội đồng trọng tài trong việc quyết định quy trình tố tụng, bao gồm việc có tổ chức phiên xử trực tiếp hay chỉ xét xử dựa trên tài liệu.
Điều 34(1)(a) của Đạo luật Trọng tài 1996 quy định hội đồng trọng tài sẽ quyết định tất cả các vấn đề về thủ tục và bằng chứng, tuỳ thuộc vào sự thoả thuận của các bên. Những vấn đề về thủ tục tố tụng cũng như chứng cứ mà hội đồng trọng tài quyết định bao gồm thời gian và địa điểm tổ chức bất cứ quy trình tố tụng nào[16]. Bên cạnh đó, hội đồng trọng tài còn có thẩm quyền xác định liệu có cần tổ chức phiên xử trực tiếp để các bên cung cấp bằng chứng hoặc trình bày lập luận trực tiếp hay không[17]. Những quy định nêu trên là cơ sở pháp lý để hội đồng trọng tài xem xét và quyết định có vận dụng DOA cho các vụ tranh chấp mà mình đang thụ lý giải quyết hay không.
Điều 33(1)(b) của Đạo luật Trọng tài 1996 cũng quy định hội đồng trọng tài phải áp dụng các thủ tục tố tụng phù hợp với hoàn cảnh của vụ việc cụ thể, tránh gây ra sự trì hoãn hoặc phát sinh chi phí không cần thiết[18]. Quy định này một lần nữa trao quyền cho hội đồng trọng tài trong việc quyết định về trình tự, thủ tục tố tụng phù hợp như quyết định áp dụng DOA cho những tranh chấp có giá trị nhỏ, tính chất tranh chấp không phức tạp… nhằm giảm thiểu các chi phí phát sinh không cần thiết và đẩy nhanh được quá trình giải quyết tranh chấp.
2.4.4. Tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, DOA được quy định tại Điều 39 của Luật Trọng tài. Theo đó, nếu các bên đồng ý giải quyết tranh chấp mà không cần phiên xử trực tiếp, hội đồng trọng tài có thể đưa ra phán quyết dựa trên đơn yêu cầu trọng tài, bản bào chữa và các tài liệu liên quan khác[19]. Luật Trọng tài của Trung Quốc chỉ đề cập nguyên tắc chung về khả năng áp dụng DOA khi các bên đồng ý, nhưng không quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cụ thể đối với DOA, cũng không đưa ra tiêu chí cụ thể để xác định vụ việc nào có thể áp dụng DOA.
2.5. Quy tắc Tố tụng Trọng tài của một số Trung tâm trọng tài trên thế giới
2.5.1. Quy tắc Tố tụng Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) (Pháp)
Khoản 6 Điều 25 Quy tắc Tố tụng Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) quy định rằng hội đồng trọng tài có thể giải quyết vụ việc chỉ dựa trên các tài liệu do các bên đệ trình trừ khi một bên yêu cầu tổ chức phiên xử trực tiếp[20]. Có thể thấy điều khoản này tạo cơ sở pháp lý để hội đồng trọng tài đưa ra phán quyết chỉ dựa trên các tài liệu mà các bên đã nộp. Tuy nhiên, quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài không phải là tuyệt đối và có thể bị hạn chế khi có yêu cầu cụ thể của một bên.
2.5.2. Quy tắc Tố tụng Trọng tài của Toà Trọng tài Quốc tế Luân Đôn (LCIA) (Anh Quốc)
Khoản 1 Điều 19 Quy tắc Tố tụng Trọng tài của Tòa Trọng tài Quốc tế Luân Đôn (LCIA) có quy định về DOA. Theo đó, hội đồng trọng tài có thể tự quyết định tổ chức phiên xử trực tiếp ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng, trừ khi các bên đã thỏa thuận bằng văn bản rằng tố tụng trọng tài sẽ được thực hiện thông qua DOA[21].
2.5.3. Quy tắc Tố tụng Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) (Phiên bản số 7, ngày 01/01/2025)
Quy tắc Tố tụng Trọng tài của SIAC có quy định minh thị về DOA. Cụ thể, khoản 1 Điều 39 quy định: “Trừ khi các bên có thoả thuận về việc giải quyết tranh chấp dựa trên các tài liệu trình nộp và các bằng chứng dưới dạng văn bản đi kèm hoặc trừ khi Quy tắc tố tụng trọng tài này có quy định khác đi, nếu một bên có yêu cầu hoặc hội đồng trọng tài có quyết định, thì hội đồng trọng tài sẽ tổ chức phiên họp giải quyết vụ tranh chấp để các nhân chứng trình nộp chứng cứ, bao gồm nhân chứng chuyên gia, và/hoặc trình bày bằng lời nói về nội dung vụ tranh chấp”[22]. Như vậy, nếu tất cả các bên đều đồng ý rằng tranh chấp sẽ được giải quyết chỉ dựa trên các tài liệu và bằng chứng bằng văn bản, thì hội đồng trọng tài sẽ tiến hành theo DOA mà không cần tổ chức phiên họp trực tiếp.
2.4.4. Quy tắc Tố tụng Trọng tài Rút gọn 60 ngày (EIA60) của Trung tâm Trọng tài Quốc tế New Zealand (NZIAC)
Quy tắc Tố tụng Trọng tài Rút gọn 60 ngày (EIA60) của Trung tâm Trọng tài Quốc tế New Zealand (NZIAC) không phải là quy tắc tố tụng trọng tài chung của NZIAC, mà nó là một bộ quy tắc riêng biệt và đặc biệt được thiết kế cho các tranh chấp có giá trị nhỏ, nhấn mạnh vào tốc độ giải quyết tranh chấp và chi phí thấp. NZIAC có thể có các quy tắc tố tụng tiêu chuẩn khác áp dụng cho các tranh chấp lớn hơn hoặc khi các bên không chọn EIA60, ví dụ như EIA90 đối với các vụ có giá trị tranh chấp từ 250.000 đô NZ tới dưới 1.000.000 đô NZ[23]; hoặc EIA120 đối với các vụ có giá trị tranh chấp là từ 1.000.000 đô NZ tới dưới 2,5 triệu đô NZ[24], còn với vụ việc có giá trị tranh chấp trên 2,5 triệu đô NZ thì Quy tắc Tố tụng Trọng tài Tiêu chuẩn của NZIAC sẽ được áp dụng[25].
Theo đó, đối với các vụ việc có giá trị tranh chấp thấp hơn 250.000 đô NZ, hoặc khi các bên thoả thuận rõ ràng về việc áp dụng EIA60… thì Quy tắc Tố tụng Trọng tài Rút gọn 60 ngày (EIA60) của NZIAC sẽ được áp dụng[26]. Trong trường hợp này, hội đồng trọng tài sẽ không tiến hành các phiên xét xử trực tiếp trừ khi có sự thỏa thuận của các bên[27].
2.5.5. Quy tắc Tố tụng Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông (HKIAC) (Trung Quốc)
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kong đã giới thiệu 2 thủ tục tố tụng mới là “Thủ tục tố tụng đối với các tranh chấp có giá trị nhỏ” áp dụng cho các tranh chấp có giá trị tranh chấp không cao hơn 50.000 USD, và “Thủ tục tố tụng cho việc giải quyết tranh chấp chỉ dựa trên tài liệu” áp dụng trong trường hợp không cần tổ chức phiên xử trực tiếp để giải quyết tranh chấp.
Theo đó, thủ tục tố tụng cho việc giải quyết tranh chấp chỉ dựa trên tài liệu được áp dụng khi các bên có thoả thuận hoặc khi hội đồng trọng tài quyết định không cần thiết phải tổ chức phiên xử trực tiếp. Thủ tục tố tụng này được khuyến khích áp dụng để đảm bảo việc giải quyết vụ tranh chấp được thực hiện nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Trình tự tố tụng theo thủ tục này được thực hiện như sau[28]:
(1) Nguyên đơn nộp Đơn yêu cầu trọng tài và các chứng cứ liên quan trong vòng 28 ngày;
(2) Bị đơn nộp Bản tự bảo vệ và Đơn kiện lại trong vòng 28 ngày tiếp theo;
(3) Nguyên đơn có phản hồi đối với Bản tự bảo vệ và Đơn kiện lại của Bị đơn trong 28 ngày tiếp theo;
(4) Bị đơn trình nộp các tài liệu cuối cùng trong 21 ngày tiếp theo;
(5) Ban hành phán quyết trọng tài.
3. Thực tiễn áp dụng DOA tại Việt Nam và định hướng hoàn thiện pháp lý
3.1. Quy định pháp lý hiện hành về DOA tại Việt Nam
3.1.1. Luật Trọng tài Thương mại 2010
Điều 56.3 Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định: “Theo yêu cầu của các bên, hội đồng trọng tài có thể căn cứ vào hồ sơ để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần có sự có mặt của các bên”. Như vậy, có thể thấy là Luật Trọng tài Thương mại 2010 đã có quy định về DOA. Theo đó, chỉ cần các bên có yêu cầu, hội đồng trọng tài có thể áp dụng DOA, mà không cần có sự có mặt của các bên.
3.1.2. Quy tắc Tố tụng Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Quy tắc Tố tụng Trọng tài của VIAC có quy định rõ ràng về DOA. Cụ thể, Điều 37 Quy tắc Tố tụng Trọng tài của VIAC quy định như:
“1. Thủ tục rút gọn được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận áp dụng Thủ tục rút gọn.
2. Khi tiến hành Thủ tục rút gọn, các quy định sau được áp dụng:
a) Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất, trừ khi các bên có thỏa thuận
khác;
b) Trung tâm hoặc Hội đồng Trọng tài có thể rút ngắn bất kỳ thời hạn nào được quy định trong Quy tắc này;
c) Hội đồng Trọng tài căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên, trừ khi có sự phản đối của một bên. Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp bằng hình thức teleconference, video-conference hoặc các hình thức thích hợp khác, trừ khi có sự phản đối của một bên” [29].
Theo đó, trừ khi có sự phản đối của một bên, hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp căn cứ theo tài liệu và chứng cứ trình nộp mà không cần sự có mặt của các bên. Cùng với các quy định khác về thành phần hội đồng trọng tài (chỉ có một trọng tài viên duy nhất), thì việc giải quyết tranh chấp chỉ dựa trên tài liệu trình nộp theo Thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 37 của Quy tắc này sẽ góp phần rút ngắn quá trình giải quyết tranh chấp, tiết kiệm chi phí cho các bên.
4. Đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Phân tích quy định của các quốc gia trên thế giới về DOA ở phần trên cho thấy 2 hướng tiếp cận khác nhau. Theo đó, hệ thống pháp luật của hầu hết các quốc gia được nghiên cứu như Singapore, Anh Quốc và Trung Quốc đều có quy định rõ ràng về DOA. Trái lại, hệ thống pháp luật của Pháp lại không có quy định rõ ràng về DOA, mà chỉ ngầm định cho việc áp dụng DOA, thông qua nguyên tắc “quyền tự quyết” của các bên và tính linh hoạt trong tố tụng trọng tài.
Hệ thống pháp luật trọng tài của Việt Nam cũng có cách tiếp cận tương tự như của Singapore, Anh Quốc và Trung Quốc khi Luật Trọng tài Thương mại 2010 của Việt Nam có quy định về DOA. Tuy nhiên, theo ý kiến của tác giả, Luật Trọng tài Thương mại 2010, với vai trò là khung pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động trọng tài tại Việt Nam, cần có quy định cụ thể hơn về DOA nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp này.
Bên cạnh đó, các Trung tâm trọng tài thương mại tại Việt Nam cũng cần cân nhắc xây dựng thêm các quy định cụ thể hơn về DOA, có thể thông qua việc sửa đổi điều khoản về thủ tục rút gọn theo hương chi tiết và đầy đủ hơn hoặc ban hành thêm tài liệu hướng dẫn cụ thể về DOA tương tự như cách làm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kong hay Trung tâm Trọng tài Quốc tế New Zealand, trên cơ sở tham khảo khung pháp lý quốc tế về DOA như Luật Mẫu UNCITRAL, Quy tắc Tố tụng UNCITRAL và Viện Trọng tài Quốc tế.
Trong bối cảnh thương mại hiện đại, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và sự gia tăng các tranh chấp liên quan đến mua bán có giá trị nhỏ hoặc các tranh chấp liên quan tới người tiêu dùng tại Việt Nam, DOA có thể trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp, hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên. Việc bổ sung quy định rõ ràng và cụ thể hơn về DOA trong Luật Trọng tài Thương mại và trong các Quy tắc tố tụng của các Trung tâm trọng tài thương mại tại Việt Nam sẽ tạo tiền đề pháp lý vững chắc để các bên và các trung tâm trọng tài tự tin áp dụng phương thức này trong thực tiễn, giúp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp, qua đó thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài tại Việt Nam.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Văn bản pháp luật
1. Bộ luật Tố tụng Dân sự Cộng hòa Pháp (French Code of Civil Procedure).
2. Đạo luật Trọng tài 1996 Anh Quốc (Arbitration Act 1996, UK).
3. Luật Mẫu UNCITRAL về Trọng tài Thương mại Quốc tế (UNCITRAL Model Law on International Commercial Arbitration).
4. Đạo Luật Trọng tài Quốc tế năm 1994 của Singapore (International Arbitration Act 1994, Singapore).
5. Luật Trọng tài Thương mại 2010 của Việt Nam (Law on Commercial Arbitration 2010, Vietnam).
6. Luật Trọng tài Trung Quốc năm 1994 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2017).
7. Đạo Luật Trọng tài năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) của Singapore (Arbitration Act 2001, amended 2022, Singapore).
8. Nghị định số 2011-48 của Pháp về Trọng tài (Decree No. 2011-48, France).
B. Quy tắc trọng tài và hướng dẫn
1. Quy tắc Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế (Rules of Arbitration of the International Chamber of Commerce – ICC).
2. Quy tắc Trọng tài của Tòa Trọng tài Quốc tế London (Rules of the London Court of International Arbitration – LCIA).
3. Quy tắc Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (Rules of the Singapore International Arbitration Centre – SIAC).
4. Quy tắc Trọng tài UNCITRAL (UNCITRAL Arbitration Rules).
5. Quy tắc Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Rules of Arbitration of the Vietnam International Arbitration Centre – VIAC).
6. Quy tắc Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Rules of Arbitration of the Ho Chi Minh City Commercial Arbitration Centre – TRACENT).
7. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông, “Thủ tục giải quyết tranh chấp giá trị nhỏ và thủ tục trọng tài chỉ dựa trên tài liệu” (Hong Kong International Arbitration Centre Small Claims Procedures and ‘Documents-Only’ Procedures).
8. Trung tâm Trọng tài Quốc tế New Zealand, “Quy tắc trọng tài EIA60” (New Zealand International Arbitration Centre, EIA60 Arbitration Rules).
9. Viện Trọng tài Quốc tế, “Hướng dẫn thực tiễn về trọng tài quốc tế – Thủ tục trọng tài chỉ dựa trên tài liệu” (Chartered Institute of Arbitrators, International Arbitration Practice Guideline – Documents-Only Arbitration Procedures).
C. Sách, tạp chí
1. Wiko, Garuda., Kinanti, F. M. (2021), “Legality Aspect of Conducting Documents-Only Arbitration in Indonesia”, JALREV 3 (2): 17-39 truy cập ngày 25/8/2024.
2. CHAN, Darius and GOH, Gerome. Hearing. (2022), “Handbook of Evidence in International Commercial Arbitration: Key Issues and Concepts”, 247-284, truy cập ngày 25/8/2024.
D. Websites
1. Adraas (2024), “Documents Only Arbitration”, , truy cập ngày 22/8/2024.
2. Lim Seok Hui (2019), “Documents-only” Arbitration: An effective mechanism for the expeditious resolution of disputes, truy cập ngày 22/8/2024.
3. IPleaders (2021), “A primer on document only arbitration” https://blog.ipleaders.in/primer-document-arbitration/, truy cập ngày 22/8/2024.
4. Riya Dani, Document Only Arbitration, truy cập ngày 01/3/2025.
5. Madhvendra Singh (2020), “Documents Only Arbitration - A Step Closer to Green Arbitration”, truy cập ngày 27/8/2024.
[1] Adraas (2024), “Documents Only Arbitration”, truy cập ngày 22/8/2024.
[2] Adraas (2024), “Documents Only Arbitration”, truy cập ngày 22/8/2024.
[3] https://www.barandbench.com/columns/documents-only-arbitration-an-effective-mechanism-for-the-expeditious-resolution-of-disputes.
[4] IPleaders (2021), “A primer on document only arbitration”, truy cập ngày 22/8/2024.
[5] https://www.ciarb.org/media/0ysn0gqi/8-documents-only-arbitration-proceedings-2015.pdf.
[6] Wiko, Garuda., Kinanti, F. M. (2021), “Legality Aspect of Conducting Documents-Only Arbitration in Indonesia”, JALREV 3 (2): 17-39, truy cập ngày 25/8/2024.
[7] truy cập ngày 01/3/2025.
[8] Khoản 1 Điều 24 Luật Mẫu UNCITRAL: “[s]ubject to any contrary agreement by the parties, the arbitral tribunal shall decide whether to hold oral hearings for the presentation of evidence or for oral argument, or whether the proceedings shall be conducted on the basis of documents and other materials. However, unless the parties have agreed that no hearings shall be held, the arbitral tribunal shall hold such hearings at an appropriate stage of the proceedings, if so requested by a party”.
[9] Điều 17.1, Quy tắc Trọng tài UNCITRAL: “If at an appropriate stage of the proceedings any party so requests, the arbitral tribunal shall hold hearings for the presentation of evidence by witnesses, including expert witnesses, or for oral argument. In the absence of such a request, the arbitral tribunal shall decide whether to hold such hearings or whether the proceedings shall be conducted on the basis of documents and other materials”.
[10] https://www.ciarb.org/media/0ysn0gqi/8-documents-only-arbitration-proceedings-2015.pdf.
[11] Điều 1.2, Tài liệu hướng dẫn về DOA, Viện Trọng tài Quốc tế.
[12] https://www.ciarb.org/media/0ysn0gqi/8-documents-only-arbitration-proceedings-2015.pdf.
[13] Điều 3, Luật Trọng tài 2001 sửa đổi bổ sung 2022.
[14] Khoản 1 Điều 25 của Đạo Luật Trọng tài Trong nước của Singapore: “Subject to any contrary agreement by the parties, the arbitral tribunal must determine if proceedings are to be conducted by oral hearing for the presentation of evidence or oral argument or on the basis of documents and other materials”.
[15] Code of Civil Procedure, with the participation of Yves-Antoine TSEGAYE, Lawyer, PhD, LLb, https://allowb.org/acts_pdfs/CPC.pdf, updated 09/30/2005
[16] Điểm a Khoản 2 Điều 34 Đạo luật Trọng tài 1996: “Procedural and evidential matters include: (a) when and where any part of the proceedings is to be held”.
[17] Điểm h Khoản 2 Điều 34 Đạo luật Trọng tài 1996: “Procedural and evidential matters include: (h) whether and to what extent there should be oral or written evidence or submissions”.
[18] Điểm b Khoản 1 Điều 33 Đạo luật Trọng tài 1996: “The tribunal shall: (b) adopt procedures suitable to the circumstances of the particular case, avoiding unnecessary delay or expense, so as to provide a fair means for the resolution of the matters falling to be determined”.
[19] Điều 39 Luật Trọng tài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: “Arbitration shall be conducted by means of oral hearing. Where the parties agree to omit oral hearing, the Arbitration Tribunal may make an award according to the application for arbitration, the bill of defence and other papers”.
[20] Khoản 6 ĐIều 25 Quy tắc trọng tài thương mại quốc tế ICC: “The arbitral tribunal may decide the case solely on the documents submitted by the parties unless any of the parties requests a hearing”.
[21] Khoản 1 Điều 19 Quy tắc Trung tâm Trọng tài Quốc tế London: “Any party has the right to a hearing before the Arbitral Tribunal prior to any ruling of the Arbitral Tribunal on its jurisdiction and authority (pursuant to Article 23) or any award on the merits. The Arbitral Tribunal may itself decide that a hearing should be held at any stage, unless the parties have agreed in writing upon a documents-only arbitration. For these purposes, a hearing may consist of several part-hearings (as decided by the Arbitral Tribunal)”.
[22] Khoản 1 Điều 24 Quy tắc Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore: “Unless the parties have agreed that the dispute will be decided on the basis of written submissions and any accompanying documentary evidence or as otherwise provided in these Rules, the Tribunal shall, if either party so requests or the Tribunal so decides, hold a hearing for the presentation of evidence by witnesses, including expert witnesses, and/or for oral argument”.
[23] Điều 1.3 (b) (ii) Quy tắc Tố tụng Trọng tài Tiêu chuẩn của NZIAC.
[24] Điều 1.3(b) (iii) Quy tắc Tố tụng Trọng tài Tiêu chuẩn của NZIAC.
[25] Điều 1.3(a) Quy tắc Tố tụng Trọng tài Tiêu chuẩn của NZIAC.
[26] Điều 1.3 (b) (i) Quy tắc Tố tụng Trọng tài Tiêu chuẩn của NZIAC.
[27] Điều 24.1 Quy tắc Tố tụng Trọng tài Tiêu chuẩn của NZIAC.
[28] HKIAC, “Hong Kong International Arbitration Centre Small Claims Procedures and “Documents Only” Procedures”, truy cập ngày 25/8/2024.
[29] Quy tắc Tố tụng Trọng tài VIAC: https://www.viac.vn/images/Arbitration/Administered-of-Arbitration/Rules-of-Arbitration/VIAC_Quytactotungtrongtai_2017_VIE.pdf.
Luật sư LƯU XUÂN VĨNH
Công ty Luật TNHH Asia Legal