/ Pháp luật - Đời sống
/ Khó khăn, vướng mắc khi triển khai Thông tư số 41 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Khó khăn, vướng mắc khi triển khai Thông tư số 41 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

09/07/2023 19:53 |

(LSVN) - Tác giả kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại quy định này hoặc hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 41/2021/TT-BGDĐT để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện được thuận lợi và đảm bảo đúng quy định pháp luật.


Ảnh minh họa.

Theo khoản 1 Điều 36 Nghị định số 59/2019/NĐ-CPngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương”. 

Theo quy định nêu trên thì Chính phủ giao người có thẩm quyền quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tácthuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại địa phương là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, có thể hiểu là UBND cấp tỉnh không có thẩm quyền quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác mà phải là cấp bộ, ngành trung ương quy định.

Trong khi đó, tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 41/2021/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi tại đơn vị quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định trên cơ sở danh mụcquy định tại mục II Phụ lục ban hành kèm Thông tư này. Như vậy, Thông tư 41/2021/TT-BGDĐT đã trực tiếp giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thểdanh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở địa phương và trên cơ sở danh mục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Điều này chưa phù hợp với tại khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là: "Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp". 

Tuy nhiên, với quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 41/2021/TT-BGDĐT thì có thể hiểu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ủy quyền tiếp việc ban hành văn bản quy định chi tiết cho UBND cấp tỉnh. 

Việc ủy quyền tiếp cho UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục ở địa phương là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể ở đây là khoản 2 Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Vì vậy, tác giả kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại quy định này hoặc hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 41/2021/TT-BGDĐT để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện được thuận lợi và đảm bảo đúng quy định pháp luật.

​​​​​Thạc sĩ, luật gia PHẠM VĂN CHUNG

​​​​​Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Đề xuất giảm lệ phí cấp hộ chiếu, giấy phép lái xe khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Bùi Thị Thanh Loan