/ Pháp luật - Đời sống
/ Khó khăn, vướng mắc thi hành án dân sự trong vụ án ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Vấn đề kê biên tài sản pháp nhân

Khó khăn, vướng mắc thi hành án dân sự trong vụ án ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Vấn đề kê biên tài sản pháp nhân

08/03/2023 08:42 |

(LSVN) - Thời gian qua, sự việc Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc kê biên, xử lý tài sản kê biên của các Công ty như Công ty Cổ phần Xây dựng 79, Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty TNHH I.V.C, Công ty TNHH Minh Hưng Phát (nay đổi tên thành Công ty TNHH Phú Gia Compound) và Công ty Cổ phần Đầu tư Nhất Gia Phúc trong vụ án Trần Văn Minh và các bị cáo khác phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” đang là điểm nóng được dư luận cả nước quan tâm.

Theo nội dung các đơn thư khiếu nại, kiến nghị thì các Công ty này cho rằng việc Cơ quan tiến hành tố tụng, Cơ quan Thi hành án đã áp dụng không đúng quy định pháp luật khi tiến hành kê biên tài sản trong khi các Công ty này không bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, cũng không liên quan đến vụ án của nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

Để làm rõ quy định pháp luật liên quan đến việc kê biên tài sản của pháp nhân, PV đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Công ty Luật TNHH một thành viên An Pha Na, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Luật sư có thể cho biết pháp luật quy định như thế nào về kê biên tài sản của pháp nhân trong vụ án hình sự?

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch: Kê biên tài sản đối với pháp nhân là một trong những quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại nên người bị kê biên tài sản theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không chỉ là bị can, bị cáo như quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 mà đã mở rộng thêm đối tượng bị kê biên là pháp nhân thương mại. Đây là quy định thể hiện sự phù hợp giữa luật nội dung và luật hình thức.

Theo quy định tại Điều 437 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì:

“1. Kê biên tài sản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.

2. Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho người đứng đầu pháp nhân có trách nhiệm bảo quản; nếu để xảy ra việc tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì người này phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Người có thẩm quyền kê biên chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho người đứng đầu pháp nhân có trách nhiệm bảo quản; nếu để xảy ra việc tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì người này phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 310 Bộ luật Hình sự.

PV: Vậy thực tế có trường hợp nào cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiến hành kê biên tài sản pháp nhân mặc dù họ không bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử?

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch: Căn cứ theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 thì pháp nhận “Có tài chính độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 86 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký”.

Như vậy, pháp nhân là một chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật, có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực pháp luật hình sự theo quy định pháp luật, có tài sản độc lập với các cá nhân, pháp nhân khác.

Mặt khác, khoản 1 Điều 437 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Kê biên tài sản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại”.

Từ các căn cứ nêu trên có thể thấy cơ quan tiến hành tố tụng chỉ kê biên tài sản đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.

Quay lại với vụ án xét xử nguyên chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh và các bị cáo khác phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” nói trên, các Công ty mà bị cáo Phan Văn Anh Vũ là người đại diện theo pháp luật hoặc/và tham gia góp vốn như: Công ty Cổ phần Xây dựng 79, Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty TNHH I.V.C, Công ty TNHH Minh Hưng Phát (Công ty TNHH Phú Gia Compound) và Công ty Cổ phần Đầu tư Nhất Gia Phúc đều được thành lập, góp vốn hợp pháp và có tư cách pháp nhân. Điều này có nghĩa là các Công ty này có tài sản độc lập với các cá nhân, pháp nhân khác và chỉ bị áp dụng biện pháp kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án nêu trên.

Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ án thì các Công ty này không bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án nêu trên, nguồn gốc tài sản của các Công ty được hình thành hợp pháp, thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng và đăng ký quyền sở hữu, sở dụng theo đúng quy định pháp luật.

Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án cần xem xét đến vai trò của các Công ty này, cũng như nguồn gốc tài sản, nguồn gốc tiền sử dụng để mua bán, nhận chuyển nhượng các tài sản mà kê biên các tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Công ty mới phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 437 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Nếu trong quá trình áp dụng biện pháp kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án mà không tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật sẽ dẫn đến thực tế là hiện nay Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng và các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có phương án để giải quyết dứt điểm việc thi hành các bản án. Hậu quả việc áp dụng không đúng quy định pháp luật về việc kê biên tài sản đối với pháp nhân trong khi pháp nhân đó không bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có thể dẫn đến việc pháp nhân phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, có thể đối mặt với việc đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động mất việc làm, nhà nước thất thu nhiều khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thương hiệu và uy tín của pháp nhân bị giảm sút...

PV: Thưa Luật sư, trước thực tế nêu trên, Luật sư có đề xuất giải pháp gì để hạn chế việc kê biên nhầm, kê biên sai?

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch: Để đảm bảo việc kê biên tài sản của pháp nhân được thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh việc gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền của pháp nhân, tránh những rủi ro pháp lý, khiếu nại, tố cáo xảy ra, Tôi đề xuất:

Thứ nhất, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về kê biên đối với tài sản của cá nhân lẫn pháp nhân;

Thứ hai, các cơ quan liên ngành cần có các quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về đối tượng được phép kê biên cũng như làm rõ trách nhiệm dân sự của pháp nhân để áp dụng biện pháp kê biên tài sản của pháp nhân phạm tội, pháp nhân không phạm tội nhưng phát sinh nghĩa vụ dân sự trong vụ án hình sự;

Thứ ba, với những vụ việc bị kê biên nhầm lẫn, sai sót thì cơ quan thi hành án, với chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình nên có ý kiến kiến nghị đến người có thẩm quyền đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm với những bản án đã có hiệu lực pháp luật để tuyên sửa một phần bản án liên quan đến việc kê biên không đúng đối tượng, kê biên vượt quá, từ đó mới tháo gỡ được những vướng mắc trong quá trình thi hành án cũng như trong quá trình thực thi pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật của tất cả mọi cá nhân, tổ chức. 

PV: Cảm ơn những chia sẻ của Luật sư về các nội dung nêu trên.

PV

Đẩy mạnh việc cấp mã định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip

Bùi Thị Thanh Loan