Khởi tố vụ án cháy xưởng chăn ga khiến 3 mẹ con tử vong

13/09/2022 08:19 | 1 năm trước

(LSVN) - Theo Luật sư đây là một vụ cháy rất thương tâm và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vì vậy, cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.

Vụ cháy xưởng chăn ga khiến 3 mẹ con tử vong.

Theo lãnh đạo Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thanh Oai đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" để điều tra vụ hỏa hoạn khiến 3 mẹ con thiệt mạng.

Sự việc xảy ra khoảng 15h30 ngày 10/9, tại thôn Bạch Nao, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ngay khi tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng đã điều động khoảng 60 Cảnh sát tới hiện trường để tham gia công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.

Vụ cháy khiến 3 nạn nhân là chị V.T.V. (SN 1993) và 2 con là cháu N.T.G.H. (SN 2017), N.K.A. (SN 2018) tử vong.

Về tài sản, đám cháy thiêu rụi toàn bộ kho xưởng rộng 300m2, một phần mái tôn đổ sập. Ngôi nhà 3 tầng dạng ống liền kề cũng bị ảnh hưởng. Thiệt hại về tài sản bước đầu xác định khoảng hơn 2 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, xác minh, lãnh đạo Công an huyện Thanh Oai cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ cháy có thể do liên quan đến việc hàn xì vì cơ sở này đang sửa chữa, cải tạo lại tầng 1.

Đã đến lúc cần siết chặt công tác phòng cháy chữa cháy

Dưới góc độ pháp lý, theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp đánh giá đây là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản, do đó cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ hoạt động kinh doanh ở đây để xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định cụ thể về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy". Theo đó, người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm: Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Chia sẻ thêm, vị Luật sư cho biết: Theo quy định của pháp luật, trường hợp cơ sở kinh doanh chăn ga gối đệm này thuộc đối tượng quản lý về phòng cháy, chữa cháy thì phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Điều 5, Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

- Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 31 Nghị định này;

-  Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự,...

Trường hợp đây là hộ kinh doanh kết hợp với nơi ở thì cũng phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Điều 7, Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Cụ thể, hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy.

"Đây là một vụ cháy rất thương tâm và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vì vậy, cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân. Đối với những trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì cần phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật", Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.

TIẾN HƯNG

Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Ai phải bồi thường?