Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, mới đây, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, người không có điện thoại thông minh có thể sử dụng Căn cước công dân hoặc Thẻ bảo hiểm y tế có mã QR để sử dụng thay thế. Chủ địa điểm sẽ sử dụng ứng dụng để quét QR code và ghi nhận lượt ra/vào của khách hàng. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có hạn chế do không có thông tin về số điện thoại của người dân.
Một phương pháp khác được đề xuất là khai báo sẵn tại nhà và in mã QR để sử dụng. Cụ thể, trong trường hợp không có điện thoại thông minh, người dùng có thể nhờ người thân dùng tính năng "Khai hộ" trên các ứng dụng. Sau khi ứng dụng tạo ra mã QR, người dân có thể in mã ra và mang theo để quét khi đến địa điểm công cộng. Dù vậy, lựa chọn này chỉ phù hợp với người có điều kiện in ấn dễ dàng.
Trên thực tế, việc quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã QR đóng vai trò quan trọng trong việc truy vết các mốc dịch tễ. Mỗi người dân khi tới cơ quan, văn phòng, chốt kiểm dịch, bệnh viện, địa điểm công cộng... được lưu lại lịch sử di chuyển khi quét QR code. Trong trường hợp có ca F0 tại một địa điểm, cơ quan chức năng có thể xác định những người có mặt ở địa điểm đó trong cùng khoảng thời gian, từ đó có thể truy vết được các trường hợp F1.
Tuy nhiên thời gian qua, nhiều cửa hàng, địa điểm công cộng còn chưa nghiêm túc trong việc quét mã của khách. Hà Nội cho biết các cơ sở không tạo mã QR địa điểm, nếu bị nhắc nhở quá ba lần sẽ bị yêu cầu dừng hoạt động đến khi tạo điểm quét.
Chính vì vậy, để việc quét mã đạt hiệu quả thực chất, cần sự hợp tác của các cơ quan, đoàn thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ, và chính ý thức của người dân.
HUYỀN TRANG
Hình thức và thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định mới