Báo chí và truyền thông đồng loạt đưa tin một sự kiện gây chấn động trong đời sống pháp luật là việc cựu lãnh đạo ngành Công an bị bắt vì hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, phần lớn dẫn từ bài viết của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, không nêu danh tính, chức vụ mà chỉ là "cựu cán bộ Bộ Công an". Một số tờ báo thì chi tiết hơn một chút nhưng ngay lập tức thông tin về nghi phạm này tràn ngập trên mạng với đủ thân thế, sự nghiệp, thành phần xuất thân, hành vi nhận hối lộ, người đưa, môi giới, mục đích,... và quá trình phạm tội.
Việc bắt giữ một cán bộ nguyên lãnh đạo Tổng cục này đã là một tuyên bố đanh thép "không có vùng cấm" cho những người có hành vi phạm tội, "bất kể người đó là ai". Song, việc đưa tin không rõ ràng, đơn giản ngay cả danh tính cũng không viết hoặc viết tắt khiến dư luận khó chịu và nghi ngờ rằng có một cái gì đó "vị nể", "tránh né" ở đây. Để người dân cũng như dư luận xã hội đồng tình và ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng thì không nên có những động thái này. Đó cũng là một yêu cầu đòi hỏi minh bạch, không nên bao biện là vấn đề "nhạy cảm".
Một diễn biến khác trong đời sống pháp luật cũng gây chú ý của dư luận là việc Bộ Tư pháp dự thảo một văn bản pháp luật, đề xuất đưa số liệu thu hồi tài sản tham nhũng vào danh sách tối mật. Nhiều ý kiến tỏ thái độ không đồng thuận với đề xuất này, vì như vậy, không giúp ích được gì trong việc phòng chống tham nhũng đang ở giai đoạn rất quyết liệt, hơn nữa là thiếu công khai, minh bạch, gây khó dễ cho việc giám sát của các cơ quan chức năng cũng như của các tổ chức, người dân khi thực hiện quyền giám sát của mình. Đặc biệt, mới đây, Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh các biện pháp nhằm thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng vừa được đưa ra thì việc "tối mật" các thông tin về thu hồi tài sản này có vẻ như một động thái ngược chiều.
Cũng tại thời điểm này, khi ông Tất Thành Cang bị truy tố thêm tội gây thất thoát tài sản nhà nước trong vụ bán rẻ 32ha đất ở Phước Kiển (TP. Hồ Chí Minh) cho doanh nghiệp, báo chí liên tục đưa những thông tin về tài sản khổng lồ của ông này. Đây cũng là cách tỏ thái độ của truyền thông đối với cách xử lý tài sản do tham nhũng mà có.
Chống tham nhũng hiệu quả cần đến sự kiên quyết của người đứng đầu và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng lòng của người dân với tiêu chí công khai, minh bạch phù hợp với các điều trong Công ước quốc tế về lĩnh vực này.
NHỊ NGỌC