/ Tư vấn
/ Không đăng ký, có được bảo hộ quyền tác giả hay không?

Không đăng ký, có được bảo hộ quyền tác giả hay không?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tôi có sáng tác 1 bài hát và gửi cho đồng nghiệp nghe thử. Tuy nhiên, tôi chưa đăng ký quyền tác giả cho bài hát này. Mới đây, tôi được biết, người đồng nghiệp này đã cho phát hành bài hát này mà không xin ý kiến hay đề tên tác giả là tôi. Vậy, tôi muốn hỏi, không đăng ký, có được bảo hộ quyền tác giả hay không?

Ảnh minh họa. 

Quyền tác giả là một trong số các đối tượng được Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ. Theo quy định tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) quy định, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. 

Căn cứ vào quy định nêu trên quyền tác giả được phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, đã công bố, đã đăng ký hay chưa. Tuy nhiên, cũng cần xác định tác phẩm đã được thể hiện dưới hình thức vật chất nào hay chưa, trong trường hợp đã được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định thì việc cá nhân, tổ chức khác lấy tác phẩm để đưa vào vị trí của tác giả là đã xâm phạm quyền tác giả. Bởi tác phẩm được bảo hộ kể từ khi được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định.

Bên cạnh đó, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền nhân thân bao gồm các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Trong trường hợp nêu trên, hành vi xâm phạm quyền tác giả được xác định là việc chiếm đoạt quyền tác giả. Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ:

Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả

1.Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học...”

Như vậy, việc cá nhân, tổ chức lấy tác phẩm của người khác để đứng tên là đã xâm phạm quyền nhân thân. Cụ thể là xâm phạm việc đứng tên thật khi tác phẩm được sử dụng. Trong trường hợp này, cá nhân bị vi phạm có thể làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân nơi người đó cư trú để yêu cầu giải quyết.

NGỌC LINH

Làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm, Phó Trưởng Công an huyện và Phó VKS huyện ở Thái Bình sẽ bị xử lý ra sao?

Lê Minh Hoàng