Sau một thời gian triển khai Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, tình hình tại nạn giao thông giảm rõ rệt; ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao; văn hóa tham gia giao thông từng bước được hình thành và duy trì thường xuyên.
Cơ sở hạ tầng giao thông được kiểm tra, rà soát để đầu tư, sửa chữa nâng cấp theo hướng hiện đại, hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người tham gia giao thông. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý giao thông, nhất là xử lý hành vi vi phạm hành chính được thực hiện nhanh, gọn, kịp thời, hiệu quả.

Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng "nhờn luật" có dấu hiệu quay trở lại. Một bộ người dân tham gia giao thông có dấu hiệu không chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, mặc dù biết các chế tài xử phạt đã được tăng nặng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Tại các thành phố lớn, các nút giao thông thường xuyên xảy ra hành vi vượt đèn đỏ, lấn làn đường, đi ngược chiều, không đứng đúng vạch kẻ đường. Tình trạng người tham gia giao thông đi lên vỉa hè xuất hiện thường xuyên, khiến người đi bộ gặp không ít khó khăn khi phải nhường đường trên chính vỉa hè dành cho người đi bộ.
Lực lượng có thẩm quyền xử phạt ra quân theo từng đợt, chưa thường xuyên, do thiếu lực lượng vẫn là nguyên nhân chính xuất hiện tình trạng "nhờn luật" của người tham gia giao thông. Việc áp dụng hình thức phạt "nguội" tuy được tăng cường nhưng còn chậm, nhất là khâu tổ chức xác minh, gửi giấy báo, lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt hành vi vi phạm.
Vẫn còn tình trạng các phương tiện cũ nát (xe máy, xe ba gác,...) dùng để vận chuyển hàng hóa (chở đá, chở ga, chở nước uống, chở vật liệu xây dựng...), sẳn sàng bỏ phương tiện vi phạm nếu bị Cảnh sát giao thông xử phạt... Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ tuy được cải thiện nhưng chưa theo kịp với tốc độ phát triển dân số và gia tăng phương tiện tham gia giao thông, đây là nguyên nhân căn bản của tình trạng kẹt xe tại ngã ba, ngã tư ở các thành phố lớn và là nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật giao thông...
Để khắc phục tình trạng "nhờn luật" lộng hành, tác giả cho rằng cần phải có những giải pháp quyết liệt, thường xuyên và liên tục trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao đường bộ; không tiêu cực hoặc bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý.
Cụ thể, tập trung rà soát, khắc phục và tổ chức hệ thống báo hiệu đường bộ hợp lý, bổ sung biển báo hướng dẫn; kẻ vạch phân chia làn đường, phần đường... tại những địa điểm được phản ánh có vướng mắc, bất cập. Kiểm soát chặt chẽ phương tiện tham gia giao thông, nhất là tại các thành phố lớn; kiên quyết tịch thu các phương tiện cũ nát, hết "đát" gây kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Chú trọng sửa chữa, khắc phục hệ thống đèn tín hiệu giao thông, khôi phục hoặc mở rộng hệ thống đồng hồ đếm ngược tín hiệu đèn, nhằm tạo điều kiện chủ động cho người tham gia giao thông.
Đồng thời, tăng cường xử lý hành vi lấn, chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, phải tạm giữ ngay phương tiện tham gia giao thông nếu đi trên vỉa hè. Kiên quyết tháo dỡ và xử lý nghiêm những điểm trông giữ xe bất hợp pháp gây cản trở, ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông, nhất là ứng dụng hệ thống camera giám sát để phát hiện, xử phạt giao thông... Đặc biệt là phải duy trì, phát triển lực lượng Cảnh sát giao thông để xử phạt, nhất là phải đảm bảo lực lượng túc trực thường xuyên tại các địa điểm có nguy cơ xảy ra vi phạm pháp luật giao thông cao như tại các ngã ba, ngã tư, các địa điểm có nguy cơ xảy ra tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông.
Có như vậy, mới ngăn chặn tình trạng "nhờn luật" của một bộ phận người tham gia giao thông hiện nay.