/ Trao đổi - Ý kiến
/ Không được dẫn giải người bị tố giác khi chưa khởi tố vụ án

Không được dẫn giải người bị tố giác khi chưa khởi tố vụ án

11/08/2021 23:47 |

(LSVN) - Thực tiễn giải quyết tin báo tội phạm, các đối tượng bị tố giác cố tình tránh né, cơ quan điều tra vẫn không có căn cứ xử lý, không thể dẫn giải, dẫn đến hoạt động xác minh, kiểm tra nguồn tin báo tội phạm đi vào ngõ... cụt!

Tại điểm c, khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định được dẫn giải với “người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”, nghĩa là trường hợp chưa khởi tố vụ án thì không được dẫn giải người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. 

Nên những trường hợp khi thụ lý nguồn tin về tội phạm, người bị tố giác tránh né, Cơ quan điều tra không làm việc được gây khó khăn cho việc giải quyết nguồn tin tội phạm. Gặp tình huống này, hầu như cơ quan điều tra bị “trói tay”, phải tạm đình chỉ hoặc ra quyết định không khởi tố vụ án khi hết thời hạn xác minh, kiểm tra nguồn tin. Tình trạng này không khắc phục sẽ dẫn bỏ lọt tội phạm. Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.

Chẳng hạn như vụ “Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai: Hai mẹ con bị tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã được đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam, quá trình xác minh đơn tố giác tội phạm, ngày 10/9/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Lào Cai ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm số 12/QĐTĐC về việc ông T.V.A.  tố cáo bà Phạm Thị Sửu, anh Đào Ngọc Tuân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với lý do: “Sau khi tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thấy, vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cơ quan điều tra đã triệu tập đối tượng Ngô Thị Lài đến để làm việc nhưng đối tượng vắng mặt tại địa phương, chưa xác định được đi đâu, làm gì. Do vậy, không lấy được lời khai, mẫu chữ viết, chữ ký để trưng cầu giám định xác định có phải đối tượng đã nhận và ký giấy nhận tiền với bà Phạm Thị Sửu nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Sửu hay không để có căn cứ đề nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật”. Không đồng tình với Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm của Công an TP. Lào Cai, cho rằng việc tạm đình chỉ không đúng nên các bị hại đã có đơn thư kêu cứu nhiều nơi, mong các cơ quan sớm vào cuộc. Nhưng đến nay cơ quan điều tra Công an TP. Lào Cai vẫn không hề có thông tin nào về vụ việc. 

Trong khi đó, Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố.

Thực tiễn giải quyết tin báo tội phạm, các đối tượng bị tố giác cố tình tránh né, cơ quan điều tra vẫn không có căn cứ xử lý, không thể dẫn giải, dẫn đến hoạt động xác minh, kiểm tra nguồn tin báo tội phạm đi vào ngõ... cụt!  

Để khắc phục tình trạng này, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cần sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 127 theo hướng áp dụng việc dẫn giải đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố bị trong trường hợp những người này vi đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan,...

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ

Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai: Hai mẹ con bị tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Lê Minh Hoàng