/ Thuật ngữ pháp lý
/ Không hồi tố trường hợp đảng viên sinh con thứ ba trở lên đã bị xử lý kỷ luật

Không hồi tố trường hợp đảng viên sinh con thứ ba trở lên đã bị xử lý kỷ luật

21/02/2025 09:41 |1 tháng trước

(LSVN) - Vừa qua, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương đã có Công văn 13421-CV/VPTW ngày 17/02/2025 sơ kết thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới và sửa đổi các quy định của Đảng và Nhà nước liên quan đến chính sách dân số. Trong đó có nội dung về việc xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba trở lên.

Cụ thể, tại Mục 4 Công văn 13421-CV/VPTW nêu rõ, tại phiên họp ngày 14/02/2025, xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về việc rà soát các quy định của Đảng liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số (Công văn 5187-CV/UBKTTW ngày 29/10/2024) và báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ Y tế về việc sơ kết 7 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Tờ trình 33-TTr/BCSĐ ngày 25/12/2024); ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị có ý kiến như sau:

"4. Giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, sửa đổi Quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số và chủ động sửa đổi Hướng dẫn 05-HD/TW ngày 22/11/2022 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ ba trở lên, đồng bộ với việc sửa đổi các quy định của pháp luật (không hồi tố những trường hợp đã bị xử lý kỷ luật)".

Như vậy, sẽ không hồi tố đối với những trường hợp đảng viên sinh con thứ ba trở lên đã bị xử lý kỷ luật.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện nay chưa có quy định cụ thể về khái niệm hồi tố trong văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, dựa trên các trường hợp áp dụng hồi tố trong lĩnh vực pháp lý, thì có hiểu hồi tố là một dạng hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trong những trường cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân thì dù các hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra trong quá khứ trước khi có pháp luật điều chỉnh thì vẫn có thể áp dụng pháp luật hiện hành. Việc áp dụng này được gọi là hồi tố.

Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi năm 2020) cũng quy định rõ hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.

Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:

- Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;

- Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.

Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước.

DUY ANH

Các tin khác

LSVN