/ Trợ giúp pháp lý
/ Không hợp tác khi lực lượng chức năng đưa đi cách ly phòng chống dịch bị xử lý thế nào?

Không hợp tác khi lực lượng chức năng đưa đi cách ly phòng chống dịch bị xử lý thế nào?

28/05/2021 08:09 |

(LSVN) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế đối với những trường hợp tiếp xúc với người nhiễm, người nghi nhiễm là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít người đang cố tình trốn tránh việc cách ly y tế, không hợp tác khi lực lượng chức năng đưa đi cách ly phòng chống dịch. Trong trường hợp như vậy, cá nhân sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Thời gian qua, dư luận hết sức bất bình và lên án hiện tượng trốn cách ly hoặc không hợp tác khi lực lượng chức năng đưa đi cách ly phòng chống dịch Covid-19. Nghiêm trọng hơn là có hiện tượng, cá nhân được xác định là dương tính Covid-19 nhưng khi cơ quan chức năng đến nhà để đưa đi điều trị thì đã chống đối, cố thủ trong nhà không chịu hợp tác. Đây là những hình vi cần phải xử lý nghiêm bởi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCov) gây ra vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Trong đó, mức phạt với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như sau:

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

Theo đó, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tếv ới các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Những trường hợp được xác định là dương tính với Covid-19 nhưng cố tình không đi điều trị, cách ly thì có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, theo quy định tại Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nêu rõ:

Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người":

a) Trốn khỏi nơi cách ly;

b) Không tuân thủ quy định về cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Mức phạt cho hành vi này theo quy định của Điều 240 là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 - 05 năm. Tuy nhiên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các khung hình phạt tăng nặng khác tại Điều 240 như: Phạt tù từ 05 - 10 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người; phạt tù từ 10 - 12 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên.

Như vậy, người không tuân thủ quy định cách ly Covid-19 có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt tù đến 12 năm. Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 240 quy định, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm. Do đó, người dân cần nghiêm túc chấp hành quy định phòng chống dịch Covid-19 để chung tay cùng cộng đồng phòng ngừa dịch bệnh.

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH

Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

'Lợi ích nhóm' - Một thứ vi trùng nguy hiểm

Lê Minh Hoàng