/ Trao đổi - Ý kiến
/ 'Lợi ích nhóm' - Một thứ vi trùng nguy hiểm

'Lợi ích nhóm' - Một thứ vi trùng nguy hiểm

25/05/2021 03:45 |

(LSVN) - Đã từ lâu cụm từ “lợi ích nhóm” được sử dụng trong các Văn kiện của Đảng. Trong các bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 3 (tháng 10/2011), Hội nghị lần thứ 4 (tháng 12/2011), Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo nguy cơ “lợi ích nhóm”.

Ảnh minh họa.

“Lợi ích nhóm” cũng như một thứ vi trùng nguy hiểm làm nảy sinh nhiều chứng bệnh trong Đảng. “Lợi ích nhóm” có phần nguy hiểm hơn chủ nghĩa cá nhân vì chính là chủ nghĩa cá nhân được hợp pháp hóa thông qua nghị quyết, quyết định của tập thể thậm chí hình thành nên nhóm phạm pháp cực kỳ nguy hại. Đây không những là nguồn gốc của tham nhũng, mà còn làm hư hỏng đội ngũ quản lý các cấp và nguồn gốc của bất bình đẳng của quần chúng.

Lời cảnh cảnh báo về “lợi ích nhóm” nêu trong các Văn kiện của Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021 do Bộ Tư pháp tổ chức cuối năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thể chế pháp luật và thực thi pháp luật là nền tảng quan trọng để xây dựng đất nước. Bộ Tư pháp cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung khắc phục cho được những mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật. “Chồng chéo là vấn đề lớn hiện nay, do đó, pháp điển hóa pháp luật là vấn đề cần tiếp tục đặt ra cho ngành Tư pháp”.  Không để xảy ra tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật. Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, chú ý đến các yếu tố pháp lý trong quá trình quyết định chỉ đạo, điều hành.       

Tháng 3/2021, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thống nhất bổ sung 4 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong đó có vụ việc sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan đến một số dự án tại tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 08/5/2021, ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng - đã kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng về xử lý các vụ việc sai phạm tại tỉnh Khánh Hòa. Trưởng Ban Nội chính Trung ương yêu cầu các cơ quan chức năng ở Trung ương bám sát để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; kết quả thực hiện các nội dung trên phải báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trước ngày 30/6 để phục vụ phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo. 

Tham nhũng, tiêu cực của nhóm tội phạm chức vụ quyền hạn kéo dài đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước, làm mất lòng tin của cán bộ và nhân dân. Bản chất  đây chính là “băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm” là “giặc nội xâm” nguy cơ tồn vong của chế độ, cần nhận diện để xử lý nghiêm minh như loại tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Thực tiễn và pháp lý, cụm từ “lợi ích nhóm” chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam, cáo trạng và lời luận tội của Viện Kiểm sát đã dùng cụm từ “lợi ích nhóm” trong phiên tòa tranh tụng vụ án Đinh La Thăng ,Trịnh Xuân Thanh. Kết quả xét xử đã có phán quyết có hiệu lực. Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã bị kết án về hành vi phạm tội trong thời gian giữ chức vụ với mức án nghiêm minh. 

Hàng loạt các “đại án" trong các “dự án” đều mang tính chất  lợi ích nhóm ở các tỉnh thành  đã và đang tiếp tục được đưa ra ánh sáng pháp luật thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước xử lý kiên quyết, không có vùng cấm.

Thực tiễn “lợi ích nhóm” được nhận diện phổ biến trong lĩnh vực đất đai, quản lý tài sản nhà nước, đó là hiện tượng các “nhà đầu tư” cấu kết, quan hệ mật thiết với quan chức quản lý về đất đai, tài sản nhà nước để được giao đất công, được “mua” hoặc nhờ chính quyền thu hồi đất của dân áp giá bồi thường “theo quy định”. Sau đó, họ tác động với những người, những cơ quan có thẩm quyền để chỉnh sửa quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án kinh doanh bất động sản, hưởng lợi sự chênh lệch về giá trị một cách vô cùng lớn. Hậu quả là Nhà nước và người dân bị tước đoạt quyền quản lý sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đất với tên gọi rất hợp pháp “vì phát triển kinh tế, xã hội…” thông qua các nghị quyết, các quyết định, chủ trương về đầu tư, thu hồi đất… 

Thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy, trên 70% khiếu kiện đông người liên quan đến chính sách thu hồi và đền bù đất đai thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư bất động sản chuyển tiếp theo Luật Đất đai 2013, người bị thu hồi đất bị áp giá bồi thường nhà đất giá bèo, chủ đầu tư được hưởng lợi “khủng”. Nhóm lợi ích đã lợi dụng bất cập của Luật Đất đai để tước đoạn quyền sở hữu, quyền sụng đất của Nhà nước và người có quyền sử dụng đất. 

Tiêu cực tham nhũng phát sinh do trong công tác đền bù đất  đai chưa được minh bạch, công khai, chưa hợp lý, công bằng; một số  cán bộ có chức vụ quyền hạn trong quản lý  đất đai có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực đã tạo ra bức xúc, bất bình trong nhân dân, tạo nên các khiếu kiện tập thể, kéo dài, gây mất lòng tin của nhân dân, nguy cơ tạo thành các “điểm nóng” về trật tự an toàn xã hội.

Việc xử lý nghiêm minh đối với nhóm tội phạm chức vụ quyền hạn là việc làm vô cùng cần thiết trong tình hình hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng và làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo các cấp. Có xử lý công khai minh bạch, nghiêm minh thì mới có thể hạn chế việc khiếu kiện đông người ảnh hưởng đến về an ninh chính trị, lấy lại niềm tin của nhân dân vào cơ quan công quyền.

Về tình tiết “lợi ích  nhóm" - Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao đã nêu quan điểm trên Tạp chí Kiểm  sát cho rằng: “Cụm từ 'lợi ích nhóm' là mang tính chất  chính trị để chỉ sự cấu kết giữa những người có chức, có quyền làm sai pháp luật để tham nhũng. Những hành vi này Bộ luật Hình sự quy định là phạm tội có tổ chức. Bản luận tội có đề cập đến “lợi ích nhóm” là thể hiện quyết tâm chính trị trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Nghĩa là, đối với các vụ án tham nhũng, gây hậu quả nghiêm trọng thì phải phát hiện lợi ích nhóm để xử lý một cách kiên quyết, với tinh thần không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng...”.

Để đảm bảo cho công tác phòng, chống và xử lý tội phạm tham nhũng trong tình hình hiện nay, từ thực tiễn xét xử các loại  tội phạm tham nhũng, chức vụ, quyền hạn, thiết nghĩ Quốc hội cần xem xét thể chế hóa Nghị quyết Trung ương, cần bổ sung tình tiết “lợi ích nhóm” là  tình tiết tăng nặng trong Bộ luật Hình sự để xử lý nghiêm minh nhóm tội tham nhũng, đảm bảo áp dụng pháp luật được thống nhất.  

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ

Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Hà Nội dừng hoạt động nhà hàng, cắt tóc, khu vui chơi

 

Lê Minh Hoàng