Liên quan đến bệnh nhân L.V.C. (BN3092), SN 1980 ở số 9 chợ Tía, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội có tiền sử dịch tễ đi du lịch Đà Nẵng và ở chung khách sạn với trường hợp dương tính Covid-19 là chuyên gia Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi quay trở lại địa phương người này đã không khai báo y tế theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố mặc dù chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, xã về tình hình dịch bệnh và yêu cầu người dân đi về từ vùng dịch phải khai báo y tế.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thường Tín đã nhanh chóng vào cuộc tập trung xác minh, làm rõ mọi thông tin về việc không tuân thủ, chấp hành các nguyên tắc đảm bảo y tế phòng chống dịch Covid-19 của bệnh nhân L.V.C.
Theo xác minh, từ ngày 27 đến 29/4 vừa qua, anh L.V.C. đã đi Đà Nẵng cùng cơ quan và ở tại khách sạn Mường Thanh (đường Võ Nguyên Giáp). Trong thời gian trên, anh này có tiếp xúc với chuyên gia Trung Quốc nhiễm Covid-19.
Tối 03/5, anh L.V.C. có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, khó chịu, ho khan, đau cơ, tức ngực, khó thở, mất vị giác.
Ngày 04/5, anh L.V.C. đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec (cơ sở ở Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Đến ngày 06/5, khi quay lại Bệnh viện Đa khoa Medlatec để khám, lần này các xét nghiệm của anh L.V.C. cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngày 03/5, lịch trình tiếp xúc và di chuyển của anh L.V.C. còn tiếp xúc với anh D.V.H. (SN 1987, ở 26 chợ Tía) tại nhà hàng Thiềm thuộc huyện Thường Tín. Ngày 06/5, kết quả xét nghiệm, anh D.V.H. dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cơ quan Công an đang tiếp tục xác minh việc khai báo y tế không thành khẩn của bệnh nhân L.V.C. Xác định vi phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Vậy, theo quy định của pháp luật, hành vi không khai báo y tế của bệnh nhân L.V.C. trên đã làm lây lan dịch bệnh cho nhiều người có thể bị xử lý như thế nào? Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh đánh giá, người cố ý làm lây lan bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh.
Trong trường hợp bệnh nhân L.V.C. cố ý che giấu tình trạng bệnh hoặc làm lây lan tác nhân gây bệnh Covid-19, bệnh nhân này sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cụ thể:
Điều 7. Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. |
Trong trường hợp bệnh nhân L.V.C. biết mình bị Covid-19 mà vẫn cố ý làm lây lan dịch bệnh cho người khác, thông qua một trong những hình thức như: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối… thì sẽ bị xử lý hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. Việc xử lý hình sự hay không có thể tham khảo theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020.
Luật sư Thanh cũng lưu ý thêm, đó là việc phải có hành vi cố ý từ bệnh nhân L.V.C. khi làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì mới bị áp dụng chế tài.
Ngoài ra, Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết thêm, đối với hành vi cố ý trốn tránh không khai báo y tế sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính: Hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối là hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Căn cứ khoản 7 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì đây là hành vi bị nghiêm cấm.
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, trước đó, để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 30/3/2020 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 45/TANDTC-PC hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người".
Điều 240. Tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; b) Làm chết 02 người trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội "Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người" theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người 1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Luật sư Tùng cũng nêu quan điểm, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cần phải tiến hành chặt chẽ hơn nữa. Cần phải tiến hành xử lý nghiêm khắc các hành vi không khai báo y tế của những người vi phạm để răn đe, cảnh tỉnh cho người dân.
Như vậy, để có thể xác định chính xác mức xử phạt đối với hành vi không khai báo y tế trung thực, đầy đủ làm lây lan dịch bệnh cho nhiều người của bệnh nhân L.V.C. ở Thường Tín thì cần căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra. Trong trường hợp có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người" theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc tội "Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người" theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước đó, liên quan đến việc xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến ổ dịch Covid-19 tại Hà Nam. Tỉnh Hà Nam thực hiện nghiêm túc việc xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan trường hợp BN2899 và ổ dịch Covid-19 xả ra tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam theo đúng quy định của pháp luật, đúng người, đúng việc. Cụ thể, Công an Hà Nam khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, theo Điều 240 của Bộ luật Hình sự. Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và rút khỏi danh sách ứng cử Đại biểu HĐND huyện Lý Nhân, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Ngụy Cao Phi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân. Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và rút khỏi danh sách ứng cử Đại biểu HĐND xã và không giới thiệu tham gia ứng cử chức danh Chủ tịch UBND xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân nhiệm kỳ 2021-2026, đối với ông Phan Thanh Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Đạo Lý. Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lương Thanh Ngọc, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đạo Lý, huyện Lý nhân. Theo đó, BN2899 sinh năm 1993, trú tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là công dân Việt Nam từ Nhật Bản trở về, đã hoàn thành thực hiện cách ly ở Đà Nẵng nhưng khi về địa phương đã không thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, các quy định của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, vẫn tổ chức liên hoan, ăn uống, di chuyển trong cộng đồng, gây lây lan dịch bệnh cho các cá nhân khác. Bệnh nhân này là nguồn lây nhiễm cho rất nhiều người ở Hà Nam và hàng chục người ở địa phương khác. |
HỒNG HẠNH
Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ theo Nghị định 21/2021/NĐ-CP