(LSVN) - Nếu cần lấy một ví dụ điển hình cho tình trạng cán bộ tiếp tay cho tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực quản lý đất đai thì vụ án xảy ra tại thành phố Vũng Tàu đáp ứng đủ các thủ đoạn cũng như tiến trình phạm tội, sự cấu kết cũng như bài bản thực thi của loại tội phạm này.
Đó là lập ra một công ty để thực hiện dự án xây dựng nhà ở, thương mại nào đó để chiếm đất, sau đó kêu gọi và ký kết cái gọi là "hợp đồng góp vốn", thực chất là bán nền để thu tiền mặc dù chẳng có cơ sở pháp lý gì với mảnh đất đó, vừa thu tiền vừa móc ngoặc với các quan chức địa phương để hợp thức hóa dưới chiêu bài chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bất chấp cả quy hoạch hoặc đất ở ổn định của nhân dân,... Phần lớn các "phi vụ" lừa đảo này trót lọt nhưng cũng có một số trường hợp không được may như thế, ở đây là Vũng Tàu.
Theo cáo trạng, một nhóm người lập ra công ty để làm dự án trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp rộng 43ha, vốn đầu tư 13.000 tỉ đồng. Nhóm người này đã ký 321 hợp đồng góp vốn, thu hơn 400 tỉ đồng trong khi chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp, chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng, chưa góp đủ vốn và không có năng lực tài chính thực hiện dự án. Nhóm người này đã "liên kết" với chính quyền thành phố Vũng Tàu, từ các cán bộ địa chính, quản lý đô thị đến ông Chủ tịch thành phố để họ "phá vỡ" quy hoạch và cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ nông nghiệp sang đất ở. Những người "góp vốn" sau 2 năm không nhận được nhà đất, họ tố cáo và kết quả của cơ quan điều tra là cho ra đời một vụ án, bên công ty thực hiện dự án phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; còn bên cán bộ nhà nước bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định quản lý đất đai". Gọi chính xác động tác của các cán bộ này là tiếp tay cho hành vi lừa đảo!
Hành vi phạm tội này xảy ra từ năm 2010 đến 2013, bị phát hiện vào năm 2015, điều tra và truy tố đưa ra xét xử vào năm 2018, nhưng khi đó Tòa án trả lại hồ sơ để điều tra thêm. Và, sau hơn 2 năm thì vụ án xét xử nguyên Chủ tịch thành phố Vũng Tàu cùng các cộng sự (giờ là đồng phạm) ngày 28/10/2020 mới được tiến hành. Đáng lưu ý rằng, trong thời gian vụ án này bị "ngâm" thì hàng loạt các hành vi lừa đảo tương tự như thế này đã xảy ra, đưa bao nhiêu những "nhà đầu tư", "người góp vốn" vào cảnh khốn cùng, gây bất ổn trong đời sống xã hội và bất an trong trật tự trị an; cản trở các hoạt động kinh doanh lành mạnh và làm ô nhiễm trầm trọng môi trường đời sống pháp luật. Kịp thời là một biểu hiện của nghiêm minh pháp luật, để lâu, chậm trễ còn đâu tính răn đe, cảnh báo, giáo dục, làm gương?!
NHỊ NGỌC